Sau những vụ việc tai tiếng liên quan đến việc đại biểu quốc hội, cán bộ lãnh đạo tại Việt Nam đầu tư ra nước ngoài để mua quốc tịch, Chính phủ Việt Nam đang có những động thái sửa đổi một số điều luật để ngăn chặn tình trạng này.
Dự thảo Nghị định Quy định về đầu tư nước ngoài mới đây đã bổ sung điều kiện đầu tư ra nước ngoài đối với ngành nghề kinh doanh bất động sản.
Theo đề xuất thì “chỉ nhà đầu tư là doanh nghiệp thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp Việt Nam mới được phép đầu tư” vào bất động sản ở nước ngoài. Điều đó có nghĩa là mọi cá nhân không được phép đầu tư lĩnh vực này ở nước ngoài để tránh tình trạng cá nhân đầu tư bất động sản để định cư ở nước ngoài mà không nhằm mục tiêu đầu tư, kinh doanh.
Điều khoản bổ sung này được cho là nhằm ngăn chặn tình trạng cá nhân đặc biệt là đối tượng cán bộ, công chức, sĩ quan… mang tiền ra đầu tư ở nước ngoài rồi nhận thẻ định cư và quốc tịch nước ngoài.
Theo thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 2015 đến nay, số lượng dự án đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước và có vốn nhà nước giảm mạnh; trong khi đó, doanh nghiệp vốn tư nhân và cá nhân tham gia ngày càng nhiều trong đó có một tỷ lệ không nhỏ là tẩu tán tài sản và mua hộ chiếu ngoại.
Xu hướng người Việt đầu tư ra nước ngoài để lấy quốc tịch đã nở rộ trong nhiều năm nay.
Việc nhập tịch nước ngoài không chỉ giúp “nhà đầu tư” có quyền đi lại trên thế giới với tấm hộ chiếu “có quyền lực” hơn nhiều so với hộ chiếu CHXHCN Việt Nam vốn phải xin visa khó khăn mới vào được rất nhiều nước giàu có hơn.
Chưa kể việc có quốc tịch nước ngoài, nhất là ở một quốc gia thuộc khu vực Bắc Mỹ hay EU, Anh Quốc còn tạo cơ hội cho chính nhà đầu tư và thân nhân thụ hưởng nền giáo dục tốt, y tế văn minh không bị nạn hối lộ hành hạ.
Nếu sau năm 1975, người Việt đa phần là bất chấp sự nguy hiểm của tính mạng vượt biên trên những con thuyền lênh đênh trên biển cả khiến thế giới phải ngỡ ngàng đặt tên là sự kiện thuyền nhân Việt Nam để tìm đến giấc mơ Mỹ thì kể từ những thập niên 1990 đến nay khi Việt Nam bắt đầu mở cửa hội nhập quốc tế, người Việt đã tìm nhiều cách hơn để định cư nước ngoài.
Đầu tiên và phổ biến nhất là phong trào đi xuất khẩu lao động qua các nước phát triển ở khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và trước đó đã có làn sóng xuất khẩu lao động sang Liên Xô và Đông Âu – và mục tiêu ra đi vẫn luôn là để có thu nhập tốt hơn và nều điều kiện cho phép thì sẽ tìm cách ở lại.
Những năm gần đây, khi kinh tế Việt Nam đã hội nhập mạnh với nền kinh tế thế giới, tầng lớp trung lưu và thượng lưu tại Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Hiện tượng này đã nảy sinh hình thức định cư mới của giới nhà giàu này đó là lấy quốc tịch theo diện đầu tư tại các nước phát triển.
Theo ông Thoi Nguyễn, hiện sống và làm việc tại London, người trực tiếp làm dịch vụ định cư ở Anh cho người Việt Nam, báo cáo của Wealth-X và Knight Frank đều nhận định rằng số lượng người siêu giàu Việt Nam đang tăng trưởng rất nhanh. Theo Wealth-X, người siêu giàu là các cá nhân có tài sản trên 30 triệu USD và Việt Nam nằm trong nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng người siêu giàu nhanh nhất thế giới giai đoạn 2012-2017. Những nhà giàu có đó đã tìm cách mua nhà định cư ở nước ngoài.
Anh Quốc, Ireland, Malta, Tây Ban Nha, Cyprus và Hy Lạp đã trở thành điểm đến ưa thích của người giàu Việt Nam nhờ quy chế cho phép nhà đầu tư và doanh nhân chỉ cần bỏ tiền ra mua bất động sản hay đầu tư vào các cổ phiếu hay mua lại doanh nghiệp có sẵn, là họ có thể có trong tay một tấm hộ chiếu có giá trị và quyền lực.
Ông Thoi Nguyễn cho biết giao dịch của khách hàng người Việt đến Anh Quốc tăng dần thông qua chương trình định cư vì thông điệp của Vương Quốc Anh rất rõ ràng, họ chỉ chào đón các nhà đầu tư có điều kiện và nhà giàu.
Nếu bạn hơn 18 tuổi, không có tiền án, tiền sự và đem 2 triệu bảng Anh (60 tỷ VND) đầu tư vào Anh Quốc và số tiền đó phải chi vào kinh doanh, thì bạn dễ dàng được cấp thị thực diện doanh nhân định cư 3 năm và 4 tháng cho lần cấp đầu; Sau đó bạn sẽ được quyền gia hạn visa thêm hai năm ở lại Anh và sau 5 năm bạn có quyền xin thẻ định cư. Trong chương trình này bạn có thể bảo lãnh gia đình và người thân của mình đoàn tụ.
Bộ Nội vụ Anh sẽ cấp cho bạn thị thực định cư vĩnh viễn nhanh hơn nếu trong trường hợp, trong vòng 3 năm đầu bạn có hơn 5 triệu bảng và chỉ 2 năm nếu như bạn có hơn 10 triệu để đầu tư. Sau khi có thẻ định cư vĩnh viễn hơn một năm, bạn có quyền xin nhập tịch và nhận hộ chiếu Anh Quốc.
Một ví dụ khác là Cộng hòa Ireland, nước không bắt buộc người nước ngoài phải lưu trú một số ngày nhất định trong năm mới được cấp thẻ định cư. Nếu bạn mua một căn nhà Ireland từ 2 triệu Euro, thì bạn đã có cơ hội định cư ở đất nước này. Bên cạnh đó, xu hướng “đầu tư di cư”, “hay đầu tư để nhập tịch” và “di cư vốn” cũng ngày một rõ nét hơn ở đất nước nói tiếng Anh này. Nếu các nhà giàu phải đầu tư ít nhất 1 triệu euro vào một doanh nghiệp Ireland đủ điều kiện trong ít nhất ba năm là bạn có cơ hội định cư vĩnh viễn và sau đó là có quốc tịch Ireland.
Riêng với nhóm có khi điều kiện kinh tế cho phép, nhiều gia đình Việt Nam ban đầu cho con đi du học nước ngoài, rồi sau đó mở đường cho cha mẹ theo chân sang định cư.
Số lượng người Việt đi du học ở các phương Tây tăng nhiều. Hiện tượng du học đã nổi lên rầm rộ hơn 15 năm nay, và nhiều du học sinh đi học và tìm cách ở lại. Lượng người Việt ở nước ngoài tăng lên dần theo diện đoàn tụ gia đình và vì các du học sinh ở lại.
Viết trên BBC, ông Nguyễn cho biết sau tám năm làm công việc tư vấn ở London, gặp gỡ nhiều nhà đầu tư giàu có và thành đạt từ Việt Nam, ông nhận thấy đại đa số họ luôn trăn trở là làm cách nào để con cái họ được hưởng một nền giáo dục tiên tiến, gia đình được hưởng chính sách y tế tốt nhất và miễn phí.
Họ cũng than làm sao để được sống trong một xã hội văn minh và gia đình được hưởng chế độ phúc lợi và an sinh xã hội tốt, nắm trong tay những hộ chiếu hùng mạnh nhằm tạo ra lợi thế cho thế hệ sau này trong xu thế hội nhập quốc tế.
Một thực tế hiện nay là hộ chiếu của Việt Nam còn rất nhiều hạn chế để tự do đi lại đến các quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Giáo dục, chất lượng cuộc sống ở Việt Nam vẫn còn rất thấp hơn so với các nước trong khu vực. Môi trường ô nhiễm kéo dài khiến sức khỏe của con người cũng ngày càng giảm. Ông cho rằng chừng nào nào những giá trị căn bản đó chưa được cải thiện, thì giới nhà giàu Việt sẽ vẫn còn đi tìm kiếm những nơi “đất lành, chim đậu”.
Trở lại việc quan chức Việt Nam, những người đã dành cả cuộc đời làm việc, cống hiến cho công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa mà vẫn theo đuổi giấc mơ mua quốc tịch ở xứ tư bản giãy chết, đang là vấn đề nhức nhối trong Đảng Cộng sản Việt Nam, đe dọa đến danh tiếng của Đảng.
Chính quyền Việt Nam và Đảng Cộng sản cầm quyền đã có nhiều quy định rất chi tiết nhằm kiểm soát bộ máy quan chức, công chức và 5 triệu Đảng viên của mình.
Năm 2017, một quy định của Đảng Cộng sản nêu ra hàng chục điều cấm đảng viên không được làm, gồm những điều khá chặt chẽ về quan hệ với nước ngoài, vấn đề vẫn bị coi là “nhạy cảm” theo nhãn quan chính trị XHCN ở Việt Nam.
Quy định 102, công bố đầu năm 2018 ghi rõ một số điều cấm đoán như:
*Có quan hệ mật thiết với người nước ngoài mà không báo cáo
*Có con kết hôn với người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài có thái độ chính trị có hành vi chống Đảng và Nhà nước. (Điều 25)
*Về cá nhân, không được tự ý ra nước ngoài mà không báo cáo (Điều 26)
*Tự mình hoặc có hành vi để bố, mẹ, vợ/chồng, con, anh, chị, em ruột đi du lịch, tham quan, học tập, chữa bệnh ở trong nước, ngoài nước bằng nguồn tài trợ của tổ chức, cá nhân nước ngoài khi chưa được phép (Điều 26);
* Gian dối trong việc cho con đẻ hoặc nhận nuôi con nuôi mà thực chất là con đẻ nhằm cố tình sinh thêm con ngoài quy định. (Điều 27)
Các quan chức, đảng viên, cán bộ, công chức, sĩ quan quân đội, công an… được cho là các “đối tượng dễ lợi dụng chính sách để kiếm lợi, tẩu tán tài sản ra nước ngoài”. Hiện tượng quan chức ‘tẩu tán tài sản lớn” ra nước ngoài được báo chí Việt Nam cho là đã khá phổ biến và “rất khó thu hồi” tiền bạc về cho Việt Nam.
Lực lượng vũ trang gồm quân đội và công an luôn được coi là cánh tay phải của Đảng, bảo vệ sự tồn vong của Đảng. Một câu hỏi lớn được đặt ra là có hay không sĩ quan công an, quân đội Việt Nam tham gia các tuyến “di cư” bằng đầu tư ra nước ngoài, hoặc tẩu tán tài sản kiếm được bằng cách nào đó trong nước để có hộ chiếu nước ngoài.
Báo chí Việt Nam chưa tìm ra trường hợp nào trong khối quan chức mang quân phục thành công trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên đã từng có sĩ quan an ninh cao cấp phạm tội và bị lộ là có nỗ lực tìm mua hộ chiếu Mỹ. Báo Việt Nam hồi 2019 và đầu năm 2020 nói thượng tá an ninh Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm), người bị bắt và xử tù trong vụ án hồi 2018 đã khai là ông ta từng chi ra “700.000 USD để nhờ làm hộ chiếu quốc tịch Mỹ cho cả gia đình” nhưng “bị lừa” và không đạt mục tiêu đó.
Hải Yến – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Vụ Đồng Tâm: Từ trại giam, có ít nhất bốn người đã gửi đơn kháng cáo
>>> “Bỏ đảng” lan rộng – Tổng bí thư vội cho mở Hội triết học
>>> Luật đảng là “bố tướng” – Luật nước để “lót nồi”
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT