Một phát hiện mới chưa từng được nêu ra nhưng là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, đó là Thẩm phán chủ tọa phiên tòa sơ thẩm xét xử Hồ Duy Hải lại là người có mặt trong buổi thực nghiệm điều tra, phát hiện này nhờ bản ảnh chụp hiện trường lưu trong hồ sơ vụ án.
Thẩm phán Lê Quang Hùng, chủ tọa phiên tòa sơ thẩm của TAND tỉnh Long An xét xử Hồ Duy Hải đã có mặt tại buổi thực nghiệm hiện trường ngày 20/8/2008.
Một vị Thẩm phán lẽ ra phải xuất hiện khi xét xử vụ án, thì hà cớ gì lại đi chứng kiến bị cáo thực nghiệm điều tra theo kế hoạch của Điều tra viên?
Bởi lẽ điều tra vụ án phải là quá trình độc lập không liên quan đến Thẩm phán, lẽ ra Thẩm phán chỉ được tiếp nhận hồ sơ sau khi có kết luận điều tra, và trước đó chưa thể giả thiết là bị can có tội hay không có tội.
Sau khi Viện kiểm sát ra đồng ý với kết luận điều tra rồi thiết lập bản xong cáo trạng thì hồ sơ mới đến tay Tòa án. Kế đó Chánh án mới phân công cho một thẩm phán bất kỳ, và chưa chắc gì đã vào tay vị thẩm phán Lê Quang Hùng, người tự nhiên lại có mặt trong bức ảnh chụp hiện trường thực nghiệm điều tra, thật là kỳ quái. Xin lưu ý rằng các cơ quan Điều tra, Kiểm sát và Tòa án là 3 cơ quan riêng, với những chức năng quyền hạn tách biệt và độc lập với nhau.
Về sự bất thường kỳ quái này, nhà báo Nguyễn Đức phân tích như sau:
“Sáng 13/6, Luật sư Trần Hồng Phong ( bảo vệ quyền lợi cho Hồ Duy Hải) cho biết đầu tuần tới (15/6) ông sẽ tiếp tục có đơn cung cấp tình tiết mới và kiến nghị kháng nghị tái thẩm vụ án Hồ Duy Hải.
LS Phong cho biết về tố tụng, trong bản ảnh thực nghiệm hiện trường do CQĐT chụp (ngày 20/8/2008) cho thấy một tình tiết bất ngờ đó là thẩm phán Lê Quang Hùng – người sau đó là chủ tọa phiên tòa sơ thẩm đã có mặt chứng kiến quá trình thực nghiệm điều tra.
Theo quy định tại Điều 42 và 46 BLTTHS 2003 (nay là Điều 49 và 53 BLTTHS 2015) thì: Người tiến hành tố tụng (thẩm phán) phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi nếu họ đã tham gia với tư cách là người làm chứng trong vụ án đó; hoặc có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.
Theo luật sư Phong, dù thẩm phán Hùng không chính thức tham gia vào quá trình thực nghiệm điều tra với tư cách là người làm chứng, tuy nhiên việc ông có mặt, chứng kiến Hồ Duy Hải thực nghiệm điều tra (là một thủ tục tố tụng thuộc giai đoạn điều tra và có ý nghĩa tương đương vai trò là người chứng kiến) rồi sau đó chính ông lại là Chủ tọa phiên tòa xét xử sơ thẩm là không vô tư, khách quan.
Mặt khác, sự có mặt của thẩm phán Lê Quang Hùng khi vụ án vẫn đang trong giai đoạn điều tra, chưa có kết luận điều tra, chưa có cáo trạng nhưng đã có thẩm phán (là người của cơ quan xét xử) tham gia vào là điều bất thường và không bảo đảm sự độc lập.
Từ những tình tiết mới trên, luật sư Trần Hồng Phong đề nghị Viện trưởng VKSND tối cao xem xét và ra quyết định kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với vụ án này theo quy định tại Điều 400 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.”
Hôm thứ hai ngày 15-6-2020, phát biểu trước Quốc hội, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng “chưa bao giờ thấy niềm tin với nền tư pháp thấp như bây giờ“.
