Việt Nam liên tục phát hiện các trường hợp vượt biên trái phép từ các quốc gia láng giềng trong những ngày gần đây.
Được công khai trên báo chí đầu tiên là các vụ đưa người nước ngoài, chủ yếu là người Trung Quốc “nhập cảnh bất hợp pháp, trốn cách ly” bằng đường bộ qua các tỉnh giáp biên. Những người này đã vào tới nhiều tỉnh thành như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Nam.
Việc đưa người bất hợp pháp được phát hiện và công bố vào thời điểm Việt Nam phát hiện các ca dương tính Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng sau hơn ba tháng yên ắng, khiến một số người đặt câu hỏi về khả năng virus theo chân dòng người nhập cư lậu, không qua kiểm soát dịch tễ của giới chức.
Sau trường hợp đầu tiên được xác nhận hôm 25/7, các ca dương tính với virus corona liên tục được ghi nhận với số lượng tăng nhanh và tình trạng sức khỏe nghiêm trọng so với đợt bùng phát ở Việt Nam hồi tháng Ba.
Tính đến tối ngày 2/8, Việt Nam ghi nhận có 620 ca dương tính với virus corona, với năm trường hợp tử vong.
Đi đường mòn, lối mở, vượt sông, đường biển
Cũng trong thời gian này, giới chức liên tục phát hiện dòng người tìm cách nhập cảnh bất hợp pháp qua các tỉnh giáp biên như Hà Giang, Lào Cai, Quảng Ninh, Tây Ninh, An Giang.
Tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, tình trạng này diễn ra gần như thường ngày, báo Tuổi Trẻ nói, thậm chí có hôm lực lượng biên phòng “bắt hơn trăm người“.
Trong những vụ phát hiện mới đây, những người tìm cách nhập cảnh đều là người Việt.
Sáng 2/8, đồn biên phòng cửa khẩu Trà Lĩnh thuộc lực lượng biên phòng tỉnh Cao Bằng bắt giữ một nhóm 17 người, là dân các tỉnh miền bắc vốn đã vượt biên, cũng trái phép, sang Trung Quốc làm thuê hồi năm ngoái, trang tin Quân đội Nhân dân nói.
Đây là vụ mới nhất trong tổng số 21 vụ bắt giữ với 132 người Việt mà chốt biên phòng này đã thực hiện chỉ riêng trong tháng Bảy.
Trong các ngày 31/7 và 1/8, lực lượng biên phòng tỉnh Hà Giang chặn hai nhóm, một nhóm tám người, và một nhóm 31 người, tìm cách nhập cảnh trái phép.
Những người này là dân của 12 tỉnh, cả ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam.
Hôm 30/7, lực lượng biên phòng thành phố Móng Cái phát hiện được hai nhóm, một gồm 29 người, một gồm 16 người, vượt sông biên giới để vào Việt Nam, theo báo Tuổi Trẻ.
Điểm chung của những nhóm người bị phát hiện, bắt giữ mới đây, là họ đều sang Trung Quốc đi làm thuê.
Tình hình dịch bệnh Covid-19 khiến công ăn việc làm trở nên khó khăn, họ tìm cách quay trở lại Việt Nam. Sang Trung Quốc trái phép, họ cũng lựa chọn cách đi tương tự để trở về – thuê người đưa qua đường mòn, lối mở hay vượt sông.
Tại miền Nam, chiều 31/7, tỉnh An Giang bắt giữ một nhóm 41 người, gồm 20 người lớn và 2 trẻ em, đi từ Campuchia vào Việt Nam bằng đường thủy, trên tám chiếc thuyền nhỏ.
Báo Dân Trí nói những người này “không có giấy tờ tùy thân” và “có ý định về Việt Nam sinh sống“.
Khác với các nhóm nhập cảnh bất hợp pháp khác được xác định là người Việt và được đưa đi cách ly, nhóm các gia đình Việt kiều sinh sống tại tỉnh Siem Reap của Campuchia đã được vận động để quay về nơi chốn cũ để “tiếp tục làm ăn sinh sống, không quay lại Việt Nam“.
Lỗ hổng chưa kiểm soát được?
Trong chiến dịch phòng chống Covid-19, Việt Nam đã rất quyết liệt ứng phó với những hình thức như áp dụng giãn cách xã hội, phong tỏa cục bộ các điểm dịch bùng phát, tạm ngưng các hoạt động giao thông công cộng liên tỉnh…
Cho đến nay, một số biện pháp vẫn đang được tiếp tục áp dụng, như đóng cửa các đường bay quốc tế và tiến hành cách ly tập trung đối với người nhập cảnh từ nước ngoài.
Tuy nhiên, đối với những hình thức nhập cảnh đường bộ bất hợp pháp thì không thể biết chính xác là đã có bao nhiêu trường hợp đã lọt qua vành đai kiểm soát cả về biên phòng lẫn y tế.
Tại cuộc họp về phòng chống Covid-19 hôm 31/7 của Bộ Quốc phòng tại Hà Nội, Thiếu tướng Lê Đức Thái, người phụ trách lực lượng Bộ đội Biên phòng, được truyền thông Việt Nam dẫn lời nói chỉ riêng trong thời gian từ đầu năm đến nay, đã có khoảng 16 ngàn người xuất, nhập cảnh trái phép bị chặn giữ và kiểm tra y tế tại chỗ.
Việc qua lại đường biên bất hợp pháp diễn ra ở cả ba khu vực biên giới với Trung Quốc, Lào và Campuchia, Tướng Thái cho biết thêm.
Tướng Thái cho rằng, việc đưa người xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới là loại tội phạm có từ trước dịch Covid-19, ở cả 3 tuyến với các nước Trung Quốc, Lào và Campuchia.
Cạnh đó, việc di chuyển nội địa trong thời gian bùng phát dịch bệnh cũng khiến nhiều người quan ngại.
Bộ Y tế hôm thứ Bảy nói có tới 800 ngàn du khách tới Đà Nẵng đã rời đi, trở về các tỉnh thành kể từ hôm 1/7, và có hơn 41 ngàn người đã ra vào ba bệnh viện của Đà Nẵng, nơi phát hiện ra những ca dương tính đầu tiên của đợt bùng phát dịch bệnh sau hơn ba tháng không có lây lan trong cộng đồng.
Khoảng 1,4 triệu người đã từng đi đến Đà Nẵng trong tháng 7 vừa qua, riêng 3 bệnh viện ở Đà Nẵng có 800.000 lượt người đến đây, GS-TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết trong một cuộc hợp trực tuyến hôm 2-8.
Người nhập cảnh trái phép đâm thủng phòng tuyến chống dịch -của Việt nam
Việc liên tiếp xuất hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép ở Đà Nẵng, Quảng Nam và An Giang đang dấy lên lo ngại công cuộc “chống dịch như chống giặc” ở Việt Nam sẽ bị đổ vỡ.
Về trường hợp người nhập cảnh trái phép ở tỉnh An Giang, tổ công tác của đồn biên phòng Phú Hội phối hợp các ngành chức năng tuần tra phát một xe bảy chỗ có biểu hiện nghi vấn. Chiếc xe này chạy từ hướng xã Nhơn Hội về thị trấn An Phú, huyện An Phú.
Sau đó, tổ công tác ra tín hiệu yêu cầu tài xế dừng xe để kiểm tra. Tại đồn biên phòng, họ khai nhận đã nhập cảnh trái phép từ Campuchia về Việt Nam.
Đến 20h25 cùng ngày, đồn biên phòng Phú Hữu cũng phát hiện năm người nữa có dấu hiệu nghi vấn nhập cảnh trái phép từ Campuchia nên đưa về đồn để làm rõ.
Đối với nhóm người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Quảng Nam, thiếu tướng Nguyễn Đức Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, cho biết nhóm người Trung Quốc khai đi bằng đường bộ, khả năng có đường dây đưa những người này vào Việt Nam.
“Ban đầu nhóm người này khai đi bằng đường bộ, đường mòn, lối mở. Cơ quan chức năng sẽ kiểm tra lại việc kiểm soát biên giới” – thiếu tướng Dũng nói với Pháp Luật Online.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Dũng cũng nêu trách nhiệm của các cơ sở lưu trú. Theo ông, cơ sở lưu trú không thực hiện đúng quy định thì cơ quan điều tra sẽ củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định.
Ông Dũng cũng cho rằng đây có khả năng là một đường dây đưa người vượt biên trái phép và có một “đầu nậu” giữ hết hộ chiếu của những người này.
Được biết tất cả 21 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép đã được đưa vào cách ly, lấy mẫu xét nghiệm âm tính với virus corona lần thứ nhất.
Trong khi đó, nói với Thanh Niên, ông Nguyễn Xuân Hà, Phó chủ tịch UBND TX.Điện Bàn, cho biết “Nếu để người TQ lưu trú tận 5 ngày mới phát hiện thì sẽ kiểm điểm trách nhiệm những người có liên quan. Những người quản lý địa bàn mặc dù không ai khai báo nhưng để người lạ tới lưu trú 5 ngày mà không biết là không được“, ông Hà nói.
Theo ông Hà, nếu chủ cơ sở không khai báo tạm trú tạm vắng thì địa phương rất khó nắm bắt; nhưng nếu nhóm người TQ lưu trú đến 5 ngày thì phải xem xét kỹ càng vấn đề này. Tuy nhiên, một lãnh đạo Công an TX.Điện Bàn đã không trả lời về vấn đề buông lỏng quản lý địa bàn mà cho rằng nên hỏi cơ quan chức năng của tỉnh.
Đại dịch Covid-19 đang hoành hành khắp thế giới với số người nhiễm toàn cầu đã lên đến 18 triệu người với gần 700 ngàn ca tử vong, tính đến ngày 3-8.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam nổi lên là một trong những điển hình tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương thành công trong công tác phòng chống dịch, bên cạnh Hàn Quốc, Đài Loan và New Zealand.
Ý kiến Luật sư cho rằng việc đưa người TQ nhập cảnh trái phép vào VN ‘là tội ác’
Luật sư nhận định với việc đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh không chỉ là hành vi phạm tội mà còn là “tội ác“, có thể lãnh án phạt đến 15 năm tù.
Sau hơn 3 tháng không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, tình hình dịch bệnh của Việt Nam đã diễn biến xấu trong vài ngày trở lại đây. Hơn 10 người đã bị phát hiện dương tính, chủ yếu tập trung tại TP Đà Nẵng, nơi trước đó lực lượng chức năng phát hiện nhiều người Trung Quốc nhập cảnh trái phép và tránh cách ly.
Việc người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, với sự tiếp tay của một số người Việt Nam, đang làm dấy lên chỉ trích gay gắt trong dư luận trước nguy cơ nỗ lực “chống dịch như chống giặc” có thể đổ vỡ.
Hành vi ‘tội ác’
Nhiều người có ý kiến rằng việc đưa người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam thời điểm này không khác gì câu chuyện con ngựa thành Troy, đâm thủng tuyến phòng dịch và phá vỡ công sức của nhiều người căng mình chống Covid-19. Nhất là khi quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định chủng virus lây lan ở Đã Nẵng là chủng thứ 6 tại Việt Nam.
Chủng này có đặc tính lây lan nhanh hơn so với các chủng trước đây đã ghi nhận và chủng vius mới lần này xuất phát từ bên ngoài.
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt hôm 27/7, luật sư Lê Trung Phát từ Hãng luật Lê Trung Phát (TP HCM) nhấn mạnh trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có các ca nhiễm trong cộng đồng ở Đà Nẵng và Quảng Ngãi, hành vi đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào khu vực này không chỉ là phạm tội mà còn là “tội ác“.
“Có thể nói, tội phạm nào cũng đáng bị lên án bởi nó để lại hậu quả lớn cho xã hội, xâm phạm đến trật tự xã hội được pháp luật bảo hộ. Thế nhưng, trong bối cảnh dịch bệnh đang khiến các nước trên thế giới gặp nhiều khó khăn, trong đó có Việt Nam, mà những người phạm tội lại thực hiện các hành vi nêu trên, thì đây có thể được coi là một tội ác.”
“Hậu quả nó để lại cho xã hội là vô cùng lớn, làm cả hệ thống chính trị phải tiếp tục vào cuộc để phòng chống, đảo lộn cuộc sống của mấy chục triệu dân, làm ảnh hưởng và suy thoái cả một nền kinh tế, tốn kém không biết bao nhiêu ngân sách của nhà nước. Nó cũng chẳng khác gì so với hành vi diệt chủng, bởi nó đã gieo rắc cái chết đến cho rất nhiều người, nếu họ không được chữa trị kịp thời.”
Dat Dang, một nhà báo tại TP HCM, chia sẻ trên trang Facebook cá nhân: “Bộ Y tế xác định có bệnh nhân nCov chủng mới từ bên ngoài vào. Nói thật, không dân nào hại nhau giỏi bằng dân Việt đâu. Chỉ sau 1 đợt kiểm tra nhẹ, Đà Nẵng gần trăm ông Tàu nhập lậu. Các xứ Quảng chung quanh cũng từa lưa. Chán hẳn. Giờ các địa phương khác sẽ oằn mình chống dịch vì Mỵ Châu.”
Hôm 25/7, trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an, cho rằng nếu căn cứ vào 3 vụ việc mà Công an Đà Nẵng, Công an Quảng Nam phát hiện, xử lý thì thấy tình hình quản lý nhập cảnh còn lỏng lẻo. Ông nói thêm, nguồn lây nhiễm đối với bệnh nhân dương tính Covid-19 ở Đà Nẵng tuy chưa xác định được nhưng khoảng trống về quản lý người nhập cảnh trái phép là điều cần nhìn nhận nghiêm túc và xử lý dứt điểm.
Phạt tù lên đến 15 năm
Trả lời BBC, luật sư Lê Trung Phát cho biết những người tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép có thể bị khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại Điều 348 BLHS 2015 sửa đổi năm 2017 với “Tội tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép“.
Theo đó, tùy vào tính chất mức độ như: phạm tội từ 2 lần trở lên, đối với từ 5 người trở lên hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn thì có thể bị đối mặt với khung hình phạt tù từ 5 năm đến 15 năm tù.
Luật sư Phát cũng nêu quan điểm rằng: “Trong hoàn cảnh này, chúng ta cần triển khai nhanh công tác xét xử người phạm tội, để sớm tiến hành trục xuất những người này ra khỏi Việt Nam, tránh phải tiêu tốn thêm ngân sách để điều trị cho họ, tránh làm ảnh hưởng chung đến lợi ích của quốc gia. Đối với các cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, khi phát hiện hành vi vi phạm về nhập cảnh, có nguy cơ gây lây dịch bệnh, cần áp dụng biện pháp cấm nhập cảnh và nhanh chóng cho họ quay trở lại quốc gia, lãnh thổ mà họ đã đến.”
Hoàng Trung – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Người Trung Quốc tràn vào Đà Nẵng – Vũ Hán của Việt Nam xuất hiện
>>> Việt Nam: Covid-19 tái bùng phát sẽ gây hậu quả “thảm khốc”