Quốc tế trong những ngày qua tiếp tục lên tiếng về vụ chính quyền Việt Nam bắt giữ nhà hoạt động Phạm Đoan Trang.
Hôm thứ Sáu, 9/10/2020, Trợ lý Bộ trưởng Dân chủ, Nhân quyền và Lao động Hoa Kỳ đăng trên Twitter rằng nước này “lên án vụ bắt giữ cây viết, nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền Phạm Đoan Trang”.
“Chúng tôi kêu gọi nhà nước Việt Nam ngay lập tức trả tự do cho cô ấy và bỏ mọi tội danh,” ông Robert A. Destro viết thêm.
Cùng ngày, bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Séc ông Tomas Petricek cũng lên tiếng yêu cầu nhà nước Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện đối với nhà hoạt động nhân quyền Phạm Đoan Trang.
“Tôi đã rất lo lắng về việc bắt giữ cô Phạm Đoan Trang, người đoạt giải thưởng Homo Homini của Séc năm 2017. Giải thưởng tôn vinh những cá nhân có đóng góp xuất sắc trong việc thúc đẩy nhân quyền, dân chủ và các giải pháp hòa bình cho các xung đột chính trị. Tôi yêu cầu trả tự do vô điều kiện cho cô ấy và tôi kêu gọi các cơ quan chức năng Việt Nam tôn trọng các cam kết luật pháp quốc tế,” ông Tomas Petricek viết trên trang Twitter kèm hình ảnh Phạm Đoan Trang.
Vào năm 2018, tổ chức People In Need của Cộng hòa Séc đã trao giải Homo Homini 2017 cho nhà hoạt động Phạm Đoan Trang vì “lòng dũng cảm của cô khi không mệt mỏi theo đuổi sự thay đổi dân chủ cho đất nước mình, mặc cho sự sách nhiễu và khủng bố“.
Trước đó, đã có rất nhiều tổ chức nhân quyền và báo chí quốc tế lên tiếng về vụ bắt giữ này.
Liên đoàn Các Nhà Xuất bản châu Âu (FEP) thậm chí đòi các chính trị gia phải can thiệp để bà Phạm Đoan Trang được trả tự do.
FEP ghi nhận rằng Việt Nam đã ký kết thỏa thuận thương mại với EU, và thỏa thuận này vẫn cần phải được quốc hội các nước chuẩn thuận.
FEP, tổ chức đại diện cho 29 hiệp hội nhà xuất bản ở các quốc gia, đã viết thư cho Phó Chủ tịch Ủy hội châu Âu Valdis Dombroskis và một số dân biểu Nghị viện châu Âu.
Trong thư, Chủ tịch FEP Peter Kraus vom Cleff viết: “Chúng tôi rất trông cậy vào việc quý vị sẽ can thiệp và ủng hộ cho xã hội dân sự ở Việt Nam, và kêu gọi trả tự do cho Phạm Đoan Trang.”
Hãng tin AP dẫn báo Thanh niên nói rằng nếu bị xét là có tội, bà Phạm Đoan Trang có thể đối mặt với bản án tù 20 năm.
Tin nhà báo bị bắt truyền nhanh trên mạng ngay sau khi bà bị bắt vào lúc gần nửa đêm thứ Ba ngày 6-10, và lập tức tin này được truyền thông quốc tế, kể cả các hãng tin lớn như AP, Reuters, Bloomberg, Al Jazeera, Deutsche Welle… loan tải, trong khi các tổ chức bảo vệ tự do báo chí và nhân quyền mạnh mẽ lên án.
Tên tuổi của Phạm Đoan Trang đã quen thuộc với báo giới quốc tế vì bà đã nhận nhiều giải quốc tế về tự do báo chí và nhân quyền. Năm 2019, Phạm Đoan Trang là một trong ba phụ nữ đoạt giải Tự do Báo chí của RSF- Tổ chức Phóng viên Không Biên giới. Trước đó, năm 2018, bà được chọn để nhận giải nhân quyền Homo Homini tại cộng hòa Czech.
Các bản tin quốc tế đều lưu ý đến chi tiết nhà báo độc lập bị bắt chỉ vài giờ sau cuộc đối thoại nhân quyền giữa Việt Nam và Mỹ. Họ nhắc đến thành tích đấu tranh cho nhân quyền của nhà báo, bất đồng chính kiến, đấu tranh cho nhân quyền, tác giả nhiều đầu sách có giá trị như “Chính trị Bình dân”, “Phản kháng phi bạo lực”, “Politics of a Police State” (tiếng Anh), “Những mảnh đời sau song sắt; “Anh Ba Sàm”… và gần đây hơn, đồng tác giả của “Báo cáo Đồng Tâm”.
Will Nguyễn, đồng tác giả của Báo cáo Đồng Tâm mới nhất, đã phổ biến một bức thư của bà Phạm Đoan Trang “Nếu tôi có đi tù” sau khi bà bị bắt. Trong thư, Phạm Đoan Trang khẳng định bà muốn “xóa bỏ chế độ độc tài ở Việt Nam”, nhắn nhủ những người ủng hộ hãy tiếp tục đấu tranh cho những mục tiêu mà bà theo đuổi. Bà nói: “Tôi không cần tự do cho riêng mình; Tôi cần cái lớn hơn thế nhiều: Tự do, dân chủ cho cả Việt Nam”.
Bà cho biết sẽ không nhận tội, không xin khoan hồng, nên nếu công an nói như vậy tức là “công an bịa đặt, lừa dối.”
Bà bày tỏ mong muốn những người ủng hộ hãy chăm sóc mẹ già, và là người yêu âm nhạc, bà Phạm Đoan Trang mong có được cây đàn guitar trong tù, vì đối với bà “đàn guitar cũng quan trọng như Kinh Thánh đối với tín đồ Thiên Chúa Giáo”.
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc đặc trách Châu Á của Human Rights Watch, nói tổ chức theo dõi nhân quyền này mạnh mẽ lên án vụ bắt giữ bà Phạm đoan Trang.
“Mỗi một ngày bà ở sau chấn song sắt là một sự bất công nghiêm trọng, vi phạm các cam kết quốc tế của Việt Nam về nhân quyền và phương hại tới danh dự của chính quyền Việt Nam,” ông Robertson nói.
Tổ chức Ân xá Quốc tế bày tỏ lo ngại về sự an toàn của cá nhân bà Phạm đoan Trang. Tổ chức này nhắc lại rằng bà đã bị đàn áp từ khi trở về Việt Nam năm 2015. Và năm 2018, sau khi bị bắt giữ, bà đã phải nhập viện vì bị công an đánh đập dã man trong lúc bị câu lưu.
“Phạm Đoan Trang có thể đối mặt với nguy cơ bị tra tấn và các hình thức ngược đãi khác dưới tay của nhà cầm quyền Việt Nam. Bà phải được trả tự do lập tức và vô điều kiện.”
Bà Phạm Thị Đoan Trang là một tác giả được quốc tế biết tiếng, bà là người phát ngôn của Nhà xuất bản Tự Do, nhà xuất bản đã được Hiệp hội Xuất bản Quốc tế (IPA) trao giải thưởng Prix Voltaire vào tháng Ba năm 2020.
“Phạm Đoan Trang chủ ý chấp nhận nguy cơ để bảo vệ quyền tự do biểu đạt. Tôi xin ngả mũ thán phục trước sự can trường và sức mạnh của niềm tin của bà.”
Hôm 7/10, Hiệp hội Xuất bản Quốc tế, liên minh lớn nhất thế giới của các nhà xuất bản, loan báo “Đồng sáng lập Nhà Xuất Bản Tự do của Việt Nam được Giải Voltaire, đã bị bắt trước hội chợ sách Frankfurt.”
Theo lịch trình, bà Phạm Đoan Trang sẽ có góp tiếng trong cuộc thảo luận về quyền tự do xuất bản vào ngày 15/10 tại hội chợ sách quốc tế Frankfurt.
Chủ tịch và CEO của Frankfurter Buchmesse nói hôm 7/10:
“Chúng tôi rất quan tâm về việc Phạm Đoan Trang bị bắt giữ, ngay trước hội chợ sách lớn nhất thế giới, nơi mà tự do biểu đạt được tôn vinh.”
Từ Geneva, Hiệp hội Xuất bản Quốc tế (IPA) ra thông báo do ông Kristenn Einarsson, Chủ tịch Ủy ban Tự Do Xuất bản IPA và Chương trình Giải Voltaire- viết rằng:
“Phạm Đoan Trang và Nhà Xuất bản Tự do đã phải hoạt động trong bóng tối trong nhiều năm. Thành quả làm việc và sự can đảm của bà là một nguồn cảm hứng cho tất cả các nhà xuất bản quốc tế, và cộng đồng các nhà xuất bản thế giới ủng hộ bà trong cuộc đấu tranh cho tự do xuất bản ở Việt Nam.”
Chủ tịch IPA Hugo Setzer, nói:
“Phạm Đoan Trang chủ ý chấp nhận nguy cơ để bảo vệ quyền tự do biểu đạt. Tôi xin ngả mũ thán phục trước sự can trường và sức mạnh của niềm tin của bà.”
Lúc nhận giải Voltaire, Phạm Đoan Trang nói với VOA rằng kể từ khi Nhà xuất bản Tự Do được thành lập vào năm 2019 cho đến nay, các nhân viên “không bao giờ được hưởng một giây phút bình yên” vì liên tục bị công an sách nhiễu.
Phản ứng trước tin bà bị bắt, Phó Giám đốc Đông Nam Á của Tổ chức Ân xá Quốc tế Ming Yu Hah nói:
“Bắt giữ bà Phạm đoan Trang là hành động sai trái. Bà là nhân vật đi tiên phong trong cuộc đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam. Bà là nguồn cảm hứng của vô số nhà đấu tranh trẻ tuổi đã đứng lên để tranh đấu cho một nước Việt Nam công bình hơn, bao gồm mọi thành phần, và tự do hơn.”
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) yêu cầu trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho bà Phạm Đoan Trang. Nhà báo Việt Nam này bị bắt vào tối thứ Ba với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước“. Tổ chức RSF đã trao tặng bà Trang Giải thưởng Tự do Báo chí hồi năm 2019 cho hoạt động báo chí đặc biệt hiệu quả.
“Vụ bắt giữ Phạm Đoan Trang là ví dụ mới nhất về việc đàn áp những tiếng nói chỉ trích ở Việt Nam“, ông Christian Mihr – Giám đốc điều hành RSF – nói. “Tội bị cáo buộc của bà, thật ra chỉ là phổ biến những thông tin độc lập và tạo điều kiện cho đồng bào của bà thực hiện các quyền của người dân được bảo đảm bởi hiến pháp. Bà Trang không thể bị tù. Bà ấy phải được thả ngay lập tức“.
The Book Seller đưa tin rằng bà Phạm Đoan Trang dự kiến sẽ phát biểu trong một phiên họp chung do tổ chức IPA trình bày tại Hội chợ Sách Frankfurt và đoạn video phát biểu của bà sẽ được phát sóng theo kế hoạch vào ngày 15/10.
Trong bài viết có tiêu đề “Người đoạt giải Prix Voltaire Phạm Đoan Trang bị bắt tại Việt Nam“, The Book Seller trích lời Kristenn Einarsson, chủ tịch ủy ban Tự do Xuất bản của IPA, nói: “Đây là một tin khủng khiếp nhưng cũng đáng buồn thay, có thể dự đoán trước được. Phạm Đoan Trang và Nhà xuất bản Tự do đã phải hoạt động chui lủi trong nhiều năm.
Công việc và lòng dũng cảm của bà Trang là nguồn cảm hứng cho tất cả các nhà xuất bản, và cộng đồng xuất bản quốc tế phải ủng hộ bà ấy và đấu tranh cho tự do xuất bản thực sự ở Việt Nam.”
Juergen Boos, chủ tịch của Frankfurter Buchmesse, cho biết: “Chúng tôi rất lo ngại về việc Phạm Đoan Trang bị bắt, ngay trước khi bắt đầu hội chợ sách lớn nhất thế giới, nơi tôn vinh quyền tự do ngôn luận. Chúng tôi rất vui vì cộng đồng xuất bản quốc tế sẽ được lắng nghe Phạm Đoan Trang trong video đã ghi hình trước tại phiên tọa đàm về chủ đề ‘Xuất bản du kích và hỗ trợ quốc tế’. “
Bác sỹ Hồ Hải, nhà bất đồng chính kiến, một Cựu tù nhân lương tâm nổi tiếng, cho biết ông đã khám cho Phạm Đoan Trang và biết Trang bị 2 di chứng chấn thương vẫn chưa lành, dù đã được phẫu thuật, một là “bong gân khớp cổ tay”, hai là “rách dây chằng chéo khớp gối”. Ông nói: “ Tôi đã rơi nước mắt khi viết những dòng này và nghĩ về Trang, nỗi khổ của nữ tù nhân chính trị trong trại tạm giam!”
Phản ứng trước tin bà Đoan Trang bị bắt giữ, nhà hoạt động cho quyền lợi của dân oan và công nhân Trần Thị Nga, người từng lãnh án 9 năm tù về cùng tội danh “Tuyên truyền chống nhà nước” và sau đó được phóng thích sang Mỹ tị nạn tại bang Georgia từ đầu năm nay, nói với VOA rằng bà cảm thấy ‘rất đau’.
“Bản thân tôi cũng từng bị bắt như vậy, cũng bị chà đạp, cũng bị bức hại y như Đoan Trang bây giờ. Tôi cũng từng bị công an đánh gãy chân,” bà Nga cho biết.
Bà còn nói thêm là dù bị đánh gãy chân như nhau, nhưng hiện giờ bà còn đi lại được chứ Đoan Trang ‘vẫn còn rất đau khi đi lại’.
Nhận định về Đoan Trang, người mà bà từng có cơ hội gặp và trao đổi, bà Nga nói: “Đoan Trang là người mà tôi ngưỡng mộ. Thứ nhất cô ấy có kiến thức. Cô ấy có phương pháp làm việc đấu tranh ôn hòa.”
“Cô ấy là một trong những người có niềm tin vào công việc mình làm là công việc hợp pháp, chính đáng, là trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân trong một đất nước để đòi những quyền căn bản của chính bản thân mình,” bà Nga nói thêm.
Nhà hoạt động này đưa ra một dẫn chứng về công việc của bà Đoan Trang khiến bà ngưỡng mộ là ‘báo cáo về vụ thảm sát Đồng Tâm’ mà Đoan Trang ‘đã dành ra rất nhiều tâm huyết và thời gian để viết’.
“Tôi tin chắc Đoan Trang vẫn giữ niềm tin của mình theo những gì tôi đã từng được biết và từng tiếp xúc với Đoan Trang,” bà Nga nói. “Tôi cầu nguyện cho Đoan Trang có lòng tin và sức khỏe để vượt qua thời điểm khó khăn hiện nay.”
Về hoàn cảnh bà Đoan Trang bị bắt – cùng ngày diễn ra Đối thoại Nhân quyền Việt-Mỹ thường niên lần thứ 24 – nhà hoạt động Trần Thị Nga cho rằng ‘đó là dấu hiệu cho thấy chính phủ Việt Nam sẽ lấy Đoan Trang ra làm một món đồ để trao đổi với quốc tế’.
“Việc họ sẽ cầm tù Đoan Trang bao lâu còn tùy thuộc vào cái giá Đảng Cộng sản Việt Nam muốn ‘bán’ Đoan Trang như thế nào,” bà Nga nhận định.
Phạm Đoan Trang từng tham gia một khóa học bên Mỹ nhưng sau đó bà quyết định về lại Việt Nam để đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền trong nước.
Nhà hoạt động Nguyễn Hồ Nhật Thành viết trên Facebook rằng:
“Ba cuốn sách chị viết có lẽ là ba giai đoạn mà một người hoạt động dân chủ cần trang bị, bao gồm: Kiến thức (Chính trị bình dân); hành động (Phản kháng phi bạo lực) và tinh thần dấn thân (Cẩm nang nuôi tù).
Những cuốn sách này khiến an ninh rất khó chịu nhưng có lẽ vẫn chưa đủ sự đồng thuận nội bộ để bắt chị cho đến khi “báo cáo Đồng Tâm” xuất bản. Trước đó chị đã nhận được cảnh báo gián tiếp từ an ninh là sẽ bắt ngay nếu chị dám công bố bản báo cáo đó.
Tự do không bao giờ là miễn phí, nó sẽ được trả bởi ai đó. Để Việt Nam có được một ít tự do ngôn luận trên mạng như hiện nay là sự trả giá bởi bao án tù đày trong quá khứ. Sự trả giá của chị Trang chắc hẳn sẽ làm chúng ta suy nghĩ nhiều về giá trị của hai chữ Tự Do.”
Trung Kiên – Thoibao.de (tổng hợp)
>>> Bắt Phạm Đoan Trang – Trọng, Phúc, Lâm cùng “đạp” lên Hiến Pháp
>>> Bắt Phạm Đoan Trang – Bão tố nổi lên giữa Ba Đình
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT