Ông Trịnh Bá Phương bị ép cung: “Không nhận tội, vợ sẽ bị bắt”

Link Video: https://youtu.be/EuBqig9lF18

Hôm 2 tháng 11, luật sư bào chữa vào trại tạm giam để gặp mặt nhà hoạt động Trịnh Bá Phương, trong cuộc gặp này, ông Phương tiết lộ rằng trong quá trình điều tra thì các điều tra viên công an Hà Nội đe dọa bắt người thân trong gia đình để buộc ông phải nhận tội.

Nhà hoạt động quyền đất đai Trịnh Bá Phương đang bị tạm giam tại Trại tạm giam số 1 – công an thành phố Hà Nội kể từ ngày 25 tháng 6 năm 2020 và đang chờ ra phiên xét xử sơ thẩm.

Chính quyền cáo buộc ông “tuyên truyền chống nhà nước” và đến nay đã 16 tháng mà chưa xét xử.

Phóng viên của RFA hôm 3 tháng 11 phỏng vấn luật sư Đặng Đình Mạnh, người bào chữa của ông Phương để hỏi chi tiết về vụ việc. Luật sư Mạnh nói:

Cụ thể nó là như thế này, điều tra viên cầm một cái điện thoại vào trong đó có cái status (dòng trạng thái – PV) của cô Thu, là vợ (của ông Phương). Thì cô Thu viết đại khái là lũ công an bất nhân.

Thế thì họ mới cầm vào họ nói nhiêu đây là có thể bắt cô Thu được rồi, thì nếu như ông Phương không khai thì họ sẽ bắt cô Thu luôn. Cái đó là lời thuật của ông Phương hôm qua.”

Theo luật sư thì trong suốt quá trình điều tra, ông Trịnh Bá Phương giữ quyền im lặng và không khai bất cứ điều gì.

Điều này sau đó dẫn đến việc cơ quan điều tra cưỡng ép ông Phương đi khám tâm thần tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 ở Thường Tín hồi tháng 3 năm nay.

Về việc, liệu điều tra viên đe doạ bắt người thân để ép bị cáo khai nhận tội trạng có được coi là một hình thức bức cung hay không, luật sư Mạnh cho biết:

Cái điều đó vẫn có thể coi như là một cái biểu hiện của việc ép cung đối với người bị bắt giữ.”

Phiên toà xét xử nhà hoạt động Trịnh Bá Phương dự kiến sẽ diễn ra vào ngày hôm nay, 3 tháng 11. Tuy nhiên, đã phải hoãn lại vài ngày trước đó với lý do được Tòa án thông báo là các Kiểm sát viên phụ trách vụ án này đang phải cách ly y tế vì tiếp xúc với người bị nhiễm COVID-19.

Ảnh: ông Trịnh Bá Phương

Đến nay, toà án vẫn chưa thông báo về lịch xét xử mới đối với ông Trịnh Bá Phương và bà Nguyễn Thị Tâm, một người dân Dương Nội khác bị bắt cùng ngày và chung tội danh với ông Phương.

Trong khi các điều tra viên gây sức ép với ông Phương ở trong trại tạm giam, thì ở bên ngoài, hồi cuối năm ngoái, vợ của ông là bà Đỗ Thị Thu cũng bị cơ quan công an triệu tập để gây sức ép về các bài viết của bà trên Facebook.

Trả lời phỏng vấn của RFA, bà Thu cho biết về sự việc:

Họ nói với tôi rằng là lên trên Facebook thì không được nói xấu chế độ các thứ nhưng mà tôi bảo là tôi chỉ viết những cái đúng thôi.”

Còn về việc công an doạ bắt bản bản thân nếu chồng mình không nhận tội, bà Đỗ Thị Thu phản ứng rằng:

Họ doạ chồng tôi như thế thì tôi nghĩ rằng với tinh thần của gia đình nhà tôi rất là vững vàng và kiên cường, thế thì chồng tôi sẽ không bao giờ sợ. Và tôi nghĩ rằng dù họ có bắt tôi đi chăng nữa thì tôi cũng không khuất phục trước họ. Và tôi cũng như chồng tôi, sẽ kiên cường và vững vàng tới cùng.”

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hà Nội thì nhà hoạt động Trịnh Bá Phương bị buộc tội theo khoản 2 điều 117 của Bộ luật Hình sự năm 2015 sau khi ông này đưa tin gây chú ý cho dư luận trong và ngoài nước về vụ đột kích vào xã Đồng Tâm.

Ảnh: bà Nguyễn Thị Tâm

 

Trong trường hợp bị kết tội thì ông Phương sẽ phải đối diện với mức án từ 10 đến 20 năm tù giam.

Theo như gia đình của ông Trịnh Bá Phương, mặc dù phiên toà sắp sửa diễn ra, nhưng mới gần đây thì phía luật sư và gia đình mới được tiếp cận với bản cáo trạng do Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hà Nội lập để truy tố ông Phương và bà Tâm.

Trong đó, các “chứng cứ” nhằm để buộc tội hai nhà hoạt động cho quyền đất đai trên hầu hết được thu thập trên trang Facebook cá nhân của họ, và những nội dung được phía cơ quan công an thu thập được đăng tải giữa khoảng ngày 9 đến ngày 11 tháng 1 năm 2020.

Thời điểm trên diễn ra đúng lúc chính quyền Hà Nội tổ chức cuộc bố ráp vào xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội vào lúc rạng sáng ngày 9/1, với hậu quả là ông Lê Đình Kình, người được cho là thủ lĩnh tinh thần của dân Đồng Tâm thiệt mạng, cùng với đó là ba nhân viên công lực theo như báo cáo của phía nhà nước.

Trả lời phỏng vấn của RFA, bà Đỗ Thị Thu, vợ của nhà hoạt động Trịnh Bá Phương cho biết:

Tất cả các chứng cứ mà Cơ quan An ninh Điều tra, Công an thành phố Hà Nội thu thập trong cáo trạng thì từ ngày mùng 9, 10, và 11 tháng 1. Ngày xảy ra vụ chính quyền đem 3.000 quân cảnh sát cơ động tấn đông xã Đồng Tâm vào ban đêm, giết chết cụ Lê Đình Kình và bắt đi 29 người dân Đồng Tâm.

Các chứng cứ cáo buộc chồng tôi gồm hai video phát về vụ Đồng Tâm, và 43 bài viết, chia sẻ về Đồng Tâm, và một cuốn sách (tựa đề) Cẩm nang nuôi tù.”

Bà Nguyễn Thị Tâm cùng với ông Trịnh Bá Phương và một số người dân Dương Nội khác là những người trực tiếp cập nhật thông tin về vụ việc Đồng Tâm thời điểm chính quyền bố ráp vào ngôi làng. Thông tin từ những người này sau đó được chia sẻ rộng rãi, tạo ra sự chú ý lớn của dư luận trong nước vào vụ việc.

Ông Phương và bà Tâm bị bắt vào ngày 25 tháng 6 năm 2020, năm tháng sau sự kiện Đồng Tâm. Cùng bị bắt với hai người còn có hai nhà hoạt động Cấn Thị Thêu và Trịnh Bá Tư là mẹ và em trai ruột của ông Phương.

Cả bốn người đều bị cáo buộc dưới tội danh “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự năm 2015.

Khi được hỏi về suy nghĩ trước việc chồng của mình có nguy cơ bị kết án tù vì bày tỏ quan điểm về vụ Đồng Tâm, bà Đỗ Thị Thu cho biết:

Nhà cầm quyền đã cáo buộc chồng tôi theo khoản hai Điều 117, án từ 10 đến 20 năm tù. Theo tôi đây là cáo buộc của những kẻ có tội kết án người vô tội là chồng tôi. Chồng tôi chỉ nói lên sự thật khách quan nhưng trái ý Đảng nên họ đã bắt bỏ tù chồng tôi.

Dù họ có kết án chồng tôi bao nhiêu năm chăng nữa thì tôi tin là chồng tôi sẽ không khuất phục trước tà quyền Cộng Sản. Và tôi luôn tự hào về chồng mình!”

Hôm 14 tháng 10, gia đình của tù nhân lương tâm Trịnh Bá Tư cho RFA biết thông tin về việc ông Tư bị đánh đập đến mức phải nhập viện để điều trị lúc mới bị bắt giữ.

Bà Trịnh Thị Thảo, chị gái của ông Trịnh Bá Tư cho RFA biết rằng trong cuộc gặp với các luật sư bào chữa hôm 13 tháng 10, ông Trịnh Bá Tư đã kể rằng sau khi bị bắt thì ông bị đánh đập đến mức sưng thận phải nhập viện để điều trị.

Cũng theo bà Thảo thì gia đình hoàn toàn không hề hay biết về sự việc này cho đến khi các luật sư được gặp ông Trịnh Bá Tư.

Bà Thảo cho biết thêm là phía cơ quan công an sau đó đưa ông Trịnh Bá Tư trở lại trại giam sau quá trình điều trị để tiến hành điều tra. Trong quá trình này thì ông Tư đã bị dụ cung. Bà Trịnh Thị Thảo nói:

Trong lúc thẩm vấn thì Tư có nói là viên kiểm sát viên họ nhục mạ Tư. Ông đó tên là Minh, viên kiểm sát viên của tỉnh Hoà Bình. Và trong thời gian điều tra thì các điều tra viên có dụ cung Tư là nếu mà nhận tội thì được án sáu năm còn nếu không thì sẽ nhận án tám năm.”

Việc chính quyền đánh đập ông Tư trong hoàn cảnh này có thể cấu thành hành vi tra tấn hoặc ngược đãi, vốn bị nghiêm cấm tuyệt đối bởi luật pháp quốc tế.

Bản thân việc ông Trịnh Bá Tư bị buộc tội và kết án tù một cách bất công chỉ vì thực hành quyền con người một cách ôn hoà đã tồi tệ rồi. Đằng này, đến cả sức khoẻ và an toàn thân thể của ông ấy cũng bị đe đoạ nghiêm trọng.

Hoàng Lan – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Tiến Sĩ Lương Tuấn Anh: ‘Chi tiêu thế nào để hồi phục kinh tế Việt Nam?’

>>> Đội vốn, bị trì hoãn, bị kiện, làm sao các dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội có hiệu quả?

>>> Báo Việt Nam phủ nhận hacker ‘yêu nước’ tấn công VOA và các báo đài ở Mỹ, châu Âu

Bộ trưởng công an Tô Lâm ăn bò dát vàng bằng tiền của ai?


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT