Link Video: https://youtu.be/nwMW_QtRCtw
Báo Tiền Phong, một tờ báo của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, hôm 2/2/2023 đưa tin, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã trả hồ sơ, đề nghị Cơ quan Cảnh sát Điều tra nêu rõ kết luận về việc giám định nội dung phát ngôn của ông Đặng Anh Quân (tiến sĩ luật, giảng viên), do có một số nội dung đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm cá nhân, trong vụ án bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam.
Bốn ngày trước đó, Tiền Phong cũng đã đưa tin, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP. HCM đã hoàn tất Kết luận điều tra, chuyển Viện Kiểm sát Nhân dân TP. HCM, qua đó đề nghị Viện Kiểm sát truy tố 4 bị can Nguyễn Phương Hằng, Nguyễn Thị Mai Nhi (SN1983, ngụ tại quận 12, trợ lý bà Hằng), Lê Thị Thu Hà (SN 1992, nhân viên Công ty Cổ phần Đại Nam), Huỳnh Công Tân (SN 1994, Trưởng phòng truyền thông Công ty Cổ phần Đại Nam) cùng tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015.
Đây là lần thứ ba Viện Kiểm sát trả lại hồ sơ vụ án bà Nguyễn Phương Hằng cho cơ quan điều tra.
Lần đầu tiên Viện Kiểm sát nhân dân TP. HCM trả hồ sơ là vào tháng 9/2022, với yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ hành vi của một số người có dấu hiệu đồng phạm với bà Hằng. Sau lần này, Cơ quan Cảnh sát Điều tra đã ra thêm kết luận điều tra gồm những nội dung sai phạm của bà Hằng xảy ra tại Bình Dương và TP. HCM. Trước đó, Viện Kiểm sát đã bác đơn của anh Nguyễn Quang Tuấn, 30 tuổi, con trai bà Hằng, về việc xin đặt 10 tỷ đồng để bảo lãnh cho mẹ được tại ngoại.
Lần trả hồ sơ thứ hai là vào tháng 11/2022. Lần trả hồ sơ này, Viện Kiểm sát Nhân dân TP. HCM yêu cầu Công an TP. HCM tiếp tục làm rõ hành vi của một số người có dấu hiệu đồng phạm với bà Hằng trong việc tổ chức và tham gia các buổi livestream tại TP. HCM và Bình Dương. Trước đó danh tính của những người này đã được xác định, đó là Huỳnh Công Tân, Lê Thị Thu Hà và Nguyễn Thị Mai Nhi, đều là nhân viên của bà Hằng.
Sau lần trả hồ sơ thứ hai, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP. HCM đã khởi tố thêm ba bị can Tân, Hà và Nhi với vai trò giúp sức. Ba người này bị khởi tố cùng tội danh với bà Hằng và tội danh bà Hằng không thay đổi.
Không biết với lần trả hồ sơ thứ ba này, ông Đặng Anh Quân có bị “vạ lây” với bà Hằng hay không, bởi vì, theo kết luận giám định của Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, có những phát ngôn của ông Quân đã vi phạm điều cấm tại Điều 5, Nghị định 72/2013 (về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng). Cụ thể là đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.
Vụ án bà Nguyễn Phương Hằng đã bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP. HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bà Hằng vào ngày 24/3/2022.
Theo nội dung vụ án được công an cung cấp cho báo chí là vào khoảng tháng 3/2021, thông qua các tài khoản mạng xã hội YouTube và TikTok, bà Nguyễn Phương Hằng đã tổ chức nhiều buổi livestream được nhiều người theo dõi, chia sẻ, bình luận.
Tại các buổi livestream của mình, bà Hằng đã có nhiều bình luận một chiều, sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhiều người khác. Trong đó bà Hằng có bình luận đến bí mật đời tư cá nhân của nhiều người gây ảnh hưởng uy tín, danh dự của nhiều nghệ sĩ, nhà báo…
Điều 331 là một điều luật mơ hồ và vô lý trong Bộ luật Hình sự 2015. Nếu bà Hằng vu khống, nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác, thì xử lý bà theo những điều khoản này, chứ không phải điều 331.
Hoàng Anh – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Tầm nhìn tương lai của Đảng
>>> Phải chăng Xuân Bắc “chửi” khán giả để thực hiện “sứ mệnh” mà Đảng giao phó?
Du khách Nga xin tiền ở Phú Quốc