Viettel muốn mua lậu vũ khí từ Mỹ về Việt Nam

Link Video: https://youtu.be/8FFP72F8pyw

Ngày 1/6, RFA Tiếng Việt loan tin, “Chi nhánh Viettel tại Mỹ liên quan đến các vi phạm về buôn bán vũ khí quốc tế”.

Theo đó, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào ngày 31/5 đã công bố việc kết thúc giải quyết hành chính với VTA Telecom Corporation, một chi nhánh của Viettel tại Hoa Kỳ, về 6 vi phạm đối với đạo luật Kiểm soát Xuất khẩu Vũ khí và Quy định Về Buôn bán Vũ khí Quốc tế (ITAR).

RFA dẫn tin từ Văn phòng Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao, cho biết, hai phía đạt được thỏa thuận dàn xếp, sau khi Cơ quan Phụ trách Kiểm soát việc Tuân thủ trong Thương vụ Quốc phòng thuộc Văn phòng Quân sự- Chính trị sự vụ của Bộ Ngoại giao Mỹ tiến hành rà soát kỹ lưỡng.

Theo thỏa thuận kết thúc giải quyết vụ việc, VTA Telecom Corporation của Viettel bị cấm tham gia trực tiếp hay gián tiếp vào các hoạt động theo quy định của ITAR trong vòng 3 năm.

Thỏa thuận này liên quan đến việc một đại diện của chi nhánh Viettel tại Hoa Kỳ – VTA Telecom Corporation – bị án tù tại Hoa Kỳ, về tội buôn lậu vũ khí qua hành vi xuất khẩu công nghệ quân sự của Mỹ về Việt Nam vào năm 2016.

Theo VOA đưa tin vào tháng 7/2019, vụ việc này được tiết lộ lần đầu tiên trong một bài báo của ký giả Mark Harris, đăng hồi tháng 6/2019 trên trang tin OneZero chuyên về khoa học và công nghệ. Nhà báo Harris cho biết, anh tình cờ phát hiện vụ việc này, khi đang nghiên cứu hồ sơ tòa án về các cuộc điều tra của Chính phủ Mỹ, nhắm vào đầu tư nước ngoài để mua thiết bị viễn thông của Mỹ.

Các văn kiện tòa án nêu tên ông Bùi Quang Huy, Phó Giám đốc điều hành của VTA Telecom Corporation, là bị đơn trong hồ sơ truy tố của Chính phủ Liên bang. Những hành vi của ông Huy bắt đầu thu hút sự chú ý của các nhà điều tra Liên bang vào năm 2015, VOA cho hay.

Ông Huy khởi sự các cuộc thương thảo vào đầu mùa hè 2015, để mua một cảm biến chuyển động tinh vi dùng trong máy bay thương mại và vệ tinh, nhưng cũng dùng trong bom, tên lửa và ngư lôi. Ông Huy đã báo với nhà sản xuất ở Connecticut rằng, món đồ này sẽ được sử dụng ở California, nhưng sau đó thừa nhận, nó sẽ được gửi về Việt Nam.

Hình: Tin trên RFA ngày 1/6/2023

Vào tháng 6/2015, theo hồ sơ tòa án được ký giả Harris phơi bày, ông Huy tiếp cận một Công ty ở Florida về việc mua 10 hệ thống theo dõi bằng video. Những hệ thống này được chỉ định là “thiết bị quân sự quan trọng”, theo Quy định của ITAR, do đó chịu những kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt. Chính phủ Mỹ tin rằng, những hệ thống này cuối cùng đã được xuất khẩu mà không có những giấy phép cần thiết.

Sau đó vào tháng 8, ông Huy cố gắng mua các cấu phần cơ khí cho một tên lửa từ một công ty thứ ba. Khi nhà cung cấp nói với ông rằng, thiết bị này cũng được kiểm soát theo ITAR, ông Huy trả lời rằng, ông không có thời gian để xin giấy phép xuất khẩu, và yêu cầu xóa tên ông và công ty VTA Telecom của ông khỏi tất cả các giấy tờ trong thỏa thuận.

Vào ngày 25/10/2016, ông Huy bị khởi tố tại Tòa án Liên bang Khu vực New Mexico về hai tội danh, tìm cách xuất khẩu thiết bị quốc phòng từ Hoa Kỳ mà không có giấy phép cần thiết. Ông bị bắt vào tuần sau đó tại California, theo hồ sơ tòa án, VOA cho hay.

Kể từ sau vụ này, theo VOA, VTA Telecom đã hợp thức hóa mục đích hiện diện thực sự của mình ở Mỹ, bằng cách thuê một công ty vận động hành lang ở Washington, để đại diện lợi ích của họ theo Đạo luật Đăng kí Đại diện Nước ngoài (FARA). Hồ sơ khai báo vào tháng 9/2017 viết rằng, các luật sư sẽ “gặp các Thành viên của Quốc hội, cũng như các Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại và Bộ Quốc phòng, để vận động cho VTA/Viettel về các vấn đề liên quan đến quốc phòng và an ninh quốc gia của Việt Nam.”

Điều trớ trêu, theo nhà báo Harris, nếu ông Huy và Viettel tuân thủ đúng luật, thì có lẽ giờ họ đã có được các động cơ tên lửa hành trình của họ tại Việt Nam. Chưa đầy hai tuần sau khi ông Huy thực hiện khoản thanh toán bất hợp pháp, Tổng thống Barack Obama khi đó tuyên bố rằng, Mỹ sẽ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam.

Hình: Bài trên VOA vào tháng 7/2019

Quang Minh – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Nếu Putin đến dự Hội nghị Thượng đỉnh tại Nam Phi, liệu có bị bắt?

>>> Mâu thuẫn trong nội bộ nước Nga ngày càng lớn theo sự bế tắc của Nga trong cuộc chiến Ukraine

>>> Bắt nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng có động cơ chính trị

Nông sản Việt lại “mắc kẹt” tại cửa khẩu Việt – Trung