Bị can bị cáo không được gặp Luật sư trong suốt quá trình điều tra với lý do an ninh quốc gia và Luật sư lại không được đọc hồ sơ cũng không có cách nào gặp thân chủ vì trại giam ngăn cản, vì các cơ quan tố tụng cố tình ngăn chặn. Những hành vi xấu xí, dưới tầm văn minh Pháp lý này vẫn đang duy trì ở Việt nam.
Sau khi đưa người vào tận giường ngủ và kê súng bóp cò khiến cụ Lê Đình Kình tử vong không cần qua xét xử, thì nay Cơ quan tố tụng lại muốn hợp thức hóa điều này bằng cách ngăn chặn các Luật sư tiếp cận hồ sơ vụ án, có lẽ kịch bản của Bộ trưởng Tô Lâm vẫn chưa chặt chẽ khiến cho các cơ quan tố tụng thiếu tự tin, họ sợ rằng các Luật sư sẽ công khai sự thật trước công luận.
Luật sư Ngô Anh Tuấn từng ví như công việc của Bác sỹ cứu chữa cho bệnh nhân mà không được tiếp xúc với bệnh án, không có công cụ để khám thì làm sao chữa bệnh được.
Mới hôm qua đây Luật sư Tuấn lại dùng chữ “mê hồ trận” để ví von với con đường mà cơ quan tố tụng muốn lắt léo vẽ ra trước mắt các Luật sư của vụ thảm sát Đồng tâm.
Việt nam dưới thể chế Cộng sản vẫn đề cao nguyên tắc tối cao của Pháp luật và nguyên tắc độc lập tư pháp mặc dù không thừa nhận tam quyền phân lập. Nay thì liệu cây đũa thần “vì lý do an ninh” sẽ bành trướng đến đâu và các Luật sư phải giãy dụa thế nào để có thể đọc hồ sơ vụ án Đồng tâm với 29 bị can bị truy tố tội giết người, tuy nhiên công luận lại đang truy tố những kẻ xua 3.000 quân đi giết người giữa đêm ở thôn Hoành, làng Đồng tâm.
Hai bài viết của Luật sư Ngô Anh Tuấn và Luật sư Ngô Ngọc Trai dù nhẹ nhàng với văn phong của “con nhà Luật”, nhưng ẩn chứa lời kêu gọi với công luận để bảo vệ cho công lý đối với hơn ba chục con người bị giam giữ chưa có một lần được gặp Luật sư và chưa hiểu quyền được bào chữa của mình ra sao.
Thoibao.de xin trích đăng hai bài viết này để bạn đọc tham khảo và cho ý kiến bình luận.
Mê hồn trận trong việc tiếp xúc thân chủ
Sáng nay, luật sư Lê Văn Hoà và tôi, luật sư Ngô Anh Tuấn vào Trại giam số 2, Công an thành phố Hà Nội để thăm gặp các bị can trong vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội ngày 09/01/2020. Vẫn như các lần trước, lần này yêu cầu thăm gặp thân chủ của chúng tôi bị từ chối với lý do “Toà thông báo tất cả các luật sư muốn vào thăm gặp phải có Giấy thông báo bào chữa do toà cấp”. Tôi đã ý kiến ngay rằng yêu cầu này của Toà là trái luật vị thủ tục luật sư của chúng tôi từ giai đoạn điều tra tới nay vẫn còn nguyên giá trị và có giá trị suốt quá trình tố tụng. Sau khi tranh luận không lại thì cô cán bộ xinh đẹp tên Hương nói với chúng tôi đây là chỉ đạo của sếp, có gì các anh lên hỏi sếp. Không hài lòng với giải thích nêu trên tôi tiếp tục hỏi rằng có văn bản gì không, bạn ấy bảo nói miệng. Tôi hỏi thêm, toà chỉ đạo tới trại giam cũng bằng miệng nốt? Cô cho biết rằng điều đó có không chắc, các luật sư có thể lên hỏi sếp của cô!
Vì biết trước rằng có tranh luận bao nhiêu đi chăng nữa cũng không thể vào gặp thân chủ được nên tôi đã chủ động trao đổi rằng, có chắc chắn là toà mời luật sư lên nhận Giấy thông báo bào chữa mới hay không và khi chúng tôi chắc chắn có giấy này thì trại giam sẽ để chúng tôi gặp các bị can theo đúng quy định của pháp luật? Sau cuộc gọi ngắn với ai đó, cô cán bộ khẳng định chắc nịch “chắc chắn”!
Chiều nay, các luật sư đã tiến hành sao chụp toàn bộ hồ sơ vụ án (ngoại trừ hai clip hình ảnh chưa mở niêm phong, sẽ sao vào tuần sau). Sau rất nhiều lần kiến nghị yêu cầu sao chụp hồ sơ vụ án thì tới hôm nay, TAND thành phố Hà Nội đã đáp ứng yêu cầu chính đáng của các luật sư – dù chậm trễ nhưng đây là động thái có trách nhiệm hơn so với các cơ quan tiến hành tố tụng khác trước đó. Tuy vậy, khi luật sư Lê Văn Hoà đề cập tới việc có thông tin rằng toà sẽ cấp lại thủ tục luật sư cho các luật sư phải không thì các thư ký trả lời không rõ, còn các luật sư chỉ định khác cũng trả lời nước đôi là nghe thông tin như vậy và đây là vụ án quan trọng nên cần thiết phải như vậy! Các bạn thư ký còn cho biết thêm là nếu luật sư nào có yêu cầu thì cứ gửi đơn cho thẩm phán giải quyết. Như vậy, mặc dù hôm nay các luật sư chúng tôi đã sắp chụp được hồ sơ để có thêm tài liệu để nghiên cứu nhưng mọi lối dẫn tới phòng giam để tiếp xúc với các thân chủ đều bị ngăn chặn bằng nhiều cách khác nhau, từ giai đoạn điều tra tới nay và có lẽ cho tới khi phiên toà diễn ra, chúng tôi cũng không thể nào gặp, hỏi han, trao đổi với thân chủ của mình, dù chỉ một lần. Chúng tôi muốn biết rõ rằng những lời khai trong giai đoạn điều tra của họ có bị ép cung, mớm cung hay không (dù rằng trong biên bản ghi lời khai đã có), họ có ý kiến gì về kết luận điều tra, cáo trạng hay không… để định hướng bào chữa tại phiên toà sắp tới đây.
Những người hành nghề luật, dù mới vào nghề cũng đủ kiến thức sách vở để biết rằng nhiều hành động đã qua của các cơ quan tiến hành tố tụng trong vụ án này là sai luật rất rõ ràng nhưng chọn cách im lặng. Các luật sư chỉ định thì “có cũng như không”, không bao giờ dám lên tiếng nói điều ngược lại; còn số ít luật sư do gia đình các bị can mời phản ứng yếu ớt nên cho tới nay, chúng tôi mới chỉ chạy loanh quanh sự thật – sự thật vụ án vẫn còn là một dấu hỏi lớn không lời giải, ngay cả khi vụ án này được giải quyết bằng hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm.
Khó khăn là vậy nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để có thể giúp ích được một chút gì đó có ý nghĩa cho các thân chủ đang bị giam giữ trong trại giam. Hành vi sai trái của ai đó trong lúc nhất thời rồi đây sẽ phải bị trả giá nhưng sự sai đúng trong tổng thể một sự kiện lớn xuyên suốt một quá trình dài đã qua, có lẽ rất rất nhiều năm nữa, lớp con cháu chúng ta sẽ tìm lại lịch sử để nghiêm túc luận bàn, phán xét. Và, dù muốn hay không, các luật sư cũng lưu dấu chân mình trong một giai đoạn lịch sử của những người dân chân đất nơi đây; chỉ tiếc rằng chúng tôi đã không giúp được gì cho họ một cách hữu ích…
Nguồn: Facebook Tuan Ngo
Về một vùng trũng pháp lý
Luật sư Ngô Ngọc Trai
Ngày hôm qua tôi cùng các luật sư đồng nghiệp đã tiến hành sao chụp bộ hồ sơ vụ án Đồng Tâm sau khi được sự cho phép của Tòa án. Tới đây các luật sư sẽ in ra để nghiên cứu và thực hiện việc bào chữa cho các bị cáo tại phiên tòa.
Xin nhắc lại rằng các luật sư chúng tôi luôn làm theo pháp luật để bảo vệ bị can và coi đó cũng là cách giữ gìn lợi ích cộng đồng. Và chẳng thể nào thực thi được công lý bằng cách vi phạm pháp luật.
Qua những vụ án được dư luận quan tâm, chúng tôi nỗ lực thúc đẩy tạo lập thái độ lề lối làm việc thượng tôn pháp luật ở các cơ quan ban ngành, thúc đẩy thượng tôn pháp luật ở một vùng trũng pháp lý nhiều vi phạm.
Hiện tại các luật sư vẫn bị cản trở không cho vào gặp làm việc với bị can, một sự vi phạm pháp luật xâm phạm quyền lợi của bị can và luật sư.
Trong một vụ án được dư luận quan tâm mà lại xảy ra vi phạm pháp luật rõ ràng như vậy, điều đó cho thấy có những người không còn quan tâm đến suy nghĩ của dân chúng nữa.
Một thực tế đã là chân lý, một nền pháp quyền không tự dưng mà có, một lề lối làm việc thượng tôn pháp luật không tự dưng được thực hiện bởi chính các cơ quan công quyền, mà đó là kết quả của những nỗ lực thúc đẩy dựng xây.
Thực tế lâu nay, có một số loại vụ án nhạy cảm mà dường như các cơ quan tư pháp tự cho phép mình vi phạm pháp luật, tự cho phép mình để pháp luật lại phía sau.
Tôi nhớ đến câu chuyện trong bộ phim Người Đàm Phán, trong đó một Luật sư nhận lời bào chữa cho một bị can là đặc vụ của Liên Xô bị bắt ở Mỹ. Nhân viên an ninh của Mỹ đã tìm gặp vị Luật sư và yêu cầu Luật sư cung cấp thông tin mà bị can đã nói với Luật sư.
Nhân viên an ninh bảo, tôi biết là luật sư các ông có nguyên tắc về giữ bí mật khách hàng này nọ, nhưng đây là vấn đề an ninh quốc gia nên không có chuyện luật lệ gì ở đây cả.
Vị Luật sư hỏi lại rằng anh là người gốc Đức đúng không? Còn tôi là người gốc Iceland. Vậy điều gì đã khiến cho hai chúng ta trở thành người Mỹ? Vì rằng chúng ta có một bộ luật được gọi là Hiến pháp, và chúng ta có các luật được gọi là Nhân quyền. Thế cho nên đừng nói với tôi là không có luật lệ gì ở đây cả.
Điều đó cho thấy, tâm lý muốn vượt ra ngoài khuôn khổ pháp luật đã là một quán tính nhận thức của những người thực thi pháp luật. Và một đời sống pháp lý an toàn, đối xử công bằng, thượng tôn pháp luật, là nỗ lực thúc đẩy xây dựng của mọi giới, mọi người, bao gồm các Luật sư bào chữa và những Nhà làm phim.
Ở Việt Nam hiện nay không có nhiều người muốn tham gia bào chữa cho những vụ án nhạy cảm. Chỉ một số ít luật sư giàu lòng yêu chuộng công lý và day dứt trước một nền pháp quyền khiếm khuyết mới nhận lời tham gia. Số ít đó cần sự thấu hiểu cũng như bênh vực ủng hộ của cộng đồng.
Trong tương lai, những thế hệ sau, khi đã được thụ hưởng một nền pháp lý bảo đảm an toàn cá nhân, khi cộng đồng được thụ hưởng một xã hội thượng tôn pháp luật, thì điều đó một phần được thúc đẩy bởi những người can đảm, đó là những Luật sư bào chữa trong những vụ án hình sự.
Nguồn: Facebook Ngô Ngọc Trai
Thu Thuỷ – Thoibao.de (Tổng hợp)