Link Video: https://youtu.be/HQrnpc-YNQA
Có một chi tiết đặc biệt và cũng khá lạ kỳ là các khoản hối lộ của Việt Á được phát hiện đến nay là họ gửi đến quan chức bằng con đường chuyển khoản thay vì đưa tiền mặt, Luật sư Lương Vĩnh Kim phân tích vấn đề này trên FB cá nhân của mình.
Từ trước đến nay, đặc biệt là các vụ án gần đây cho thấy, bọn tội phạm đều dùng tiền mặt để đưa hối lộ. Ông Thượng tá tình báo Phan Văn Anh Vũ gửi 5 tỉ đồng tiền mặt trong một gói quà cho Phó Tổng cục trưởng tình báo Nguyễn Duy Linh.
Ông Phạm Nhật Vũ, Chủ tịch hội đồng quản trị của Công ty AVG, đã đến nhà riêng của Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son để đưa 3 triệu USD tiền mặt.
Đặc biệt là lời khai của ông Dương Chí Dũng về các lần đưa hối lộ cho môt số người, trong đó có Thượng tướng Phạm Quý Ngọ – thứ trưởng Bộ Công an.
Tất cả đều dùng tiền mặt, không có lần nào chuyển khoản, dù số tiền rất lớn, phải đựng trong những chiếc va li và vận chuyển bằng ô tô. Vì thế, các cơ quan bảo vệ pháp luật không có chứng cứ trực tiếp để buộc tội.
Tại tòa, các bị cáo chối tội hoặc nhận tội. Tòa kết tội các bị cáo là dựa trên những chứng cứ gián tiếp.
Không một tên tội phạm nào dại dột đến mức chuyển khoản một số tiền lớn như Phan Quốc Việt đã làm trong vụ thổi giá Kít xét nghiệm Covid-19.
Theo lời khai của ông Vũ Đình Hiệp, Phó Tổng giám đốc Công ty Việt Á, tại cơ quan điều tra, “để đảm bảo việc chi tiền ngoài hợp đồng không bị cơ quan chức năng phát hiện, Phan Quốc Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á, đã lập nhiều tài khoản đứng tên nhiều cá nhân là hộ kinh doanh cá thể để chuyển tiền qua các số tài khoản này, dưới hình thức là mua trang thiết bị, nguyên vật liệu phòng dịch”.
Như vậy, lần này, những kẻ đưa và nhận hối lộ không thể chối tội. Làm rõ số tiền 4.000 tỉ đồng chuyển khoản từ ngân sách nhà nước vào tài khoản công ty Việt Á, để rồi từ đó Việt Á chi cho ai, ở đâu thì sẽ lôi ra tất cả những tên nhận hối lộ trong vụ án này.
Một câu hỏi đặt ra là tại sao Phan Quốc Việt lại chuyển khoản và để lại dấu vết? Sao không đưa tiền mặt như Phan Văn Anh Vũ, Phạm Nhật Vũ hoặc Dương Chí Dũng đã làm?
Những câu hỏi như thế này sẽ là chủ đề nghiên cứu của môn tội phạm học. Chỉ có Phan Quốc Việt và những người trong cuộc mới trả lời chính xác là vì sao họ đưa và nhận như thế.
Có thể Phan Quốc Việt đã từng chuyển khoản như thế này trong các thương vụ trước, với số tiền nhỏ và đã an toàn nên sinh ra chủ quan, làm tiếp theo cách này.
Cũng có thể, một phần nguyên nhân là do lúc dịch bệnh, phong tỏa, đi lại khó khăn, không thể tiếp xúc trực tiếp nên chỉ có thể chuyển khoản tiền hối lộ.
Phan Quốc Việt “đã lập nhiều tài khoản đứng tên nhiều cá nhân là hộ kinh doanh cá thể để chuyển tiền qua các số tài khoản này, dưới hình thức là mua trang thiết bị, nguyên vật liệu phòng dịch” là đã có sự tính toán đối phó từ trước.
Nhưng với cách làm này cho thấy, ông Phan Quốc Việt và một số giám đốc CDC rất chủ quan, coi thường nghiệp vụ điều tra của cơ quan công an Việt Nam.
Dịch Covid-19 cũng là dịp để nhân dân nhận mặt những kẻ trục lợi trên khổ đau và chết chóc của đồng loại.
Dịch bệnh diễn ra quá gấp, quá sợ hãi, đến mức người dân và chính phủ phải “đi từ ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để kít test.
Nhưng thời gian cũng quá nhanh để bọn tội phạm không kịp tiêu hóa, không kịp rửa 4.000 tỉ đồng của ngân sách nhà nước.
Covid 19 đem lại cho bọn này tiền bạc nhưng cũng chính Covid 19 hại bọn này. Đúng là “Thiên bất dung gian”.
Bộ Công an đã vào cuộc kịp thời. Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng cũng đã và đang theo sát vụ Kít này. Vụ án đang điều tra với nhiều dấu hiệu thuận lợi.
Mới đây, ông giám đốc CDC tỉnh Bình Phước xin trả lại 40 tỉ đồng tiền quà cho Công ty Việt Á.
Vụ án có nhiều tình tiết sự kiện lạ lùng. Người dân đang chờ các cơ quan bảo vệ pháp luật lôi ra ánh sáng tất cả những tên nhận hối lộ tiền Kít lỗ mũi của họ.” Luật sư Lương Vĩnh Kim nêu quan điểm.
Báo chí Việt nam mới đây đưa tin rằng “Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03- Bộ Công an) đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với hàng loạt cán bộ, cựu cán bộ thuộc Bộ Y tế, Bộ KH-CN do liên quan đến vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty CP công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương (CDC Hải Dương) và các đơn vị, địa phương có liên quan.” Tuy nhiên đó vẫn là các quan chức cấp vụ phó vụ trưởng trở xuống và chưa hề có sự động chạm gì đến các quan chức lãnh đạo cấp Bộ, FB Chu Mộng Long có đưa ra bình luận của mình với câu hỏi rằng:
“Thứ trưởng, vụ trưởng có dám qua mặt Bộ trưởng?
Trường tôi một Hiệu trưởng, 3 Hiệu phó, hơn 10 Trưởng phòng. Nếu cần ký một văn bản nào đó đều phải “Ký thay” hoặc “Thừa lệnh”, tức phải chờ Hiệu trưởng chỉ đạo hay uỷ nhiệm. Đố anh nào dám đi ngang về tắt.
Không hiểu sao ở cấp Bộ, mỗi khi có vụ án nào thì thường chỉ thấy khởi tố Thứ trưởng hoặc Vụ trưởng, Vụ phó.
Lẽ nào Trung ương quản lý lỏng lẻo đến mức để cho cấp phó hay cấp dưới lộng quyền, dùng bút như dùng que ngoáy luôn vào mũi cấp trên mà cấp trên không biết?
Trong các văn bản, toàn thấy ghi rõ “Ký thay” hoặc “Thừa lệnh”. Đó đã là bằng chứng về sai phạm của người đứng đầu chứ còn gì nữa?
Luật cũng quy định về trách nhiệm của người đứng đầu, lẽ nào các Thứ trưởng, Vụ trưởng, Vụ phó “ký thay” hay “thừa lệnh” ông Trời?
Anh Tô cho quân đánh thẳng vào mấy ông Trời đó xem mấy ông Trời đó cãi đường nào? Không làm đến nơi đến chốn, dân cứ hoang mang là… thí tốt.”
Liên quan đến giải thích một cách ngu ngơ của Bộ KHCN rằng Bộ chỉ tổng hợp nguồn tin từ báo chí, ông Chu Mộng Long đưa ra bình luận:
“Bộ KHCN là bộ hóng hớt?
Bộ Khoa học và Công nghệ là bộ chủ quản về các vấn đề khoa học và công nghệ của quốc gia.
Với cách trả lời, rằng thông tin Kit test Việt Á được WHO chấp nhận mà Bộ đăng trên trang thông tin của mình là do tổng hợp từ nguồn thông tin báo chí chính thống.
Hoá ra Bộ Khoa học và Công nghệ là Bộ Hóng hớt? Vậy các dự án, các công trình nghiên cứu chi phí hàng ngàn tỉ, với các Hội đồng khoa học thẩm định… đều không được kiểm tra, kiểm chứng mà chỉ cần hóng hớt rồi quảng bá cho toàn dân?
Hết biện bạch do dốt tiếng Anh, đọc nhầm, rồi chuyển sang biện bạch do hóng hớt bởi thông tin báo chí. Một Bộ như vậy có đáng cho vào lò chưa?
Tôi, một công dân, nếu lỡ đọc nhầm, đưa thông tin hố đã thấy xấu hổ đến muốn tự sát. Sao một cái Bộ mang thể diện quốc gia mà vẫn không có chút tự trọng tối thiểu nhỉ?” Ông Chu Mông Long nêu câu hỏi. Tuy nhiên ông cũng dẫn chứng thông tin về cuộc họp báo do Bộ KHCN tổ chức và chính Bộ công bố các thông tin về bộ Kít xét nghiệm của Việt Á.
Tuy nhiên theo báo Người lao động thì thực tế là, ngày 26-4, Bộ KHCN đã gửi thông tin chính thức đến các cơ quan báo chí với thông tin đầy đủ khẳng định việc “bộ kit xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam sản xuất vừa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chấp thuận”.
Ngoài ra, trong cuộc họp báo ngày 5-3-2020, Bộ KHCN cũng khẳng định bộ kit này được WHO công nhận, “tương đương với bộ sinh phẩm do Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (US CDC) và WHO sản xuất”. Bộ KHCN khẳng định Việt Nam trở thành một trong sáu đơn vị sản xuất được sản phẩm này, bên cạnh WHO, Nhật Bản, Đức, Trung Quốc và Mỹ và cho rằng việc thông qua bộ kit xét nghiệm của Công ty Việt Á là một trong những thành công trong việc phòng chống Covid-19 ở nước ta.”
Ông Chu Mộng Long còn truy rằng Ban tuyên giáo Trung ương cũng là thủ phạm tạo tin giả, ông Long viết rằng:
“Cứ theo giải trình của Bộ Khoa học và Công nghệ thì việc Cổng thông tin của Bộ này đăng tin sai sự thật đích thị là từ nguồn Ban Tuyên giáo trung ương?
Ai cũng biết, hệ thống báo chí chính thống ở Việt Nam đặt dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo trung ương.
Bộ Khoa học và Công nghệ nói thông tin sai lệch là do hóng hớt từ nguồn báo chí chính thống. Vậy ắt thủ phạm chính mà Bộ này muốn đẩy sang là Ban Tuyên giáo trung ương.
Không phải hoàn toàn vô lý. Lệ thường thì phải có chỉ đạo của Ban Tuyên giáo trung ương thì báo chí mới đồng loạt đăng tin WHO chấp nhận, hoàng gia Anh công nhận tiêu chuẩn châu Âu, CDC Mỹ xin chia sẻ bản quyền, 20 nước đặt hàng xuất khẩu Kit Việt Á chứ?
Các báo đã đồng loạt phản ứng. Đến lượt chính Ban Tuyên giáo trung ương cũng phải lên tiếng nhé!” Ông Chu Mộng Long nêu ý kiến.
Lan Anh – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Nhà sư Thích Chân Quang gây tranh cãi với luận án tiến sĩ về nhân quyền
>>> Khi nào quan hệ Trung – Việt sẽ đi vào ‘rốn’ bão?
>>> Vai trò của Gorbachev với Đổi Mới ở Việt Nam
Chia tay 2021: Vì sao Đảng mở chiến dịch Mậu Thân trên mặt trận nhân quyền?
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT