Link Video: https://youtu.be/7icz3XRdyzc
Một tòa án sơ thẩm ở Việt Nam đã kết tội ông Lê Trọng Hùng, một nhà báo độc lập thường phơi bày vấn nạn tham nhũng trong nước, là ‘tuyên truyền chống Nhà nước’ và tuyên án ông Hùng 5 năm tù cùng 5 năm quản chế mặc dù ông Hùng không nhận tội tại phiên tòa.
Phiên tòa xét xử ông Hùng diễn ra sau một loạt các phiên xét xử nhà hoạt động khác vào giữa tháng 12, gồm Phạm Đoan Trang, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, Cấn Thị Thêu, Nguyễn Thị Tâm…
Thoibao.de tổng hợp tin tức về phiên xử này từ các nguồn báo VOA Tiếng Việt, BBC News, RFA và các nguồn tin khác.
Ông Lê Trọng Hùng từng tự ra ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa 15 tại thành phố Hà Nội.
Ông bị bắt ngày 27/3/2021 không lâu sau khi nộp đơn ứng cử, và chỉ 2 tháng trước khi cuộc bầu cử được tiến hành.
Trong một bài viết trên báo Đảng Cộng sản sau đó, giới chức phủ nhận bắt ông Hùng liên quan đến việc ông tự ứng cử và nói rằng ông có ‘hành vi vi phạm pháp luật’.
Bản án đã được Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên vào ngày 31/12 theo điều 117 Bộ Luật Hình sự quy định về tội ‘Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam’, theo bản tin của hãng thông tấn Nhà nước.
Cáo trạng của bên công tố được Thông tấn xã Việt Nam dẫn lại cho biết ông Hùng, còn gọi là ‘Hùng Gàn’, 43 tuổi, đăng tải các video ‘có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, tuyên truyền chiến tranh tâm lý, phao tin, bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân’ trên trang fanpage ‘Chấn Hưng Việt Nam TV’, tức CHTV Vietnam, trên Facebook.
Tòa án đã phán quyết là ông Hùng ‘phạm tội rất nghiêm trọng’; ‘trực tiếp xâm phạm an ninh quốc gia’; ‘gây mất lòng tin của nhân dân vào thể chế chính trị’; ‘gây mất ổn định về văn hóa-tư tưởng’, do đó ‘cần xử nghiêm’.
Ông Hùng thừa nhận có làm những hành vi mà Tòa nêu, theo bản tin của Thông tấn xã Việt Nam, nhưng cho rằng mình ‘không có tội’.
Các video được bên công tố trưng đưa ra làm bằng chứng kết tội nhà hoạt động này là: ‘Tại sao công dân trưởng thành có bổn phận tranh cử?’; ‘Khi nền tư pháp đóng vai trò phá hủy pháp luật thì phải ứng xử như thế nào với nó?’; ‘Thư khẩn gửi Quốc hội yêu cầu khẩn cấp mở Tòa Bảo hiến để xử về vụ Đồng Tâm’; ‘Tại sao có quá nhiều công dân bị oan sai? Làm gì để giải quyết dứt điểm vấn nạn này?’….
Ông cũng không được gặp luật sư mãi cho đến ngày 22/11 trong khi vợ ông, bà Đỗ Lê Na, không được phép tham dự phiên tòa, tổ chức quốc tế bảo vệ các nhà báo này chỉ ra. Công an cho người theo sát bà chặt chẽ.
“Năm năm tù và năm năm quản chế. Cảm ơn đảng và chính phủ đã hết lòng vì dân (cho người chăm sóc phu nhân Hùng Gàn ở bên ngoài phiên tòa và còn nhiệt tình hộ tống về nhà,” bà Lê Na viết trên Facebook cá nhân hôm 31/12.
Trả lời phỏng vấn của RFA, bà Đỗ Lê Na – vợ của ông Hùng cho biết suy nghĩ của bà khi nghe tin kết quả phiên toà xử chồng mình:
“Tôi chỉ có thể nói rằng là tôi rất thất vọng, đó là cảm nhận chung. Còn nếu để nhận xét về phiên toà hay bản án đối với chồng tôi, thì tôi có thể nói luôn rằng là tôi phủ nhận cái phiên toà này. Nó hoàn toàn không có ý nghĩa gì hết vì nó không tôn trọng một cái chuẩn mực nào về hiến pháp cũng như những giá trị phổ quát của nhận loại, cho nên là đối với tôi thì tôi xem phiên toà này không có giá trị.”
Khi được hỏi liệu gia đình có kháng cáo bản án mà toà đưa ra hôm nay, bà Na cho biết:
“Chồng tôi đã tuyên bố thẳng trước tòa là anh ấy sẽ kháng cáo. Tôi nói thật là gia đình tôi, bản thân tôi không còn tin tưởng vào hệ thống pháp luật này nữa, tuy nhiên là vì chồng tôi đã quyết định nên chúng tôi tôn trọng quyết định của anh ấy thôi.”
Theo luật sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho ông Lê Trọng Hùng, nhữnh hành vi nêu trên của ông Hùng “chính là việc thực hiện quyền tự do ngôn luận trên mạng Internet“. Vấn đề đặt ra ở đây là hành vi của ông Hùng có xâm phạm vào quy định của pháp luật không?
“Nội dung của 04 Video Clip do bị cáo làm và đăng tải có xâm phạm “Chế độ chính trị” không?
“Bị cáo không có hành vi phỉ báng chính quyền nhân dân mà ngược lại bị cáo đã tự bỏ tiền để mua hàng ngàn cuốn Hiến pháp 2013 để phổ biến và tặng cho hàng ngàn người; bị cáo đã thực hiện hàng trăm Livestream phổ biến Hiến pháp 2013 và pháp luật trong thời gian nhiều năm trước khi bị bắt,” luật sư Sơn viết trên Facebook cá nhân.
Luật sư Hà Huy Sơn, nói thêm về phiên toà:
“Phiên toà hôm nay bắt đầu từ tám rưỡi cho đến 12 giờ 15 thì kết thúc, thì toà tuyên án năm năm tù và năm năm quản chế”.
Ông cho biết phía đại diện Viện kiểm sát không hề trả lời các câu hỏi của luật sư, cũng như từ chối tranh luận về những cáo buộc mà cơ quan này đưa ra đối với ông Lê Trọng Hùng.
Đánh giá chung về diễn biến và kết quả của phiên tòa, vị luật sư của Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết:
“Tôi cho rằng hiện nay người ta vẫn dùng cái giám định về mặt quan điểm, thế nhưng mà người giám định thì không bao giờ đến toà để giải trình cái căn cứ giám định tại sao lại là chống nhà nước cả, cái Điều luật 117 rất mơ hồ, người ta không bám vào các quy định hiện có nên người ta thường kết tội theo chủ quan là nhiều. Thì tất nhiên nó là một cái bản án oan!”
‘Tòa tuân theo lệnh Đảng’
Trong tuyên bố đưa ra ngay sau khi ông Hùng bị tuyên án, RSF lưu ý tòa án Hà Nội ‘chỉ cần chưa tới hai tiếng đồng hồ để xét xử ông Hùng’ , và rằng ông Hùng ‘đã bị bắt và giam giữ tùy tiện trong 9 tháng trời trước khi phiên tòa diễn ra’.
“Bản án gây sốc 5 năm tù của Lê Trọng Hùng một lần nữa cho thấy hệ thống tư pháp Việt Nam hoàn toàn thiếu độc lập và làm thế nào tòa chỉ giới hạn ở việc thực hiện mệnh lệnh của Đảng Cộng sản cầm quyền,” ông Daniel Bastard, người phụ trách châu Á-Thái Bình Dương của RSF, tuyên bố.
“Chính quyền Việt Nam hiện tại đã trơ trẽn vi phạm điều 25 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó mạnh mẽ khẳng định quyền tự do báo chí. Sự khinh miệt tồi tệ đối với nền pháp trị phải chấm dứt,” ông Bastard nói thêm.
Theo RSF thì ông Lê Trọng Hùng thường xuyên đưa tin về các vụ việc tham nhũng và trưng dụng bất hợp pháp và cung cấp thông tin pháp lý để giúp đỡ các nạn nhân.
Ông Hùng là nhà đồng sáng lập kênh CHTV thứ hai trở thành nạn nhân bị đàn áp ở Việt Nam. Trước đó, người dẫn chương trình của kênh là ông Lê Văn Dũng đã bị bắt vào tháng 6 năm 2020.
Việt Nam đứng thứ 175 trong số 180 quốc gia trong Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2021 của RSF, với tổng cộng44 người hiện đang bị giam giữ, theo số liệu của RSF.
Trong kỳ bầu cử Quốc hội khóa 15 hồi tháng 5 năm nay, ông Lê Trọng Hùng đã ra tranh cử với tư cách ứng cử viên độc lập. Hai tháng trước ngày bầu cử, công an Hà Nội đã bắt giam ông với cáo buộc ‘Tuyên truyền chống nhà nước’.
Thu Thủy – Thoibao.de (tổng hợp)
>>> Vinfast: Chiến lược liều lĩnh
>>> An Giang: Dân tố công an đánh chết người trong trụ sở, chính quyền nói do đột quỵ
>>> Việt Nam “mở” đối ngoại nhưng “bóp” đối nội
Ông ngoại Pfizer’, Học viện Quân y, những… ‘liên minh ma quỷ’?
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT