Link Video: https://youtu.be/MEti_kZnRmc
Ngày 25/5, RFA Tiếng Việt loan tin, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Nghệ An kháng nghị bản án 5 năm đối với cô giáo Lê Thị Dung, đề xuất cấp phúc thẩm xét xử theo hướng hủy bản án sơ thẩm mà cô giáo này đang kháng cáo, kêu oan.
Thông tin trên được Chánh án Tòa án huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, ông Lâm Quốc Tú cho truyền thông Nhà nước biết vào ngày 24/5. Cơ quan này đang làm thủ tục chuyển hồ sơ vụ án đối với cô giáo Lê Thị Dung lên tòa án tỉnh để xử phúc thẩm.
Trước đó đúng một tháng, vào ngày 24/4, Tòa án Huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An đã tuyên cô giáo Lê Thị Dung 5 năm tù, theo cáo buộc “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ”. Bởi vì cô Dung, trong 6 năm, đã chủ trì xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ và áp dụng, dù chưa được cấp Sở thông qua; dẫn đến chi sai nguyên tắc, hưởng lợi số tiền gần 45 triệu đồng.
RFA cho biết, ngay sau khi bản án được tuyên, nhiều bình luận trên mạng xã hội cho rằng, đây là bản án bất công. Cơ sở cho lập luận này là việc so sánh với những trường hợp quan chức nhà nước khác làm thất thoát hàng tỷ đồng, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng, mà mức án không cao như đối với bà Lê Thị Dung. Gần nhất là bản án 3 năm tù đối với cựu Giám đốc Bệnh Viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn, làm thất thoát 54 tỷ đồng.
Một bài phân tích về vụ án cô giáo Lê Thị Dung trên trang điện tử Luật sư Việt Nam, cho rằng, vụ án này đạt “kỷ lục” về thu hút sự quan tâm của dư luận từ trước tới nay, và đã có 26 tờ báo đăng bài.
Tuy nhiên, tác giả cho rằng, trong vụ án này, nhận thức pháp luật áp dụng vào việc kết tội cô giáo Dung đang được hiểu rất khác nhau.
Thứ nhất, theo một Giảng viên, Tiến sĩ Luật, một cựu Thẩm phán tại TP. HCM và một Luật sư, cho rằng, không thể truy tố cô Dung ở khung 5 – 10 năm tù, mà chỉ ở khung 1 – 5 năm tù, vì không thỏa mãn 2 điều kiện: Phạm tội nhiều lần và tài sản thiệt hại trên 200 triệu, theo Nghị quyết 03 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao.
Trong khi đó, Thẩm phán Trương Việt Toàn, Chánh án Tòa án Nhân dân và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Hưng Nguyên cho rằng, truy tố ở khung 5 – 10 năm là đúng theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Thứ hai, về tình tiết giảm nhẹ, Chánh an Tòa án Nhân dân huyện Hưng Nguyên cho rằng, chỉ có 1 tình tiết, đó là “có nhiều thành tích”.
Ngược lại, một số luật sư cho rằng, việc thừa nhận có nhận tiền (dù cho rằng mình không sai) có thể coi là tình tiết giảm nhẹ, đồng thời, xét về nhân thân bị cáo cũng có thêm 1 tình tiết nữa. Như vậy, theo các luật sư thì cô Dung có 3 tình tiết giảm nhẹ để được hưởng mức án dưới khung theo quy định.
Thứ ba, quy chế chi tiêu nội bộ có hợp pháp? Nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao Trần Công Du nói rằng, Quy chế chi tiêu nội bộ của Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên là đúng thủ tục, vì đã thông qua Hội nghị công viên chức, đã gửi cho Phòng Tài chính, Kho bạc Nhà nước huyện theo dõi và kiểm soát. Nếu Quy chế là hợp pháp thì cô giáo Dung không phạm tội. Còn nếu Quy chế này trái pháp luật, thì việc theo dõi, kiểm soát chi của Phòng Tài chính, Kho bạc Nhà nước huyện cũng sai, như vậy vụ án có bỏ lọt tội phạm?
Thứ tư, quy trình tố tụng có đúng luật? Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội, việc giam cô Dung 1 năm mới đưa ra xét xử có vi phạm quy định về thời hạn tạm giam hay không? Có cần thiết đến mức như đối xử với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hay không? Hơn nữa, việc tước của cô Dung quyền có luật sư bào chữa, và đuổi cả 2 luật sư của cô ra ngoài phòng xử, là một việc làm rất vi phạm đạo đức Thẩm phán.
Tuy nhiên, cho dù dư luận lên tiếng và bản thân cô Dung kêu oan, thì Tòa án tỉnh Nghệ An vẫn không cho cô tại ngoại trong thời gian chờ phúc thẩm.
Minh Vũ – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Tư pháp như “sát thủ”! Vụ án oan Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn có thể tái diễn.
>>> Phú Thọ: Bốc thơm cho Bác, 50 tỷ đồng vào túi ai?
>>> Ông Tổng giương kiếm, kiếm xìu!
Cấm cán bộ gặp dân ngoài trụ sở có chống được tham nhũng?