Chiều 10-9, vụ án Đồng Tâm đã kết thúc ngày xét xử thứ tư với thông báo của hội đồng xét xử rằng bản án sẽ được tuyên vào lúc 03h chiều ngày thứ hai, 14/09/2020.
Hàng loạt các yêu cầu của các Luật sư bào chữa miễn phí cho các bị cáo làng Đồng Tâm đã bị đại diện VKS bác bỏ theo kiểu “không cần thiết”.
Tòa cuối cùng đã kết thúc phần tranh luận đối đáp giữa Luật sư hai bên và đại diện VKS, “trong khi các Kiểm sát viên chưa đối đáp với Luật sư và ông Chủ tọa cũng không thèm hỏi lại ý kiến của các Kiểm sát viên”, theo biên bản phiên tòa được Luật sư Ngô Anh Tuấn ghi lại và công khai trên Facebook.
Có thể thấy rằng các Luật sư hầu như đã thực hành kiêm nghề phóng viên bằng cách thông tin trên Facebook hầu hết mọi diễn biến, khiến cho dư luận hầu như được cập nhật kịp thời và đầy đủ, nhất là việc ghi lại biên bản phiên tòa của Luật sư Ngô Anh Tuấn phần nào vô hiệu hóa lối xét xử công khai nhưng lại cấm nhân dân tham dự.
Đến chiều hôm nay (10/9), khi buổi xử kết thúc, thì các Luật sư đã bị hành hung theo kiểu côn đồ bởi đám Công an và an ninh ngay khi vừa rời khỏi Tòa.
Ban đầu khi luật sư Ngô Anh Tuấn đem USB ra chỗ để máy tính thì bị một nhóm công an (cả thường phục và sắc phục) ngăn lại, hạch sách: “USB này của ai?”. Sau đó, bắt đầu màn gây khó khăn và đe dọa cướp đồ.
Lúc ấy, các luật sư đều đã về, chỉ còn lại luật sư Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng và Ngô Tuấn. Thấy tình hình căng thẳng, ông Mạnh và ông Miếng ra can, thì cũng bị đám công an gây sự và bẻ tay lôi ra ngoài. Đi được vài bước, mấy kẻ mặc thường phục thẳng cánh xô các luật sư từ trên cầu thang xuống; rất may họ kịp có phản xạ chống tay để không ai bị ngã, bị thương.
Sau đó, đám côn đồ ngành bắt đầu đi xe máy, kè kè bám đuôi nhóm luật sư suốt chặng đường từ tòa án về khách sạn, buộc họ phải rút cả về văn phòng luật sư Ngô Tuấn “cố thủ”, đề phòng rủi ro.
Có lẽ đám công an, côn đồ này cay cú với những hành động của các Luật sư trong phiên tòa, đặc biệt là họ muốn đe dọa không cho các luật sư công bố thông tin, thể hiện qua việc giằng co chiếc USB của Luật sư Ngô Anh Tuấn.
Mọi thủ tục và tranh luận đã bị cắt đứt vào ngày thứ tư xét xử, trong dự kiến ban đầu của Hội đồng xét xử ghi rõ sẽ tiến hành trong 10 ngày.
Trong khi chờ đợi bản án sẽ tuyên, đến đây có thể tổng hợp khái quát 5 luận điểm chính mà các Luật sư đã đưa ra tranh luận nhưng chỉ được Kiểm sát viên đối đáp nửa vời và tòa hầu như bác bỏ toàn bộ, bao gồm những ý sau:
Một (1) là – Yêu cầu triệu tập hàng loạt nhân chứng và người liên quan đã bị bác bỏ hoàn toàn. Luật sư Lê Văn Hòa gửi kiến nghị một danh sách dài các nhân chứng và người liên quan cần được xét hỏi nhằm làm sáng tỏ sự thật đã không hề có ai được triệu tập.
Tại phiên tòa LS Lê Văn Luân đã đề nghị được hỏi đại diện Công an thành phố Hà Nội đang có mặt tham dự phiên tòa về Kế hoạch số 419A của Công an Tp Hà nội, được hồ sơ vụ án đề cập, nhưng vị chủ toạ phiên tòa bác yêu cầu và nói: Công an Hà Nội không tham gia tố tụng vì không liên quan, nên đề nghị luật sư không hỏi.
Hai (2) là – Các luật sư đòi hỏi tính hợp pháp của cuộc tấn công giữa đêm khuya theo một bản kế hoạch ghi số 419A đã được UBND Tp Hà nội và Bộ Công an phê chuẩn cũng không được Tòa làm sáng tỏ.
“Bản kế hoạch này là điểm khởi đầu cho vụ việc đầy bi kịch tại Đồng Tâm rạng sáng ngày 9/1/2020, nhưng nó không xuất hiện trong hồ sơ vụ án.” Luật sư Lê Văn Luân cho biết.
Tuy nhiên Luật sư Nguyễn Hồng Bách, người bảo vệ đứng về phía gia đình của 3 CSCĐ tử vong, lại công bố trong phiên tòa rằng văn bản này thuộc loại Tối Mật.
“Nếu cuộc tấn công này là hợp pháp thì những kẻ gây nên cái chết cho 3 sĩ quan an ninh là tội đồ. Ngược lại, cuộc tấn công này là bất hợp pháp thì việc chống kẻ xâm nhập gia cư đang đêm bất hợp pháp là hành động tự vệ chính đáng.” Nhà văn Lưu Trọng Văn đưa ra nhận định cũng trùng với quan điểm của các Luật sư Đồng Tâm và rất nhiều người công khai ý kiến trên Facebook.
Nhà báo Nguyễn Thông nói:“Hà cớ gì lúc đêm hôm khuya khoắt đưa binh hùng tướng mạnh bao vây thôn làng, xông vào tận “nhà dân, vi phạm hiến pháp, bắt người, bắn người, giết người mà không cần bất kỳ bản án buộc tội nào. Làm công vụ giết người trong đêm, chỉ có quân thảo khấu man rợ mới vậy, chứ thảo khấu bình thường nó cũng không dám.”
Cáo trạng cho rằng Kế hoạch giữa đêm của Công an vào thôn Hoành với mục đích để đảm bảo an ninh trật tự cho việc xây dựng tường rào sân bay Miếu Môn, tuy nhiên đây chỉ là một lời ngụy biện trâng tráo vì tường rào Miếu Môn đã được xây xong cuối năm 2019, nơi xây cách thôn Hoành tới 2km.
Ba (3) là – Bởi lẽ “Giết người” là một cáo buộc nghiêm trọng, dẫn tới hình phạt tử hình, nên các Luật sư đưa ra yêu cầu thực nghiệm điều tra nguyên nhân cái chết của 3 CSCĐ. Nghi vấn đặt ra là vì sao các thi thể bị hóa thành than, tuy nhiên vị đại diện VKS nói không cần thiết và tòa bác bỏ yêu cầu này của các Luật sư.
“Do giếng kín, nên xăng đổ xuống “nhiều chậu” chỉ có thể bốc hơi lên trên và cháy phía trên miệng giếng, chứ không thể cháy trong giếng. Nó giống như một trò chơi dân gian. Người ngậm dầu vào miệng và phun vào ngọn lửa trần tạo ra ngọn lửa nhưng miệng người phun không hề bị bỏng. Vì trong miệng anh ta không có ô xy.”
“Vì thế, với kịch bản đổ xăng được đưa ra trong cáo trạng, thì sẽ có một cột lửa lớn phụt trên miệng giếng, 03 Công an rơi trong giếng chỉ chết ngạt chứ không thể bị than hóa. Vì không đủ oxy để cháy.”
Trong khi đó, kết luận điều tra của công an TP Hà Nội viết rằng ông Lê Đình Chức Chức “cầm can xăng đổ ra chậu“, và “dùng chậu đổ xăng 3-5 lần xuống hố, cứ 3-5 phút thì đổ một lần…”
Luật sư Hà Huy Sơn đưa ra lý giải.
Trong kết luận điều tra cho biết cái chết của 3 người này là do “ngạt khí và than hóa toàn thân do nhiệt ở mức độ rất nặng” và không có nêu bệnh nền.
Luật Nguyễn Đăng Mạnh cũng cho rằng nguyên nhân các chết chỉ dựa vào lời khai của các bị cáo là chưa đủ cơ sở kết luận.
“Ngạt khí do đâu, từ đâu? Giám định pháp y chưa làm rõ nội dung này. Xăng cháy, khí CO2 từ 2 bình xịt, trang thiết bị các chiến sỹ mang theo, quả pháo sáng…đều là những nguyên nhân gây nên cái chết cho các bị hại.” Luật sư Mạnh đưa ra lý giải.
Luật sư Nguyễn Hồng Bách, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 3 viên công an được cho là bị thiêu đã lên tiếng phản đối việc thực nghiệm hiện trường vụ án.
Luật sư Bách được dẫn lời rằng “Ai là người dám chui vào cái hố đó, cho người khác đổ xăng lên? Thậm chí dùng vật thay thế hoặc con vật khác, chúng ta cũng không có quyền”. Theo luật sư Nguyễn Hồng Bách thì trong trường hợp này không nên thực nghiệm, như thế sẽ gợi lại nỗi đau của gia đình thân nhân.
Trong khi đó Luật sư Nguyễn Hà Luân, người bào chữa cho những người bị cáo buộc trong vụ án sau đó đã phản bác quan điểm của luật sư Bách. Theo luật sư Nguyễn Hà Luân thì “Thực nghiệm hiện trường có thể thực hiện bằng nhiều biện pháp khác nhau và không nhất thiết phải về tại chính địa điểm đó và cũng không nhất thiết phải có mặt của tất cả mọi người.
Ông Luân đồng ý việc không gợi lại nỗi đau cho người nhà nạn nhân nhưng nếu chứng minh được hành vi phạm tội một cách rõ ràng thì sẽ giảm đi sự ngờ hoặc. Lúc này, càng giảm được chừng nào hay chừng ấy.
Bốn (4) là – Nhiều bị cáo khai đã bị ép cung nhục hình, cụ thể bằng câu hỏi của Luật sư Nguyễn Đăng Mạnh cho thấy 19/29 bị cáo xác nhận đã bị ép cung nhục hình.
Ông Lê Đình Công khai trong giai đoạn điều tra đã bị đánh liên tục 10 ngày bằng dùi cui cao su bởi điều tra viên tên Phạm Việt Anh. Theo lời khai ông Lê Đình Công nói trước tòa.
Bà Bùi Thị Nối cũng khai tại tòa rằng: lúc bà đang bị thương nhưng khi lấy cung vẫn bị đánh vào chân rất đau đớn tại đồn Công an Miếu Môn để ép cung.
Đặc biệt là ông Lê Đình Chức có vết thương rất lớn ở đầu nhưng ông Chức đưa ra lời khai rất kỳ lạ rằng ông không đi bệnh viện và ông cũng không biết vết thương của mình từ đâu ra.
Trong khi hình ảnh ông Chức trước Tòa có 1 vết sẹo to bằng 3 ngón tay, dường như đã bị đục đi 1 miếng hộp sọ. Cáo trạng cũng viết là ông này bị bắn vào đầu.
Lý do nào khiến ông Chức không dám khai đúng sự thật, là một nghi vấn rất lớn.
Trước tòa, ông Bùi Viết Hiểu cũng phản cung và tố cáo rằng Điều tra viên soạn sẵn lời khai ép ông phải nói để quay video, tuy nhiên tòa không có ý định xem xét tố cáo này.
Ép cung nhục hình là một tội hình sự và từng xảy ra rất nhiều ở Việt nam trong thời gian gần đây.
Trong phiên tòa xử 29 người dân Đồng tâm, VKS và Tòa đồng quan điểm ngắn gọn rằng “không có cơ sở”để phủ nhận các tố cáo bị ép cung, dùng nhục hình của các bị cáo và yêu cầu xem xét sự việc của các Luật sư.
Năm (5) là – Yêu cầu khởi tố vụ án Giết người từ cái chết của ông Lê Đình Kình cũng bị tòa bác bỏ, trong khi đó VKS lập luận rằng “Trời tối nên ông Bùi Viết Hiểu không thể nhìn thấy Kình bị bắn chết nên lời khai là không chính xác. Theo hồ sơ có trong vụ án thì Kình có sự chống đối nên việc bắn chết là đúng quy định của pháp luật.” Đại diện VKS đã xưng hô với ông Lê Đình Kình bằng cách nói trống không một chữ Kình, theo cách rất vô văn hóa, thiếu tôn trọng người một người cao tuổi đã mất.
Về vết thương trên người ông Hiểu, đại diện VKS chỉ nói rằng: “Không rõ nguyên nhân”.
Về cáo buộc ông Kình chống trả bằng cách cầm lựu đạn chỉ là tuyên bố tự thân của phía công an, không có cơ sở nào chứng minh, trong khi Bùi Viết Hiểu là nhân chứng duy nhất chứng kiến cái chết của ông Lê Đình Kình đã khẳng định trước tòa là ông Kình không có lựu đạn.
Cho đến ngày 10-9-2020 tức là sau hơn 8 tháng vụ việc ngày 9-1 xảy ra thì chỉ có duy nhất 1 tấm ảnh với 7 vật “giống lựu đạn” được VTV, TTXVN và các báo đài nhà nước đưa ra để làm bằng chứng cho cái gọi là “ông Kình cầm lựu đạn chống trả công an“.
Trong phiên tòa xử 29 người dân ngày thứ ba hôm 9-9 thì các bị cáo bị hỏi đều khẳng định không hề đưa cho ông Lê Đình Kình một quả lựu đạn nào.
“Tôi hỏi lại ông, theo thống kê của chúng tôi thì có ít nhất 11 quả lựu đạn được thu giữ tại hiện trường và 1 vỏ lựu đạn đã nổ (khả năng là quả thứ 12).
Ông cho Hội đồng xét xử biết rằng có chắc rằng ông chỉ nhờ mua 10 quả lựu đạn và trong nhà ông hoặc nhà ông Kình không có thêm bất kỳ quả lựu đạn nào?” – Luật sư Ngô Anh Tuấn hỏi ông Lê Đình Công.
Ông Công đáp: “Tôi khẳng định lời khai của tôi là đúng. Tôi chỉ nhờ mua 10 quả lựu đạn, ngoài ra không có thêm bất kỳ quả nào trong nhà tôi và nhà ông Kình.”
Khi luật sư Tuấn hỏi tiếp ông Bùi Viết Hiểu về giờ phút ở với ông Lê Đình Kình thì bị Chủ tọa thẩm phán Trương Việt Toàn ngắt lời, yêu cầu luật sư không hỏi các nội dung liên quan tới ông Kình vì “hành vi của ông Kình không được xem xét trong vụ án này“.
Luật sư Tuấn không đồng ý vì “trong Cáo trạng đã cáo buộc ông Kình phạm tội giết người, tôi không chỉ là luật sư bào chữa cho các bị cáo mà tôi còn là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Dư Thị Thành, vợ ông Lê Đình Kình“
Theo biên bản ghi nội dung phiên xử mà luật sư Tuấn công bố cho thấy, Chủ toạ nhắc nhở luật sư rằng bà Thành không được công nhận tư cách tham gia tố tụng nên luật sư không có tư cách đại diện cho bà tại phiên toà này.
Luật sư Tuấn nhắc lại lời của chủ toạ trong phần khai mạc phiên toà là có thể triệu tập bà Thành nếu cần, lúc này là lúc cần, đề nghị HĐXX thực hiện việc đó…
Tuy nhiên, chủ toạ phiên toà đề nghị luật sư về chỗ vì hỏi vượt quá giới hạn xét xử (sẽ mời luật sư quay lại hỏi sau).
Thu Thủy – Thoibao.de (tổng hợp)
>>> 3 Công an chết vì tự bắn vào nhau trong cuộc tấn công Đồng Tâm (Tin nội chính)
>>> Cụ Lê Đình Kình bị bắn chết bằng súng MP5K của Đức
>>> Vụ án Đồng Tâm – Hãy thực nghiệm hiện trường: Bị cáo Lê Đình Chức đã đâm 3 công an như thế nào?
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT