Sau 4 ngày với gần 200 lượt xét hỏi 54 bị cáo, được thực hiện bởi Hội đồng xét xử, đại diện Viện Kiểm sát và 105 luật sư. Trong 54 người, phần lớn bị cáo theo hai nhóm tội, “Đưa hối lộ” (23 người) và “Nhận hối lộ” (21 người). Qua ba vòng thẩm vấn, hầu hết các cựu quan chức bị truy tố tội “Nhận hối lộ” đều khai “không đòi”. Còn các lãnh đạo doanh nghiệp bị cáo buộc “Đưa hối lộ” đứng ở hai thái cực: hoặc là tự nguyện “cám ơn”; hoặc bị ngã giá, gây khó khăn buộc phải chi.
Thực ra, doanh nghiệp chẳng muốn đưa hối lộ làm gì, bởi họ bị hạch sách, nên phải hiểu ý mà chi. Hầu hết những quan chức nắm quyền trong tay, họ dùng quyền đấy để gây khó dễ cho doanh nghiệp, và buộc doanh nghiệp phải móc hầu bao. Đó gọi là luật ngầm, một thứ luật bất thành văn trong cái xã hội thối nát này.
Nói đến luật ngầm thì người ta thường nghĩ nó tồn tại trong giới xã hội đen, hoặc các tổ chức mafia, nhưng không phải vậy. Luật ngầm ở Việt Nam tồn tại ngay trong chính quyền nhà nước. Chính quyền nào còn thiếu minh bạch, thì luật ngầm chi phối mạnh hơn. Và dưới bàn tay cai trị của một chính quyền xấu xa như chính quyền Cộng sản Việt Nam, thì luật ngầm tồn tại trong xã hội. Nguyên nhân là nó lan truyền từ trong phía chính quyền, chính phía chính quyền đã dạy người dân như vậy. Muốn tồn tại là phải tự biết học hỏi những luật ngầm ấy.
Một bạn là kỹ sư xây dựng, làm chỉ huy trưởng công trường, cho Thoibao biết, anh ta là phía nhà thầu, dù làm tốt cỡ nào cũng không được nghiệm thu, nếu không biết “luật ngầm” là phải chi tiền cho tư vấn giám sát. Mỗi ngày trên công trường có đến vài trăm công nhân đang thi công, nếu không chịu chung chi, tư vấn giám sát tìm cách không ký biên bản nghiệm thu, thì cứ mỗi ngày trôi qua, nhà thầu phải mất tiền nuôi 200 nhân công lao động, chỉ để sửa lại lỗi không đáng có. Từ đó, bên tư vấn giám sát đã buộc nhà thầu phải biết luật chơi.
Một khi đồng tiền can thiệp vào quá trình thực hiện dự án, thì phía nhà thầu không dại gì làm tốt, chỉ cần làm ẩu cộng với phí bôi trơn đúng luật, là qua chuyện. Và cứ như thế, không còn sự trung thực nào từ phía tư vấn giám sát lẫn nhà thầu. Đó là vì sao công trình của Việt Nam thi công mau xuống cấp. Trong khi đó, những công trình Pháp để lại có thể đứng vững hàng trăm năm.
Cái văn hóa bôi trơn đã nhiễm vào ngành xây dựng từ lâu. Nó được truyền từ chính quyền Cộng sản mà ra. Các công trình nhà nước là nơi các bên bắt tay nhay diễn trò lấy dự án và chia chác. Cách lập ra những “chân gỗ” theo cách nói miền Nam, và “quân xanh” trong các cuộc đấu thầu, cũng là luật chơi từ trong Ban Quản lý dự án của phía chính quyền bày ra. Khi mở thầu, có rất nhiều nhà thầu nộp hồ sơ, tuy nhiên, trong đó có một nhà thầu được chọn trước, còn các nhà thầu còn lại chỉ làm hồ sơ để diễn vở kịch đấu thầu, những nhà thầu nộp hồ sơ để diễn là “chân gỗ”, hoặc là “quân xanh”. Cuối cùng, điểm chấm thầu được dồn cho nhà thầu được chọn trước.
Trong chế độ này, có rất nhiều luật ngầm. Người từ Bộ Công an cho chúng tôi biết, các vị trí giám đốc công an tỉnh đều có giá, và đó là luật ngầm. Nếu không biết điều, Bộ trưởng không ký bổ nhiệm vào các vị trí giám đốc công an tỉnh giàu, mà đẩy vào các tỉnh nghèo thì khó tiến thân, mà lại khó kiếm ăn. Bộ Chính trị trao quyền bính vào trong tay Bộ trưởng Bộ Công an quá lớn, thì không dại gì ông Bộ trưởng không tạo ra thứ luật ngầm để hút tiền tài về mình. Đó là luật ngầm, ai không thích thì ra khỏi ngành. Đơn giản vậy thôi.
Luật pháp ở Việt Nam chỉ là công cụ, nghĩa là luật có lợi cho chế độ thì Bộ Công an áp dụng còn luật mà bất lợi cho chế độ thì họ chà đạp. Và khi luật pháp bị chà đạp thì luật ngầm sẽ nhảy vào thay thế. Đó là bản chất của chế độ này.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)
Link tham khảo:
https://vnexpress.net/luat-ngam-hoi-lo-trong-vu-an-chuyen-bay-giai-cuu-4628970.html