“Nói một cách thẳng thắn và đau lòng, tôi là một trong những người làm công tác pháp luật hàng chục năm, từng tham mưu cho công tác cải cách tư pháp, những ngày qua tôi nhận được nhiều tin nhắn, điện thoại của các đồng chí, kể các các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước đã về hưu nói ‘chưa từng bao giờ thấy niềm tin với nền tư pháp Việt Nam thấp như bây giờ, họ nói đừng đi bào chữa’, đại biểu Nhưỡng nói.
“Tôi đã đọc tất cả những vụ án vừa qua, xem xét từng vấn đề vụ án Hồ Duy Hải và có rất nhiều những vấn đề liên quan đến công tác tố tụng tôi phát hiện ra mà không có thời gian nêu ở đây.
Phải nói những sai lầm của tố tụng, của tư pháp thì đừng đổ lỗi cho những người như đại biểu Quốc hội làm rối. Đại biểu Quốc hội phẩm chất không bao giờ làm rối đất nước này, nếu không có đại biểu Quốc hội phát hiện ra điều đó, không kiên quyết những vấn đề đó thì liệu các đồng chí có đàng hoàng để làm không?”, ông Nhưỡng tiếp tục đặt vấn đề.
Trước đó Phó chánh án toà Cấp cao – ông Phạm Hồng Phong, đã có phát ngôn gây “bão” tại nghị trường về vụ án Hồ Duy Hải khi cho rằng những câu hỏi về khuất tất của vụ án này là “bị lực lượng chống phá lợi dụng”. Quan toà Phong nói cần cảnh giác với “các thế lực thù địch phản động đang đòi tam quyền phân lập”.
Tuy nhiên theo bài viết của Báo Sạch thì ông Phạm Hồng Phong tuy làm thẩm phán nhưng chưa bao giờ học Luật. Ông Phong tốt nghiệp khoa Quản lý Kinh tế Nông Nghiệp tại trường Kinh tế Kỹ Thuật tỉnh Hậu Giang vào năm 1987.
Từ năm 1991-1997, ông Phong kinh qua các cơ quan: Sở Nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, công ty Vật tư Tổng hợp Hậu Giang, Phó Chủ tịch Uỷ ban xã Long Trị, phó Giám đốc Trung tâm Văn hoá – Thể thao huyện Long Mỹ (Hậu Giang).
Đến 7.1997, ông Phong đột ngột chuyển sang ngành Toà án và trở thành Phó Chánh án huyện Long Mỹ (Hậu Giang).
Từ đó, ông Phong thăng tiến trong ngành Toà án khi nắm giữ các vị trí quan trọng như Phó Chánh án, Chánh án toà án tỉnh Hậu Giang. Năm 2018, chánh án toà Tối cao Nguyễn Hoà Bình bổ nhiệm ông Phong làm Phó Chánh án toà Cấp cao tại TP.HCM.
Cũng trong ngày 15-6, thì vụ án Hồ Duy Hải được nêu ra giữa Quốc hội và được Chánh án Nguyễn Hòa Bình trả lời, tuy nhiên ông Nguyễn Hòa Bình đã nói dối một cách trắng trợn ngay giữa nghị trường.
Một số người cho rằng ông Nguyễn Hòa Bình có thể không đọc hết hồ sơ và cũng không có trình độ thẩm phán vì chưa từng được bổ nhiệm thẩm phán.
Hoặc có thể ông có bản tính cố chấp, cãi chày cãi cối lấy được cho mình bất kể đó là sự công minh của Pháp luật và tính mạng con người.
Về sự kiện này, nhà báo Nguyễn Đức bình luận trên Facebook cá nhân với tựa đề: CHÁNH ÁN TỐI CAO NÓI DỐI HOẶC KHÔNG NẮM HỒ SƠ, HOẶC VÌ LÝ DO GÌ?
“Chánh án tối cao chỉ dựa vào lời khai nhận tội, còn các lời khai rành mạch trong phiên tòa của Hồ Duy Hải rằng:”dạ thưa bị cáo không giết người”, thì Chánh án hoàn toàn không biết!”
Ông Nguyễn Hòa Bình nói tại Quốc hội sáng 15/6 về vụ Hồ Duy Hải như sau:
…”Công an mua dao, thớt, vật tương tự để cho Hải, những người có liên quan nhận diện xem có đúng dao có mặt tại hiện trường và là hung khí không. Kết quả, để một loạt dao, Hải nhận diện đúng dao gây án. Mặc dù lời khai lúc thế này thế khác, lúc ngắn lúc dài nhưng khi nhận diện thì Hải nhận diện đúng con dao công an phường vứt đi khi dọn.
Còn nhiều nội dung khác không thể nói hết trong thời gian ngắn. Đại biểu nào quan tâm chúng tôi sẵn sàng trao đổi thông tin.
Hồ Duy Hải có 25 lời khai nhận tội. Lời khai nhận tội đầu tiên do Hải tự viết ra khá chi tiết, chứ ko phải là bản hỏi. Ở những thời điểm quan trọng của vụ án đều nhận tội.
Khi nhận kết luận điều tra của cơ quan điều tra, Hải nhận tội. Khi nhận cáo trạng của VKS Hải cũng khẳng định đúng, kết thúc phiên toà phúc thẩm, gửi đơn cho Chủ tịch nước, kể cả sau sơ thẩm Hải cũng ko kêu oan, chỉ xin giảm nhẹ hình phạt. Người kêu oan nhiều nhất là mẹ Hải ở ngoài trại giam“.
Đó là những lời ông Nguyễn Hòa Bình nói trước Quốc hội mà nhà báo Nguyễn Đức phải thốt lên rằng: “Thật là ngụy biện, loanh quanh!”
Ông Nguyễn Đức đưa ra lập luận và dẫn chứng như sau:
“Hãy xem biên bản phiên tòa phúc thẩm để thấy Hồ Duy Hải chưa bao giờ được áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội.
Mọi câu hỏi của Tòa đều nhằm buộc tội Hải. Không có bất kì câu nào gỡ tội, hoặc chí ít làm rõ sự thật vụ án!
-Tòa phúc thẩm hỏi “Cơ quan điều tra có 1 số sơ suất trong quá trình tác nghiệp nhưng đừng vì 1 vài sơ suất đó mà bị cáo kêu oan…”; “Bị cáo thừa nhận tội và chỉ xin giảm án thôi phải không?”
Trước các câu hỏi của Tòa phúc thẩm.
Hồ Duy Hải đáp: Dạ thưa bị cáo không giết người.
Biên bản phiên tòa sơ thẩm TAND tỉnh Long An
Còn đây là lời khai Hải tại phiên sơ thẩm:
Kiểm sát viên hỏi: Bị cáo có thực hiện hành vi giết người không?
Hồ Duy Hải nói: không
Kiểm sát viên hỏi: bị cáo có dùng thớt đập đầu Hồng không?
Hồ Duy Hải nói: Không có
Rất nhiều lần tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm Hồ Duy Hải đều kêu oan, khai không giết, lúc nhận tội lúc bảo chỉ khai vậy. Rõ ràng trong trại giam Hải phải chịu 1 áp lực kinh hoàng, 1 thanh niên 24 tuổi làm sao chịu nổi. Ngay ông Nguyễn Thanh Chấn – một đàn ông trung niên còn phải “tập giết người” nhận tội cho đẹp bản cung cơ mà.
“Quý cơ quan tố tụng bảo Hải dùng thớt đập đầu, dao giết nạn nhân… vậy dao thớt đâu? Tại sao đem đi hủy vật 2 chứng này?
Vi phạm tố tụng này đã làm sự thật vụ án bị che lấp. 17/17 vị thẩm phán tối cao lại giơ tay kết luận rằng: vi phạm tố tụng không làm thay đổi bản chất vụ án. Nói thế thì các vị chả khác gì 2 cấp tòa kia.” Nhà báo Nguyễn Đức kết luận.
Báo Pháp luật của Bộ tư pháp Việt nam có bài viết phân tích cụ thể việc này với tựa đề: “Thực sự là Hồ Duy Hải đã kêu oan hay chỉ kêu giảm án?”
Bài báo nêu rằng Hồ Duy Hải đã “Kêu oan từ trước khi có cáo trạng”
Theo luật sư Nguyễn Văn Đạt (người bào chữa cho Hải trong cả hai phiên tòa sơ phúc thẩm) thì ngay trong lần đầu tiên gặp Hải (trước khi có cáo trạng), Hải đã kêu oan và từ đó đến nay, Hải liên tục kêu oan nhưng không được xem xét và trong hồ sơ vụ án không hề ghi nhận điều này.
Tại phiên tòa sơ thẩm, Hải đã kêu oan, LS Đạt đã có bài bào chữa kêu oan nêu ra 41 điểm bất hợp lý, vi phạm tố tụng trong hồ sơ vụ án và đề nghị tòa tuyên bố không đủ bằng chứng buộc tội Hải.
Điều kỳ lạ là phiên tòa sơ thẩm có đông đảo người dân Long An tham dự đứng tràn ra ngoài sân và ở hai bên đường Nguyễn Huệ, Trương Định, được truyền loa phóng thanh ra ngoài, nhân chứng cho biết là âm thanh của các người khác phát biểu đều được truyền rất tốt, nhưng đến phần kêu oan của Luật sư Đạt thì âm thanh bị hư, không ai nghe được gì cả.
43 lần gửi đơn kêu oan
LS Đạt cho biết, trong đơn kháng cáo Hải đã kêu oan. Với quan điểm bào chữa công khai, thẳng thắn, LS Đạt gởi đến HĐXX văn bản bài bào chữa kêu oan cho Hải trước khi phiên phúc thẩm diễn ra. Cẩn thận hơn, gần ngày xử phúc thẩm, ông còn gửi văn bản cho chủ tọa phiên tòa nêu tóm tắt quan điểm là Hải bị oan.
Nhưng rất tiếc là những quan điểm này không được HĐXX tranh luận và cũng không đưa vào bản án. Một ngày sau phiên xử sơ thẩm, LS Đạt đã gởi đơn kêu oan, xin giám đốc thẩm.
Sau đó, ông nhiều lần cùng mẹ Hải ra Hà Nội gửi đơn khắp các cơ quan liên quan, các Đại biểu Quốc hội nhưng không ai giải quyết. Từ năm 2012 đến nay, LS Đạt không đi gởi đơn trực tiếp mà hàng tháng gửi đơn qua đường bưu điện để kêu oan xin giám đốc thẩm. Mỗi lần ông đều cập nhật số thứ tự và lá đơn gần đây nhất là lá đơn thứ 43.
Mỗi lần đi thăm nuôi mà có thể nói chuyện riêng, Hải đều nhắc nhở gia đình là làm đơn gửi Chủ Tịch nước kêu oan. Gia đình Hải và các luật sư cũng không hề nhận quyết định bác đơn ân xá của Chủ Tịch nước. Thật sự Hải có làm đơn xin ân xá hay không? Nếu có thì làm trong hoàn cảnh nào? Trong tiến trình tố tụng vụ án của Hải lại xảy ra những hiện tượng kỳ lạ rất khó giải thích.
Đến giờ này, Hải có làm đơn xin ân xá hay không? LS Trần Hồng Phong khẳng định: “Với tư cách là luật sư hỗ trợ pháp lý cho gia đình Hải trong việc xin giám đốc thẩm kêu oan cho Hải, tôi khẳng định Hải có kêu oan dù tôi cũng xác nhận có rất nhiều bản khai trong trại giam Hải khai mình là hung thủ giết người. Vấn đề này, về mặt tố tụng hình sự, tôi đã trình bày rõ trong “Đơn đề nghị giám đốc thẩm” của mình.
Tuy nhiên, tôi vẫn muốn trình bày lại về việc Hải kêu oan thể hiện ở những tài liệu/bằng chứng sau đây: Trong bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Long An có ghi việc Hải kêu oan. Hải khai rằng mình chỉ khai giết người theo lời của một công an xã chứ không thực sự giết người. Tuy nhiên Tòa sơ thẩm đã không chấp nhận lời khai lại này”. Luật sư Đạt, bà Nguyễn Thị Rưởi (dì của Hải), bà Nguyễn Thị Loan (mẹ của Hải) cũng đều khẳng định là Hải không làm đơn xin ân xá giảm án mà chỉ có đơn kêu oan.”
Vậy mà ông Nguyễn Hòa Bình lại nói Hồ Duy Hải không kêu oan mà chỉ xin giảm án, thật ngạc nhiên là ông dám nói láo ngay giữa Quốc hội, một cơ quan quyền lực tối cao của quốc gia.
Thu Thủy từ TpHCM – Thoibao.de (tổng hợp)
>>> Vụ Hồ Duy Hải: tình tiết nào để kháng nghị tái thẩm vụ án?
>>> Vụ Hồ Duy Hải: lời khai của nhân chứng đầu tiên cũng bị “biến mất”
>>> Vụ Hồ Duy Hải: Điều tra viên đã dựng một kịch bản tồi tàn như thế nào