Link Video: https://youtu.be/FN6wb1iGcZY
Trong vụ án liên quan đến chuyến bay giải cứu, nhiều người đặt câu hỏi, liệu những người phải mua vé giá cao có quyền được yêu cầu bồi thường hay không. RFA Tiếng Việt có bài viết về vấn đề này được đăng ngày 11/4.
Theo bài báo, ngày 4/4 vừa qua, Bộ Công an Việt Nam đã công bố kết luận điều tra liên quan đến vụ án “Đưa hối lộ, môi giới hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trong các chuyến bay giải cứu công dân Việt Nam từ nước ngoài trở về.
Đây là một trong những vụ án có số lượng bị can nhận hối lộ và số tiền đưa hối lộ lớn nhất từ trước tới nay. Tổng cộng có 21 cán bộ bị cáo buộc nhận hối lộ với số tiền 177,3 tỷ đồng.
Vụ án liên quan đến chuyến bay giải cứu đang gây chú ý và phản ánh được nhiều vấn đề trong việc quản lý, điều hành hoạt động của các cơ quan chức năng, đặc biệt là trong thời gian đại dịch COVID-19, khi các hoạt động di chuyển bị giới hạn và phải tuân thủ nhiều quy định phòng chống dịch bệnh.
RFA dẫn lời Luật sư Nguyễn Văn Hậu, cho rằng, phải đợi phiên tòa diễn ra mới có thể xác định được, liệu khoản tiền chênh lệch là khoản tiền được thỏa thuận hay là bị ép buộc. Tuy nhiên, ông Hậu nói thêm, theo nguyên tắc, những người bị hại sẽ được bồi thường khoản tiền chênh lệch, khi họ bị bắt buộc phải trả giá cao hơn giá trị thực của vé.
Luật sư Đặng Trọng Dũng đã chia sẻ quan điểm của mình với RFA rằng, trong pháp luật, những người bị ảnh hưởng đến là những bị đơn dân sự và họ có thể đòi bồi thường theo luật tố tụng Việt Nam. Tuy nhiên, ông cho rằng, việc xác định số tiền bồi thường là một chuyện khó khăn, bởi vì giá vé có thể đã bao gồm các khoản chi phí khác ngoài giá vé chính thức. Luật sư cũng nhấn mạnh rằng, việc chứng minh thiệt hại trên giấy tờ là rất khó, vì giá tiền chỉ được công bố và không thể chứng minh được sự tổn thất của mỗi cá nhân. Luật sư Đặng Trọng Dũng không biết cơ quan điều tra sẽ làm cách nào để tính toán số tiền bồi thường cho những người bị ảnh hưởng.
RFA dẫn lời Tiến sĩ Lương Hoài Nam, trong buổi tọa đàm “Mở cửa du lịch, phục hồi kinh tế” được tổ chức ngày 7/12/2021, cho biết, ông có người bạn phải chi trả một gói “combo về nước” có giá 150 triệu đồng từ Hoa Kỳ. Trước đó, một người quen khác của ông đã phải bỏ ra số tiền 240 triệu đồng để được hồi hương. Trong khi giá vé chính thức được công bố lúc đó chưa đến 40 triệu đồng.
Vụ án các chuyến bay giải cứu được cho là nguyên nhân khiến Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phải từ chức.
Việc tổ chức chuyến bay giải cứu được cho là thực hiện chủ trương nhân đạo, thể hiện sự quan tâm hàng đầu của Đảng và Chính phủ trong công tác bảo hộ công dân.
Việc nhận hối lộ hàng trăm tỷ đồng để “giải cứu” công dân khiến cho các chuyến bay mất đi mục tiêu ban đầu.
Một chuyên gia pháp luật không tiết lộ danh tính vì lý do an ninh, đã đưa ra góc nhìn khác với đài RFA vào sáng ngày 6/4 rằng:
“Không thể gọi đây là việc thỏa thuận giá cả, vì trong bối cảnh đại dịch, có những người buộc phải trở về quê hương vì nhiều lý do như, không có nguồn sống ở nước ngoài, phải trở về Việt Nam để chữa bệnh, hoặc visa hết hạn…
Bên cạnh đó, việc bảo vệ an toàn cho người dân là trách nhiệm của Chính phủ Việt Nam, không thể sử dụng công dân như một nguồn thu nhập bất chính. Sử dụng lý do nhân đạo để thu lợi hàng trăm tỷ đồng thì phải đền bù cho các nạn nhân trong vụ án.”
Luật sư này cũng cho biết, nếu cơ quan điều tra không xác định được công dân trên các chuyến bay giải cứu là người bị hại hay người có liên quan đến vụ án, thì rất khó để đưa ra trách nhiệm bồi thường cho các công dân này.
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát cho đến tháng 12/2021, Chính phủ Việt Nam đã tổ chức hơn 1.000 chuyến bay. Chính phủ Việt Nam đã gọi đây là “những chuyến bay giải cứu” hay chuyến bay hồi hương, để đưa gần 200 ngàn công dân Việt Nam từ 62 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu trở về nước.
Quang Minh – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Ông Thưởng mắc lỗi lớn khi tiếp đón tiếp ông David Hurley
>>> Trung Quốc gây sức ép, Nga có nhượng bộ trên Biển Đông?
>>> Blogger Nguyễn Lân Thắng không đồng ý bị “xét xử kín”
Dù đang có chiến tranh nhưng Ukraine vẫn ủng hộ các nước nhỏ ở Đông Nam Á trong vấn đề Biển Đông