Trái ngược với quan điểm của Hội đồng thẩm phán Toà án Nhân dân Tối cao và Chánh án Nguyễn Hòa Bình, thì Uỷ ban Tư pháp Quốc hội đã đưa ra kết luận là những vi phạm nghiêm trọng tố tụng “có thể làm thay đổi bản chất vụ án”.
Cùng lúc đó trên mạng xã hội đã bùng nổ với hàng loạt bài viết và lời bình luận về những phát biểu hết sức chủ quan cố chấp và dối trá của ông Chánh án Nguyễn Hòa Bình giữa nghị trường.
Trong ngày 16/6/2020, Ủy ban Tư pháp (UBTP) của Quốc hội đã họp phiên toàn thể để xem xét toàn bộ vụ án Hồ Duy Hải, trong đó trọng tâm là xem xét tính đúng đắn, hợp pháp của Quyết định giám đốc thẩm số 05/2020/HS-GĐT ngày 8/5/2020 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao.
Phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp về vụ án Hồ Duy Hải là do gia đình Hồ Duy Hải gửi đơn, các đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng cũng có đơn đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét vụ án này, sau khi có quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao vào ngày 8/5 vừa qua.
Theo đó, các thành viên Ủy ban Tư pháp xem xét tất cả quá trình điều tra, truy tố, xét xử từ sơ thẩm đến phúc thẩm, nhưng đặc biệt xem xét quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao về vụ án.
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội sẽ có văn bản kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị xem xét lại quyết định giám đốc thẩm vụ án
Nguồn tin cũng cho biết, đa số thành viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thống nhất ý kiến về việc Ủy ban Tư pháp của Quốc hội sẽ có văn bản báo cáo và kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chánh án TAND tối cao xem xét lại quyết định giám đốc thẩm theo đúng thẩm quyền, quy định tại Điều 404 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Theo đại diện Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, những vụ án khác chỉ cần 1 trong 4 căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm theo luật định là có thể kháng nghị, trong khi vụ Hồ Duy Hải có đầy đủ cả 4 căn cứ: Việc điều tra xét hỏi tại phiên tòa phiến diện hoặc không đầy đủ; kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố hoặc xét xử; có những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật hình sự.
Việc điều tra, xét hỏi tại phiên tòa không đầy đủ, không làm rõ được những mâu thuẫn trong vụ án. Kết luận trong bản án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án, chứng cứ ngoại phạm của Hồ Duy Hải chưa được xem xét, đánh giá kỹ dẫn đến kết luận trong bản án về thời gian Hồ Duy Hải có mặt ở Bưu điện Cầu Voi là chưa thuyết phục. Kết luận trong bản án sai với kết luận giám định. Bản án phúc thẩm phản ánh không đúng về phiên tòa sơ thẩm. Bản án kết luận dựa trên sự “suy diễn chết người” của kết luận điều tra và cáo trạng.
Một điểm nữa, theo Báo cáo của Ủy ban Tư pháp là cơ quan điều tra, cơ quan chức năng đều lựa chọn sử dụng những chứng cứ có lợi trong việc buộc tội, mà không phản ánh trung thực, khách quan những chứng cứ có lợi cho việc gỡ tội.
Ủy ban Tư pháp cho rằng: Việc điều tra, xét hỏi tại phiên tòa không đầy đủ, không làm rõ được những mâu thuẫn trong vụ án.
Thành viên Ủy ban Tư pháp tại phiên họp đã đánh giá những vi phạm trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án là nghiêm trọng, có thể làm thay đổi bản chất vụ án.
Như vậy, trái ngược với quan điểm của Hội đồng thẩm phán Toà án Nhân dân Tối cao trong phiên giám đốc thẩm ngày 13/5 – quá trình điều tra, truy tố có sai phạm nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án, thì hôm nay, Uỷ ban Tư pháp Quốc hội đã kết luận là “có thể làm thay đổi bản chất vụ án“.
Facebook của nhà báo Trương Châu Hữu Danh đăng một dòng tin ngắn: “Đã có 8 người chết. Giờ thêm một người chờ chết (52 tuổi)”
Theo nguồn tin chưa có điều kiện kiểm chứng thì người nằm liệt một chỗ chờ chết này chính là ông Đinh Văn Sang, Viện trưởng VKS nhân dân tỉnh Long an, người đã phát biểu đòi tử hình dứt khoát Hồ Duy Hải vào ngày 7-12-2017 trong chương trình phát trực tiếp trên truyền hình tỉnh Long An. Trong clip này, ông Đinh Văn Sang đã đề nghị Quốc hội nguyên văn là:“thi hành dứt khoát Hồ Duy Hải”, tức là giết Hồ Duy Hải càng sớm càng tốt.
Hàng loạt những bình luận và phân tích của các Facebook của nhà báo và giới Luật sư đã chỉ ra sự yếu kém trong những biện giải của Chánh án Nguyễn Hòa Bình trước Quốc hội.
SUY ĐOÁN & CHỨNG CỨ là tựa đề cho bình luận của Tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng- Nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông viết như sau:
Trích lời ông Nguyễn Hòa Bình nói rằng:”Có trực tiếp gây án thì Hồ Duy Hải mới nhận biết chính xác hung khí” – đó là loại suy đoán theo hướng có tội.
Nhận định rằng: “Hồ Duy Hải nhận biết chính xác hung khí có thể bị ép cung hoặc mớm cung chứ chưa chắc đã gây án” – đó là suy đoán vô tội.
Dấu vân tay, vết máu, sợi tóc trên hung khí hoặc trên người nạn nhân là chứng cứ trực tiếp, khách quan. Đây là những chứng cứ không thể ngụy tạo và không thể chối cãi. Khi những chứng cứ này không thu thập được, thì tất cả chỉ là suy đoán. Mà đã là suy đoán thì có thể đúng và cũng có thể sai.
Tuy nhiên, suy đoán vô tội thì có thể để lọt tội phạm, nhưng không bao giờ để xảy ra oan sai. Ngược lại Suy đoán có tội lại có thể vừa để xảy ra oan sai, lại vừa để lọt tội phạm.” Tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng kết luận.
Điều này cũng trùng với quan điểm của nhiều Luật sư rằng ông Nguyễn Hòa Bình không hề có tư duy về nguyên tắc Suy Đoán Vô Tội, có thể nói đó là một nguyên tắc có tính chất căn bản của Luật hình sự.
Facebook Lê Thế Thắng đưa ra quan điểm rằng:
“Chánh án Nguyễn Hoà Bình ở phiên Giám đốc thẩm đầu tháng 5 có thể do mù mịt hồ sơ nên nhận định, kết luận về vụ án kiểu đó, dù rất ngớ ngẩn thì vẫn còn có gì đó chấp nhận được.
Nhưng Chánh án Nguyễn Hoà Bình tại diễn đàn Quốc hội như hôm qua, sau rất nhiều sai phạm, khuất tất trong quá trình điều tra, tố tụng của vụ án được phơi bày mà vẫn nguỵ biện bằng những luận điểm ngớ ngẩn “ngu lì” đó – thì quả là tuyệt vọng.
Không phải tuyệt vọng cho Hồ Duy Hải và gia đình, mà là tuyệt vọng cho toàn dân Việt Nam này.
Đất nước này hết người để điều hành, lãnh đạo rồi hay sao?
FB Nguyễn Quốc Việt lo ngại sau này cũng chính 17 vị thẩm phán ấy lại tiếp tục nhân danh công lý để ra phán quyết với danh từ gọi tên rằng đó là “Hội đồng dao thớt”.
FB Nguyễn Quốc Việt nhận định:
Chủ tịch QH cần lập Hội đồng Hiến pháp tạm thời (vì ta chưa có Tòa án Hiến pháp) để xem xét lại Quyết định giám đốc thẩm của Tòa tối cao vụ án bưu điện cầu Voi.
Không thể để “Hội đồng dao thớt” xem lại quyết định của họ trước đó, họ lại biểu quyết y như cũ thì cũng như không.
Nếu họ không chấp nhận kiến nghị của UB Thường vụ QH và quyết tử với quyết định của mình thì sao?
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng đưa ra phân tích với tiêu đề BẤT THƯỜNG LÀ BẤT THƯỜNG GÌ?
“Khám nghiệm hiện trường, bản ảnh ghi lại cái thớt dính máu, mà đem tiêu hủy vì không nghĩ cái thớt là hung khí gây án, đó là cái bất thường thứ nhất.
Bất thường thứ hai là, dân phòng phát hiện con dao nhưng vứt đi, nạn nhân thì bị cắt cổ mà không nghĩ đến dao thì nghĩ đến gì?
Bất thường thứ ba là không thu thập dấu vân tay, vết máu ngay khi khám nghiệm hiện trường.
Những điều bất thường đó, nếu suy diễn logic, khó có thể là vô ý, chủ quan hay trình độ lạc hậu của cơ quan điều tra được.
Tôi nghi vấn về dấu hiệu của hành vi cố ý làm thay đổi hiện trường, xóa dấu vết tội phạm, cho đến khi quyết định bắt Hồ Duy Hải.
Đề nghị, cơ quan điều tra của VKSND tối cao vào cuộc!
Luậ sư Trần Đình Dũng đưa ra thông tin mới rằng:
Rút bỏ Bản cung khai KHÔNG nhận tội của Hồ Duy Hải ra khỏi hồ sơ để chỉ còn Bản cung nhận tội: SỰ PHÁ ÁN BỈ ỔI CỦA ĐIỀU TRA VIÊN ?
Trong hồ sơ mà Viện kiểm sát nhân dân tối cáo gửi lên Ủy ban Tư pháp Quốc Hội có chi tiết rằng “Lời khai đầu tiên của bị cáo không nhận tội thì không đưa vào hồ sơ vụ án cũng như không có trong hồ sơ lưu trữ của cơ quan điều tra“
Như vậy, đây rõ ràng là hành vi sai trái quá tệ của phía Cơ quan điều tra. Sau khi những lời khai không nhận tội của Hồ Duy Hải bị rút ra, thì chỉ còn lại lời khai nhận tội.
Từ trước tới nay, Cơ quan chức năng tỉnh Long An toàn thông tin rằng Hải trong tất cả các bản cung đều khai nhận tội, chỉ xin giảm nhẹ hình phạt. Thậm chí có cả bản cung Hải nhận tội có luật sư ký vào (nhưng là LS nguyên Điều tra viện – CA tỉnh Long An mới chuyển sang làm luật sư).
Như vậy Điều tra viên có phá án một cách gian dối bỉ ổi không?” Luật sư Trần Đình Dũng đặt câu hỏi.
Luật sư Nguyễn Văn Quynh đưa ra nhận định rằng:
“Người ta thừa biết, nếu hủy án Hồ Duy Hải trả về làm lại thì sẽ tuyên vô tội. Vì chả có chứng cứ trực tiếp nào ngoài 25 lời nhận tội cả.” Trong khi đó ông Huỳnh Văn Nén có tới 50 lời khai nhận tội dù cả hai vụ án ông đều ngoại phạm. Ông Nén cũng cởi áo tại toà chỉ các vết thương do bị cán bộ điều tra dùng nhục hình, bức cung khiến ông Khai Nhận Tội, thế nhưng HĐXX không xem xét. Sau đó ông Nén đã chịu 17 năm án oan.
Hôm qua Chánh án Nguyễn Hòa Bình trả lời trước Quốc Hội về các căn cứ để tuyên Hồ Duy Hải có tội. Toàn bộ trả lời thấy rằng. Chỉ căn cứ vào 25 lời khai nhận tội phù hợp hiện trường để kết tội mà không có chứng cứ vật chất trực tiếp nào tại hiện trường là do HDH thực hiện tội phạm. Ông Bình còn nhấn mạnh rằng: “Nếu một người không ở đó thì không thể biết con gấu, cái đĩa…để chính xác vị trí nào được” Đây là suy đoán chủ quan, phiến diện, không có căn cứ.
Bởi vì, Huỳnh Văn Nén cũng không có mặt tại hiện trường và thực hiện hành vi giết bà Bông và bà Nga mà khai vanh vách 50 bản cung nhận tội luôn giết hai người, hai vụ án mà.
Ông Nén cũng không kêu oan mà chỉ có người cha đi kêu oan cho con thôi.
Tôi hỏi ông Bình. Cách nay 01 tuần ông ăn những món gì, làm việc gì ông có mô tả chính xác được không ?
Theo ông Bình báo cáo Quốc hội thì thấy rằng, kết tội Hồ Duy Hải chỉ dựa vào lời khai mà không chứng minh được vật chứng, công cụ phương tiện chứng minh tội phạm. Đây là việc kết tội hết sức khiên cưỡng, nguy hiểm, trái nguyên tắc suy đoán vô tội theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
Theo diễn biến vụ án mà ông Bình phát biểu thì đã rõ. Ngoài động cơ mục đích phạm tội của HDH đang mâu thuẫn với bản án, còn có vật chứng, Dao, thớt, tài sản, sim điện thoại, nhẫn… của nạn nhân không thu được để chứng minh dấu vết tội phạm, mà chỉ dựa vào lời khai nhận tội để kết án là hết sức chủ quan, phiến diện. Tuy nhiên, bản ảnh hiện trường ngay đã chụp đầy đủ thì tại sao các dấu vết công cụ phạm tội lại bị mất đi sau đó tìm vật tương tự không có dấu vết tội phạm để chứng minh tội phạm. Hay, là hung thủ khác mà cố tình hủy vật chứng để đổ tội cho Hồ Duy Hải?
