Tin về Cựu Thứ trưởng bộ công thương mới đây trên mạng xã hội lại rộ lên rằng bà bị bắt ở Pháp và chuẩn bị được đưa về Việt nam chịu tội.
Nguồn tin đơn độc này được Blogger Bùi Thanh Hiếu đăng lên Facebook vào hôm 16-11, tuy nhiên chưa có báo chí nào lên tiếng cùng xác nhận.
Bà Hồ Thị Kim Thoa, cựu thứ trưởng Bộ Công thương bị truy nã vì tội danh tham nhũng cùng với Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng (đã bị bắt), tuy nhiên bà Thoa đã trốn đi qua định cư Pháp trước khi có quyết định chính thức của cơ quan công an.
Blogger Bùi Thanh Hiếu là người đưa tin ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc tại Berlin Đức và sau đó mọi việc đã được cảnh sát CHLB Đức xác thực và điều tra rồi truy tố xét xử một cách chính thức.
Ông Bùi Thanh Hiếu cũng là nguồn tin độc lập lên tiếng trước tất cả các báo chí quốc tế về vụ bắt cóc nhà báo Trương Duy Nhất ở Băng cốc Thái lan và cuối cùng sự thật cho thấy sự phát hiện của ông Bùi Thanh Hiếu là xác thực và có căn cứ.
Cùng với những nhà báo nổi tiếng vì có nguồn tin đi trước mọi báo chí chính thống khác như nhà báo Trương Huy San, Trương Châu Hữu Danh, Lê Nguyễn Hương Trà… ông Bùi Thanh Hiếu được nhiều người theo dõi vì luôn có những tin tức đặc biệt theo kiểu trang Chân Dung Quyền Lực một thời cách đây vài năm chuyên đưa tin về nội chính Đảng cộng sản VN.
Vì thế bản tin do ông Bùi Thanh Hiếu đưa ra lập tức được loan truyền mạnh trên mạng xã hội. Phía Việt nam thậm chí có một báo mạng đã đưa tin rằng thứ trưởng Bộ Công an Thiếu tướng Tô Ân Xô Chánh văn phòng bộ nói rằng ông chưa có tin gì về vụ dẫn độ bà Thoa về Việt nam.
“Liên quan tới sự việc, Phóng viên báo Doanh nghiệp Việt nam đã liên hệ với Bộ Công an để xác minh sự việc. Đại diện Bộ Công an-Thiếu tướng Tô Ân Xô – Chánh văn phòng Bộ cho biết, Bộ không nhận được thông tin chính thức về việc này nên chưa xác nhận nguồn tin là đúng hay sai.” Theo báo mạng Doanh nhân Việt nam đưa tin về vụ việc.
“Cựu thứ truỏng bộ công thương Hồ Thị Kim Thoa đã bị mật vụ Việt Nam bắt giữ cách đây khoảng hơn 1 tuần tại Pháp, hiện đang bị giam giữ tại cơ sở ngoại giao Việt Nam tại Paris và đợi chuyến bay trở về Việt Nam.
Thông tin chi tiết về việc bắt giữ này sẽ được kể chi tiết khi bà Thoa đã trở về Việt Nam.” Bản tin đầu tiên ông Bùi Thanh Hiếu đưa ra như vậy.
“Bà Hồ Thị Kim Thoa đang bị giữ ở đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, khả năng bà bị đưa về Việt Nam rất lớn, có vẻ chính phủ Macron đã được báo trước chuyện này qua chuyến thăm bí mật của quan chức cấp cao chinh phủ Việt Nam cách đây gần một tháng.
Nữ nhân vật thứ hai hiện nay cảnh sát Pháp đang tạm giữ, nhưng họ chưa trả lời dứt khoát với phía Việt Nam có đồng ý cho về cùng bà Thoa hay không.
Ngày mai có chuyến bay từ Pháp về Việt Nam, khả năng bà Hồ Thị Kim Thoa sẽ về trong chuyến này. Anh em nào hứng có thể tìm thông tin chuyến bay về sân bay nào để chụp ảnh để đời.
Bà Thoa lúc bị bắt đã sợ hãi tụt huyết áp, lẽ ra bà về chuyến bay ngày 11/11/2020 nhưng lúc đó chưa thoả thuận xong.
Trong đoàn bắt người từ Việt Nam sang, có bà Lê Khăc Phê là bác sĩ, sinh năm 1960.
Tuy được cảnh báo sớm, nhưng bà Thoa vẫn chủ quan và tin rằng phía mật vụ Việt Nam không dám bắt bà tại Pháp. Bà không nhận thức được Macron đã từng đi đêm với Putin thì sẽ không ngại gì đi đêm với Việt Nam.” Ông Bùi Thanh Hiếu thông tin thêm.
Tuy nhiên trong bản tin mới nhất ông Bùi Thanh Hiếu lại nói rằng khả năng vụ dẫn độ có trở ngại “Vì hiện nay thân thế của bà không rõ là người nước nào, nên phía Pháp khó có thể đồng ý cho Việt Nam dẫn độ.”
Từ hồi tháng 7-2020, nhiều báo chí Việt nam đã bình luận về khả năng Cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa có thể bị dẫn độ theo Hiệp định dẫn độ giữa Việt nam và Pháp mới có hiệu lực từ ngày 1-5-2020.
Hiệp định về dẫn độ giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà Pháp, tuy được ký kết hồi năm 2016 (ngày 6/9/2016 tại Hà Nội), nhưng mãi đến đầu tháng 5 năm nay 2020 mới bắt đầu có hiệu lực.
Cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa rất có thể sẽ là người đầu tiên bị đưa về nước theo hiệp định dẫn độ này.
Ngày 28/7/2017 bà Thoa nộp đơn xin nghỉ hưu sau khi bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật khiển trách về mặt Đảng. Và sau khi được Bộ Công Thương chính thức ban hành quyết định cho nghỉ hưu và hưởng chế độ bảo hiểm xã hội từ ngày 1/9/2017, bà Thoa đã sang Pháp sinh sống.
Các điều kiện pháp lý mà Hiệp định dẫn độ Việt – Pháp yêu cầu, đã được thực hiện, chẳng hạn như ngày 10/7/2020 Cơ quan cảnh sát điều tra ra quyết định khởi tố bà Thoa về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí . Đến ngày 13/7/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định truy nã bà Thoa. Sau đó, Việt Nam cũng đã gửi lệnh truy nã lên Interpol quốc tế.
Thiếu tướng, GS, TS. Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp Bộ Công an, Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam và ông Pierre-Christian Soccoja, Cục trưởng Cục Điều ước quốc tế, các vấn đề dân sự và tương trợ tư pháp, Tổng cục nước Pháp ở hải ngoại và hành chính lãnh sự, Bộ Ngoại giao ký tắt dự thảo Hiệp định dẫn độ với Cộng hòa Pháp. (Paris, Pháp, tháng 12-2014).
Hiệp định dẫn độ Pháp – Việt gồm 24 điều. Theo Điều 7, mỗi bên chỉ định một cơ quan trung ương để thực hiện hiệp định này. Theo đó, đối với Việt Nam, cơ quan trung ương là Bộ Công an; đối với Pháp, cơ quan trung ương là Bộ Tư pháp.
Đặc biệt, bà Hồ Thị Kim Thoa có thể bị bắt khẩn cấp theo Điều 16 của Hiệp định Dẫn độ Việt – Pháp.
Điều 16 quy định rằng trong trường hợp khẩn cấp, các cơ quan có thẩm quyền của bên yêu cầu có thể yêu cầu bắt khẩn cấp người bị yêu cầu dẫn độ.
Tuy nhiên, không phải cứ bị bắt khẩn cấp là sau đó đương nhiên sẽ bị dẫn độ về nước.
Điều 3 của Hiệp định nêu ra các trường hợp bắt buộc từ chối dẫn độ, chẳng hạn như:
– đối với các tội phạm được Pháp xác định là tội phạm chính trị hoặc hành vi liên quan đến tội phạm chính trị;
– hoặc Pháp có lý do xác đáng để cho rằng việc dẫn độ được yêu cầu nhằm mục đích truy tố hoặc trừng phạt một người vì lý do chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch hoặc chính kiến;
– hoặc trong trường hợp người bị yêu cầu dẫn độ sẽ bị xét xử bởi một tòa án không đáp ứng các bảo đảm cơ bản về thủ tục;
– hoặc trong trường hợp hình phạt có thể bị áp dụng theo pháp luật của bên yêu cầu về những hành vi bị yêu cầu dẫn độ là tử hình, trừ trường hợp bên yêu cầu cung cấp đảm bảo chắc chắn rằng hình phạt tử hình sẽ không bị áp dụng, tuyên án hay thi hành.
Đó là các trường hợp bắt buộc từ chối dẫn độ, ngoài ra còn có các trường hợp có thể từ chối dẫn độ (theo Điều 4 của Hiệp định), chẳng hạn như vì những lý do nhân đạo, trong trường hợp việc chuyển giao người bị yêu cầu dẫn độ có thể gây ra cho người đó những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, chủ yếu do tuổi tác hoặc tình trạng sức khỏe.
Như vậy, sau khi Bộ Công an Việt Nam yêu cầu dẫn độ và bà Hồ Thị Kim Thoa bị bắt khẩn cấp, thì cuộc chiến pháp lý sẽ diễn ra giữa Bộ Tư pháp của Pháp và luật sư của bà Thoa tại Pháp.
Vụ việc chắc chắn sẽ không đơn giản vì quyền được có Luật sư bảo vệ là nguyên tắc vững chắc ở Pháp và Châu Âu.
Có thể đem vụ án Hua wei khi công chúa Hua wei Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ ở Canada và được phía Mỹ yêu cầu dẫn độ về để điều tra theo những cáo buộc vi phạm có bằng chứng cụ thể, theo quan điểm của FBI Mỹ. Thế nhưng đã hơn 1 năm, phía Canada vẫn chưa quyết định chấp thuận cho dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu về Mỹ.
Cho nên giả sử bà Hồ Thị Kim Thoa có thật sự bị bắt giữ ở Pháp thì khả năng dẫn độ về Việt nam được hay không và khi nào thực hiện được thì vẫn còn là một câu hỏi.
Sau vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc thì cả Châu Âu đều hiểu rõ cách hành xử khá rừng rú của Pháp luật Cộng sản Việt nam, vì thế bằng con đường chính thức để dẫn độ bà Thoa về Việt nam chắc chắn phải thông qua nhiều thủ tục tố tụng theo tinh thần Pháp luật của Pháp bởi lẽ trên lãnh thổ Pháp. Và những nguyên tắc nhân quyền mà phía Luật sư của bà Thoa chắc chắn sẽ tận dụng tối đa nhằm chống lại nhu cầu dẫn độ của nhà nước Việt nam.
Trước khi bỏ trốn và bị truy nã, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đã có hành vi đồng lõa với cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.
Theo kết luận điều tra, tháng 5/2010, bà Hồ Thị Kim Thoa (SN 1960, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương) được bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công Thương.
Bà Thoa được phân công phụ trách trực tiếp Vụ Công nghiệp nhẹ (nay là Cục Công nghiệp) và Tổng công ty Sabeco.
Bà phải chịu trách nhiệm trước bộ trưởng về thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác (trong đó có Tổng công ty Sabeco), thông qua Bộ phận quản lý vốn Nhà nước (BPQLVNN) tại Tổng công ty Sabeco.
BPQLVNN tại Tổng công ty Sabeco phải báo cáo, xin ý kiến bằng văn bản về những nội dung thuộc quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu Nhà nước và phải được Bộ Công Thương xem xét, quyết định, có ý kiến chỉ đạo trước khi thực hiện.
Bà Thoa biết khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (TP HCM) đã được sắp xếp, giao Bộ Công Thương, Tổng công ty Sabeco (doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ, vốn Nhà nước chiếm 89,59%) để quản lý, sử dụng, đầu tư, xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo và văn phòng cho thuê và không được thành lập pháp nhân mới.
Dù vậy, bị can vẫn báo cáo cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng phê duyệt; đã ký các văn bản chấp thuận chủ trương cho Tổng công ty Sabeco liên doanh, liên kết thành lập Công ty Sabeco Pearl.
Bà Thoa còn lợi dụng việc sắp xếp cơ sở nhà đất của doanh nghiệp Nhà nước làm thủ đoạn để dần chuyển dịch quyền sử dụng đất khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng từ Tổng công ty Sabeco sang công ty Sabeco Pearl (từ tài sản Nhà nước sang tư nhân).
Căn cứ ý kiến phê duyệt, chỉ đạo của bà Hồ Thị Kim Thoa, ông Phan Đăng Tuất (Chủ tịch HĐQT, phụ trách BPQLVNN tại Tổng công ty Sabeco) đã ký công văn (kèm các văn bản chấp thuận của Bộ Công Thương) đề nghị UBND TP.HCM chấp thuận cho công ty Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư dự án và chuyển quyền sử dụng đất từ Tổng công ty Sabeco sang công ty Sabeco Pearl.
Từ đó, các sở, ngành thuộc UBND TP HCM tham mưu cho ông Nguyễn Hữu Tín (Phó Chủ tịch UBND TP HCM khi đó) ký ban hành quyết định cho công ty Sabeco Pearl thuê đất trái các quy định của pháp luật.
Bằng các thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội nêu trên của bà Hồ Thị Kim Thoa, quyền sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (diện tích 6.080m2) bị dịch chuyển từ doanh nghiệp Nhà nước sang doanh nghiệp tư nhân.
Kết luận điều tra chỉ ra rằng, hành vi của bà Hồ Thị Kim Thoa diễn ra trong thời gian dài, có tính hệ thống, cố ý làm trái các quy định của pháp luật, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn cho Ngân sách Nhà nước, cấu thành tội Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước, gây thất thoát lãng phí.
Tới cuối ngày hôm nay 17.11.2020, Người phát ngôn Bộ công an Việt Nam, thiếu Tướng Tô Ân Xô đã ra thông báo không xác nhận bắt bà Hồ Thị Kim Thoa tại Pháp.
Thu Thủy – Thoibao.de (tổng hợp)
>>> Phạm Chí Dũng đối mặt án tù 10-20 năm, khẳng định ‘không vi phạm pháp luật’
>>> AI HƯỞNG LỢI NHIỀU NHẤT TRONG HIỆP ĐỊNH RCEP
>>> Sau đắc cử, Biden sẽ làm gì?
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT