Vụ án Hồ Duy Hải đang được các cơ quan của Quốc hội và cấp có thẩm quyền xem xét đánh giá lại toàn bộ vụ án, nhằm không chỉ bảo đảm xử lý đúng trình tự tố tụng hình sự, đúng người, đúng tội cho riêng vụ án, mà hy vọng sẽ là vụ án điển hình cho nhiều trường hợp về sau trong hoạt động tư pháp.
Trong các bài bình luận trước, chúng tôi đã đề cập đến yêu cầu khởi tố “tội làm sai lệch hồ sơ vụ án” và cùng với bình luận của rất nhiều nhà báo và chuyên gia Pháp lý.
Hướng điều tra của vụ án đã bị xác định sai lệch do những hành vi của điều tra viên, kiểm sát viên mà bộ luật hình sự đã mô tả rõ, đó là các dấu hiệu: “thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy hoặc làm hư hỏng các tài liệu, vật chứng của vụ án hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch nội dung vụ án…”.
Các sự kiện liên quan đến con dao, cái thớt, đến chiếc ghế inox … bị tiêu hủy và thất lạc đều là dấu hiệu của tội hình sự rõ ràng và gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với Hồ Duy Hải trong khi hung thủ thì vẫn ở trong bóng tối.
Các biểu hiện của sự lệch hướng điều tra cụ thể như sau:
- Một là xác định sai thời gian gây án.
- Hai là bỏ sót nghi phạm, người liên quan.
- Ba là bỏ sót các nghi vấn xuất hiện tại hiện trường.
- Bốn là bỏ sót sự bất nhất trong lời khai các nhân chứng, đặc biệt là lời khai của chính bị cáo Hồ Duy Hải.
- Năm là xác định sai động cơ của hung thủ.
Về nghi phạm thì hiện còn lại người thanh niên áo vàng và nhân vật được lời khai ghi nhận là kỹ sư Trung, liệu có phải đây chỉ là một hay là hai người khác nhau? Tại sao hồ sơ vụ án không có lời khai của người này?
Về các nghi vấn hiện trường thì có rất nhiều, nhưng một dấu hỏi rất lớn là ảnh chụp từ ngoài Bưu điện cầu voi sáng hôm sau cho thấy của cuốn trên lầu Bưu điện mở ra và rèm kéo lại, trong khi đó lối đi lên lầu bị khóa.
Một nhân chứng khai rằng đêm xảy ra án mạng lúc 22h vẫn thấy trên lầu sáng đèn. Như vậy bí ấn xảy ra trên lầu vẫn chưa được làm sáng tỏ.
Nghi vấn này được nhà báo Trương Châu Hữu Danh phát hiện và ông cũng đưa ra đề nghị rằng phải điều tra lại vụ án.
Về hai dấu tay trên vòi nước tại bồn rửa toa lét cũng cho thấy không phải của Hồ Duy Hải, vậy thì cơ quan điều tra đã xác định của ai? Đó là do các nhà báo phát hiện, còn các dấu tay khác thì quá trình xác định ra sao, lẽ ra phải có dấu tích hoặc rất nhiều dấu tích khác nhau tại hiện trường.
Về động cơ gây án thì kết luận điều tra cũng không thuyết phục, bởi dấu hiệu cướp tài sản chỉ dựa vào lời khai của Hồ Duy Hải, tuy nhiên lời khai của Hải tiền hậu bất nhất và không có chứng cứ hoặc lời khai của nhân chứng khác để đối chiếu. Về động cơ hiếp dâm thì không có dấu hiệu cụ thể. Trong khi đó các vết cắt cổ đều sắc gọn và dứt khoát cho thấy hung thủ là một kẻ tỉnh táo và máu lạnh. Các đồ vật còn lại có thể suy đoán hung thủ là người thân quen với nạn nhân. Liệu đây có phải do ghen tuông hay lý do gì khác?
Vấn đề sai lệch lớn nhất của hướng điều tra chính là xác định sai thời gian gây án, thời gian tử vong của nạn nhân.
Vấn đề này được Luật sư Trần Đình Dũng bình luận như sau:
Trong các vụ án giết người, nạn nhân tử vong (phần lớn án truy xét vì không bắt được quả tang) như vụ án Hồ Duy Hải, Cơ quan Điều tra (CQĐT) truy xét trở lại những người có liên hệ qua điện thoại, email, trực tiếp… sát với thời điểm nạn nhân tử vong để lần tìm tung tích hung thủ. Cho nên xác định chính xác thời điểm hung thủ ra tay sát hại nạn nhân là vô cùng quan trọng trong điều tra vụ án.
Hồ sơ vụ án mô tả Hồ Duy Hải giết hại 2 nạn nhân được mô tả trong bản án phúc thẩm như sau:
Khoảng 19h ngày 13/1/2008, Hải đi xe mô tô của bà Rưỡi (dì ruột) đến bưu điện Cầu Voi, vào bên trong ngồi nói chuyện với chị Hồng. Khoảng 20h30′ Hải đưa tiền và kêu Vân đi mua trái cây. Khi chị Vân đi, Hải nảy sinh ý định quan hệ sinh lý với Hồng, nhưng bị chị Hồng phản ứng. Hải tức giận đánh vào mặt, bóp cổ, lấy thớt đập vào mặt và đầu làm chị Hồng bị ngất. Sau đó Hải lấy dao cắt vào cổ chị Hồng.
Căn cứ vào thời điểm mốc 20h30′, Điều tra viên triệu tập các nghi can và loại dần để tìm hung thủ. Khi thời điểm này bị sai, có thể hung thủ thật sự có tình tiết ngoại phạm (chẳng hạn lúc 20h30’ đang ở quán café).
Ngược lại, người thật sự không phải hung thủ có thể không chứng minh được tình tiết ngoại phạm trong thời điểm này và vô hình chung người này bị đưa vào diện “nghi can đặc biệt” để điều tra viên tập trung hướng điều tra vào họ.
Vì tính chất quan trọng của thời điểm nạn nhân bị sát hại chết nên ngay khi khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, CQĐT phải yêu cầu bác sĩ pháp y đưa ra thời điểm nạn nhân chết để sàng lọc đối tượng. Trong vụ Hồ Duy Hải cả hai nạn nhân chết do vết cắt cổ sâu tới tủy xương nên nạn nhân tử vong ngay khi hung thủ ra tay.
Trong hồ sơ các vụ án giết người phải có hai thời điểm nạn nhân tử vong. Thời điểm thứ nhất là thời điểm do bác sĩ pháp y đưa ra bằng phương pháp khoa học từ các dấu tích tại thi thể, chẳng hạn “nạn nhân tử vong cách thời điểm khám nghiệm từ 15h đến 17h”. Thời điểm thứ hai do điều tra viên suy luận từ các lời khai, chứng cứ khác nhưng phải căn cứ từ thời điểm tử vong do pháp y đưa ra, chẳng hạn trong vụ án này là 20h30’ ngày 13/1/2008. Nếu hai thời điểm này chênh nhau thì phải làm rõ trở lại, kể cả khám nghiệm lại.
Thế nhưng, trong vụ án này thời điểm tử vong của hai cô gái không được phía pháp y đưa ra mà điều tra viên dựa vào các lời khai. Đây chính là sai lầm có thể dẫn đến chệch hướng truy tìm hung thủ.
Hai kết luận Giám định pháp y số 21/PY.08 và 22/PY.08 cùng ngày 17/1/2008 đều bỏ trống thời gian tử vong của hai nạn nhân. Đây rõ ràng là thiếu sót quá nghiêm trọng.
Khi phía pháp y không đưa ra thời điểm nạn nhân tử vong, việc truy xét nghi can khó có thể chặt chẽ để tránh “lọt sàng” nghi can vì lúc đó điều tra viên không có cột mốc để suy luận ra thời điểm gây án.
Thời điểm nạn nhân tử vong khó có thể là 20h30’ như kết luận điều tra.
Các bản khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi mô tả khá chi tiết các đặc điểm như sau:
+ Biên bản khám nghiệm tử thi Nguyễn Thị Thu Vân lúc 11h40’ ngày 14/1/2008 không ghi nhận bất kỳ vết hoen ố nào ngoài da nạn nhân. Biên bản còn ghi “Bụng: da không trầy xước; Lưng: không thấy dấu vết gì” – Bút lục số 55 hồ sơ vụ án.
+ Biên bản khám nghiệm tử thi Nguyễn Thị Ánh Hồng lúc 12h10’ ngày 14/1/2008 không ghi nhận bất kỳ vết hoen ố nào ngoài da nạn nhân. Biên bản còn ghi “Lưng: không thấy dấu vết gì” – Bút lục số 57 hồ sơ vụ án. Ngoài ra Bản giám định pháp y số 21/PY.08 ngày 17/1/2008 đối với thi thể Nguyễn Thị Ánh Hồng cũng có kết luận “Bụng: da không trầy xước” – Bút lục số 60 hồ sơ vụ án.
+ Kết luận tại Bản giám định pháp y số 21/PY.08 ngày 17/1/2008 đối với thi thể Nguyễn Thị Ánh Hồng có kết luận “Dạ dày có chứa thức ăn đã nhuyễn, lượng ít” – Bút lục số 60 hồ sơ vụ án.
+ Biên bản khám nghiệm hiện trường (bắt đầu lúc 8h10’ và kết thúc lúc 13h10’) ngày 14/1/2008 ghi “Trên sàn nhà nơi hai nạn nhân nằm có vũng máu đọng chưa khô hoàn toàn.” – Bút lục số 46 hồ sơ vụ án.
Sở dĩ nêu ra chi tiết các bút lục hồ sơ như trên để chúng ta thấy hiện rõ ba chi tiết, gồm: vũng máu chưa khô, cơ thể không có vết hoen ố và thức ăn đã nhuyễn trong dạ dày. Những chi tiết này đối chiếu với các công bố khoa học tại giáo trình pháp y cho thấy nạn nhân tử vong trong khoảng thời gian nào?
Thứ nhất, đối với dấu tích “Vết hoen tử thi”: Khi chết, trước 2h tử thi chưa xuất hiện hoen, từ 2 đến 10h hoen không cố định (bán cố định) và trên 10h sau chết hoen cố định. Nhưng các bản mô tả cho thấy trên thi thể cả hai nạn nhân không có vết hoen cố định nào. Điều này cho thấy khó mà suy ra các nạn nhân chết cách thời điểm khám nghiệm lên đến 15h đồng hồ (khám nghiệm lúc 11h40’ ngày 14/1 và điều tra kết luận chết lúc 20h30’ ngày 13/1).
Thứ hai, đối với dấu tích “Thức ăn nhuyễn trong dạ dày”: Cơm nhuyễn hoàn toàn biểu thị nó ở dạ dày đã hơn 3h. Nhưng đối với thức ăn khó tiêu hóa khác thì để thành nhuyễn phải ở trong dạ dày nhiều giờ hơn.
Chúng ta lưu ý khi cơ thể ngừng hoạt động thì tất cả các cơ chế tiêu hóa ở dạ dày ngừng theo. Nếu nạn nhân chết lúc 20h30′ thì phải ăn bữa tối trước 17h30′. Nhưng lúc 17h nhân chứng L.T.T.H vẫn còn ở lại Bưu điện Cầu Voi với hai nạn nhân và chưa chuẩn bị bữa ăn tối, nên khó có thể cho rằng nạn nhân đã ăn tối trước 17h30’.
Ngoài ra chi tiết “Vũng máu chưa khô” cũng có thể cho thấy nạn nhân chết cách lúc khám nghiệm hiện trường (8h10’ ngày 14/1/2008) chưa lâu. Nếu nạn nhân chết lúc 20h30’ thì tới thời điểm khám nghiệm hiện trường vũng máu đã có thời gian lên tới gần 12h đồng hồ. Khi đó không thể có vũng máu chưa khô tồn tại.
Việc bác sĩ pháp y không đưa ra khoảng thời gian nạn nhân tử vong là một thiếu sót quan trọng tới mức dẫn đến việc điều tra viên không có căn cứ xác định thời gian hung thủ sát hại nạn nhân. Điều này dẫn đến nhiều khả năng có nghi can “lọt qua” do có tình tiết ngoại phạm, ảnh hưởng tới việc truy xét tội phạm. Đây là thiếu sót nghiêm trọng có hậu quả pháp lý lệch hướng điều tra, không bảo đảm xử lý đúng người phạm tội.” Luật sư Trần Đình Dũng đưa ra kết luận.
Sự chệch hướng điều tra cũng được Facebook Võ Tòng bình luận như sau:
Từ những gì mà chúng ta nhìn thấy, đáng lẽ CQĐT phải mở rộng đối tượng tình nghi theo nhiều hướng mới phù hợp môn khoa học điều tra mà họ đã học, nhưng không, sau khi loay hoay hơn 02 tháng không tìm được manh mối gì, điều này cũng dễ hiểu, vì họ đâu có thực hiện đầy đủ các hoạt động như yều cầu của một vụ án giết người. Sau đó, có lẽ vì một duyên cớ nào đó, họ nhắm đến một thanh niên tuy có ham mê cờ bạc nhưng chưa đến nỗi là người xấu. Từ lời khai của anh Đinh Vũ Thường, Hồ Văn Bình về chiếc xe Dream và người thanh niên tóc dài, kết với việc nhà bà Nguyễn Thị Rưỡi cũng có 01 chiếc xe Dream như thế, trong khi anh Còi và anh Trí cũng thừa nhận đã nhìn thấy một người đàn ông khác hoàn toàn với Hồ Duy Hải, nhưng họ không mảy may đoái hoài đến lời khai của anh Còi và anh Trí, họ đã loại bỏ các giả thuyết một cách chủ quan nhất mà không hề có một chứng cứ khoa học thuyết phục nào để bác bỏ các giả thuyết đó.
Cái cách mà họ bắt được Hồ Duy Hải trong hoàn cảnh có lẽ là chuyện xưa nay hiếm.
Các bạn hãy xem các phóng sự về hành trình phá án của ANTV, các bạn sẽ thấy một điểm chung trong các vụ án giết người không có nhân chứng, là CQĐT nhờ thực hiện nghiệp vụ tinh thông, đã lần ra hung thủ là ai, và cũng nhờ sự bám chặt địa bàn của các trinh sát, nên đã tóm gọn không cho hung thủ có cơ hội tiếp tục trốn chạy.
Còn tên giết người tàn độc tên Hồ Duy Hải thì sao? Hắn vẫn sinh hoạt bình thường với gia đình, khi CQĐT Long An mời thì hắn vẫn vô tư đến nộp mạng để CQĐT thoải mái bắt hắn, có hung thủ máu lạnh nào ngu như thế không?
Tại sao Hồ Duy Hải được lựa chọn? Theo tôi, vì Hải có quen biết 02 nạn nhân, thường đến bưu điện lấy báo thể thao mà Hải đặt mua và đặc biệt là có tình ý với một trong hai nạn nhân. Kịch bản được dựng lên rằng, vào tháng 10/2007, Hải tình cờ quen với chị Vân trên chuyến xe từ Sài Gòn về Thủ Thừa, sau đó Hải đặt báo rồi thường đến bưu điện lấy báo nên nãy sinh tình ý với chị Hồng (người có 02 tình nhân tên Nguyễn Mi Sol và Nguyễn Văn Nghị hay Hữu Nghị nào đó), nhân một buổi tối đến tán tỉnh người đẹp, Hải nãy sinh dục vọng nên tìm cách dụ chị Vân đi mua trái cây để có cơ hội (mặc dù thời gian chỉ vài phút) để hiếp dâm chị Hồng, ý định “ăn vụn” chớp nhoáng bất thành, cái ác trong người Hải trỗi dậy nên đã tàn nhẫn giết chị người yêu, rồi để che giấu tội ác của mình, Hải lạnh lùng giết luôn người bạn gái. Câu chuyện này thật sự không thể khôi hài hơn, chắc chỉ có các em học sinh (đôi khi các em cũng không) tin là có thật?! Các “hoạt náo” viên còn ầm ĩ rằng, nạn nhân Hồng là cô gái lẳng lơ, do tính dễ dãi ấy của nạn nhân là nguồn cơn của thảm kịch.
Thảm kịch về chuyện tình ngang trái này đều được những người gần đó trình bày tương tự như nhau. Mọi người hãy chú ý sẽ thấy câu chuyện ấy chỉ được nói theo một chiều, hầu như không ai nói và nghi ngờ anh chàng người yêu của chị Vân (một cô gái đoan trang).
Phải chăng không một chàng trai nào theo đuổi Vân? Xâu chuỗi sự kiện dường như không có gì đáng chú ý sẽ cho chúng ta suy nghĩ theo một hướng khác mà chưa ai dám nghĩ đến. Chúng ta đều biết Hải quen Vân trước, vì Vân mà Hải đặt mua báo tại bưu điện để có lý do chính đáng thường xuyên đến bưu điện. Đồng thời, mọi người đều biết thời điểm đó, các cô gái bưu đa phần là con cháu nhà quan, lại có nhan sắc nên đa phần rất chảnh, con trai nhà không có vị thế thì hầu như không thể nào tiếp cận được. Chị Hồng có nhan sắc và đang có người yêu, thì Hải có phải là đối tượng mà chị Hồng chiếu cố hay không, hơn nữa lý do ban đầu mà Hải tạo ra để thường xuyên đến Bưu điện Cầu Voi là gì? Là để gặp Vân các bạn nhé. Như vậy, tôi đoán người mà Hải yêu thích chính là Nguyễn Thị Thu Vân.
Nhưng tại sao trong hồ sơ điều tra, người yêu của Hải là Hồng mà không phải là Vân? Dễ giải thích thôi mọi người, phải đổi người yêu thì kịch bản hài mới hợp lý!
Thu Thủy từ TpHCM – Thoibao.de (tổng hợp)
>>> Vụ Hồ Duy Hải: người mặc áo vàng bí ẩn và 4 bút lục biến mất khỏi hồ sơ
>>> Vụ Hồ Duy Hải: ai đã cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án?
>>> Vụ Hồ Duy Hải: kịch bản vụ án khác hẳn với kết luận điều tra