Nhà báo Phạm Đoan Trang bị bắt đúng thời điểm diễn ra cuộc đối thoại nhân quyền Việt- Mỹ, theo thông báo từ Facebook của Cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên.
Hôm nay, ngày 7/10/2020 là ngày thứ 2 và cũng là phiên cuối cùng diễn ra cuộc Đối thoại Nhân quyền Việt Nam- Hoa Kỳ. Nhưng vào lúc 23h:30’ tối qua, ngày 6/10/2020, Công an đã bắt nhà báo Phạm Đoan Trang- một nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng tại Việt Nam. Bà Trang bị bắt tại một nhà trọ ở Sài Gòn.
Báo chí trong nước dẫn nguồn từ Bộ Công an xác nhận việc Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội khởi tố, bắt tạm giam bà Phạm Đoan Trang về tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bà Trang có tên đầy đủ là Phạm Thị Đoan Trang, 42 tuổi, trú tại một nhà trọ ở phường 10, quận 3, TP.HCM khi bị bắt.
Bà Phạm Đoan Trang là tác giả nhiều ấn phẩm của NXB Tự Do như Phản kháng phi bạo lực; Cẩm nang nuôi tù; Chính trị bình dân…và mới đây (25/9) là bản Báo Cáo Đồng Tâm (song ngữ Anh – Việt) viết cùng Will Nguyễn… đều là những cuốn sách bị cơ quan an ninh Việt nam tìm mọi cách ngăn chặn truy bắt đối với những người tham gia phát hành.
Bản thân bà Trang đã phải thay đổi liên tục chỗ ở suốt 3 năm qua để tránh bị phía Công an Việt nam theo dõi và truy bắt.
“Trang chưa bao giờ không ý thức việc mình có thể bị bắt bất cứ lúc nào. Cô phải dời chỗ ở liên tục. Cô từng viết, cô đang sống dưới giá treo cổ…” Facebook Mạnh Kim kể lại một cuộc nói chuyện với bà Phạm Đoan Trang cách đây vài tuần.
Trong bức thư đề ngày 27/5/2019 của Phạm Đoan Trang do Will Nguyễn công bố, bà Trang viết về ba tâm nguyện bà muốn cộng đồng thực hiện: Vận động thông qua luật bầu cử mới, luật tổ chức quốc hội mới; Quảng bá các sách bà viết; Biến việc bà đi tù thành cơ hội để giới dân chủ đàm phán với nhà nước; Đòi thông qua luật bầu cử mới và luật tổ chức quốc hội mới.
“Tôi không cần tự do cho riêng mình; nếu chỉ vậy thì quá dễ. Tôi cần cái lớn hơn thế nhiều: Tự do, dân chủ cho cả Việt Nam. Đó là một mục tiêu nghe có vẻ vĩ đại và xa vời, nhưng thật ra là khả thi, nếu có sự góp phần của tất cả các bạn.” Phạm Đoan Trang nêu quan điểm.
Bà Trang nhắn nhủ rằng các cuốn sách của bà mong muốn được phổ biến bao gồm:
a) Chính trị bình dân
b) Cẩm nang nuôi tù
c) Phản kháng phi bạo lực
d) Politics of a Police State (Tiếng Anh)
e) Chúng ta làm báo
f) Các ấn phẩm liên quan tới bầu cử.
Bà Phạm Đoan Trang cũng từng tuyên bố công khai với cơ quan an ninh VN rằng rằng bà muốn “chống độc tài và mong muốn đấu tranh xoá bỏ nhà nước Cộng sản độc tài tại Việt Nam.”
Bà Phạm Đoan Trang làm báo từ năm 2000 cho đến 2013 cho VnExpress, VietnamNet, báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, truyền hình VTC, và các nơi khác, khoảng gần 10 cơ quan báo chí khác nhau trước khi dấn thân trở thành một nhà hoạt động bất đồng chính kiến.
Bà Trang từng được nhận Giải thưởng Homo Homini 2018 từ tổ chức nhân quyền People In Need có trụ sở tại Séc.
Vào tháng 9/2019, Phạm Đoan Trang đã được Tổ chức Phóng viên Không biên giới trao cho Giải thưởng Tự do Báo chí, hạng mục “Ảnh hưởng“.
Bà Trang là người đồng sáng lập blog Luật Khoa Tạp Chí, nơi cung cấp thông tin về các vấn đề pháp lý để giúp người dân Việt Nam bảo vệ quyền của mình.
Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an, vừa cho biết Cơ quan An ninh điều tra Công an Hà Nội đã khởi tố vụ án với bà Phạm Đoan Trang để điều tra cáo buộc có hành vi “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, theo điều 117 Bộ luật Hình sự 2015, tức điều 88 cũ.
Bà Trang đang bị di lý về Hà Nội để phục vụ điều tra, theo phía công an.
“Quá trình bắt giữ, khám xét, Cơ quan An ninh điều tra thu giữ một số tài liệu, thiết bị, tài liệu liên quan vụ án“, tướng Xô nói.
Bà Trang bị đưa đi cùng chủ nhà trọ – người bị giam một đêm sau đó được thả vào khoảng 06:00 ngày 7/10.
Trước khi bị bắt, bà Trang có dặn bạn bè về việc mời một số luật sư để bảo vệ pháp lý cho bà. Tuy nhiên bà Nghiên cho hay tạm thời chưa thể tiết lộ danh tính luật sư.
Bà Phạm Thanh Nghiên kể rằng không lâu trước khi bị bắt, bà cùng nhà hoạt động Phạm Đoan Trang đã có cuộc tiếp xúc với Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP HCM để trình bày về một số vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, đặc biệt là về vụ Đồng Tâm.
Trong cuộc tiếp xúc này, bà Phạm Đoan Trang đã trao cho Lãnh sự quán Hoa Kỳ bản Báo cáo Đồng Tâm song ngữ do bà cùng nhà hoạt động Will Nguyễn viết.
Bà Nghiên nói với BBC:
“Chúng tôi cũng đã nói với Lãnh sự quán về khả năng một số nhà hoạt động ở sẽ bị bắt sau vụ Đồng Tâm và trước Đại hội ĐCS VN lần thứ 13. Đặc biệt là những người viết nhiều, viết mạnh mẽ về vụ Đồng Tâm. Một trong những cái tên ‘sáng giá’ có thể bị bắt là nhà báo Phạm Đoan Trang cùng một số người nữa. Và quả đúng vậy, Phạm Đoan Trang đã bị bắt.”
“Phía lãnh sự quán Mỹ cũng hứa sẽ đưa vấn đề Đồng Tâm ra cuộc đối thoại nhân quyền với Việt Nam tổ chức trong hai ngày 6-7/10/2020.”
“Nhìn vào bề dày hoạt động của Phạm Đoan Trang trong những năm qua, tôi thấy rằng Trang bị bắt là một điều hoàn toàn có thể dự tính được. Trang cũng chuẩn bị tinh thần để vào tù rồi.”
“Bất cứ người nào hoạt động nhân quyền ở Việt Nam cũng có thể bị bắt. Nhưng khi họ bắt, họ có sự cân nhắc và lựa chọn.”
“Phạm Đoan Trang là người có ảnh hưởng trong cuộc tranh đấu ở Việt Nam. Những gì cô ấy làm, theo đánh giá của cá nhân tôi và đặt vào địa vị nhà cầm quyền, thì rất là nhiều. Cô ấy viết rất nhiều sách, toàn sách nhạy cảm. Đặc biệt là những bài viết gần đây của cô ấy rất mạnh mẽ, thể hiện quan điểm, suy nghĩ của cô về vụ án Đồng Tâm, trong đó có Báo cáo Đồng Tâm.“
“Tôi nghĩ rằng bản Báo cáo Đồng Tâm có thể là một trong những lý do trực tiếp để Trang bị bắt. Vì vụ án Đồng Tâm mới trải qua sơ thẩm, còn phiên phúc thẩm nữa, và là vụ án gây chấn động. Và nhà nước tỏ thái độ như thế nào với những người viết bài về vụ án này rồi.”
“Không riêng Đoan Trang mà tôi cho rằng còn một vài nhà hoạt động nhân quyền nữa sẽ ở trong tầm ngắm của nhà cầm quyền và sẽ bị bắt.”
“Họ có thể bắt Phạm Đoan Trang trước hoặc sau cuộc đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ, nhưng họ lại bắt đúng thời điểm đang diễn ra và hôm nay là ngày cuối cùng, thì đây là một thông điệp rất rõ ràng chính quyền Việt Nam gửi đến Hoa Kỳ và quốc tế rằng với Việt Nam, vấn đề nhân quyền không là gì trong mối quan tâm của họ.”
“Và việc quan tâm duy nhất của họ là bảo vệ sự lãnh đạo độc quyền của lãnh đạo Việt Nam và họ không chấp nhận bất cứ tiếng nói đối kháng nào tại Việt Nam,” bà Nghiên cho hay.
Thu Thuỷ – Thoibao.de (Tổng hợp)