Không chỉ TikTok mà nhiều ứng dụng, dịch vụ khác chạy trên phần mềm của Trung Quốc cũng có thể sẽ bị Tổng thống Mỹ Donald Trump và các nước khác nhắm đến trong thời gian tới.
Ứng dụng video nổi tiếng TikTok của Trung Quốc những ngày này đã liên tiếp nhận những tin xấu từ Ấn Độ cho đến Mỹ.
App chia sẻ video ngắn TikTok đã là hiện tượng toàn cầu thời gian qua, rất được giới trẻ dưới 20 tuổi ưa chuộng. Người dùng sử dụng ứng dụng này để chia sẻ các video dài 15 giây thường liên quan đến hát nhép các bài hát, các câu chuyện gây cười hoặc định dạng lặp lại.
Ứng dụng này thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc ByteDance, có trụ sở tại Bắc Kinh. TikTok là sản phẩm được ByteDance nhắm tới người dùng ngoài Trung Quốc lục địa. Sản phẩn tương tự của công ty này bên trong Trung Quốc gọi là Douyin.
TikTok hiện đang do Kevin Mayer, cựu lãnh đạo Walt Disney, quản lý. Đây là ứng dụng gặt hái được nhiều thành công trên thị trường quốc tế. Hồi tháng 7/2019, Mark Zuckerberg, người đứng đầu Facebook, trong một cuộc họp, đã thừa nhận TikTok là sản phẩm Internet đầu tiên từ Trung Quốc hoạt động tốt ở cấp độ toàn cầu.
Ấn Độ hồi cuối tháng 6 đã chặn TikTok cùng 58 ứng dụng khác của Trung Quốc sau xung đột chính trị tại biên giới hai nước thời gian qua. Chính phủ nước này cho rằng phần mềm có nguồn gốc liên quan tới Trung Quốc tạo nguy cơ gây tổn hại tới chủ quyền, an ninh.
Trong tháng 5, TikTok tại Ấn Độ từng được hơn 100 triệu lượt tải về, gấp đôi so với thị trường Mỹ. Nhưng giờ khi truy cập vào ứng dụng tại Ấn Độ, không còn có bất kỳ video nào hiển thị. Thậm chí, nhiều người dùng còn lên tiếng kêu gọi xoá ứng dụng.
Lệnh cấm của Ấn Độ là một tổn thất nặng nề với Bytedance bởi họ đang đặt cược lớn vào Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai thế giới và là một trong những thị trường về dịch vụ số lớn nhất hiện nay. Bytedance đã đầu tư một tỷ USD để mở trung tâm dữ liệu, các văn phòng đại diện và tuyển dụng đội ngũ nhân sự cao cấp tại Ấn Độ. Số lượt tải ứng dụng TikTok tại nước này đạt 611 triệu, chiếm 30,3%, theo ước tính của công ty phân tích Sensor Tower hồi tháng 4. Từng được kỳ vọng là thị trường tăng trưởng hàng đầu sau Trung Quốc, Ấn Độ giờ trở thành cơn ác mộng đối với TikTok. Giới truyền thông nhận định mạng xã hội video này của Trung Quốc mất hàng trăm triệu người dùng và có thể tổn thất 6 tỷ USD.
Nhưng tai họa mới chỉ bắt đầu khi mà Úc cũng nói đang cân nhắc cấm TikTok, sau khi đã cấm Huawei và ZTE và Mỹ mới bắt đầu hành động.
Sau vài ngày cân nhắc, Tổng thống Donald Trump đã ra tối hậu thư cho TikTok.
Ông Trump thông báo TikTok có 45 ngày để đạt thỏa thuận bán lại cổ phần cho một công ty Mỹ, nếu không sẽ phải ngừng hoạt động tại nước này.
Ngày 03/08, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với các phóng viên rằng: “Tôi đã đặt thời hạn ngày 15/09, thời điểm họ phải chấm dứt hoạt động ở Mỹ, trừ khi Microsoft hoặc công ty nào đó mua lại cổ phần và đạt được một thỏa thuận.”
Trump nói thêm: “Một phần không nhỏ số tiền giao dịch sẽ phải chuyển vào ngân khố Mỹ, vì chúng tôi đã giúp thỏa thuận này trở thành hiện thực. Họ không có quyền gì, trừ khi chúng tôi cấp quyền cho họ.”
Trước những lo ngại về nguy cơ an ninh quốc gia mà nền tảng chia sẻ video TikTok đặt ra, Tổng thống Donald Trump cuối tuần trước đe dọa sẽ cấm ứng dụng này hoạt động tại Mỹ và bác bỏ khả năng để Microsoft mua lại.
Tuy nhiên, sau cuộc gặp với Tổng giám đốc Microsoft Satya Nadella, Tổng thống Trump được cho là đã thay đổi quyết định.
Một lý do khác dẫn đến quyết định này của ông Trump được cho là xuất phát từ lo ngại Tổng thống Trump sẽ mất đi sự ủng hộ của những cử tri trẻ trong khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp đến nếu cấm hoàn toàn TikTok.
Ý tưởng để các công ty Mỹ mua lại TikTok được nêu lên như là sự trấn an cho giới chính trị gia đối với nguy cơ rò rỉ thông tin người dùng. Theo đề xuất, Microsoft sẽ mua quyền quản lý hoạt động của TikTok tại Mỹ, Canada, Úc và New Zealand, những nước nằm trong liên minh chia sẻ tình báo Ngũ Nhãn (cùng Anh).
Tuy nhiên, một vấn đề mấu chốt trong đàm phán được cho là làm thế nào tách biệt công nghệ của TikTok với cơ sở hạ tầng của ByteDance. Các nguồn tin cho rằng Microsoft và ByteDance sẽ được cho một thời hạn để phát triển công nghệ giải quyết vấn đề nói trên.
Thỏa thuận được đàm phán trong bối cảnh giới chức Mỹ lo ngại nguy cơ thông tin dữ liệu người dùng Mỹ lọt vào tay chính quyền Trung Quốc.
Hiện tại Mỹ, TikTok có tới 80 triệu người dùng hoạt động hàng tháng. Với lượng thông tin người dùng khổng lồ và đang rất thịnh hành tại Mỹ với hàng trăm triệu lượt tải về, TikTok bị cho là mối đe dọa tiềm tàng.
Ngoại trưởng Mike Pompeo mới đây đã cho biết ứng dụng video nổi tiếng TikTok nằm trong số những “dữ liệu cung cấp trực tiếp cho Đảng Cộng sản Trung Quốc“.
Ông Pompeo nói rằng có “vô số” các công ty kinh doanh tại Mỹ có thể đang chuyển thông tin cho Chính phủ Trung Quốc. Dữ liệu bị chuyển có thể bao gồm các mẫu nhận dạng khuôn mặt, địa chỉ, số điện thoại và danh bạ.
Trong khi đó, TikTok đã bác bỏ cáo buộc rằng nó được kiểm soát bởi hoặc chia sẻ dữ liệu với chính phủ Trung Quốc. Công ty nói dữ liệu người dùng Mỹ được đặt ở Mỹ và server dự phòng đặt ở Singapore. CEO của TikTok, Kevin Mayer, đã nói: “Chúng tôi không hề chính trị, không nhận quảng cáo chính trị, không có nghị trình che giấu.”
Trước đó, vào cuối năm ngoái, TikTok là đối tượng của một vụ kiện tập thể ở Mỹ, cáo buộc app chuyển “số lượng lớn” dữ liệu người dùng về Trung Quốc.
Vụ kiện này được đệ trình lên tòa án California cuối tháng 11/2019, tuyên bố TikTok “trắng trợn… thu thập và chuyển đến các máy chủ ở Trung Quốc một lượng lớn dữ liệu người dùng và nhận dạng cá nhân” mà không có sự đồng ý của người dùng.
Những người đệ đơn cáo buộc rằng, dữ liệu này có thể được sử dụng để xác định, tạo lập hồ sơ và theo dõi người dùng ở Mỹ cả trong “hiện tại và tương lai“. Nguyên đơn có tên là Misty Hong, một sinh viên đại học ở California, nói rằng trong năm nay, cô đã tải ứng dụng này xuống nhưng không tạo tài khoản. Vài tháng sau, cô cáo buộc TikTok đã tự tạo tài khoản cho cô và “lén lút” lấy các video dạng thô mà cô đã tạo ra nhưng chưa bao giờ có ý định đăng tải lển mạng.
Các nguyên đơn cũng lập luận, TikTok đã kiếm lợi bất chính từ việc “bí mật thu thập” dữ liệu riêng tư bằng cách dùng dữ liệu đó để đạt mục tiêu kiếm “doanh thu và lợi nhuận quảng cáo lớn hơn.”
Ngay trước đó, TikTok đã bị chỉ trích nặng nề trong vụ một cô gái người Mỹ đã bị chặn dịch vụ sau khi cô đăng một clip chỉ trích cách Trung Quốc đối xử với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ. Công ty này sau đó đã phải bỏ việc chặn và xin lỗi.
Vậy sau TikTok, những phần mềm hay các công ty nào khác đang có nguy cơ nhận sự trừng phạt từ phương Tây?
Mục tiêu hiển nhiên nhất là WeChat của Tencent, cũng là sản phẩm duy nhất bị ông Pompeo điểm danh bên cạnh TikTok.
Wechat được miêu tả như một mạng xã hội, nhưng trong thực tế nó hoạt động mạnh hơn thế nhiều.
Nó cho phép thực hiện các hoạt động trả tiền, chạy các chương trình mini bổ sung, hẹn hò và nhận tin tức, bên cạnh dịch vụ nhắn tin và các hoạt động xã hội khác.
Có lẽ chính xác nhất là có thể coi nó như một dạng hệ điều hành thứ hai chạy trên nền iOS hoặc Android.
Nó cũng được coi là một công cụ chủ chốt của hệ thống giám sát nội bộ tại Trung Quốc – nó đòi người dùng nội địa, nếu bị cáo buộc là đã từng lan truyền tin đồn độc hại thì phải đăng ký scans khuôn mặt và giọng nói.
Thêm vào đó, người ta cho rằng nó được Đảng Cộng sản Trung Quốc sử dụng rộng rãi để tuyên truyền đến cộng đồng người Hoa ở nước ngoài.
Một cuộc hội thảo, được Viện Chính sách Chiến Lược Úc (Australian Strategic Policy Institute) thực hiện hồi đầu năm nay, đã thảo luận về cách thức mà các nhóm trong ứng dụng này dùng: đầu tiên là gợi ý nơi đi nghỉ, nhà hàng tốt, hay những nội dung tương tự mỗi ngày, sau đó chuyển sang gửi các tin nhắn với nội dung phù hợp đường lối của Bắc Kinh vào những thời điểm quan trọng.
Ngoài WeChat, các phần mềm nhận diện khuôn mặt đang gây quan ngại với giới chức Mỹ và từng được Ngoại trưởng Pompeo nhắc tới.
Tuy ông không nêu rõ tên bất kỳ sản phẩm nào, nhưng tại Trung Quốc có rất nhiều công ty sản xuất ứng dụng kiểu này.
Mạng xã hội Kwai và ứng dụng hướng dẫn làm đẹp YouCam Makeup đều dùng thuật toán nhận diện khuôn mặt và đều nằm trong số các ứng dụng bị cấm tại Ấn Độ.
Zoom là một cái tên nữa đang mang nhiều nguy cơ bị trừng phạt. Dịch vụ chuyện trò qua video này do doanh nhân Eric Yuan, người gốc Trung Quốc, tung ra.
Nó đã bị chỉ trích về việc việc từng chuyển hướng “nhầm” một số cuộc gọi về các máy chủ đặt tại Trung Quốc, cũng như việc đóng các tài khoản từng tổ chức sự kiện chỉ trích Bắc Kinh mà người tổ chức nằm ở ngoài Trung Quốc.
Công ty này vừa tuyên bố rằng họ sẽ ngừng dịch vụ trực tiếp cho người dùng ở Trung Quốc và thay vào đó sẽ cung cấp dịch vụ thông qua các đối tác địa phương. Khách hàng được thông báo rằng việc này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 23/8.
Thời điểm trên có thể là trùng hợp ngẫu nhiên, tuy nhiên việc này cho thấy các công ty công nghệ đang rất thận trọng, không muốn Hoa Kỳ có bất kỳ lý do gì để nghi ngờ mình.
Tuy nhiên nếu tham khảo danh sách của Ấn Độ thì nhiều ứng dụng cũng sẽ có nguy cơ bị cấm tại Mỹ.
Ngoài Tik Tok và WeChat, Ấn Độ còn cấm các tên tuổi lớn như:
- Baidu Maps và Baidu Translate – là các đối thủ cạnh tranh với sản phẩm của Google, do nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm hàng đầu của Trung Quốc tung ra;
- Weibo, dịch vụ tiểu blog tương tự như Twitter
- Clash of Kings và Mobil Legends Bang Bang – hai video games
- CamScanner – ứng dụng scan tài liệu
- QQMail – dịch vụ thư điện tử và gửi file
Theo các tường thuật địa phương, chính phủ Ấn Độ đang cân nhắc cấm thêm 275 ứng dụng nữa, trong đó có một số khá quen thuộc với thị trường Mỹ, như:
- AliExpress, ứng dụng mua sắm của của hãng bán lẻ trực tuyến khổng lồ Trung Quốc Alibaba
- Video games của NetEase, là hãng tung ra một số thương hiệu siêu nhân Marvel
- Các game của Tencent trong đó có Player Unknown Battlegrounds (PUBG) Mobile
- Một số ứng dụng mang nhãn hiệu Mi của nhà sản xuất điện thoại di động Xiaomi
Báo chí Ấn Độ nói rằng hãng Supercell của Phần Lan, nhà phát triển video game Clash Of Clans, có thể cũng sẽ bị cấm tại Ấn Độ với lý do Tencent nắm phần lớn cổ phần trong công ty này.
Cho dù Hoa Kỳ có đi theo hướng tương tự hay không thì Riot Games, hãng phát hành trò chơi điện tử Liên minh Huyền thoại (League of Legends) và Epic Games, hãng phát triển trò chơi điện tử Fortnite, có lẽ sẽ có lý do để lo lắng.
Trung Kiên – Thoibao.de (tổng hợp)
>>> Mỹ muốn lĩnh vực công nghệ không có mặt của Trung Quốc
>>> Tháng 7 – khởi đầu cho chuỗi ngày đen tối của Đảng Cộng Sản Trung Quốc
>>> Ủy viên Bộ Chính Trị Trung Quốc bị Tổng thống Trump cho ”vào lò”