Thăm ông Trương Duy Nhất ở Trại T16, luật sư Ngô Ngọc Trai kể lại tình cảnh giam người như ‘trong lò nóng’ ở Việt Nam qua bài viết trên mục diễn đàn của BBC News Tiếng Việt.
Mới đây tôi cùng hai luật sư đồng nghiệp đã có buổi làm việc với ông Trương Duy Nhất tại trại giam, Luật sư Ngô Ngọc Trai nói.
Từng làm việc trong một cơ quan báo chí nhà nước là Báo Lao động, sau đó nghỉ ra ngoài làm báo tự do, hiện ông Nhất đang bị giam giữ tại Trại tạm giam T16 nằm ở huyện Thanh Oai, ngoại thành Hà Nội trong một vụ án liên quan đến tài sản.
Khi làm việc chúng tôi thấy hai cánh tay bị can nổi các mẩn đỏ, hỏi thì được biết trên người cũng có và do thời tiết nắng nóng của buồng giam.
Bản thân tôi hai năm trước cũng được một bị can bị tạm giam tại Trại tạm giam Cầu Cao ở tỉnh Thanh Hóa phản ánh cho biết, phòng giam quá nóng, những người bị giam đã phải treo một chiếc chiếu trong phòng rồi buộc dây hai đầu co kéo đưa đi đưa lại tạo không khí thoáng mát cho phòng giam.
Những điều đó cho thấy nhu cầu bức thiết của những người bị giam giữ là cần được lắp quạt điện tạo mát.
Thực tế hiện nay tại các phòng giam giữ trên cả nước đối với các bị can, bị cáo, người bị tạm giữ trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự đều không được lắp đặt quạt điện.
Trong khi mùa hè nóng bức kéo dài nhiều tháng có lúc lên tới 40 độ C thì đó thực sự là môi trường giam giữ đày đọa con người.
Quyền con người
Ở một diễn biến khác, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định một nguyên tắc mới quan trọng tại Điều 8 về tôn trọng bảo vệ quyền con người, tức nhân quyền.
Đây là một bước tiến bộ lớn khi so với Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định nguyên tắc chỉ bảo vệ các quyền cơ bản của công dân.
Và khi Bộ luật tố tụng hình sự đã quy định như vậy thì các hoạt động tố tụng liên quan cũng cần quán triệt tiếp thu. Liên quan đến hoạt động giam giữ thì cần yêu cầu nâng cao tiêu chuẩn, tôn trọng quyền con người.
Ví như ngày xưa chỉ bảo vệ các quyền cơ bản của công dân là ăn uống thì nay bảo vệ nhân quyền sẽ phải khắc phục tình trạng nắng nóng trong phòng giam.
Thực tế bất hợp lý hiện nay là đời sống của người bị giam giữ phục vụ điều tra giải quyết vụ án hình sự lại khổ cực hơn là phạm nhân đã thụ án thi hành hình phạt. Trong khi người bị giam giữ chưa bị coi là tội phạm và phải chịu hình phạt vì chưa có bản án kết tội họ có hiệu lực pháp luật.
Ví như phòng giam của người đã thi hành án phạt tù thì có ti vi và quạt điện, nhưng phòng giam giữ bị can bị cáo thì không có.
Luật mới đã có hiệu lực thi hành vài năm, song thực tế chưa thấy có động thái nào từ phía các cơ quan tư pháp về việc nâng cao ý thức tôn trọng nhân quyền.
Lý do lâu nay không cung cấp quạt điện có lẽ do điều kiện ngân sách kinh tế khó khăn, nhưng tới nay nền kinh tế đất nước đã có những bước phát triển khởi sắc.
Điều kiện ngân sách quốc gia chắc cũng không đến nỗi không đáp ứng được cho một khoản kinh phí lắp đặt quạt điện trong phòng giam. Trong khi nhiều khoản chi đầu tư khác lại bộc lộ sự không hợp lý lãng phí ngân sách nhà nước.
