Việt Nam vẫn loay hoay với việc công khai tài sản quan chức

Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=Jfg-C8b14N0

Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị có hiệu lực vào 20/12/2020, từng được chính quyền cộng sản Việt Nam kỳ vọng sẽ thúc đẩy thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) số 36/2018/QH14 vốn được Quốc hội bỏ phiếu thông qua từ tháng 11/2018 nhưng đến nay vẫn còn để đó vì thiếu nghị định… hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, Nghị định 130 đến nay vẫn chưa thể triển khai.

TS Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế – Thanh tra Chính phủ cho biết Nghị định 130/2020 về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị có hiệu lực vào 20/12/2020. Nhưng do tính chất phức tạp, số lượng người kê khai tài sản lớn và có nhiều điểm mới nên chưa thể triển khai ngay. Việc này sẽ được bắt đầu từ 01/01/2021 và hoàn thành trong quý 1.

Trả lời phỏng vấn báo chí trong nước, ông Đinh Văn Minh nhấn mạnh cả Luật PCTN 2018 và Nghị định 130 đều có rất nhiều điểm mới để bảo đảm cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập thực chất hơn.

Điểm mới đáng chú ý là đối tượng kê khai tài sản lần này vừa rộng, vừa có trọng tâm. Trước kia đối tượng kê khai chỉ là trưởng phòng cấp huyện trở lên thì hiện nay tất cả cán bộ, công chức, kể cả mới tuyển dụng vào đều phải kê khai; riêng viên chức thì từ phó phòng.

Một điểm thay đổi căn bản khác là trước kia năm nào cũng phải kê khai còn bây giờ chỉ kê khai lần đầu và chỉ một lần như một hoạt động rất bình thường trong hồ sơ cán bộ. Đối tượng này chỉ kê khai bổ sung khi tài sản tăng thêm 300 triệu.

Bên cạnh đó, có những người phải kê khai hàng năm, là đối tượng có nguy cơ tham nhũng nhiều hơn.

Ông Đinh Văn Minh giải thích nghị định này sẽ hỗ trợ rất lớn cho công tác phòng chống tham nhũng, vì cho phép các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ một cách ngẫu nhiên. Bất cứ người nào cũng có thể bị xác minh, vào bất cứ lúc nào và không vì lý do gì. Ông Minh cho rằng đây là cảnh báo cho tất cả những người muốn che giấu tài sản bất minh.

Ảnh 1: Ông Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế – Thanh tra Chính phủ

Nhà báo Trân Văn từ thời điểm Thanh tra Chính phủ loan tin đang ráo riết soạn thảo nhằm gia tăng khả năng “kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị” hồi tháng 02/2020 đã bình luận: xét cho đến cùng, phòng – chống tham nhũng mà các đạo luật mới, nghị định mới vẫn bảo vệ những viên chức giàu có “nứt đố, đổ vách” thì soạn thảo – quảng bá các biện pháp kiểm soát tài sản, thu nhập chẳng khác gì… tấu hài?

Cây bút đã đưa ra những dẫn chứng lịch sử để chứng minh cho việc chính quyền cộng sản Việt Nam đã không chấp nhận bất kỳ giải pháp nào cả về hình sự lẫn dân sự để xử lý những tài sản, thu nhập có nguồn gốc bất minh của các viên chức trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền và khăng khăng đòi xử lý những tài sản, thu nhập có nguồn gốc bất minh của các viên chức trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền phải “không gây xáo trộn, không tác động tới ai”.

Cụ thể, năm 2013 – thời điểm Việt Nam đang thu thập ý kiến để sửa Luật Hình sự 2009, từ gợi ý và giúp đỡ của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), một số viên chức của Quốc hội và Bộ Tư pháp Việt Nam đề nghị đưa thêm vào Luật Hình sự của Việt Nam tội “làm giàu bất chính” theo tinh thần Công ước Chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc (United Nations Convention against Corruption – UNCAC) để truy tố những cá nhân giàu có một cách bất minh: Những viên chức có tài sản lớn khác thường so với thu nhập hợp pháp và không thể giải thích hợp lý về nguồn gốc tài sản đều bị xem là phạm tội “làm giàu bất chính”, sẽ bị điều tra – truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên Quốc hội Việt Nam liên tục gạt bỏ đề nghị xác định hành vi “làm giàu bất chính” là tội phạm khi bỏ phiếu thông qua Luật Hình sự mới năm 2015, rồi sửa Luật Hình sự năm 2015 vào năm 2017.

Sau khi sửa Luật Hình sự, Việt Nam tiếp tục sửa Luật Phòng – chống tham nhũng.

Cuối năm 2017, Quốc hội Việt Nam từng công bố một ước đoán, trong mười năm, từ 2006 đến 2016, tham nhũng gây ra thiệt hại khoảng 60.000 tỉ nhưng chỉ thu hồi được khoảng 4.500 tỉ. Do vậy, sau khi Việt Nam từ chối hình sự hóa “làm giàu bất chính”, người ta hy vọng khi sửa Luật Phòng – chống tham nhũng, Việt Nam sẽ đặt định giải pháp để xử lý những viên chức giàu có bất minh.

