Link Video: https://youtu.be/NIx_P3ei0GM
Theo thông tin từ Đài Á Châu Tự Do (RFA) ngày 16/7, Cơ quan Cảnh sát Điều tra (Bộ Công an) đã đưa ra kết luận vụ thông thầu ở Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh và Công ty AIC của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn.
Theo đó, công an đã khởi tố nhiều cán bộ cấp phòng, còn các lãnh đạo cấp sở, cấp tỉnh không bị xử lý hình sự, vì không có căn cứ. Bộ Công an cũng đề nghị tỉnh Quảng Ninh làm rõ trách nhiệm về quản lý nhà nước, đối với các tổ chức và cá nhân để xảy ra vi phạm. RFA cho hay.
Theo kết luận điều tra, để được trúng các gói thầu trong dự án cung cấp trang thiết bị y tế tại Bệnh viện Sản – Nhi Quảng Ninh vào năm 2012, cựu Chủ tịch Công ty AIC – bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn – được xác định là người đứng sau việc thành lập, xây dựng và điều hành toàn bộ hoạt động của Công ty, cũng như các công ty thành viên để tham gia vào quy trình đấu thầu
Đồng thời, bà Nhàn chỉ đạo cấp dưới sửa các báo cáo kinh tế, hồ sơ dự thầu, rồi móc ngoặc với các bị can là cán bộ thuộc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh để “thông thầu“. Qua đó, Công ty AIC và các công ty thuộc “hệ sinh thái AIC” đã trúng toàn bộ 6 gói thầu, với tổng số tiền hơn 232 tỉ đồng, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 50 tỉ đồng.
Trong quá trình điều tra, Công an đã lấy lời khai của 3 nguyên chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, là các ông: Nguyễn Văn Đọc, Nguyễn Đức Long và Nguyễn Văn Thành; nguyên phó Chủ tịch tỉnh Vũ Thị Thu Thủy; Nguyễn Văn Minh và Trần Xuân Lâm, cùng là nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; nguyên Giám đốc Sở Y tế Vũ Xuân Diện.
Theo đó, lời khai của những người này thể hiện, quá trình phê duyệt, điều chỉnh dự án ở giai đoạn 2 được các cơ quan chuyên môn đề xuất, thẩm định theo quy định và không làm tăng tổng mức đầu tư đã duyệt. Việc phê duyệt kế hoạch đấu thầu được thực hiện theo trình tự, thủ tục của Luật Đấu thầu.
Do vậy, cơ quan điều tra không có căn cứ xác định các cá nhân trên có sai phạm trong việc chỉ đạo cấp dưới thực hiện trái quy định, thông đồng với nhà thầu, công ty thẩm định giá; quan hệ riêng với các cá nhân của Công ty AIC, cũng như có yếu tố, động cơ vụ lợi nên không có căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, Bộ Công an kiến nghị Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh xem xét, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân trong công tác quản lý nhà nước để xảy ra vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và quy định hành chính.
Theo RFA, vụ án của AIC ở Quảng Ninh xảy ra đúng vào thời điểm đương kim Thủ tướng Phạm Minh Chính là Bí thư tỉnh. Tuy nhiên, kết luận điều tra của Bộ Công an được báo Nhà nước trích dẫn, không thấy nói gì đến trách nhiệm của người đứng đầu tỉnh này là ông Chính.
Cũng theo RFA, đây là vụ án thứ ba bà Nhàn bị truy tố. Hồi cuối năm 2022, bà Nhàn đã bị kết án 30 năm tù trong vụ án “Vi phạm quy định đấu thầu, đưa nhận hối lộ” xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.
Vào giữa tháng 4 vừa qua, bà Nhàn, người đang bị bỏ trốn và bị truy nã, tiếp tục bị Bộ Công an khởi tố trong vụ án mua sắm trang thiết bị cho Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM.
Việc vi phạm đấu thầu trong các dự án quan trọng như dự án mua sắm trang thiết bị Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến ngân sách nhà nước, mà còn tiềm tàng gây hậu quả nghiêm trọng cho hệ thống y tế, đặc biệt là bệnh viện chăm sóc sức khỏe của trẻ em.
Nhiều người ý kiến rằng, việc xử lý nghiêm khắc những cá nhân và tổ chức có liên quan đến các vụ việc như vậy là rất cần thiết để bảo vệ lợi ích công chúng và khắc phục những hậu quả tiêu cực.
Ngoài ra, nhà nước cũng nên sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về đấu thầu theo hướng quy định cụ thể, chặt chẽ về năng lực tài chính, năng lực kinh nghiệm… để đảm bảo các đơn vị tham dự thầu là những đơn vị có đủ điều kiện tham gia gói thầu.
Minh Vũ – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Vụ án khai thác khoáng sản “chui” ở Lào Cai
>>> Vì sao bị cáo là cựu quan chức phải che mặt?
>>> Phiên tòa không có bị hại?
>>> Số phận của Prigozhin ra sao sau cuộc bạo loạn?
Nhà nước của dân, do dân, vì dân… chỉ là mị dân