Lý do thứ hai có lẽ do lo ngại mất an toàn. Nhưng lo ngại này không thỏa đáng.
Nếu có trường hợp nào người bị giam giữ phá hoại hoặc tự vẫn thì đó chỉ là thiểu số rất nhỏ trong khi quyền lợi của hàng vạn người khác cần được đảm bảo.
Hiện nay trong các phòng giam bật điện chiếu sáng suốt ngày đêm nhưng lại không có quạt điện trong khi mùa hè nắng nóng.
Thực trạng này cần phải thay đổi, môi trường giam giữ cần phải được cải thiện. Những người bị giam giữ cần được đối xử tôn trọng với đầy đủ quyền con người. Họ cũng cần được hưởng thành tựu của sự phát triển kinh tế xã hội.
Luật sư kiến nghị
Thấy được vấn đề như vậy, từ thực tế hành nghề bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, tôi đã soạn một đơn kiến nghị về việc đầu tư lắp đặt quạt điện cho các phòng giam.
Đơn được gửi tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Để ý kiến nhận được sự quan tâm giải quyết, tôi đăng nội dung đơn lên mạng xã hội facebook và kêu gọi các luật sư đồng nghiệp cùng ghi danh tham gia ủng hộ.
Sau vài giờ đăng tải đã có hàng chục luật sư đồng nghiệp đồng tình với ý kiến.
Trong đơn đã khuyến nghị các cấp lãnh đạo nhà nước quan tâm đến vấn đề giam giữ, đề nghị chỉ đạo kiểm tra rà soát thực trạng, từ đó ra chính sách đầu tư cải thiện, cung cấp lắp đặt quạt điện tạo mát cho các phòng giam.
Đây là một hoạt động nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn, được kỳ vọng sẽ đem đến cải thiện đời sống cho hàng vạn người đang bị giam giữ.
Nhiều người đánh giá nội dung kiến nghị rất có tính nhân văn và đây là việc làm truyền tải đi những giá trị tích cực.
Một nét son nhân bản bên cạnh nhiều thông tin tiêu cực về muôn mặt tệ trạng đời sống xã hội.
Thực tế trong đời sống hiện nay, nhiều người khi bị đối xử bất công, bức hại, thua thiệt thì kêu trời kêu đất, hỏi công lý ở đâu, công bằng ở đâu.
Trong khi cũng chính những người đó nhiều lúc lại đã làm những việc sai trái như chạy chọt, hối lộ, lót tay làm hủy hoại đi lẽ công bằng.
Từ đó tạo ra một vòng luẩn quẩn trong đời sống xã hội về nguyên nhân nguồn gốc của bất công, bất ổn xã hội.
Nhiều người không may là nạn nhân của tội phạm, giết người, đánh chém hoặc xâm phạm tài sản này khác. Họ không biết rằng người phạm tội kia là tái phạm.
Bởi vì người đó đã bị đối xử không như một con người, không đảm bảo nhân quyền trong thời gian bị giam giữ.
Cho nên để xã hội bớt tội phạm thì cần giữ gìn nhân phẩm cho người ta, bằng việc thúc đẩy cải thiện môi trường giam giữ.
Việc kiến nghị lắp đặt quạt điện tạo mát trong phòng giam sẽ gián tiếp giúp bảo vệ sinh mạng sức khỏe tài sản của đông đảo người dân ngoài xã hội. Giảm tránh nguy cơ tội phạm do tái phạm vì mất niềm tin vào trật tự đạo lý xã hội.
Theo thống kê của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defender- DTD), tính đến ngày 30 tháng 6 năm 2020, chế độ cộng sản Việt Nam đang giam giữ ít nhất 276 tù nhân lương tâm trong các nhà tù hoặc các hình thức giam giữ khác. Con số này không bao gồm ông Ngô Hào đang bị đình chỉ thi hành án vì lý do sức khoẻ và hai ông Nguyễn Trung Lĩnh cùng Lê Anh Hùng bị buộc phải vào bệnh viện tâm thần mà không qua xét xử tại toà. Danh sách này bao gồm nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy, người bị kết án tù giam nhưng bị quản thúc tại gia trong thời kỳ nuôi con nhỏ, công dân Hoa Kỳ gốc Việt Michael Minh Phương Nguyễn- người bị kết án về tội danh “lật đổ chính quyền” của mình theo Điều 109 của Bộ luật Hình sự 2015, và công dân Úc gốc Việt Châu Văn Khảm bị kết tội “khủng bố” theo Điều 113 của bộ luật trên.
Ba mươi lăm trong số các tù nhân lương tâm là nữ, theo thống kê của DTD.
Từ ngày 1/1 đến ngày 30/6, Việt Nam đã bắt giữ 21 nhà hoạt động và 29 người khiếu kiện đất đai ở xã Đồng Tâm. Có tới 12 nhà hoạt động đã bị bắt với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự về các bài viết của họ và trả lời phỏng vấn cho báo chí nước ngoài cũng như báo cáo vi phạm nhân quyền cho các nhà ngoại giao nước ngoài.
Trong số những người bị giam giữ có hai thành viên của nhóm chuyên nghiệp chưa đăng ký Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN) là Phó Chủ tịch Nguyễn Tường Thụy và nhà báo Lê Hữu Minh Tuấn, blogger nổi tiếng Phạm Chí Thành (bút danh Phạm Thành), cũng như nhà hoạt động môi trường Đinh Thị Thu Thủy ở tỉnh Hậu Giang. Ông Thụy, 68 tuổi và ông Tuấn, 31 tuổi, đang bị điều tra trong cùng vụ án “tuyên truyền chống nhà nước” cùng với Chủ tịch IJAVN Phạm Chí Dũng, người đã bị bắt vào tháng 11 năm ngoái. Vụ bắt giữ Tiến sỹ Phạm Chí Dũng, một phần là để trả thù vì ông kêu gọi Liên minh châu Âu hoãn ký EVFTA.
Vào ngày 24/6, lực lượng an ninh Việt Nam đã bắt giữ sáu nhà bảo vệ nhân quyền theo cáo buộc của Điều 117, bao gồm cựu tù nhân lương tâm Cấn Thị Thêu và hai con trai của bà là Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư cũng như hàng xóm của họ Nguyễn Thị Tâm (Facebooker Tâm Dương Nội) vì sự ủng hộ của họ đối với dân oan mất đất Đồng Tâm. Facebooker Chung Hoàng Chương, người cũng đưa tin về vụ thảm sát của công an ở Đồng Tâm hồi đầu tháng 1, cũng bị bắt và kết tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự.
Công an cũng bắt giữ cựu sĩ quan quân đội cộng sản Trần Đức Thạch- một thành viên của Hội Anh em vì Dân chủ, và buộc tội nhà hoạt động 68 tuổi này “hoạt động nhằm lật đổ chế độ” theo Điều 109 của Bộ luật Hình sự.
Trong khi đó, Facebooker Mã Phùng Ngọc Phú đã bị bắt và bị buộc tội tương tự theo Điều 331 vì đã phổ biến tin tức về sự bùng phát của coronavirus tại thành phố Cần Thơ- trung tâm kinh tế đồng bằng sông Cửu Long.
Ba tín đồ người Thượng của giáo phái Hà Môn tên là Ju, Lup và Kunh, đều là nam, đã bị bắt vào ngày 19/3 sau tám năm ở ẩn. Họ có thể bị buộc tội phá hoại chính sách đoàn kết quốc gia, với án tù dài hạn nếu họ bị kết án.
Sáng 24-6, trước khi bị bắt, Trịnh Bá Phương livestream trên Facebook cá nhân về việc bị công an bao vây quanh nhà.
Trong khi đó, bà Cấn Thị Thêu, mẹ Trịnh Bá Phương bị bắt tại Hòa Bình – nơi họ sinh sống và chăm sóc vườn cây quả.
Trong video livestream, Trịnh Bá Phương nói:
“Công an mặc sắc phục và thường phục rất đông bao vây nhà tôi. Bây giờ là 5.30 sáng. Tôi nghĩ rằng hôm nay họ sẽ bắt tôi.”
“Nếu tôi chết trong trại giam, đồn công an, đề nghị gia đình, hàng xóm không ai được chôn xác tôi. Hãy để xác đó như bằng chứng tội ác của chế độ cộng sản Việt Nam.”
“Tôi đã chuẩn bị tinh thần để bị bắt rồi. Tôi nghĩ là họ sẽ không để yên cho tôi đâu. Trong thời gian qua tôi chỉ lên tiếng nói lên sự thật trong vụ việc ở Đồng Tâm.”
“Tôi cố gắng đưa các thông tin trung thực nhất đến công luận trong nước và quốc tế thì họ đã coi việc đó là ảnh hưởng đến cơ quan điều tra, ảnh hưởng đến hệ thống chính trị.”
“Nếu tôi bị bắt thì mọi người đừng lo lắng cho tôi… Mong công luận và các cơ quan ngoại giao quốc tế quan tâm đến Đồng Tâm. 29 người dân Đồng Tâm đang phải đối mặt với bản án rất nặng nề.”
“Con tôi vẫn đang ngủ say. Con tôi vừa chào đời. Tôi chỉ lên tiếng nói lên sự thật, tố cáo tội ác của cộng sản. Đã có rất nhiều sự tra tấn, ép cung xảy ra trong các trại giam. Có thể họ sẽ tiếp tục sử dụng hình thức tra tấn ép cung tôi… “
Những hình ảnh cuối cùng trong video livestream của Trịnh Bá Phương cho thấy một nhóm đông người mặc sắc phục và thường phục mang theo kìm cộng lực phá cửa xông vào nhà ông Phương.
Sau khi sự việc Đồng Tâm xảy ra vào đầu tháng 1/2020 gây rúng động dư luận, khiến ba cảnh sát và lãnh đạo làng Đồng Tâm là ông Lê Đình Kình thiệt mạng, Trịnh Bá Phương là một trong những người tiên phong trong việc cung cấp thông tin về sự việc cho báo chí trong và ngoài nước.
Đó là những đoạn phim video quay cảnh vợ ông Lê Đình Kình nói về việc chồng mình bị giết chết như thế nào, những hình ảnh và thước phim chụp cảnh hiện trường không xuất hiện trên truyền thông chính thống của nhà nước, trong bối cảnh an ninh thắt chặt ở làng Đồng Tâm.
Bà Cấn Thị Thêu, mẹ Trịnh Bá Phương, từng bị tù giam hai lần liên quan đến vụ tranh chấp đất đai với chính quyền kéo dài nhiều năm ở thôn Dương Nội, ngoại thành Hà Nội.
Trịnh Bá Phương và em trai là Trịnh Bá Tư cũng bị tù giam liên quan đến vụ việc nói trên.
Sau khi ra tù, gia đình Trịnh Bá Phương trở thành những người bất đồng chính kiến, đấu tranh dân chủ. Họ từng nhiều lần bị công an bao vây nhà, chặn đường, và mời lên đồn làm việc.
Trước khi bị bắt vào sáng 24/6, Trịnh Bá Phương từng nhiều lần viết trên Facebook cá nhân rằng ông dự đoán sự việc này không sớm hay muộn cũng sẽ xảy ra.
Hải Yến từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Hà nội: khởi tố Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và em trai giám đốc Nhật Cường Mobile
>>> Toà án Việt Nam kết án Facebooker Nguyễn Quốc Đức Vượng 8 năm tù