Bộ phận soạn thảo Luật Phòng – chống tham nhũng mới, tiếp tục đưa ra một số giải pháp để giải quyết tài sản của những viên chức không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc (hoặc hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính, hoặc giao cho Tòa án quyết định, hoặc tịch thu sung công, hoặc định giá rồi buộc nộp thuế theo tỉ lệ 45% tính trên tổng giá trị,…) nhưng không có giải pháp nào được chấp nhận.

Ảnh 2: Kết quả biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự số 100/2015/QH13, với 439/455 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 89,41% tổng số đại biểu Quốc hội ngày 20/06/2017 trong đó đề nghị xác định hành vi “làm giàu bất chính” là tội phạm một lần nữa bị Quốc hội Việt Nam gạt bỏ

Tháng 09/2018, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Việt Nam – một trong những nhân vật chịu trách nhiệm giám sát việc soạn thảo Luật Phòng – Chống tham nhũng mới, than rằng, bộ phận soạn thảo luật mới đã đề ra sáu giải pháp để xử lý những tài sản, thu nhập mà các viên chức giàu có bất minh không thể giải trình về nguồn gốc.

Tuy bốn đã bị gạt bỏ chỉ còn hai nhưng cả hai vẫn “không đáp ứng yêu cầu không gây xáo trộn, không tác động tới ai mà vẫn bảo đảm chống được tham nhũng”!

Ngày 20/11/2018, Quốc hội Việt Nam chính thức thông qua Dự luật sửa Luật Phòng – Chống tham nhũng. Luật Phòng – Chống tham nhũng mới vẽ vời đủ thứ nhưng không có bất kỳ qui định nào về xử lý tài sản, thu nhập mà các viên chức thuộc diện phải kê khai tài sản không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc.

Trong ba năm được Quốc hội nâng lên đặt xuống rồi xin ý kiến Bộ Chính trị, cả sáu giải pháp mà nhóm soạn thảo đề nghị để xử lý những viên chức giàu có bất minh lần lượt được vứt hết vào sọt rác!

Cây bút phản biện nhận định: Tham nhũng không phải là vấn nạn mới và không chỉ là vấn nạn của riêng Việt Nam. Cũng vì vậy, ngăn ngừa – tiêu diệt tham nhũng là một trong những nỗ lực có tính chất toàn cầu nên mới có UNCAC.

Nhìn một cách tổng quát, UNCAC giống như đại lộ để thiên hạ hợp lực ngăn ngừa – diệt trừ tham nhũng nhưng “đảng ta” không ưng chuyện đồng hành với thiên hạ trên đại lộ này.

Đảng ta” thích dùng lối riêng và dẫn dắt công cuộc phòng – chống tham nhũng tại Việt Nam đi theo lối riêng vốn rất… nhỏ ấy cũng như khuyến khích “công bộc” giúp vui cho công chúng bằng những giải thích kiểu như, khối tài sản khổng lồ mà họ thủ đắc là nhờ “thừa kế”, nhờ “làm vườn đến thối móng tay”, nhờ “chạy xe ôm”, nhờ “bện chổi đót”…

Bản thân Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng thể hiện sự bất lực về việc kê khai tài sản.

Tháng 05/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra chủ trương kiểm tra tài sản của 1.000 cán bộ cao cấp thuộc diện Bộ Chính trị và Ban bí thư quản lý.

Thế nhưng trong buổi tiếp xúc cử tri tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) ngày 17/06/2018, Tổng Bí thư cho rằng vấn đề kê khai tài sản cán bộ là vấn đề rất khó, nhạy cảm bởi nó liên quan đến quyền đời tư, quyền bí mật cá nhân.

Ảnh 3: Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Việt Nam

Tại thời điểm đó, nhà báo Phạm Chí Dũng cho rằng phát ngôn trên của ông Trọng là một sự thừa nhận gián tiếp thất bại về chủ trương kê khai tài sản cán bộ và cao hơn nữa là ‘kiểm tra tài sản 1.000 quan chức’.

Ông Dũng bình luận hơn một năm trôi qua kể từ thời điểm Ban Tuyên giáo trung ương chỉ đạo báo chí nhà nước tuyên truyền ồn ào và không kém khoa trương về việc kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của khoảng 1.000 quan chức cao cấp mà vẫn không có bất kỳ động tác hứa hẹn nào được thực hiện.

Trong khi đó, các tỉnh thành ủy và khối chính quyền vẫn đều đặn và thản nhiên báo cáo về trung ương ‘không phát hiện trường hợp cán bộ kê khai tài sản không trung thực’, hoặc cả nước chỉ phát hiện 5 hay 6 trường hợp cán bộ kê khai tài sản không trung thực trong tổng số… gần 1 triệu cán bộ.

Một cựu phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam đã nhắc nhở ông Trọng về những thách thức rất lớn dành cho ý tưởng kiểm tra tài sản quan chức: tính khả thi của quy định này phụ thuộc nhiều vào việc “ai kiểm tra ai, ai có quyền kiểm tra ai, ai dám kiểm tra ai, và ai để cho người ta kiểm tra”.

Trong thực tế, ông Trọng chẳng thể mong mỏi gì vào ‘trình độ nghiệp vụ’ của các cơ quan đảng từ trung ương xuống địa phương để có thể lần mò phát hiện được tài sản nổi chìm của giới quan chức ‘ăn của dân không chừa thứ gì’. Mà chỉ có hai cơ quan có thể nắm được cơ bản hồ sơ tài sản quan chức: Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Hai cơ quan này có sẵn những cục, vụ nghiệp vụ để làm chuyện đó.

Nhưng làm thế nào để hai cơ quan trên tự nguyện ‘vạch áo cho người xem lưng’ khi cả hai ngành này đều nổi tiếng không chỉ bởi ‘dịch lạm phát tướng’ trên 200 cho Bộ Công an và trên 400 cho Bộ Quốc phòng, mà còn mang nhiều tai tiếng bởi các vụ bê bối tham nhũng và làm ăn phi pháp?

Ảnh 4: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các ĐBQH đoàn Hà Nội tiếp xúc cử tri tại quận Cầu Giấy hôm 17/06/2018

Trở lại với Nghị định 130 mới đây, dư luận trong nước cũng chẳng hy vọng gì vào tính hiệu quả của nó trong công tác phòng chống tham nhũng.

Trả lời phỏng vấn của RFA ngày 05/01, ông Lê Văn Triết, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại bình luận:

Nói vậy chứ có làm được gì đâu, có ai kê khai gì, lâu lâu có chỗ nổi cộm thì lại lôi ra… rồi lập hồ sơ, mở phiên tòa, rồi lại kết luận gây hậu quả nghiêm trọng do kém ý thức tổ chức… chứ có giải quyết gì đâu. Theo tôi muốn giải quyết vấn đề này phải nghiêm minh từ bên trong, từ trên xuống, nghiêm tức trong tổ chức thực hiện. Chứ không phải muốn nói gì thì cứ nói đại một cái, đưa ra văn bản này, văn bản nọ, nói thế thì ai nghe, ai làm, chả đi đến đâu, họ hết việc làm rồi…”

Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Ban Dân vận Trung ương thì nhận định:

Vấn đề kê khai tài sản cán bộ được đặt ra từ lâu, nhưng làm một cách hời hợt, không nhất quán, kiểu như làm cho có chuyện… Thành ra dân không tin, bởi vì kê khai tài sản bất minh tỷ lệ rất thấp, chỉ có một hai trường hợp kê khai không đúng, người ta cho rằng đấy là trò tào lao đánh lừa dân. Bởi vì bây giờ ai cũng thấy quan chức lãnh đạo từ huyện, từ xã đến tỉnh thì họ giàu kinh khủng, nhưng cách kê khai của họ làm dân không tin vào chuyện này. Họ cho rằng việc này là bày ra cho có vẻ là minh bạch rõ ràng, nên người ta không tin lắm vào biện pháp này.”

Trong khi cần công khai minh bạch tài sản để có thể xác minh, thu hồi khi có vi phạm tham nhũng, thì vào đầu tháng 6 năm 2020, Bộ Tư pháp lại đưa ra dự thảo quy định số liệu thu hồi tài sản tham nhũng là ‘danh mục tối mật’. Theo Bộ này giải thích, dự thảo căn cứ theo quy định tại khoản 14 Điều 7 của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018. Trong đó, nội dung về thông tin về hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng được xác định thuộc phạm vi bí mật nhà nước.

Ông Nguyễn Khắc Mai cho biết thêm ý kiến của mình:

Đây là một vấn đề lớn hiện nay, liệu chính quyền có dám để cho dân giám sát? Mà với cung cách, thể chế chính trị như hiện nay thì không có giám sát, vì phủ bênh phủ, huyện bênh huyện… Và như thế nó chứng tỏ một sự yếu kém của năng lực quản trị đất nước hiện nay.”

Ảnh 5: Hình minh họa Nghị định 130/2020/NĐ-CP về việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do Chính phủ đã ban hành ngày 30/10/2020 và có hiệu lực từ ngày 20/12/2020

Lan Anh – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Việt Nam khó đột phá trên nền “tư duy cũ”?

>>> Người dùng bằng giả của Đại học Đông Đô sẽ tự khai báo?

>>> Dốc hơi tàn, Nguyễn Phú Trọng trả thù hèn hạ nhà báo Phạm Chí Dũng và 2 đồng nghiệp

Trần Quốc Vượng chuẩn bị cho trận quyết đấu


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT