Việt Nam cần cải cách tư pháp triệt để, để đáp ứng các công ước đã ký

Link Video: https://youtu.be/472k_gyDJCQ

Thời gian qua, ngành tư pháp đã đưa ra hàng loạt đề xuất thay đổi, liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của tòa án, ví dụ như đề xuất kéo dài nhiệm kỳ thẩm phán; đề xuất bỏ ngạch thẩm phán cao cấp, trung cấp và sơ cấp… để lấy ý kiến người dân.

Một bài báo trên RFA Tiếng Việt ngày 2/3 cho hay, mới đây nhất là đề xuất bỏ quy định tòa có quyền khởi tố vụ án hình sự. Đề xuất này nhận một số phản hồi trái chiều từ các luật sư. Có người cho là nên bỏ, có người lại cho là nên giữ.

RFA dẫn lời Luật sư Hà Huy Sơn nêu quan điểm:

“Được ra quyết định khởi tố nhưng quyền điều tra thì tòa án lại không có cơ quan điều tra. Cho nên luật quy định như vậy thì nó không thực tế lắm. Sau khi khởi tố thì việc điều tra lại chuyển cho cơ quan điều tra, có thể bên Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng. Theo tôi, việc bỏ quy định ra quyết định khởi tố của tòa án thì cũng không ảnh hưởng gì. Nên chăng thay vào đó là tòa có quyền kiến nghị khởi tố vụ án thì nó hợp lý hơn.”

Luật sư Đặng Trọng Dũng thì có nhận định:

“Tôi nghĩ rằng với hoàn cảnh của Việt Nam thì điều này là để cho nó có một cái điểm đặc biệt, để tòa án phát hiện ra những tội phạm mà ở dưới có thể họ không biết, hoặc chưa điều tra đến nơi đến chốn. Nếu tòa án phát hiện ra được thì tòa án nhanh chóng khởi tố thì điều đó cũng tốt chứ không phải là không”.

Một luật sư không muốn nêu tên ở TP.HCM nói với RFA:

Với đề xuất bỏ quy định tòa có quyền khởi tố vụ án hình sự thì tôi gọi đó là một quy định chết. Bởi khi tòa khởi tố vụ án mà bên cơ quan điều tra họ không làm, hay họ hợp tác nhưng khi đưa qua viện kiểm sát họ không phê chuẩn thì tòa cũng thua. Tòa án đâu thể vừa khởi tố, vừa điều tra lại vừa xét xử được.

Hình: Bài viết trên trang RFA

Ngành tư pháp Việt Nam đã qua nhiều lần sửa đổi, một lần vào năm 2005, và một lần vào năm 2022. Tuy nhiên, những sửa đổi này chỉ là chắp vá.

RFA dẫn ý kiến một số luật sư cho rằng, để thay đổi ngành tư pháp Việt Nam cho tốt hơn, thì phải thay đổi rất nhiều thứ, chứ không thể ‘bưng’ những quy định, điều luật của quốc tế vào là phù hợp, vì thể chế chính trị Việt Nam khác hẳn các nước dân chủ. Luật sư ẩn danh ở TP.HCM nói với RFA sáng ngày 2/3 rằng:

“Áp lực của thế giới yêu cầu Việt Nam phải cải cách tư pháp để phù hợp với các công ước mà Việt Nam đã ký kết. Nhưng bê nguyên xi các điều luật tiêu chuẩn quốc tế về Việt Nam thì đâu có phù hợp. Phải sửa lại luật dân sự, hình sự rất nhiều. Cái mô hình tố tụng của Việt Nam theo mẫu của Liên Xô trước đây chứ không theo thế giới tự do. Thành ra bây giờ có chạy theo thế giới tự do thì cái bình cũ rượu mới cũng không giải quyết được gì hết. Phải thay cái bình!

Có nhiều quy định tụi tôi cũng góp ý, họ cũng bỏ vô luật nhưng không áp dụng thực tế như quyền im lặng, quyền quay phim chụp ảnh khi hỏi cung… Họ chỉ làm cho có thôi.”

Ngoài ra, RFA dẫn phát biểu của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình trong phiên thảo luận tại Quốc hội vào tháng 11/2022, cho biết, áp lực công việc của tòa án rất lớn, số lượng thẩm phán chưa đủ nhưng nhiều người đã nghỉ việc trong năm 2022. Ông thống kê có khoảng 1.000 thẩm phán đã nghỉ việc.

Một số người mà RFA trò chuyện nhận định rằng, nền tư pháp Việt Nam hiện nay là một nền tư pháp không đúng chuẩn mực quốc tế do không có tam quyền phân lập. Hầu hết các thẩm phán đều xuất thân là giới công an. Ví dụ ông Nguyễn Hòa Bình từng là Thiếu tướng Công an; ông Trương Hòa Bình, cựu Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, từng công tác tại Phòng An ninh Công an TP. Hồ Chí Minh; ông Lê Minh Trí hiện đang là Viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao, cũng từng làm Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương.

Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> “Cô Đào” Hồng Lan “dí”, hai chàng chạy “thục mạng”, chàng nào đang chuẩn bị?

>>> “Siêu cò” Nguyễn Thị Thanh Nhàn quyền lực khuynh đảo, quan cấp tỉnh phải thỉnh bà cò

>>> Nguyễn Minh Triết nhạy bén chính trị hay 3 Dũng chớp thời cơ cho con?

Một công ty Việt Nam nằm trong danh sách bị trừng phạt của Mỹ vì có giao dịch với Iran