Mẫu ADN và dấu chân, vân tay, thu được lại không trùng với Hồ Duy Hải. Đây là vấn đề quan trọng nhất của vụ án lại không chứng minh được các dấu vết phù hợp với lời khai nhận tội của HDH. Các chứng cứ này không phù hợp với HDH như vậy phải có hung thủ khác phù hợp với các dấu vết này. Và chắc chắn không phải là Hồ Duy Hải.
Nhận tội trong 4 bức tường khi bị giam đã xảy ra với Huỳnh Văn Nén mà tôi bào chữa, và với Hồ Duy Hải thì việc chứng minh 25 lời nhận tội và truy xét chủ quan phù hợp với diễn biến quá trình phạm tội là không khách quan, chưa nói bị ép cung, dùng nhục hình, mớm cung…hay không. Vật chứng, và hiện trường không có gì chứng minh dấu vết cho sự có mặt của Hồ Duy Hải khi gây án.”LS Nguyễn Văn Quynh nói.
Cũng là Luật sư Nguyễn Văn Quynh đã chỉ ra việc ông Nguyễn Hòa Bình thành lập Hội đồng thẩm gồm 17 người là hoàn toàn sai Luật. LS Quynh cũng lo ngại rằng cũng Hội đồng gồm 17 thẩm phán cũ đã xét xử thì có thể họ sẽ giữ nguyên quan điểm cũ, bác kiến nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Luật sư Nguyễn Văn Quynh lập luận:
Căn cứ khoản 4, Điều 382 BLTTHS đối với Kháng nghị Giám đốc thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sẽ thành lập Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao Giám đốc thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm 5 thẩm phán.
Không hiểu ông Chánh án Nguyễn Hòa Bình áp dụng điều luật nào để huy động hết toàn bộ HĐTP Tòa án tối cao gồm 17 thẩm phán để thành lập HĐXX giám đốc thẩm, đây là việc áp dụng không có căn cứ pháp luật, dẫn tới áp dụng sai tố tụng.
Như vậy, tình huống có thể xảy ra nếu kiến nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội theo khoản 1 Điều 382 Bộ luật tố tụng hình sự có thể tiếp tục bị Hội đồng thẩm phán 17 người tiếp tục bác kiến nghị xem xét lại quyết định Giám đốc thẩm.
Nếu như Hội đồng thẩm phán Tối cao lại bác kiến nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội thì lần đầu tiên trong lịch sử tư pháp Tòa án bác quyền giám sát của Quốc hội.
Để đảm bảo khách quan thì cách duy nhất phải là chờ hết nhiệm kỳ HĐTP Tòa án tối cao 17 thẩm phán đã được Quốc hội phê chuẩn, để thành lập HĐTP khóa mới, nhiệm kỳ mới 2021.
Luật sư Trần Hồng Phon chia sẻ cảm xúc tham dự phiên tòa Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải như sau:
Tôi là người trực tiếp dự phiên toà giám đốc thẩm, nghe hai bên Toà, Viện đối đáp, tranh luận; nhiều lần nghe các vị thẩm phán trong Hội đồng hỏi vặn Viện kiểm sát kiểu như: căn cứ, cơ sở nào mà kháng nghị?
Tại sao Chủ tịch nước đã bác đơn ân xá rồi còn kháng nghị gì nữa? trước đây đã bác kháng nghị sao giờ lại kháng nghị? … rồi họ … cười khà khà!? họ có vẻ tự đắc!? Nói thật là tôi có cảm giác sợ, sợ hãi đến nổi da gà! Họ đang bàn về sinh mạng một con người, có thể bị oan, với sai sót trong quá trình điều tra (chính họ thừa nhận) mà sao tàn nhẫn và vô cảm quá. Tôi tuyệt đối ko sợ ai trong số họ, mà là một nỗi sợ cho thân phận con người.
Chúng ta cần lên tiếng bảo vệ lẽ phải, sự công bằng; chứ ko phải là bênh vực cho tội ác, vô cảm với cái chết vô lý và đau đớn của hai nữ nạn nhân.” Luật sư Trần Hồng Phong kết luận.
Thu Thủy từ TpHCM – Thoibao.de (tổng hợp)
>>> Vụ Hồ Duy Hải: Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói dối trắng trợn giữa Quốc Hội
>>> Vụ Hồ Duy Hải: tình tiết nào để kháng nghị tái thẩm vụ án?
>>> Vụ Hồ Duy Hải: lời khai của nhân chứng đầu tiên cũng bị “biến mất”