Link Video: https://youtu.be/oygpB11V9eY
Ngày 26/5, RFA Tiếng Việt đưa tin “Các tàu Trung Quốc phớt lờ yêu cầu rút khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”.
Theo đó, tàu nghiên cứu của Trung Quốc và 5 tàu hộ tống vẫn còn trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam vào hôm 26/5, một ngày sau khi Hà Nội thúc giục các tàu này rời đi.
RFA cho biết, tàu Xiang Yang Hong 10, hay còn gọi là Hướng Dương Hồng 10 của Trung Quốc, đã bắt đầu hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ ngày 7/5, đánh dấu sự xâm phạm đáng kể nhất kể từ năm 2019, theo Ray Powell, người đứng đầu Dự án Myoushu của Đại học Stanford về Biển Đông.
Ông Ray Powell nói, hành vi của Trung Quốc và phản ứng của Việt Nam là một “sự leo thang đáng lo ngại”.
Trong những tuần qua, RFA dẫn dữ liệu theo dõi tàu biển của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông cho biết, kể từ ngày 7/5, tàu nghiên cứu Trung Quốc, đôi khi có hàng chục tàu hộ tống, đã di chuyển phần lớn qua lô khí đốt 04-03, do Vietsovpetro, một liên doanh giữa Zarubezhneft và PetroVietnam, vận hành.
Theo RFA, tàu này cũng thường xuyên đi qua các lô 132 và 131 mà Việt Nam đã cấp phép cho Vietgazprom, một liên doanh giữa Tập đoàn khổng lồ Gazprom của Nga và PetroVietnam. Trung Quốc đã đưa ra các hồ sơ dự thầu cạnh tranh để cấp phép cho hai lô đó.
RFA dẫn lời ông Powell cho biết, ngày 25/5, khi Việt Nam đưa ra một tuyên bố công khai hiếm hoi, yêu cầu các tàu này rời đi, thì các tàu này đang ở lô 129, cũng do Vietgazprom điều hành.
Tuyên bố này được đưa ra sau chuyến thăm Hà Nội hôm thứ hai của cựu Tổng thống Nga và Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev. RFA cho hay.
Ông Powell cho biết, hai tàu kiểm ngư Việt Nam hôm 26/5 đã theo dõi các tàu Trung Quốc ở khoảng cách 200 – 300 mét, đồng thời lưu ý rằng, các tàu Trung Quốc đã di chuyển đến một khu vực liền kề với các tàu do các công ty Nga điều hành.
RFA dẫn tin từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 26/5 nói rằng, họ đã duy trì liên lạc với các bên liên quan và sẽ bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, sau khi Việt Nam cáo buộc một tàu khảo sát dầu khí của Trung Quốc và các tàu hộ tống vi phạm chủ quyền của Việt Nam.
Bà Mao Ning, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 26/5, khi trả lời câu hỏi về việc Việt Nam yêu cầu tàu Trung Quốc rời khỏi Biển Đông:
“Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và các vùng biển lân cận, đồng thời có quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan.
Các tàu liên quan của Trung Quốc thực hiện các hoạt động bình thường dưới quyền tài phán của Trung Quốc, điều đó hợp pháp và hợp lệ, đồng thời không có vấn đề gì khi đi vào vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác.”
Từ nhiều năm nay, mỗi năm, Trung Quốc đều có những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông. Các vụ việc nghiêm trọng có thể kể đến như: Tàu Hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 2 của Việt Nam năm 2011; đưa giàn khoan 981 của Trung Quốc vào hạ đặt tại biển Việt Nam năm 2014; Tàu Hải Dương địa chất 8 của Trung Quốc vào sâu trong vùng EEZ của Việt Nam năm 2019…
Mỗi khi có những vụ việc Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ Việt Nam, người Việt yêu nước khắp nơi lại xuống đường biểu tình phản đối. Đã có những mùa hè được giới hoạt động gọi là “mùa hè đỏ lửa”, khi cứ cuối tuần là người biểu tình xuống đường phản đối Trung Quốc. Tuy nhiên, đáp lại tiếng nói của người dân, nhà cầm quyền Hà Nội đã thẳng tay đàn áp, rất nhiều biểu tình viên bị bắt bớ, đánh đập và truy bức, sách nhiễu…
Sau những vụ càn quét, bắt bớ người bất đồng chính kiến những năm gần đây thì phong trào chống Trung Quốc đã đi xuống thấy rõ. Đến nay, vẫn còn một số người phản đối Trung Quốc, nhưng chỉ ở trên mạng, không còn thấy không khí sục sôi như những năm 2016, 2018 nữa.
Phải chăng, nhà cầm quyền Việt Nam đã rất thành công trong chính sách cai trị độc đoán của họ?
Xuân Hưng – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Tiến triển mới trong vụ án cô giáo Lê Thị Dung
>>> Dư luận phản đối đề xuất bù lỗ cho ngành điện của ông Nguyễn Thiện Nhân
>>> Cấm cán bộ gặp dân ngoài trụ sở có chống được tham nhũng?
Niềm tin của doanh nghiệp Việt đố với nền kinh tế đặc biệt thấp