Vụ thuốc giả – có lợi ích nhóm thao túng sức khỏe nhân dân

Link Video: https://youtu.be/RmDEtBRM_jI

Tin Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường bị khởi tố và nguyên Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bị đề nghị kỷ luật liên quan đến việc cấp phép, lưu hành thuốc giả đang hâm nóng mạng xã hội.

Ông Trương Quốc Cường hôm 3/11 bị khởi tố vì thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng khi cho phép nhập khẩu và tiêu thụ tại Việt Nam bảy loại “thuốc giả nhãn mác” trong thời gian ông giữ chức Cục trưởng Cục Quản lý dược.

Cùng khoảng thời gian này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Trưởng Ban Bảo vệ, Chăm sóc Sức khỏe Cán bộ Trung ương, người giữ chức Bộ trưởng Y tế kiêm Bí thư Đảng ủy trong thời gian xảy ra sai phạm ‘thuốc giả’.

Đo lường tác hại của thuốc giả có lẽ là một trong những thách thức lớn nhất, không những liên quan đến sức khỏe bệnh nhân và người thân, mà còn là y đức của thầy thuốc.

Từ vụ thuốc giả đến nghi vấn ‘lợi ích nhóm’: Chuyện gì đã xảy ra ở Bộ Y tế?

Nhiều người không khỏi bất ngờ sau khi Ủy ban Kiểm tra trung ương ngày 4-11 thông báo kết luận kỷ luật về mặt Đảng các tập thể, cá nhân tại Bộ Y tế, trong đó có cả những người đang giữ trọng trách chống dịch.

Trong 10 năm qua, ngành y tế đã xảy ra một số vụ việc gây bức xúc kéo dài trong dư luận.

Trong số này nổi cộm là vụ án “thuốc giả“, khi Cục Quản lý dược và các cán bộ, nhân liên có liên quan đã cấp số đăng ký lưu hành nhiều tân dược giả nguồn gốc xuất xứ mang nhãn hiệu Health 2000 và Helix Canada, “để lọt” các thuốc giả này vào danh mục thuốc chữa bệnh của bệnh viện và Quỹ bảo hiểm y tế đã chi trả nhiều tỉ đồng.

Ông Trương Quốc Cường đã thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định, xét duyệt, cấp số đăng ký đối với 7 loại thuốc giả nhãn mác Công ty Health 2000 được đăng ký nhập khẩu và đã tiêu thụ tại Việt Nam với trị giá trên 151 tỉ đồng.

Ảnh: bà Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Y tế

Cụ thể, theo kết quả đấu thầu của các bệnh viện trung ương và sở y tế các tỉnh thành, riêng năm 2013 VN Pharma và các công ty liên quan đã trúng thầu nhiều tỉ đồng để cung ứng thuốc do Health 2000 sản xuất vào các bệnh viện.

Điều đáng nói là sau khi các thuốc đã trúng thầu và được sử dụng tại các bệnh viện từ năm 2013 thì mãi đến ngày 13-11-2014, Cục Quản lý dược mới có công văn gửi Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính cho biết Cục Quản lý dược đang gửi văn thư cho phía Canada, xác minh thông tin liên quan đến việc thành lập và hoạt động của Công ty Health 2000 Canada.

Như vậy, thời gian các thuốc giả này được lưu hành tại bệnh viện và thị trường thuốc chữa bệnh kéo dài cả năm, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị và túi tiền của người bệnh.

Có “lợi ích nhóm” hay không?

Lĩnh vực trang thiết bị y tế là lĩnh vực rất nóng của ngành y tế, nhưng thời gian qua lại có nhiều lùm xùm xảy ra, đặc biệt là về cách thức quản lý giá.

Năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng lên, việc mua sắm máy xét nghiệm RT-PCR và các sinh phẩm phục vụ xét nghiệm tăng theo.

Nhiều địa phương không thể mua sắm đúng giá, một trong những nguyên do là Bộ Y tế không có biện pháp công khai giá trang thiết bị nhập khẩu và trúng thầu trước đó. Kết quả của việc “mua sắm tù mù” là nhiều tỉnh thành mua máy xét nghiệm RT-PCR với giá 5-8 tỉ đồng, trong khi bình thường máy xét nghiệm tương tự chỉ có giá xấp xỉ 2 tỉ.

Ảnh: Ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ y tế

Cuối năm 2020, Bộ Y tế mở cổng công khai giá, trong đó có giá trang thiết bị, nhưng cách làm vẫn hết sức “trời ơi” khi cho doanh nghiệp tự công bố giá mà không có cơ chế để kiểm tra, xác minh, quản lý.

Có tình trạng doanh nghiệp niêm yết giá cao, các bệnh viện mua theo giá niêm yết này và tốn bộn tiền.

Chẳng hạn có loại máy thở công khai giá trên trang chính thức của Bộ Y tế hơn 900 triệu đồng nhưng trong những ngày dịch nóng bỏng tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam giá bán chỉ 425 triệu đồng. Tương tự, mới đây giá nhiều loại xét nghiệm nhanh cũng công bố ở mức cao, khiến địa phương bối rối khi lựa chọn mua sắm phòng chống dịch.

Dư luận người dân lo ngại và đặt vấn đề liệu có chuyện “lợi ích nhóm” trong ngành y tế hay không khi đã có nhiều cán bộ y tế, lãnh đạo bệnh viện bị khởi tố, bị kỷ luật liên quan các vụ đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế.

Điển hình là vụ 3 lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của Bệnh viện Bạch Mai bị khai trừ khỏi Đảng. Trong đó, nguyên giám đốc và nguyên phó giám đốc bệnh viện đang bị bắt giam do liên quan vụ nâng khống giá robot mổ nội soi đầu tư diện xã hội hóa vào bệnh viện.

Mới đây nhất, giám đốc đương nhiệm của Bệnh viện Bạch Mai là ông Nguyễn Quang Tuấn (hiện đã bị đình chỉ công tác và bị khởi tố) thì liên quan đến mua sắm, đấu thầu vào Bệnh viện Tim Hà Nội, nơi ông làm giám đốc từ năm 2012 – 2020.

Ảnh: Nguyễn Nhật Cảm giám đốc CDC Hà nội và các bị can tham gia trục lợi nâng khống giá mua máy xét nghiệm Covid-19

Liên quan đến đề nghị kỷ luật bà Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng, Bí thư Đảng ủy Bộ Y tế, thông báo trên trang điện tử, Ủy Ban Kiểm tra Trung ương viết:

Ban cán sự Đảng Bộ Y tế đã vi phạm các nguyên tắc hoạt động của Đảng, Quy chế làm việc của Ban cán sự đảng; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược, nhiều đơn vị, cơ sở khám chữa bệnh và cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác xây dựng, ban hành thể chế, chính sách; trong việc cấp phép nhập khẩu thuốc, thực hiện liên doanh liên kết, đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao…”

Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, thất thoát, lãng phí tiền, tài sản của Nhà nước, thiệt hại cho Quỹ Bảo hiểm Y tế, ảnh hưởng lớn đến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Nhân dân, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và ngành y tế.”

Phản ứng trên mạng xã hội

Bạn Phat Trac viết viết trên trang Facebook BBC News Tiếng Việt: “Ngành y tế VN đã có vấn đề từ bao lâu nay rồi. Song, khổ nỗi nhóm lợi ích cứ bao che cho nhau để bảo vệ quyền lợi cá nhân mà xem thường quyền lợi và sinh mạng của người dân.”

Bạn Minh Thang cho rằng: “Nghĩ mà sợ từ Bộ Y tế đến giáo sư, bác sĩ quá nặng đồng tiền mất hết bản chất giá trị lương tâm để cho nhiều bệnh nhân nghèo khổ dồn người nghèo, người bệnh đến bước đường cùng của bệnh tật đói rách bán hết đồ đạc, nhà cửa chỉ vì những kẻ tham lam bán hết lương tâm.”

Bán thuốc giả giết hàng ngàn người bệnh còn lừa đảo gây kiệt quệ gia đình bệnh nhân. Tội nặng gấp ngàn lần thằng giết người cướp của. Vậy xử như thế nào?!?” Trai Mien Tay đặt câu hỏi.

Bạn Lê Hồng Trường kết luận: “Tội nặng nhất phải là kẻ đứng đầu, vì chính kẻ đó đã thao túng và đạo diễn cả một ê-kíp lãnh đạo tham nhũng theo dây cánh trong ngành y tế!”

Công ty VN Pharma được thành lập từ tháng 10/2011, bị tòa án Việt Nam qua các cấp xét xử sơ thấm và phúc thẩm kết luận là đã buôn bán hàng giả.

Cơ quan điều tra Việt Nam xác định từ 2012, VN Pharma đã làm giả hồ sơ, tài liệu về nguồn gốc xuất xứ một số loại thuốc chữa bệnh, trong đó có thuốc ghi nhãn H-Capita 500mg chữa ung thư của nhà sản xuất Helix Pharmaceuticals Inc., Canada, và bốn loại thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada giả.

Một số loại thuốc này sau đó đã được Cục Quản lý Dược cấp phép lưu hành, và đã được đưa vào sử dụng rộng rãi tại các bệnh viện trên cả nước.

Trước khi ông Trương Quốc Cường bị khởi tố, đã có một số cựu quan chức của Cục Quản lý Dược đã bị khởi tố với các tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ“.

Tòa phúc thẩm hồi 5/2020 tuyên cựu Chủ tịch VN Pharma, Nguyễn Minh Hùng, bị cho là chủ mưu, án tù 17 năm.

Cựu Giám đốc Công ty TNHH Thương mại hàng hải quốc tế H&C Võ Mạnh Cường, bị cáo được cho là đồng chủ mưu, lĩnh án 20 năm tù.

Hoàng Trung – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> ‘Lâm bò vàng’: Cuộc chiến không tiếng súng

>>> Hiện tượng bà Nguyễn Phương Hằng ‘không như tin đồn’?

>>> Phương Hằng diễn cương, hạ màn sớm hay thay kịch bản?

13% F1 ở Hà Nội thành F0, chuyên gia lo lây nhiễm chéo trong khu cách ly


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT