Việt Nam chính thức thực hiện cách ly xã hội tại thành phố Đà Nẵng đối với các du khách kể từ nửa đêm 27/7. Du khách sẽ không được vào Đà Nẵng trong vòng 14 ngày tới.
Sau gần 100 ngày không có ca lây nhiễm nào trong cộng đồng, từ hôm 25/7 tới cuối ngày 26/7, Việt Nam đã có hàng loạt ca nhiễm mới, gồm các trường hợp ở Đà Nẵng và ở Quảng Ngãi.
Tại cuộc họp sáng 27/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Đà Nẵng thực hiện cách ly xã hội theo chỉ thị 16. Ông cho rằng diễn biến những ngày qua cho thấy chủng virus mới xâm nhập cơ thể rất mạnh, các bệnh nhân phải thở máy ngay khi phát hiện. Ông Phúc nhấn mạnh: “Chúng ta phải có thái độ dứt khoát, nếu không sẽ thất bại trong đợt chống dịch này.”
Tuy nhiên, ông Phúc vẫn cảnh giác không dùng từ “phong tỏa” và nêu rõ: “Những dịch vụ không thiết yếu phải dừng lại. Chúng ta chưa dùng từ phong toả thành phố Đà Nẵng, nhưng phải có cấp độ cách ly xã hội.”
Sáng 27/7, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã họp triển khai công tác phòng, chống dịch. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, trưởng Ban Chỉ đạo, chủ trì cuộc họp. Nhiều chuyên gia khuyến nghị trước tình hình lây lan dịch bệnh ở Đà Nẵng cần phải tổ chức giãn cách xã hội, phong tỏa ổ dịch hợp lý; không phong tỏa tất cả mà phong tỏa từng nấc.
Thực tế qua phân tích dịch tễ, các trường hợp mắc bệnh đều liên quan đến 3 cơ sở: Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình, 3 bệnh viện này nằm chung trên 1 khu đất.
Về việc phong tỏa cụm 3 bệnh viện tại Đà Nẵng, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết sẽ áp dụng giống như Bệnh viện Bạch Mai trước đây. Đồng thời, Bộ Y tế sẽ hỗ trợ tối đa nhất về nguồn lực để cùng với địa phương tổ chức hiệu quả cách ly, truy vết, điều trị, xét nghiệm, khoanh vùng, dập dịch…
Một điểm đặc biệt cần lưu ý là các ca bệnh ở Đà Nẵng nhiễm chủng virus mới lây lan nhanh.
Quyền bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay kết quả phân tích nguồn gen của virus từ các bệnh nhân cho thấy đây là chủng virus mới xuất hiện ở Việt Nam (trước đây Việt Nam đã phát hiện ra 5 chủng virus SARS-CoV-2 khác nhau).
Chủng này có đặc tính lây lan nhanh hơn so với các chủng trước đây đã ghi nhận. Tuy nhiên, chưa có căn cứ xác định độc lực của virus này tăng lên so với các chủng trước.
Hiện vẫn chưa rõ mối liên hệ giữa bốn ca nhiễm mới. Ca nhiễm mới đầu tiên, BN416 bắt đầu có triệu chứng từ hôm 20/7. Hơn 100 người có tiếp xúc gần với bệnh nhân đã được làm xét nghiệm, tất cả đều có kết quả âm tính.
Trong ba ca mới còn lại được ghi nhận vào cuối tuần qua có một thanh niên 17 tuổi đi đi về về bằng giao thông công cộng từ Quảng Ngãi tới Bệnh viện C ở Đà Nẵng để chăm sóc người thân.
Hiện chưa rõ bốn người này bị lây nhiễm từ nguồn nào, hay liệu việc họ lây bệnh có liên hệ gì với nhau không. Sự chưa rõ ràng về nguồn gốc lây bệnh khiến người ta lo sợ rằng rất có thể sẽ có một đợt bùng phát mới diện rộng tại Đà Nẵng.
Tính đến thời điểm chiều tối ngay 27/7, ổ dịch mới Đà Nẵng đã phát hiện thêm 11 trường hợp nhiễm bệnh, gồm bảy bệnh nhân và bốn nhân viên y tế của Bệnh viện Đà Nẵng. Toàn bộ 11 trường hợp này đều là cư dân Đà Nẵng.
Một vấn đề đáng lo ngại khác là các ca nhiễm mới được ghi nhận là chuyển biến nặng.
Theo báo cáo của Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, tình trạng của bệnh nhân 416 và 418 đều chuyển biến nặng.
Cụ thể, bệnh nhân 416, ca đầu tiên được phát hiện tại Đà Nẵng trong đợt này, 57 tuổi, có tiền sử u nang trung thất (khối u trong lồng ngực) đã phẫu thuật cách đây hai năm. Người đàn ông này khởi phát bệnh từ ngày 17/7 với biểu hiện ho, sốt. Đến ngày 20/7, bệnh nhân khám tại Bệnh viện C Đà Nẵng với triệu chứng sốt nhẹ, chụp X-quang có tổn thương phổi dạng viêm.
Ngày 23/7, bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Đà Nẵng sau kết quả xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2. Chỉ 2 ngày sau khi nhập viện, tình trạng sức khỏe bệnh nhân đã nghiêm trọng.
Theo đánh giá của Tiểu ban Điều trị chiều 25/7, bệnh nhân suy hô hấp, đầu chi tím nhẹ, có biến chứng nặng của hội chứng suy hô hấp tiến triển (ARDS). Bệnh nhân được chỉ định ECMO ngay trong đêm 24/7.
Các bác sĩ tiên lượng các chỉ số và chức năng trong phạm vi kiểm soát, nhưng bệnh rất nặng, nguy cơ tử vong cao, khả năng phải thở máy và lọc máu liên tục, dùng ECMO trong thời gian dài.
Đây là bệnh nhân COVID-19 thứ 3 tại Việt Nam phải can thiệp ECMO, sau BN19 và 91.
Bên cạnh đó, bệnh nhân 418, 61 tuổi, cũng có nhiều bệnh nền, hiện có biến chứng suy hô hấp, suy tim cấp tổn thương thận và đang phải thở máy. Báo cáo của Tiểu ban Điều trị cũng cho biết bệnh nhân 418 có tiền sử đái tháo đường type II, tăng huyết áp. Người đàn ông này khởi phát bệnh từ ngày 11/7. Sau 7 ngày không đỡ mệt, ho khạc đờm trắng, khó thở, bệnh nhân mới nhập viện. Truyền thông trong nước trích lời các bác sĩ đánh giá rằng các chức năng trong phạm vi kiểm soát nhưng tiên lượng nặng, khả năng phải thở máy và lọc máu liên tục trong thời gian dài.
Tình hình trong nước trở nên căng thẳng khi dịch tái bùng phát tại Đà Nẵng, thành phố du lịch miền Trung nổi tiếng nhất Việt Nam.
Thống kê lượng khách đặt chỗ qua các hãng bay từ 27 đến 31/7, Cục Hàng không Việt Nam ước tính 80.000 người đang kẹt ở Đà Nẵng.
Báo VnExpress ghi nhận trong ngày 26/7, Cục Hàng không Việt Nam đã cấp phép cho các hãng Vietjet Air, Bamboo Airways, Jetstar Pacific tăng thêm 17 chuyến bay khứ hồi đến Đà Nẵng để giải tỏa khách. Vietnam Airlines đổi máy bay lớn hơn để chở nhiều khách hơn.
Để giải tỏa lượng lớn hành khách, ngày 26/7 Cục đã gửi văn bản kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép duy trì các chuyến bay bình thường từ thành phố này đến các địa phương trong tối thiểu 4 ngày tới (27-31/7).
Cục trưởng Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng nhận định, khách bị kẹt lại Đà Nẵng có thể hết tiền, thiếu chỗ ở, nếu không giải tỏa nhanh sẽ phát sinh thêm khó khăn.
Lãnh đạo Cục Hàng không cho biết cục đã lên phương án lập cầu hàng không, yêu cầu các hãng tăng chuyến bay tối đa đến Đà Nẵng trong khả năng có thể, kể cả bay đêm để giải tỏa khách từ Đà Nẵng.
Tuy nhiên, nhiều người ái ngại việc đưa người ra khỏi Đà Nẵng gấp rút có thể gây nguy cơ lây nhiễm trên toàn quốc. Khoảng 80.000 người từ mọi miền đất nước được đưa ra khỏi Đà Nẵng mà không có xét nghiệm. Nếu trong số này có người đã bị nhiễm bệnh thì mức độ lan rộng của dịch bệnh sẽ là rất khủng khiếp.
Cho đến tối muộn ngày 27/7, Bộ Giao thông vận tải vừa quyết định dừng toàn bộ chuyến bay đến và đi Đà Nẵng từ 0h ngày 28/7 để phục vụ yêu cầu giãn cách xã hội. Theo đó, toàn bộ chuyến bay nội địa chở khách đến/đi Đà Nẵng trong vòng 15 ngày từ 0h ngày 28/7 sẽ phải dừng hoạt động. Các chuyến bay nội địa không dừng ở Đà Nẵng vẫn hoạt động bình thường.
Chiều tối 27/7, các hãng hàng không cũng nhận được chỉ đạo của Cục Hàng không về việc tăng cường máy bay đưa hành khách ra khỏi Đà Nẵng trước 0h ngày 28/7. Kế hoạch bay tăng chuyến phải gửi gấp đến Phòng Vận tải hành khách của Cục Hàng không để xử lý.
Việc dịch xuất hiện tại Đà Nẵng không gây ngạc nhiên với dư luận khi mà thành phố biển miền Trung này là một trong các địa phương điển hình ghi nhận nhiều trường hợp người Trung Quốc nhập cảnh trái phép.
Hôm 11/7, Công an thành phố Đà Nẵng thông báo lực lượng công an kiểm tra hành chính tại số 39 Dương Tử Giang, quận Ngũ Hành Sơn phát hiện 4 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép. Tiếp đó, ngày 16/7, lực lượng công an tiếp tục kiểm tra hành chính khách sạn East Sea 55 – 57 đường Loseby, quận Sơn Trà, phát hiện thêm 27 người Trung Quốc cũng nhập cảnh trái phép.
Chiều 18/7, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam, địa phương sát nách với Đà Nẵng, cũng đã phát hiện một nhóm người Trung Quốc đang ở trong một khu lưu trú tại phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn. Theo cơ quan chức năng, 4 người đã bị tạm giữ tại chỗ và sau đó 17 người còn lại đã bị bắt tại thành phố Hội An.
Nhóm người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Quảng Nam đã khai đi bằng đường bộ. Lực lượng chức năng cho rằng khả năng là một đường dây đưa người vượt biên trái phép và có một “đầu nậu” giữ hết hộ chiếu của những người này.
Chiều 26/7, Công an Đà Nẵng cho biết đã cùng Công an Quảng Nam bắt 1 người Trung Quốc trong đường dây đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Đà Nẵng, Quảng Nam.
Nhiều ý kiến trong nước bày tỏ sự hoang mang cao độ trước tình hình hiện nay.
Dù chính quyền Đà Nẵng và Ban chỉ đạo quốc gia chống COVID-19 đã có nhiều đối sách nhanh chống như khoanh vùng, dập dịch và kiểm tra biên giới, cửa khẩu một cách chặt chẽ, yêu cầu người dân từ Đà Nẵng về khai báo y tế nhưng khai báo chỉ mang tính hình thức. Phương pháp xét nghiệm nhanh được nhiều người đề xuất thực hiện đặc biệt là cho nhiều chục nghìn khách du lịch ở Đà Nẵng.
Đáng chú ý, bệnh nhân 420, 71 tuổi ở Đà Nẵng từng vào thành phố Hồ Chí Minh thăm con gái trong thời gian từ 21/6 đến 8/7 tại Chung cư Lạc Long Quân (phường 5, quận 11). Ngày 12/7, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt và đau ngực. Đến ngày 21/7, bệnh nhân đến khám tại khoa khám bệnh Bệnh viện C Đà Nẵng và nhập viện này vào 22/7. Ngày 25/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng đã phối hợp với Bệnh viện C Đà Nẵng tiến hành giám sát và lấy mẫu xét nghiệm.
Trong diễn biến khác, rạng sáng 27/7, Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 1, Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ (Cục CSGT) thực hiện tuần tra kiểm soát trên tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Theo đó, Công an bắt giữ 5 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Họ đến từ tỉnh Quý Châu, vượt biên gần 4 giờ bằng thuyền sang Lào Cai.
Trước đó, ngày 17/7, đồn biên phòng cửa khẩu Long Bình, huyện An Phú, An Giang, cho biết lực lượng biên phòng đã phát hiện ba vụ xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới, trục xuất và đưa đi cách ly 11 người. Tại đồn biên phòng, họ khai nhận đã nhập cảnh trái phép từ Campuchia về Việt Nam.
Trung Nam – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Đà Nẵng lo “vỡ trận” – Xuân Phúc vội “điều quân”