Một vụ án mà người ta không lôi ra được đường dây chạy án, thì có nghĩa là, đường dây chạy án này an toàn, chứ không có nghĩa là không có chạy án. Hiện nay, tại Việt Nam, đường dây chạy án đã hiện diện ở mọi vụ án. Những vụ án của người dân không liên quan đến kinh tế và chính trị, thì đường dây chạy án cũng thọc tay vào, nếu bị can có đủ tiền chi. Còn ở những vụ án liên quan đến các đại gia và các nhân vật chính trị trong bộ máy chính quyền, thì gần như, chắc chắn có chạy án.
Ở nền tư pháp này, nếu thuê được luật sư cãi hay, có khi đương sự lại bị kết tội nặng hơn. Bởi ở xứ này, không chỉ công an mới có quyền để thực hiện thứ quyền lực ngầm “luật là tao, tao là luật”, mà cả quan tòa cũng tự cho mình cái quyền này. Chỉ có luật sư chạy án thì mới có thể gỡ được án. Cho nên, dù năng lực của luật sư có giỏi, có tài năng cỡ nào đi chăng nữa, nhưng không kết nối được với đường dây chạy án để làm cò, thì luật sư cũng mãi nghèo mà thôi.
Chỉ có những vụ án mà bị cáo “nghèo rớt mồng tơi”, như các thanh niên ăn cắp gà, ăn cắp vịt về nhậu, thì mới không có bóng dáng của đường dây chạy án. Bởi nếu những kẻ chạy án nhảy vào, thì họ “nạy” đâu ra tiền ở các bị cáo nghèo này? Vậy nên, không phải 100% án là có chạy án, mà phải trừ thành phần bị cáo nghèo ra.
Đã có chạy án thì có giảm án một cách vô lý, rất nhiều vụ án như thế. Không hiếm quan chức ăn trăm tỷ, thậm chí ngàn tỷ, nhưng vẫn hưởng án treo. Chính loại án như vậy, tự nó tố cáo rằng, đằng sau những bản án này có đường dây chạy án. Án càng nhẹ chứng tỏ đường dây chạy án càng mạnh.
Vụ chuyến bay giải cứu truy tố đến 18 án ở khung hình phạt có án tử hình, trong tổng số 54 bị can. Việc đưa ra mức án nặng nề này làm một số người lầm tưởng rằng, ngành tư pháp Cộng sản nghiêm minh. Tuy nhiên, theo đánh giá của những người am hiểu, thì đấy chỉ là cách nói thách của phía chính quyền mà thôi. Bởi họ biết, những bị cáo bị đem ra xử, toàn là quan chức giàu có và những chủ doanh nghiệp giàu có. Họ lại vừa ăn no nê trong vụ chuyến bay giải cứu, cho nên, phải ra giá cao để họ nhả tiền ra cho đường dây chạy án hưởng. Nói chung, đường dây chạy án này là loại kẻ cướp móc túi kẻ cướp, và những bản án nặng nề kia chỉ là cái cách để họ moi tiền mà thôi.
Đưa ra án cao là cách nói thách, người thân của những người dính khung hình phạt có án tử đấy, phải móc sạch hầu bao, phải tìm đến đường dây chạy án. Và một khi nhóm chạy án ăn no nê, họ sẽ giảm án cho những người này. Nếu sau khi kết án, mà mức án không cao, cũng như không có án tử hình nào, thì phải hiểu là, đường dây chạy án này đã thao túng mọi bản án. Chỉ cần có tiền và biết đường chạy, thì mọi thứ đều có thể.
Một người trong ngành tòa án giấu tên cho chúng tôi biết rằng, có những đường dây rất quy mô, nó là liên minh giữa cảnh sát điều tra, viện kiểm sát và tòa án. Rất nhiều trường hợp, bọn họ cố tình tạo ra án oan, để buộc đương sự phải chạy chọt để giảm án. Ai không chịu chạy chọt, mà còn cố tìm luật sư giỏi, thì họ sẽ kết án thật nặng cho bõ ghét. Có thể nói, những đường dây như vậy là tội ác khôn lường.
Vụ chuyến bay giải cứu đã bị lộ một phần đường dây chạy án, đó là cựu Trưởng phòng 5 Cơ quan An ninh Điều tra, Bộ Công an, Hoàng Văn Hưng, và cựu Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn. Tuy nhiên, vẫn còn đó đường dây chạy án khủng đang chi phối. Chính nó đang che giấu những quan chức gộc nhất, vi phạm tội ác nghiêm trọng nhưng vẫn đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Trường hợp ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, đang phơi bày rất rõ hành động bao che của ai đó. Mà một khi vụ án này do những tập đoàn này thao túng, thì sẽ không có công lý nào xuất hiện trong phiên tòa.
Thu Phương -Thoibao.de (Tổng hợp)