Hành động của chính quyền Việt Nam bắt giữ nhà báo tự do, nhà hoạt động Phạm Đoan Trang hôm 06/10/2020 đã ‘đi ngược’ lại các cam kết quốc tế và luật pháp của chính nước này, một số ý kiến nói với Bàn tròn thứ Năm của BBC News Tiếng Việt hôm 08/10.
Từ Đài Bắc, Đài Loan, luật gia Trịnh Hữu Long, Tổng Biên tập Luật Khoa Tạp Chí nói với BBC:
“Theo tôi, về bản chất của vụ bắt giữ và vụ án này với Phạm Đoan Trang cũng không có gì nhiều để bình luận. Nó là một hành vi vi phạm nhân quyền đáng lên án và chính quyền Việt Nam đang đi ngược lại với chính pháp luật của họ, Hiến pháp của họ và với những Công ước quốc tế mà họ đã ký kết, đa tham gia.
“Đi ngược lại với cả những tuyên bố rất long trọng của họ ở rất nhiều diễn đàn quốc gia, quốc tế, ở rất nhiều nơi, ngay kể cả trên bàn thương lượng với các quốc gia khác.”
Đã quen bị chỉ trích suông?
Từ Leeds, Anh quốc, nhà báo tự do, cựu đạo diễn truyền hình Song Chi nhận xét:
“Qua sự việc này, có thể thấy rằng chính quyền Việt Nam hiện nay không sợ gì những lời lên án, chỉ trích của quốc tế, của Hoa Kỳ v.v… nữa.
“Lý do là bởi vì họ thừa biết rằng trong dịp này Hoa Kỳ chẳng hạn đang rất bận rộn với bao nhiêu vấn đề như Covid-19, hay chuyện bầu cử Tổng thống… cho nên chắc chắn sẽ không có một biện pháp hay hành động nào mạnh mẽ.
“Còn nếu chỉ có chỉ trích suông thì tôi nghĩ nhà nước Việt Nam này đã quen bị chỉ trích rồi, nên họ chẳng sợ.
“Và điểm thứ hai tại sao vụ bắt giữ diễn ra trước Đại hội 13, theo tôi lý do là bởi vì rõ ràng trước một sự kiện nào đó của Việt Nam, sự kiện quan trọng, thì họ luôn luôn có những hành động bắt bớ mà thường là như vậy.”
Facebook Lê Trung Sơn bình luận:
“THẬT KHÓ HIỂU – Thế hệ trước có TRẦN HUỲNH DUY THỨC, thế hệ sau có PHẠM ĐOAN TRANG, họ là những nhà phản biện cực kỳ xuất chúng trong số những người xuất sắc.
Chỗ của họ lẽ ra phải là những chiếc ghế quan trọng trong nội các chính phủ, hoặc ít nhất cũng phải là chủ nhân những chương trình truyền hình kiểu như ĐỐI DIỆN trên VTV…
Kiến thức của họ thật là sâu rộng và uyên bác, vô tiền khoáng hậu. Tình yêu với đất nước với dân tộc Việt của họ là vô bờ bến, so ra trí thức thời đại này ít ai sánh bằng.
Thế nhưng tại sao những người cộng sản lại dành cho họ, những người không hề biết tự vệ và vô hại, chỉ là NHÀ TÙ với những bản án thật dài???
Có một sự thù hận thật khó hiểu, vô lối và vong bản? Hay một sự nhầm lẫn nào đó? Có gì đó sai sai ở đây hỡi các ông bà cộng sản ???” Ông Lê Trung Sơn nêu quan điểm.
Facebook Phương Bích đưa ra lời bình luận về Phạm Đoan Trang:
Tôi ko thích viết quá tốt về một người. Bởi một người tốt đến mấy cũng có kẻ thù.
Với Đoan Trang, tôi chỉ thấy rõ mấy điều.
Thứ nhất, tiền bạc đối với cô ấy chẳng có sức hấp dẫn nào. Dường như Trang ko biết làm đẹp, đến nỗi khi cô ấy đánh son, mấy thằng con trai còn kêu lên đầy kinh ngạc. Trang chẳng thèm để ý đến ngoại hình cũng như trang phục của mình (có lẽ Trang chẳng có đủ thời gian dành cho việc này dù có muốn).
Thứ hai, Trang có nhiều cơ hội để ra nước ngoài tị nạn. Nhưng Trang ko hề tận dụng một cơ hội nào, và nhất quyết ở lại Việt Nam, mặc cho bạn bè năn nỉ Trang hãy ra nước ngoài.
Thứ ba, Trang rất ngờ nghệch và ngây thơ về chuyện tiền bạc.
Trang nhiệt tình, nhưng cũng khá cực đoan, nên nhiều khi ko phải ai cũng đồng tình. Nhưng xuyên suốt thì tôi cho rằng Trang là người không có tính vụ lợi về vật chất. Trang là một người có những đam mê mãnh liệt, và làm tất cả mọi thứ để thực hiện những đam mê đó. Đó là lý do tôi cảm phục và ủng hộ cô ấy.” Bà Phương Bích nêu quan điểm.
Ưu tiên ổn định chính trị?
Từ Hà Nội, Phó Giáo sư Phạm Quý Thọ, chuyên gia phân tích chính sách công, bình luận thêm:
“Qua sự quan sát tình hình từ trong nước, tôi thấy rằng trước những sự kiện lớn như thế, thường người ta ưu tiên sự ổn định chính trị, hơn là mặc cả con bài với Mỹ, hay với một nước nào đấy về một vấn đề gì đấy, như là về thương mại, nhân quyền, hay là để gây một sự chú ý nào đấy.
“Đó là một suy đoán thôi, còn gắn nó với một cuộc đấu đá quyền lực thì tôi thấy cũng không có bằng chứng, rất khó để xác định một phe cánh, hay một sự thể hiện quyền lực của một nhân vật nào đấy trong sự căng thẳng của chuyển giao quyền lực và công tác nhân sự của Đại hội đảng.”
Cũng từ Hà Nội, ngay trước chương trình hội luận Bàn tròn này, một nhà nghiên cứu cao cấp khách mời thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas, Singapore), Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp đưa ra quan sát của mình với BBC:
“Công an bắt giam bà Phạm Đoan Trang theo Điều 88 luật hình sự năm 1999 và Điều 117 luật hình sự năm 2015 thì nó đặt ra câu hỏi: thế nào là chống nhà nước, thế nào là chống nhà nước XHCN VN? Cụ thể hóa là gì?
“Với cá nhân, truyền thông là quyền dân sự và cũng là quyền chính trị hay kinh tế được hiến pháp Việt Nam công nhận, do đó theo tôi hai điều luật này, không thỏa mãn các tiêu chí để được gọi là điều luật.
“Việc bắt giam và rồi tiến hành các bước tố tụng, đã và sẽ không thể hiện công lý, pháp quyền và quyền con người. Những công dân bày tỏ quan điểm khác biệt của mình, thì thường bị chụp mũ là chống đối, và rồi một số bị bắt giam và xử tù, bị coi là một trong những thế lực thù địch.
“Đây là thách thức trước hết đối với công dân Việt Nam. Sau đó, là thách thức luật pháp quốc tế, thách thức nền tảng pháp quyền, thách thức các giá trị căn bản về dân chủ, về nhân quyền.”
Báo chí quốc tế lên tiếng vụ Phạm Đoan Trang bị bắt
Hàng loạt bài báo bằng nhiều thứ tiếng, từ nhiều hãng tin trên khắp thế giới, đồng loạt đưa tin, phân tích vụ việc nhà báo bất đồng chính kiến Phạm Đoan Trang bị bắt giữ hôm 7/10 và bị cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’.
Với cáo buộc này, bà Phạm Đoạn Trang có thể đối diện mức án cao nhất 20 năm tù.
Hôm 07/10, BBC News đăng bài viết với tiêu đề “Phạm Đoan Trang: Việt Nam bắt giữ blogger ủng hộ dân chủ nổi tiếng“, trong đó có đoạn:
“Việt Nam vừa bắt giữ một nhà văn và blogger bất đồng chính kiến nổi tiếng chỉ vài giờ sau khi hội đàm với Hoa Kỳ về nhân quyền.”
“Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trên website của mình rằng Đối thoại Nhân quyền Việt Nam-Hoa Kỳ lần thứ 24 được tổ chức trong ba giờ vào ngày 6/10 và “giải quyết một loạt các vấn đề nhân quyền“.
“Việc thúc đẩy quyền con người và các quyền tự do cơ bản vẫn là một trụ cột quan trọng trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ và là chìa khóa để xây dựng vững chắc hơn nữa quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ.”
Cùng ngày, The Guardian của Anh Quốc có bài viết với tiêu đề: “Việt Nam bắt giữ nhà báo nổi tiếng khi nhà nước đàn áp quyền tự do ngôn luận trực tuyến“.
Viết rằng Phạm Đoan Trang là tác giả của nhiều cuốn sách có tác phẩm về nhiều chủ đề, từ quyền của phụ nữ, LGBT đến môi trường, các hoạt động chiến dịch và quyền đất đai, bài báo nêu nhận định của giới phân tích:
“Việc bắt giữ bà Trang là một phần của chiến dịch đàn áp các nhà hoạt động trước thềm đại hội toàn quốc của Việt Nam vào tháng Giêng, trong khi Facebook đang đối mặt với những lời chỉ trích vì ngày càng đồng lõa trong việc đàn áp tự do ngôn luận.”
Hãng tin Anh Reuters đưa tin “Việt Nam bắt giữ nhà hoạt động vài giờ sau cuộc họp nhân quyền với Mỹ“. Bản tin viết:
“Các nguồn tin và các nhóm nhân quyền quốc tế cho biết Việt Nam đã bắt giữ một blogger và một nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng vì “các hoạt động chống nhà nước” vài giờ sau khi chính phủ nước này tổ chức các cuộc đàm phán thường niên về nhân quyền với Hoa Kỳ…
Trang Bloomberg cũng trích tuyên bố của ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), cho biết vụ bắt giữ diễn ra vài giờ sau cuộc đối thoại nhân quyền thường niên giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
“Trang blog của Đoan Trang, đề cập đến các chủ đề nhạy cảm về chính trị, bao gồm mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc và những căng thẳng về yêu sách chủ quyền biển đảo“, Robertson nói.
Theo Robertson, cảnh sát đã bắt giữ Trang vào tháng 5 năm 2016 khi cô đi gặp Tổng thống Barack Obama, người đã mời cô tham dự một cuộc họp mặt của các nhà hoạt động với ông trong chuyến thăm Hà Nội.
Hãng tin Aljazeera cũng đưa tin về vụ bắt giữ Phạm Đoan Trang. Tờ này khắc họa bà là một người nổi tiếng với hoạt động thực địa tích cực, tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ những người bất đồng chính kiến bị cầm tù, biểu tình về môi trường và phản ứng lại các yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông.
“Trang đã nằm trong tầm ngắm của lực lượng an ninh hơn 10 năm và đã bị giam giữ và quấy rối nhiều lần, bao gồm cả lần bà đang trên đường đến cuộc gặp với Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Barack Obama vào năm 2016, và một năm sau đó, khi bà tiếp xúc với một phái đoàn của Liên minh châu Âu trong một chuyến tìm hiểu thực tế trước cuộc đối thoại nhân quyền hàng năm với Việt Nam“, tờ này viết.
The Book Seller đưa tin rằng bà Phạm Đoạn Trang dự kiến sẽ phát biểu trong một phiên họp chung do tổ chức IPA trình bày tại Hội chợ Sách Frankfurt và đoạn video phát biểu của bà sẽ được phát sóng theo kế hoạch vào ngày 15/10.
Trong bài viết có tiêu đề “Người đoạt giải Prix Voltaire Phạm Đoan Trang bị bắt tại Việt Nam“, The Book Seller trích lời Kristenn Einarsson, chủ tịch ủy ban Tự do Xuất bản của IPA, nói: “Đây là một tin khủng khiếp nhưng cũng đáng buồn thay, có thể dự đoán trước được. Phạm Đoan Trang và Nhà xuất bản Tự do đã phải hoạt động chui lủi trong nhiều năm. Công việc và lòng dũng cảm của bà Trang là nguồn cảm hứng cho tất cả các nhà xuất bản, và cộng đồng xuất bản quốc tế phải ủng hộ bà ấy và đấu tranh cho tự do xuất bản thực sự ở Việt Nam.”
Juergen Boos, chủ tịch của Frankfurter Buchmesse, cho biết: “Chúng tôi rất lo ngại về việc Phạm Đoan Trang bị bắt, ngay trước khi bắt đầu hội chợ sách lớn nhất thế giới, nơi tôn vinh quyền tự do ngôn luận. Chúng tôi rất vui vì cộng đồng xuất bản quốc tế sẽ được lắng nghe Phạm Đoan Trang trong video đã ghi hình trước tại phiên tọa đàm về chủ đề ‘Xuất bản du kích và hỗ trợ quốc tế’. “
Trang Theshiftnews trích lời ông Daniel Bastard, Trưởng ban Châu Á – Thái Bình Dương của Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSW) – nơi trao cho Phạm Đoan Trang giải Tự do Báo chí hạng mục Ảnh hưởng năm 2019: “Vụ bắt giữ Phạm Đoan Trang là giai đoạn mới nhất trong việc theo đuổi chính sách đàn áp ngày càng gia tăng của ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay“.
“Tội duy nhất của cô ấy là đã cung cấp cho đồng bào của mình thông tin độc lập và giúp họ thực hiện đầy đủ các quyền của mình theo hiến pháp Việt Nam. Nơi ở của cô ấy không phải là nhà tù. Cô ấy phải được thả ngay lập tức“.
Đại diện RSW cũng cho hay lần tiếp xúc với Phạm Đoan Trang gần đây nhất là khi bà nhập viện để điều trị vết thương ở chân được cho là do cảnh sát gây ra sau khi bắt giữ bà vào năm 2018.
Shawn Crispin, đại diện khu vực Đông Nam Á của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ), phát biểu trong một bài viết đăng trên website của tổ chức này: “Chính quyền Việt Nam cần lập tức thả Phạm Đoan Trang và bãi bỏ mọi cáo buộc đối với bà. Đồng thời chấm dứt chiến dịch đàn áp bà kéo dài hàng thập kỷ qua. Việt Nam cần chấm dứt đối xử với các nhà báo độc lập như với các tội phạm.”
Việt Nam thường nằm gần cuối bảng xếp hạng của RSW về tự do báo chí, và hiện đang đứng vị trí 175/180 quốc gia.
Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales Canberra, chuyên gia về Đông Nam Á, nói với The Guardian rằng kể từ khi Việt Nam bắt đầu thực hiện Luật an ninh mạng vào năm 2019 đã có “sự gia tăng rõ rệt việc bắt giữ và xét xử những người Việt Nam bày tỏ quan điểm của mình về một số vấn đề xã hội, đặc biệt là tham nhũng và môi trường, trên mạng xã hội “.
“Hầu hết các vụ bắt giữ đều gián tiếp liên quan đến đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam toàn quốc sắp tới [vào tháng Giêng]”, The Guardian trích lời GS Carl Thayer.
“Nói cách khác,” ông Carl Thayer nói, “các vụ bắt giữ là một phần của quá trình tiếp tục dập tắt những bất đồng về các vấn đề xã hội nhạy cảm và ngăn chặn những người khác làm theo. Có khả năng số vụ bắt giữ sẽ tăng đột biến trong những tháng tới khi đại hội đến gần“.
Thu Thủy – Thoibao.de (tổng hợp)
>>> Bắt Phạm Đoan Trang – Bão tố nổi lên giữa Ba Đình
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT