Berlin taz/ https://taz.de/Entfuehrungsfall-Trinh-Xuan-Thanh/!5750514/
Mười hai người Việt Nam đã bắt cóc một đồng hương từ Berlin về Hà Nội vào năm 2017. Vì điều này, họ vừa nhận được Huân chương cao nhất ở nước của họ.
Họ đã bị trục xuất khỏi Đức hoặc bị truy nã với lệnh bắt giữ. Họ được vinh danh ở Việt Nam: những kẻ đã bắt cóc cựu chính trị gia Việt Nam Trịnh Xuân Thanh từ Berlin về Hà Nội năm 2017. Theo tìm hiểu của chúng tôi, một lễ vinh danh cho 12 kẻ bắt cóc đã diễn ra vào mùa hè năm ngoái tại Bộ Công an ở Hà Nội.
Các bức ảnh và văn bản mà một trong những người được thưởng Huân chương đã tự đăng trên trang Facebook của anh ta, nhưng sau đó lại bị xóa, cho thấy vụ bắt cóc, như Tòa Thượng thẩm Berlin đã xác định là chính xác, do Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam Tô Lâm tổ chức. Kế hoạch mà cơ quan này thực hiện mang bí số VT17.
12 người đàn ông đã nhận được các huy chương hạng nhất, hạng nhì và hạng ba trong một buổi lễ trọng thể với chữ ký khen thưởng từ Chủ tịch, Tổng bí thư đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng. Đây là một trong những giải thưởng cao quý nhất của Việt Nam.
Huân chương Chiến công hạng nhất được trao cho Nguyễn Đức Thoa, người mà khi đó là cán bộ ngoại giao Việt Nam tại Đức và là sỹ quan liên lạc của Tổng cục tình báo Bộ Công an trong sứ quán. Ông ta bị trục xuất khỏi Đức vào mùa hè năm 2017 chỉ vài ngày sau vụ bắt cóc, các điều tra viên đã thấy rõ rằng ông ta đã chuẩn bị và giúp thực hiện vụ bắt cóc ở những thời điểm quan trọng.
Người được thưởng Huân chương thứ hai là Lê Thanh Hải, một nhà ngoại giao Việt Nam tại Berlin lúc bấy giờ. Các nhà điều tra Đức cáo buộc ông ta đã chở nạn nhân vụ bắt cóc trong xe riêng từ Berlin đến thành phố Brno của Séc, nơi ông ta đã giao người cho những kẻ bắt cóc khác. Khi phiên tòa xét xử kẻ đồng phạm bắt cóc diễn ra trước Tòa án Thượng thẩm Berlin vào năm 2018, tòa án muốn xét xử ông ta với tư cách nhân chứng. Vào thời điểm đó, ông vẫn là một nhà ngoại giao được công nhận ở Đức. Tuy nhiên, ông đã không ra hầu tòa, điều mà với tư cách là một nhà ngoại giao, ông không có nghĩa vụ phải làm. Cũng chính Lê Thanh Hải, người đã ghi lại lễ khen thưởng trên trang Facebook cá nhân của mình một thời gian. Các nhân viên tình báo đôi khi cũng muốn đề cao cái tôi của họ.
Đầu tiên, đài truyền hình nhà nước RTV ở Slovakia đã đưa tin về lễ khen thưởng này. Ở Slovakia, vụ bắt cóc đang bùng nổ về mặt chính trị vì nạn nhân vụ bắt cóc và một số đồng bọn bắt cóc được đưa ra khỏi EU trên một chiếc máy bay của Chính phủ Slovakia được mượn bởi Bộ trưởng Nội vụ Slovakia lúc bấy giờ là Robert Kalinak. Vai trò của Kalinak trong việc này vẫn chưa rõ ràng. Kể từ sự thay đổi chính phủ ở Slovakia vào năm 2020 và việc bổ nhiệm Tổng công tố viên Maros Zilinka mới, đã quyết tâm điều tra tới cùng vụ việc. Theo tác giả của nó, Tibor Macak, phóng sự truyền hình đã nhận được rất nhiều phản hồi từ các nhà điều tra: “Kể từ khi mã bắt cóc VT17 được biết đến, các cơ quan an ninh Slovakia và Đức cũng đã có những cách tiếp cận điều tra mới”.
Petra Schlagenhauf, luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh, người đã bị bắt cóc hiện đang thụ án chung thân tại Hà Nội với nhiều cáo buộc về tội kinh tế, đưa ra tuyên bố trên tờ báo taz “ Hãy chấm dứt việc giam giữ thân chủ của tôi, điều này trái với luật pháp quốc tế. Việc giam giữ này vi phạm luật pháp quốc tế vì nhà nước Việt Nam đã bắt cóc ông Thanh, lẽ ra không bao giờ được đưa anh ta ra trước tòa. ”
Vụ bắt cóc đã gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng giữa Berlin và Hà Nội.
Marina Mai – Taz
Lê Trung Khoa
Link bài báo Taz tại Đức 24.2.2021 : https://taz.de/Entfuehrungsfall-Trinh-Xuan-Thanh/!5750514/
Link bản tin Đài phát thanh và truyền hình nhà nước Slovakia 23.2.2021: https://www.rtvs.sk/televizia/archiv/13982/261587#1144