Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=mhhtq5cUmUg
Các dân biểu quốc hội Mỹ vừa lên tiếng thúc giục Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Hoa Kỳ áp dụng luật Magnitsky toàn cầu để chế tài các thành viên của lực lượng công an Hà Tĩnh tham gia “tra tấn” nhà báo công dân Nguyễn Văn Hoá, cũng là một nhà hoạt động vì môi trường hiện đang bị tù ở Việt Nam.
Dân biểu Alan Lowenthal, đồng chủ tịch nhóm thành viên Quốc hội quan tâm đến Việt Nam (Congressional Caucus on Vietnam), và 7 dân biểu khác đưa ra lời kêu gọi trên trong một bức thư gửi tới Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin.
“Chúng tôi viết thư này để bày tỏ mối quan ngại về sự đe doạ, áp lực và việc bắt giữ các nhà báo, truyền thông độc lập, cũng như tự do báo chí ở nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam,” 8 dân biểu viết trong bức thư gửi tới các bộ trưởng Pompeo và Mnuchin hôm 18/12. “Chúng tôi đặc biệt quan tâm tới việc bắt giữ và kết án tù nhà báo Nguyễn Văn Hoá, một cộng tác viên của Đài Á châu Tự do (RFA), thuộc Cơ quan Truyền thông Toàn cầu Hoa Kỳ.”
Dân biểu Lowenthal, đại diện địa hạt 47 của California, nơi có đông người Việt sinh sống nhất ở Mỹ, là người bảo trợ cho tù nhân lương tâm Văn Hoá, người bị chính quyền Việt Nam bắt giữ năm 2017 và bị kết án 7 năm tù với tội danh “tuyên truyền chống phá nhà nước.”
Theo các dân biểu Mỹ cho biết trong bức thư, chính quyền Việt Nam trước đó “đã đánh đập và tịch thu thiết bị” của Nguyễn Văn Hóa khi nhà báo công dân này đang là cộng tác viên của đài RFA vào tháng 11/2016. Là một nhà báo công dân, Nguyễn Văn Hoá đã đăng tải nhiều video về các cuộc biểu tình theo sau thảm họa môi trường biển ở các tỉnh miền Trung do nhà máy Formosa Hà Tĩnh gây ra năm 2016.
Trong một thông cáo báo chí được đưa ra cùng ngày, dân biểu Lowenthal nói rằng “trong khi bị cảnh sát giam giữ, Nguyễn Văn Hoá bị đánh đập, tra tấn, và bị ép ký vào một bản nhận tội giả chống lại một bạn tù của anh.” Theo dân biểu Mỹ, Nguyễn Văn Hoá vào tháng trước đã tiến hành tuyệt thực để phản đối các điều kiện mà anh cho là bất công trong trại giam.
Hồi tháng 2 năm ngoái, chị gái tù nhân lương tâm 25 tuổi đã đưa ra lời kêu cứu về việc em trai mình bị “đánh đập ép cung trong 9 ngày” tại trai giam An Điềm ở Quảng Nam.
Bức thư của các dân biểu Mỹ nêu tên 8 thành viên của lực lượng Công an tỉnh Hà Tĩnh, những người được cho là đã “đánh đập Văn Hoá và buộc tay của anh lên trần nhà để buộc anh nhận tội.”
Các cá nhân được nêu tên trong bức thư gồm: Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Đại uý Nguyễn Văn Sáng, Trung uý Lê Anh Đức, Đại uý Trần Anh Đức, Thượng tá Nguyễn Huy Chương, Thiếu tá Trương Quang Quốc, Thượng uý Bùi Xuân Đạt, và Đại uý Nguyễn Đình Đức.
Đây cũng là những cái tên mà Văn Hoá đề cập trong một đơn tố cáo gửi lên cơ quan an ninh được chị Nguyễn Thu Huệ, chị gái của Nguyễn Văn Hoá, công bố.
Bức thư của 8 dân biểu Mỹ kết luận rằng, “Những cá nhân này đồng loã trong việc vi phạm trực tiếp tới nhân quyền.”
“Chúng tôi tin rằng các biện pháp trừng phạt nhắm mục tiêu sẽ có tác động,” bức thư viết. “Vào thời điểm mà chính phủ Việt Nam đang tìm cách mở rộng khả năng tiếp cận thị trường Mỹ và hàng hoá Mỹ, chúng ta phải kiên quyết bảo vệ mạnh mẽ quyền con người và pháp quyền.
Thật không may, vụ việc này và những vụ việc khác chỉ ra rằng Việt Nam đã trở nên ít khoan dung hơn đối với những bất đồng chính kiến trong những năm gần đây.”
Đạo luật Magnitsky toàn cầu của Mỹ được quốc hội ở Washington thông qua vào năm 2012, ban đầu chỉ tập trung vào Nga nhưng sau đó cho phép nhánh hành pháp của Hoa Kỳ cấm thị thực và trừng phạt bất cứ cá nhân nào phải chịu trách nhiệm về các hành vi vi phạm nhân quyền và tham nhũng trên thế giới.
Chính quyền Việt Nam được cho là đang gia tăng đàn áp các tiếng nói chỉ trích chính phủ trên mạng và thực hiện việc bắt giữ nhiều hơn trong năm nay, đặc biệt sau vụ xung đột ở Đồng Tâm và trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản sắp diễn ra vào tháng 1/2021.
Nhà báo tự do Trương Châu Hữu Danh và Phạm Đoan Trang là những vụ bắt giữ mới nhất của chính quyền Việt Nam vì những cáo buộc “tuyên truyền” hay đăng tải thông tin “chống nhà nước Việt Nam”.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao ở Việt Nam luôn nói rằng không có việc những người vì bày tỏ chính kiến mà bị bắt giam ở Việt Nam và rằng không có cái gọi là tù nhân lương tâm ở quốc gia Đông Nam Á này.
“Hoa Kỳ phải đưa ra một thông điệp rõ ràng rằng sự phát triển thương mại và tăng trưởng kinh tế sẽ không phải trả giá bằng dân chủ và tự do,” các dân biểu Mỹ kêu gọi trong bức thư.
Dân biểu Lowenthal, thành viên của Uỷ ban Nhân quyền Tom Lantos, trước đây đã vận động cho việc trả tự do cho Văn Hoá khi viết thư cho Ngoại trưởng Pompeo để kêu gọi chính phủ Mỹ hành động trong vụ này cũng như kêu gọi Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trả tự do cho Văn Hoá. Vào tháng 9 vừa qua, dân biểu Mỹ đã chính thức bảo trợ cho Văn Hoá là tù nhân lương tâm thông qua Dự án Bảo vệ Tự do của uỷ ban này.
Ba quản trị viên Nhóm bàn luận Kinh tế – Chính trị bị kết án 45 tháng tù
Hôm 21/12, một tòa án ở Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên phạt ba quản trị viên của trang Facebook Nhóm bàn luận Kinh tế – Chính trị tổng cộng 45 tháng tù giam với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ.” Thân nhân của họ cho VOA biết cả ba ông bị kết án mà không có luật sư bào chữa.
Các ông Nguyễn Đăng Thương bị tuyên 18 tháng tù giam, ông Huỳnh Anh Khoa 15 tháng tù và ông Trần Trọng Khải 12 tháng tù giam, bị xét xử theo Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015.
Bà Phạm Thị Bảo Ngọc, vợ của ông Huỳnh Anh Khoa, nói với VOA sau khi dự thính bên ngoài phòng xử.
“Đây là một bản án bất công. Anh ấy không có tội gì cả mà bị 1 năm 3 tháng tù.
“Họ nói rằng anh ấy lên mạng tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước, và đòi đa đảng, và tuyên truyền sai lệch thông tin về lịch sử, và đủ thứ tội trên đời và kết tội ảnh.
“Anh Huỳnh Anh Khoa và cả ba người trước khi ra tòa đã bị ép buộc từ chối luật sư và trong phiên tòa không có một luật sư nào hết.”
Luật Sư Nguyễn Văn Miếng cho đài RFA biết rằng ông có đến quan sát phiên tòa với tư cách cá nhân nhưng không được vào phòng xét xử. Ông viết trên trang Facebook hôm 21/12: “An ninh được thắt chặt xung quanh toà án. Những người tụ tập bên ngoài toà đều bị giải tán.”
“Đã là một phiên tòa công khai thì tại sao người thân không được ngồi trong phòng xử và tham dự phiên tòa, mà phải đứng bên bên ngoài để nghe phiên xử mà thôi? Là phiên tòa công khai tạo sao mọi người không được vô. Tôi rất bất mãn về phiên tòa này,” bà Ngọc nói với VOA.
Ông Huỳnh Anh Khoa và Nguyễn Đăng Thương, quản trị viên của nhóm bàn luận trên Facebook về các vấn đề kinh tế – chính trị, bị Công an TPHCM bắt giữ ngày 13/6/2020. Không rõ ông Trần Trọng Khải bị bắt khi nào.
Ngay sau khi ông Khoa và ông Thương bị bắt, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) lên tiếng tố cáo Việt Nam gia tăng đàn áp những những người bất đồng chính kiến trước thềm Đại hội Đảng XIII, trong đó chính quyền bắt giam hàng loạt các blogger, Facebooker và các nhà báo độc lập.
Cũng với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân,” hôm 22/12/2020, trang CAND loan tin rằng Công an Cần Thơ đã bắt giam bà Lê Thị Bình, 44 tuổi, vì hành vi “chống phá Đảng, Nhà nước.”
Báo Thanh Niên cho biết bà Lê Thị Bình là em ruột của ông Lê Minh Thể, 56 tuổi, người đang thụ án hai năm tù với cùng cáo buộc như bà Bình.
Ủy ban Bảo vệ Ký giả lên tiếng vụ Việt Nam bắt nhà báo Trương Châu Hữu Danh
Ủy ban Bảo vệ Nhà báo, CPJ, vào ngày 21 tháng 12 ra thông cáo kêu gọi cơ quan chức năng Việt Nam trả tự do ngay cho nhà báo Trương Châu Hữu Danh, hủy bỏ mọi cáo buộc đối với ông này
Thông cáo báo chí của CPJ phát đi từ Bangkok cho biết Công an Thành phố Cần Thơ tiến hành bắt ông Trương Châu Hữu Danh hôm ngày 17 tháng 12 vừa qua. Ông Danh là cựu phóng viên một số báo Nhà nước Việt Nam. Ông cũng là người đồng sáng lập và cộng tác cho Báo Sạch. Đây là một kênh thông tin dựa trên nền tảng Facebook.
Cáo trạng mà Công an Cần Thơ đưa ra đối với ông Trương Châu Hữu Danh là ‘lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước…’ theo Điều 331, Bộ Luật Hình sự Việt Nam. Nếu bị kết tội, mức án mà ông Danh có thể đối mặt là 7 năm tù giam.
Viện Kiểm sát Nhân dân Cần Thơ còn cho biết ông Danh sẽ bị tạm giam 3 tháng để điều tra.
Ông Shawn Crispin, đại diện Cấp cao của CPJ tại Đông Nam Á, được dẫn lời rằng ‘Việt Nam cần phải ngưng ngay tình trạng sách nhiễu đối với các nhà báo độc lập sử dụng Facebook để đưa tin tức đi’.
Mạng Báo sạch có hơn 100 ngàn người theo dõi trên Facebook. Báo này đưa tin về những vụ phản đối về các trạm thu phí phi pháp. Báo Sạch cũng đưa hình ảnh những quan chức Nhà nước bị bắt vì dính lích đến các dự án bẩn đó.
CPJ gửi yêu cầu đến trang chủ Bộ Công an Việt Nam đề nghị bình luận về việc bắt giữ nhà báo Trương Châu Hữu Danh; nhưng chưa nhận được trả lời.
Công an Thành phố Cần Thơ sau 5 ngày tiến hành bắt ông Trương Châu Hữu Danh, vào ngày 21 tháng 12 ra thông báo và gửi đến người thân của ông về việc này. Người thân của ông được nói ngụ tại huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Ông Danh hiện bị giam tại Trại giam Công an Thành phố Cần Thơ.
Việt Nam là một trong những quốc gia cầm tù nhiều nhà báo trên thế giới. Theo thống kê thường niên của CPJ công bố hôm 1 tháng 12 vừa qua, thì Việt Nam giam giữ ít nhất 15 nhà báo trong năm nay.
Hải Yến – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Trả thù Dũng – Trọng lôi Thăng vào Nam xét xử?
>>> Nguyễn Văn Nên quyết xử lý vụ Thủ Thiêm, liệu Lê Thanh Hải có “vào lò”?
>>> Chạy án Thủ Thiêm? – Công an tiết lộ “nội tình” vụ bắt giữ Tất Thành Cang
Đưa hàng trăm công ty Trung quốc “sổ đen” – Mỹ quyết diệt trừ cộng sản và độc tài
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT