Trang mạng của Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam (VOV) đưa tin hôm 25/08 mới đây đã đưa tin: “Sáng 25/08, thông tin từ Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội cho biết sẽ đưa ra xét xử vụ án từ ngày 07/09, dự kiến kéo dài 10 ngày. Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Trương Việt Toàn – Phó chánh Tòa Hình sự, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.”
Lần lượt sau đó truyền thông trong nước đưa tin: Hội đồng Xét xử gồm 5 người và hiện có hơn 30 luật sư đăng ký tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo tại tòa.
Cũng theo truyền thông trong nước, 29 bị cáo bị đưa ra xét xử về tội “giết người” và “chống người thi hành công vụ“. Trong đó, có 25 người bị xét xử về tội “giết người” gồm: Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh…
Cùng với việc đưa thông tin mới nhất về thời gian xét xử vụ án, truyền thông trong nước cũng loan tin mô tả những sự việc phạm tội rất cụ thể, chi tiết trong khi vụ án còn chưa được đưa ra xét xử.
Phiên bản “thảm sát” Đồng Tâm của chính quyền cộng sản Việt Nam được miêu tả như sau: Đầu tháng 01 năm nay, khi biết lực lượng Công an thành phố Hà Nội sẽ về xã Đồng Tâm, Kình (tức Lê Đình Kình, cựu quan chức đảng và chính quyền, công an xã Đồng Tâm, người được cho là ‘cầm đầu nhóm chống đối’ ở địa phương này) đã cùng nhiều đối tượng tổ chức họp tại nhà Kình vào các ngày 06, 07 và 08/01/2020 để chỉ đạo chống đối, sát hại lực lượng công an. Chiều 08/01/2020, theo chỉ đạo của Kình, Công đã yêu cầu đồng bọn mang các hung khí gồm tuýp sắt có gắn dao bầu, gắn liềm, bom xăng, các bao chứa gạch đá tập trung tại nhà Kình để tấn công lại lực lượng công an. Rạng sáng 09/01/2020, khi lực lượng công an đến chốt cổng làng thôn Hoành, xã Đồng Tâm (cách nhà Kình khoảng 50m) để bảo vệ mục tiêu theo kế hoạch đã đề ra Bùi Văn Niên và Lê Đình Quân đánh kẻng báo động. Các đối tượng dùng gạch đá, bom xăng, dao bầu tấn công lực lượng công an, khiến cho 3 cán bộ, chiến sĩ công an là Nguyễn Huy Thịnh, Phạm Công Huy, Dương Đức Hoàng Quân bị rơi xuống hố ở gần nhà Lê Đình Kình. Lúc đó, Chức bảo Doanh đổ xăng từ can ra chậu để Chức đổ xuống hố và châm lửa đốt khiến cả 3 đồng chí hy sinh. Vào lúc đó, tổ công tác phát hiện thấy Lê Đình Kình đang cầm 1 quả lựu đạn và hô hào chống đối nên đã dùng súng bắn tiêu diệt.
Cho đến ngày 25/08, thời điểm mà báo chí loan tin về thời gian xét xử vụ án, các luật sư đã không nhận được thông tin gì mà chỉ biết thông tin về phiên xét xử sơ thẩm qua báo chí nhà nước và không rõ vì sao báo chí chính quyền lại biết tin trước các luật sư đang bảo vệ cho các thân chủ là bị can trong vụ án.
Trả lời BBC, ông Lê Văn Luân, một luật sư trong nhóm luật sư bảo vệ cho các thân chủ là bị can, bị cáo trong vụ Đồng Tâm nhận định: “Công tác báo chí là một việc ở bên Tòa án, nhưng thường thì các việc thông tin cần được thực hiện cùng lúc và các luật sư cần được chủ động trước trong kế hoạch đó, thế nhưng vụ việc này không hiểu lý do làm sao mà báo chí lại có thể đưa tin trước, mà trong khi đó các luật sư chưa có một thông tin gì về vấn đề xét xử cả. Theo chúng tôi, về vấn đề tiếp cận là chưa được đảm bảo lắm, về mặt công bằng.”
Nhận xét về những thông tin mà báo chí đăng ngày 25/08 vừa qua, luật sư Lê Văn Luân phát biểu: “Ngay cách mà báo chí của nhà nước, chính quyền vừa loan tin về vụ xét xử sơ thẩm, thì chúng tôi nghĩ, truyền thông, báo chí nhà nước đang làm sai chức năng của mình.
Đó là mô tả những sự việc phạm tội rất cụ thể và đưa các thông tin, sự việc này như là thêm một định hướng kết tội thay cho cơ quan Tòa án, và điều này đã được phản ánh từ trước đây, nhưng nó đã trở thành một thói quen báo chí mà chúng tôi cho rằng gây hại cho quá trình tố tụng, gây hại cho những quyền của các công dân và những bị can, bị cáo.
Và điều đó đang được sử dụng một cách rất triệt để, đặc biệt trong vụ án này, gần như là đã kết tội sẵn sàng ở trên tất cả các mặt báo và điều đó xâm phạm vào quyền được xét xử công bằng và quyền, nguyên tắc xét đoán vô tội rất quan trọng quy định trong Luật Tố tụng Hình sự mà bất kỳ bị can nào cũng được hưởng.
Điều này, chúng tôi nghĩ, nó còn liên quan đến cả một hệ thống nhận thức của xã hội và nhận thức về pháp lý nữa.”
Luật sư Luân cũng khẳng định lại việc công bố ngay từ ban đầu lời khai của các bị can trên truyền hình ngay sau khi xảy ra sự việc hối tháng 01/2020 đã là một chỉ dấu về việc chưa đảm bảo quy định của pháp luật.
Facebooker Phạm Minh Vũ trong bài viết mới đây đã khẳng định: “Lỗi thuộc hoàn toàn về bọn cường quyền cướp đất, về cái thể chế tồi tàn ngồi xổm trên Hiến pháp, ra luật tạo điều kiện cho bọn cướp đất. Vậy, Trương Việt Toàn định xử họ (tức 29 người dân Đồng Tâm đã bị bắt hôm 09/01/2020 sau vụ thảm sát) tội chi khi họ không làm gì sai?”
Ông Vũ viết: “Sự việc như chúng ta đều biết, rạng sáng 09/01/2020, Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam kéo hàng ngàn quân về Đồng Tâm tấn công sát hại cụ Kình và bắt giữ con cháu cũng như dân làng ở đây.
Khi có ý định sát hại cụ Kình và kéo hàng ngàn quân về trong đêm, đây chắc chắn là một chiến dịch quy mô lớn, phương án thủ tiêu 3 đồng chí của mình để dư luận trông có vẻ hợp lý vụ tấn công vào Đồng Tâm là chính đáng. Chỉ thí 3 con chốt, mà vụ cướp 59 ha đất ở Đồng Sênh trị giá hàng tỷ đô la và có cớ ra tay giết hại đồng chí của mình là cụ Kình mà không bị dư luận lên án.
Theo cáo trạng, và các động thái bắt giữ Anh em nhà Trịnh Bá để bịt dư luận, thì chúng ta thấy, nhà cầm quyền quyết tâm tắm máu Người dân Đồng Tâm thêm một lần nữa trong phiên tòa sắp diễn ra tại Hà Nội tới đây. Tử hình một vài người Đồng Tâm ngoài mục đích ‘’đào tận gốc, trốc tận rễ’’ ra, nó có ý nghĩa phù hợp với 3 cái danh hiệu ‘’liệt sỹ’’ mà nguyễn phú trọng ký tặng cho 3 tên chốt thí, bộ công an đã quyết đưa hàng ngàn quân thì cũng quyết tắm máu cho vừa lòng, cho hả dạ quân sỹ trong lực lượng công an vì họ cứ nghĩ rằng 3 đồng chí của họ hi sinh thật.”
Facebooker Vũ Giang thì tóm tắt vụ Đồng Tâm một cách ngắn gọn và xúc tích như sau:
Chính quyền thì rêu rao:
– Tiêu diệt đám khủng bố;
– Nổ súng tiêu diệt (cụ) Lê Đình Kình là đúng;
– …
Nhưng trong quá trình tố tụng vụ án:
– Luật sư bị gây khó khăn, cản trở quyền sao chụp hồ sơ vụ án;
– Sắp xét xử mà Luật sư chưa được gặp bị can;
– Các bị can bị đưa lên truyền hình thú tội ngay sau hôm bị bắt với mặt mày sưng vù, tím tái;
– …
Bên nào tà? bên nào chính? mỗi người sẽ có nhận định riêng!
Thực tế, sau khi xảy ra vụ án Đồng Tâm, các cơ quan tiến hành tố tụng trong vụ án đã có nhiều hành động sai luật rất rõ ràng.
Ngày 05/07/2020, Luật sư Ngô Tuấn, một trong các luật sư bào chữa cho các bị can trong vụ Đồng Tâm cho biết: Ngay khi kết thúc giai đoạn điều tra và ra bản kết luận điều tra, các luật sư đề nghị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội được tiếp cận để đọc, sao chụp hồ sơ nhưng bị khước từ.
Khi hồ sơ vụ án được chuyển qua Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) thành phố Hà Nội, các luật sư đề nghị cơ quan này để đọc, sao chụp hồ sơ nhưng cũng bị khước từ với nhiều lý do khác nhau, nhưng chủ yếu là KSV được phân công phụ trách vụ án này bận công tác. Đến khi VKSND thành phố Hà Nội ban hành bản cáo trạng, chưa luật sư nào được tiếp cận hồ sơ vụ án.
Sau khi hồ sơ được chuyển qua TAND thành phố Hà Nội để chuẩn bị đưa ra xét xử, mặc dù các luật sư liên tục liện hệ trực tiếp hoặc gián tiếp bằng văn bản để đề nghị được sao chụp hồ sơ vụ án này để có cơ sở pháp lý để bào chữa cho các thân chủ nhưng tất cả đề nghị chính đáng của luật sư đều không được chấp nhận. Cũng trong giai đoạn này, khi một số luật sư vào Trại giam số 2, Công an thành phố Hà Nội để thăm gặp các bị can nhưng cũng bị từ chối nốt. Mọi nỗ lực tiếp cận hồ sơ vụ án cũng như tiếp cận thân chủ của các luật sư trong vụ án này đã bị ngăn chặn.
Ông Tuấn khẳng định việc cả 3 cơ quan tiến hành tố tụng của thành phố Hà Nội gồm cơ quan điều tra, viện kiểm sát và toà án, bằng nhiều “thủ thuật” khác nhau để khước từ quyền tiếp cận, sao chép tài liệu có trong hồ sơ vụ án là xâm phạm tới quyền hành nghề hợp pháp của luật sư và gián tiếp xâm phạm tới quyền và lợi ích chính đáng của các bị cáo.
Nhiều tổ chức, cá nhân và xã hội dân sự đã phải tích cực hành động để đảm bảo quyền lợi của 29 người Đồng Tâm bị bắt.
Ngày 25/06/2020, Liên đoàn Luật sư Việt Nam có văn bản số 186/LĐLSVN-BVQLLS về việc giải quyết đơn đề nghị hỗ trợ luật sư được sao chụp hồ sơ vụ án “Giết người; Chống người thi hành công vụ” ở Đồng Tâm.
373 nhân sỹ trí thức, đồng bào và 14 tổ chức xã hội dân sự cũng đã công bố bản tuyên bố “Phản đối Tư pháp Việt Nam có dấu hiệu vi phạm các thủ tục tố tụng dân sự trong xét xử vụ án Đồng Tâm“ ngày 05/07/2020.
Sau đó, chính quyền Hà Nội đã có một số động thái nhượng bộ. Ngày 18/07/2020, Tòa án thành phố Hà Nội đã cho các luật sự tiếp cận sao chụp toàn bộ hồ sơ vụ án (chỉ thiếu 2 video clip).
Tuy nhiên, bằng nhiều hình thức bị từ chối khác nhau, đến ngày 28/07 các luật sư vẫn chưa tiếp xúc được 29 người dân Đồng Tâm, những người đã bị bắt hồi 3 giờ sáng ngày 09/01/2020 và bị đưa ra xét xử.
Ngày 25/08 vừa qua, luật sư Lê Văn Luân cũng cho biết thêm về tình hình sức khỏe của các bị can và việc các luật sư được tiếp cận ra sao với các thân chủ của mình:
“Hiện tại, về cơ bản tình hình sức khỏe của các bị can tiến triển tốt, trước đấy một số người bị thương nặng, ví dụ như ông Chức, ông Công và Huy đều bị, ông Chức bị thương nặng nhất, theo chúng tôi biết. Bên cạnh đó, ông Hiểu cũng bị bỏng.
Chúng tôi không có toàn bộ thông tin về các bị can, nhưng một số người như tôi vừa nêu tên có nằm trong số bị thương tật, có người phải dìu đi hôm lấy cung. Khi hôm chúng tôi vào trại giam, chúng tôi cũng đã có những kiến nghị về chăm sóc y tế và biện pháp để chăm sóc cho các bị can.
Tôi cũng phải nói thêm là các luật sư cũng không dễ dàng tiếp cận, gặp gỡ các thân chủ của mình, trong suốt quá trình vừa qua cho tới nay”
Lan Anh – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Khởi tố, bắt tạm giam chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung
>>> Tại sao “họ” quyết “giết” Nguyễn Đức Chung? – tin nội chính