Đài Tiếng nói Hoa Kì hôm 24/11 đã tiết lộ một nhân vật có thế lực trong chính quyền Việt Nam muốn chặn Facebook tại thời điểm diễn ra Đại hội Đảng để ghi công, tiến thân vào Bộ Chính trị.
Thông tin này được cung cấp bởi một người nắm thông tin về hoạt động kiểm soát mạng internet của chính quyền Việt Nam
Người này cho biết Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng là người đề xuất chủ trương chặn Facebook một vài tháng trên danh nghĩa là để kiểm soát thông tin, tránh những “nhiễu loạn” trong dư luận về Đại hội Đảng sẽ diễn ra vào đầu năm 2021 nhưng thực chất là với mục đích nhắm đến một ghế trong Bộ Chính trị đầy quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Từ Đài Loan, ông Trịnh Hữu Long, đồng Giám đốc của Tổ chức Các Sáng kiến Pháp lý Việt Nam (LIV) và là người điều hành Luật khoa Tạp chí, cho rằng “không có gì đáng ngạc nhiên” khi sắp đến Đại hội Đảng có những quan chức muốn chứng minh khả năng quản lý mạng và năng lực đối phó với các mối đe dọa tới chế độ, lấy đó làm bàn đạp để thăng tiến.
Bình luận về việc một bộ trưởng có ý định dùng việc chặn Facebook để lấy đó làm thành tích tiến thân, ông Nguyễn Hữu Vinh, một cựu thiếu tá an ninh từng bị bỏ tù vì viết blog cổ súy cho dân chủ, tự do chính trị được biết đến dưới tên gọi blogger Anh Ba Sàm đưa ra quan điểm:
“Đó là việc làm dại dột, lợi bất cập hại. Ai muốn thực hiện điều này sẽ cần phải có sự đồng thuận của Bộ Công an vốn vẫn được xem là ‘người gác cổng’ bảo vệ cho an ninh của chế độ. Việc này sẽ động đến đời sống của nhiều cơ quan khác nhau liên quan đến internet, mạng xã hội. Trên thực tế, tôi cho rằng họ sẽ không có đủ thời gian để làm. Nếu làm sẽ gây bão dư luận, dẫn đến chôn vùi sự nghiệp. Vì vậy, đây chỉ là một lời dọa để lấy điểm cho hình ảnh cá nhân”.
Nhà hoạt động Trịnh Hữu Long đưa cái nhìn có phần ít lạc quan hơn khi cảnh báo rằng những lời đe dọa đối với Facebook khi Đại hội Đảng đến gần chỉ là chuyện trước mắt, còn về lâu dài, chính quyền Việt Nam vẫn để ngỏ khả năng cấm cửa mạng xã hội của Mỹ.
Ông Long nhận định trong giai đoạn hiện nay, Hà Nội tiếp tục gây sức ép và mặc cả với Facebook, trong khi tiếp tục tạo điều kiện cho các mạng xã hội trong nước hình thành và phát triển để làm đối trọng.
Một bản tin của VietnamNet hôm 24/11 cho hay tính đến tháng 11/2020, Zalo hiện là mạng xã hội nội địa lớn nhất Việt Nam với khoảng 60 triệu người dùng, gần đuổi kịp Facebook. Xếp sau là Mocha (12 triệu thành viên), Gapo (6 triệu thành viên) và Lotus (2,5 triệu thành viên).
Theo ông Long, thực trạng đó cho thấy những lời đe dọa của chính quyền đối với Facebook ngày càng có sức nặng và mạng xã hội Mỹ phải suy nghĩ nghiêm túc về nguy cơ mất thị trường Việt Nam.
Mặc dù vậy, ông Long dự báo rằng Việt Nam sẽ không ra đòn một cách thẳng thừng:
“Việt Nam không dại gì đùng một cái chặn Facebook, nhưng họ sẽ làm cho việc truy cập Facebook bị mất ổn định, kém, chậm, làm cho người dùng chuyển sang các mạng xã hội khác, nhất là các mạng nội địa”.
Áp dụng chiến thuật này, chính quyền sẽ làm người dân chán nản với mạng xã hội Mỹ, song song với việc đó, chính quyền cũng tung ra các chiêu thao túng làm cho dư luận Việt chia năm sẻ bảy, không phản kháng.
Căn cứ vào kinh nghiệm và quan sát của mình, nhà hoạt động hiện sống và làm việc ở Đài Loan nói với VOA rằng đa số người Việt Nam không có thói quen phản ứng và thường chọn cách thích nghi với hoàn cảnh:
“Thảm họa môi trường Formosa năm 2016 là vô cùng lớn nhưng mức độ phản kháng rất thấp và tan rã sau 2 tuần. Sự kiện dự luật đặc khu và an ninh mạng hồi hè năm 2018 cũng tan rã, biến mất sau 2 cuộc biểu tình. Tôi luôn đánh giá cao khả năng thao túng dư luận và đán áp của chính quyền, và tôi không tin rằng người dân Việt Nam sẵn sàng có những phản ứng mạnh mẽ trước việc chính quyền chặn các dịch vụ internet”.
Ông Nguyễn Hữu Vinh thì đưa ra nhận định lạc quan cho rằng ý định của chính quyền Việt Nam cấm Facebook là “cực khó thực hiện” và “càng khó hơn” nếu họ muốn làm như vậy trước Đại hội Đảng.
Ông Vinh dẫn ra kinh nghiệm bản thân từng quản trị trang blog có rất đông người đọc trước khi ông bị chính quyền bỏ tù để chỉ ra rằng nếu chính quyền dựng “tường lửa” để chặn Facebook, việc này sẽ không có tác dụng được bao lâu vì mọi người sẽ nhanh chóng bày cách cho nhau, tạo thành “phong trào vượt tường lửa”.
Nhà quan sát Dương Quốc Chính cũng có cùng quan điểm này và nhấn mạnh: Cần phải làm rõ là Việt Nam không thể đóng cửa Facebook được ở bất cứ đâu mà chỉ có thể chặn Facebook bằng tường lửa. Tức là thông tin trên Facebook vẫn còn nguyên, chẳng qua bị chặn truy cập các IP Việt Nam. Tuy nhiên để vượt tường lửa thì cũng không quá khó khăn. Người Việt cũng đã tích lũy nhiều kinh nghiệm để “trèo tường” vào bình thường bởi đây không phải lần đầu chính quyền Việt Nam chặn Facebook mà cũng không chỉ có Facebook mới bị chặn ở Việt Nam.
Khi người dân Việt Nam mới dùng Facebook cách đây khoảng chục năm thì cũng bị chặn tường lửa một thời gian, phải đổi DNS mới vào được. Nhân dân vẫn vượt tường để truy cập bình thường. Nhưng vì hồi đó ít người dùng nên không nhiều người quan tâm.
Hơn nữa, từ trước đến nay, Việt Nam cũng vẫn đang chặn các trang web được chính quyền cộng sản đặt tên là “phản động”. Nhưng ai muốn đọc thì vẫn trèo tường vào bình thường.
Ông Chính khẳng định bây giờ nếu chặn Facebook thì cũng chỉ chặn được mấy ông bà già, dân quê, thiện lành, không biết trèo tường nhưng rồi họ học cũng nhanh thôi. Khi ai cũng biết trèo tường lửa thì tường lửa lại vô ích.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hữu Vinh còn dự đoán một cơn bão dư luận nếu chính quyền Việt Nam nhất quyết chặn Facebook.
Ông Vinh cho rằng sẽ có một tác động trái chiều khi xét đến thực tế là hiện có khoảng 68 triệu tài khoản Facebook ở Việt Nam, bao gồm cả nhiều cơ quan ngoại giao nước ngoài lẫn chính các bộ, ban ngành trung ương và địa phương, nên việc dựng tường lửa sẽ gây ra “bão dư luận”.
Ông Vinh đưa ra tiên liệu rằng hậu quả của việc cấm cản Facebook là phản ứng của xã hội lớn đến mức “không thể tưởng tượng được”. Ông nói:
“Nó ghê gớm, lâu dài, ở mọi hang cùng ngõ hẻm của đất nước, từ những người bình dân nhất cần sử dụng tin nhắn, nói chuyện, trao đổi ảnh, cho đến các lãnh đạo trên cao muốn qua Facebook để biết chút gì đó về dư luận xã hội. Bộ Thông tin -Truyền thông có thể nói rằng đã có mạng nội địa rồi, nhưng ai cũng thấy là mạng nội địa rất yếu, trong khi Facebook rất tiện lợi, kết nối rộng rãi. Cuộc sống, việc làm ăn của người ta trên Facebook này là rất ghê gớm.”
Ông Dương Quốc Chính cũng có khẳng định Facebook bây giờ có vai trò quá lớn ở Việt Nam về thương mại điện tử, marketing. Từ các mẹ bỉm sữa bán hàng qua mạng đến các đại công ty muốn quảng bá hình ảnh, tiếp thị sản phẩm, báo chí cách mạng, người của công chúng đều có fanpage Facebook. Thử hỏi một ngày kia, phải trèo rào mới vào được Facebook, thì thương mại điện tử Việt Nam bị một cơn địa chấn, báo mạng online cũng giảm lượng độc giả đáng kể. Nhà mạng cũng bị giảm lưu lượng truy cập đáng kể, cũng là cú sốc với họ.
Ngoài ra, ông Vinh còn dự báo nếu chính quyền cấm mạng xã hội của Mỹ, động thái này cũng ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nước ngoài và các đại sứ quán nước ngoài, mang lại cái nhìn hết sức tiêu cực về Việt Nam trong con mắt quốc tế.
Trong khi đó có nhiều người cho là Trung Quốc chặn được Google và Facebook thì Việt Nam cũng làm được.
Ông Dương Quốc Chính cho rằng đây là nhận định sai lầm bởi lãnh đạo Trung Quốc có tầm nhìn xa hơn Việt Nam nhiều. Khi họ chặn Google và Facebook khi dân Trung Quốc chưa kịp sử dụng dịch vụ của 2 công ty này đủ lâu và sâu. Họ lại lập tức có ngay các trang web Trung Quốc có dịch vụ tương tự để thay thế, nên dân Trung Quốc không có Google và Facebook cũng không bị ảnh hưởng sốc.
Ông Chính đưa ra giả định: Cứ chặn thử một tháng thì chính nhà mạng sẽ lén mở, hoặc bật đèn xanh cho dân vào được. Nhất là trong tình thế suy thoái kinh tế do Covid mà lại đi chặn Facebook thì tức là Bộ Thông tin – Truyền thông chặn đường làm ăn của Bộ Công thương và chính con cháu mình là các nhà mạng.
Ông Chính còn cho rằng: Hơn nữa, Facebook là nơi dân chửi chế độ xả stress, còn lành hơn là đi biểu tình, bạo động. Nó cứ chửi suông mà không làm gì là yên tâm rồi. Cái gì cũng có tính hai mặt, phản động tung tư liệu xấu độc thì đảng cũng có thể tung tài liệu nhồi sọ ngược lại. Giờ chặn Facebook thì mất luôn kênh nhồi sọ. Facebook cũng là kênh thăm dò dư luận về chính sách không chính thức. Bỏ sao nổi.
Cơ hội chặn Facebook chỉ có khi Việt Nam có được mạng xã hội có vai trò tương tự Facebook. Nhưng khi đang có Facebook thì không bao giờ mạng xã hội Việt Nam ngóc đầu lên được, vì không thể cạnh tranh về tính năng, dịch vụ, nhất là sẽ mất tự do do kiểm duyệt. Nhưng nếu chặn Facebook để mạng xã hội Việt Nam phát triển thì lại dính hệ lụy nói trên. Và nếu phải bỏ Facebook thì người dùng cũng sẽ chọn nhà cung cấp khác của Mỹ chứ không phải mạng xã hội nội địa Việt Nam.
Ông Chính đưa ra kết luận: Tóm lại là Việt Nam sẽ không thể chặn Facebook. Hoặc nếu có thì cũng bắt cóc bỏ đĩa. Dăm bữa nửa tháng lại đâu vào đó. Nhà mạng sẽ tìm cách lách luật để hút khách, giữ khách. Mạng xã hội là vấn đề tổng hòa giữa kinh tế, chính trị, xã hội, nên mình ông Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông cũng không thể tự quyết được.
Trung Nam – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Thủ Thiêm: Dân sống bờ hè – Đảng xây nhà hát
>>> Ôm 3 Hiệp định lớn – Thủ tướng Phúc sẽ bắt đầu từ đâu?
>>> Hiệp định RCEP tại Việt Nam: Mỹ lùi – Trung Quốc tiến
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT