Link Video: https://youtu.be/TZH0S7nHIVY
Một số ủy viên Đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hôm 27/12 đề nghị làm rõ trách nhiệm của hai bộ y tế và khoa học-công nghệ liên quan đến vụ bê bối về bộ xét nghiệm COVID-19 của công ty Việt Á.
Mặt trận Tổ quốc là cánh tay của đảng cộng sản quản lý các tổ chức chính trị, xã hội ở Việt Nam.
Các báo trong nước dẫn lời ông Lê Bá Trình, ủy viên Đoàn Chủ tịch của Mặt trận, lưu ý rằng thời gian gần đây liên tục xảy ra nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, đặc biệt là trong các hoạt động phòng, chống COVID-19, và những diễn biến đó làm cho nhân dân hoang mang, lo lắng.
Ông Trình, từng là Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, liệt kê một loạt các vụ việc đã xảy ra ở Bệnh viện Bạch Mai, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, Bệnh viện Tim Hà Nội, và mới đây nhất là vụ của Công ty Việt Á bị cáo buộc là “thổi giá” và “hối lộ” để bán các bộ xét nghiệm, dính líu đến nhiều cơ quan y tế và CDC các tỉnh, thành phố, cũng như một số bộ, ngành ở cấp trung ương.
Vị quan chức của Mặt trận Tổ quốc gọi đó là hành vi “lấy cả nỗi đau, cái chết con người để làm phương tiện tham nhũng”, theo tường thuật của báo chí trong nước.
Vẫn ông Trình đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ Khoa học-Công nghệ và Bộ Y tế liên quan tới việc Công ty Việt Á “nâng khống” giá kit xét nghiệm và “trục lợi”.
Bên cạnh đó, vị ủy viên Đoàn Chủ tịch của Mặt trận cũng đòi phải làm rõ và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đã đề xuất việc khen thưởng Huân chương Lao động hạng ba cho Việt Á.
Ông Trình lập luận rằng động thái đó có thể được xem như là “một sự thừa nhận”, “bao che”, “tạo điều kiện” cho Việt Á làm những việc sai trái, lừa dối nhân dân, tham nhũng tiền của nhà nước.
Báo chí dẫn lời ông Trình cáo buộc rằng các CDC, bệnh viện, trung tâm y tế đã câu kết với Việt Á để tham nhũng hàng tỉ tới hàng chục tỉ đồng của nhà nước.
Công an nói doanh thu của Việt Á từ bán test kit lên tới 4.000 tỷ đồng. Một số nhà quan sát đưa ra tính toán rằng nếu các quan chức liên quan được hưởng ít nhất 20% giá trị hợp đồng khi các cơ quan, đơn vị của họ mua hàng của Việt Á, số tiền chia chác, đút túi cá nhân phải lên đến 800 tỷ đồng.
Tính toán này dựa trên thông tin từ điều tra ban đầu của công an cho thấy Việt Á đã chi “tiền phần trăm hợp đồng” cho lãnh đạo các bệnh viên, các CDC của các tỉnh, thành.
Trong đó, chỉ riêng với CDC của tỉnh Hải Dương, Việt Á có các hợp đồng đạt tổng giá trị 151 tỷ đồng và lãnh đạo Việt Á đã chi riêng gần 30 tỷ cho vị giám đốc của CDC này, tương đương 20% giá trị hợp đồng.
Trong cuộc họp của Đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hôm 27/12, ông Lê Bá Trình, ủy viên Đoàn Chủ tịch, phát biểu rằng nhân dân “mong muốn đảng, nhà nước làm rõ vi phạm, đến mức phải xử lý theo quy định pháp luật thì phải xử lý nghiêm minh với những cơ quan, tổ chức có liên quan tới vụ việc này”.
Một ủy viên khác, ông Lê Truyền, đưa ra quan sát rằng khi nhà chức trách càng điều tra thêm về vụ việc, càng thấy rằng nó “lớn” và “nguy hại”.
Báo chí trong nước trích lời ủy viên Truyền nói “Đây là một thứ lừa đảo nhân dân, lừa đảo ngay trong cơ quan nhà nước”, và ông nhấn mạnh rằng người dân phản ứng rất dữ dội, vì vậy, Mặt trận cần phải đưa các thông tin đó vào bản báo cáo tổng hợp tình hình nhân dân 2021.
Tham gia cuộc họp, Chủ tịch Trung ương Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam Vũ Trọng Kim đề nghị rằng Mặt trận Tổ quốc phải có ý kiến ngay về vụ Việt Á chứ không chờ tới khi mọi việc xong xuôi rồi mới lên tiếng.
Lần ngược thời gian, không ít người đặt câu hỏi phải chăng vì những lợi lộc, chia chác mà ngành y tế nhiều lần đặt ra yêu cầu phải xét nghiệm COVID-19 trên diện rộng, thậm chí áp dụng các biện pháp cưỡng chế xét nghiệm trong một năm qua, dẫn đến một số vụ việc gây bất bình to lớn và bị lên án là “dã man”, “phi nhân tính”, “vi phạm tự do thân thể” hoặc “xâm phạm tư gia” của công dân.
Chia sẻ với VTC News, đại biểu Quốc hội khoá XIV Phạm Thị Minh Hiền (Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Phú Yên) nhấn mạnh, hồ sơ sản phẩm kit test của Việt Á bị Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) loại ngay từ đầu vì không cung cấp được chứng nhận quản lý chất lượng ISO cho sản phẩm y tế, có nghĩa là chưa được WHO chấp nhận cho lưu hành tự do.
Thế nhưng, sự “nhanh nhảu không cần thiết” của Bộ KH&CN khi vội vàng ra thông báo trên website của Bộ kèm theo thông tin về năng lực sản xuất cung ứng sản phẩm của Việt Á cho thị trường trong nước và quốc tế, rồi sau đó lại âm thầm gỡ bỏ thật sự gây ra một câu chuyện bi hài cho vụ việc này.
“Tôi thiết nghĩ, Bộ KH&CN cũng không thể tránh khỏi trách nhiệm của mình trong vụ án gây chấn động này. Không ai chấp nhận được cách chống chế sau đó của Bộ là do sự nhầm lẫn thông tin.
Cách giải thích đó càng cho thấy khả năng xử lý thông tin yếu kém của một bộ đóng vai trò quan trọng trong việc giám định đánh giá tiêu chuẩn sản phẩm được sản xuất theo quy trình công nghệ”, bà Hiền bày tỏ.
Bà Phạm Thị Minh Hiền cho rằng cần phải làm rõ trách nhiệm của Bộ KH&CN với nhiều vấn đề liên quan trong vụ việc này.
“Thứ nhất là căn cứ vào đâu để Bộ công bố những thông tin không chính xác về bộ kit test của Việt Á, đây có đúng là sự nhầm lẫn hay còn ý đồ nào khác.
Thứ hai, trách nhiệm của Bộ KH&CN (Hội đồng Khoa học công nghệ quốc gia) tới đâu trong việc thông qua hồ sơ đánh giá kết quả nghiên cứu chế tạo bộ kit real-time RT-PCR one step với tỷ lệ 8/8 (100%) thành viên đồng ý thông qua và nhất trí kiến nghị Bộ Y tế cấp phép sử dụng, để giờ đây dư luận ngã ngửa vì hiện trạng thực tế về năng lực sản xuất kit test của Công ty Việt Á.
Thứ ba, tại sao khi WHO có thông báo chính thức sản phẩm của Việt Á không đáp ứng tiêu chuẩn và không được chấp nhận lưu hành tự do thì Bộ KH&CN cũng như Bộ Y tế lại “bỏ lơ” thông tin này, không có động thái hay kiến nghị tạm dừng lưu hành bộ kit test của Việt Á.
Thứ tư, dư luận đặt ra câu hỏi liệu rằng cả 2 Bộ và những người trực tiếp tham gia quy trình giám định, xét duyệt cũng như các bộ phận có trách nhiệm liên quan có thật sự vô tư và vô can trong vụ việc lợi dụng dịch bệnh để thu lợi bất chính của Công ty Việt Á? Những vấn đề nêu trên có được xem là hành động tiếp tay của 2 Bộ hay không, rất cần được cơ quan công an điều tra sáng tỏ“, bà Phạm Thị Minh Hiền bày tỏ.
Nói thêm về bê bối kit test COVID-19 của Công ty Việt Á, bà Hiền cho rằng vụ việc đã thật sự như một cú đâm quá mạnh, xuyên thủng lòng tin của nhân dân và thậm chí gây hoang mang cả hệ thống phòng chống dịch các cấp.
“Tôi tin chắc rằng không phải ai tham gia vào lực lượng tuyến đầu cũng đều hiểu rõ quy trình luồn lách như lươn trạch của bộ kit test này.
Trong suốt 2 năm ròng rã, các đội hình y bác sĩ và cả những đội hình khác đã lao lực và gần như kiệt sức nơi tâm dịch để tham gia bảo vệ sức khỏe người dân một cách đúng nghĩa nhưng đến nay vẫn chưa được nhận một chế độ hỗ trợ tương xứng, thậm chí có nơi y bác sĩ chuyển về nhận lương cơ bản.
Vậy mà vẫn có những thành phần “ ăn” không chừa một thứ gì từ đại dịch, trục lợi bất chấp nỗi mất mát đau đớn tột cùng của đồng bào mình, lọc lừa xuyên cả hệ thống quản lý nhà nước mà ở đó có đầy đủ bộ máy tham mưu giúp việc, “gác cổng” về chuyên môn cho Chính phủ như thế”, bà Hiền bức xúc.
Đánh giá rất cao sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan điều tra Bộ Công an, bà Hiền cho rằng, xâu chuỗi lại các dữ kiện quan trọng đã được các cơ quan truyền thông đưa tin, quả thật rất khó chấp nhận những sơ suất hay sai sót của các cơ quan quản lý nhà nước cấp Bộ trong vụ việc này.
“Bởi hồ sơ của một sản phẩm thiết bị y tế muốn lưu hành phải qua rất nhiều khâu sát hạch tiêu chuẩn của các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Y tế, Bộ KH&CN mới được cấp phép.
Riêng đối với bộ kit test của Việt Á hồ sơ sản phẩm chưa được WHO chấp nhận cho lưu hành tự do nhưng đã tùy tiện thao túng thị trường với giá trên trời ngay trong lúc các nơi đều gặp khó khăn, lúng túng trong việc mua sắm thiết bị y tế.
Ấy thế mà lại có những bộ sậu liên quan đến Công ty Việt Á thản nhiên bỏ túi riêng tiền tỷ
Tôi tin rằng sẽ có rất nhiều sự thật được phơi bày nếu cơ quan chức năng vào cuộc”, bà Hiền nhận định.
Bà Phạm Thị Minh Hiền mong muốn cơ quan điều tra của Bộ Công an tiếp tục làm rõ hành vi gian dối, từng đường đi nước bước của các đơn vị, cá nhân lợi dụng dịch bệnh “hút máu ngân sách, móc túi người dân”, cùng với đó là đánh giá những hậu quả gây thiệt hại nặng nề về con người và vật chất.
“Hành vi lợi dụng chủ trương phòng chống dịch của nhóm lợi ích để ung dung làm giàu trong sự kiệt quệ, chống đỡ yếu ớt của người dân trước dịch bệnh, để rồi thiệt thòi người dân và doanh nghiệp phải gánh chịu, thiệt hại ngân sách quốc gia phải gánh chịu, tôi cho đó là hành vi độc ác!”, bà Hiền bày tỏ.
Lan Anh – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Cú lừa cung đình mang tên Việt Á, Tô Thượng Thư có dám khai đao chính phạm?
>>> Trịnh Vĩnh Bình – người hạ ‘bên thắng cuộc’ (kỳ 2)
>>> Vụ án cung đình Kit Việt Á: Vì sao Thủ tướng chỉ đạo “mở hẹp” điều tra?
Hai mẹ con nhà tranh đấu đất đai ‘đả đảo Đảng Cộng sản’ tại phiên toà phúc thẩm
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT