Link Video: https://youtu.be/yCgf-kMDEoU
Ngày 25/7, trên trang Facebook cá nhân của thầy giáo, Tiến sĩ Chu Mộng Long có bài “Về tội trạng của Phạm Trung Kiên”.
Tác giả cho rằng, sự quanh co nói lời đạo đức, nhân văn một cách dối trá, thậm chí còn có cảm hứng tuôn trào thơ lai láng trong lời tự bào chữa cuối cùng của quan chức phạm tội, chứng tỏ, đám cẩu quan này không còn mang tính người. Sự bào chữa trí trá, đánh tráo ngôn từ, suy đoán lệch lạc của các luật sư bào chữa cũng cho thấy, không chỉ tình trạng thiếu hiểu biết pháp luật, mà còn vô cảm tương đương như đám cẩu quan kia.
Tác giả nhận xét, trong khi dư luận đa số phẫn nộ với các hành vi phạm tội của đám cẩu quan này, thì vẫn có một số trí thức tỏ ra khách quan, hiểu biết luật, lại muốn xỏ mũi dư luận bằng những nhận xét cũng vô cảm đến đáng sợ. Theo họ, có thể áp dụng “nguyên tắc suy đoán vô tội” khi chưa đủ chứng cứ buộc tội các bị can. Trường hợp cho bị cáo Hoàng Văn Hưng chẳng hạn.
Tác giả nhận định, hành vi đưa và nhận hối lộ chỉ có thể minh chứng bằng đối chiếu giữa các lời tố cáo, lời khai, lời tự thú và các dữ kiện trong hành vi phạm tội. Khó bắt quả tang, trừ phi gài bẫy, vì đưa và nhận hối lộ thường lén lút, nằm ngoài phạm vi giám sát, theo dõi.
Nếu áp dụng “nguyên tắc suy đoán vô tội”, thì không chỉ bị cáo Hưng, mà tất cả mấy chục bị can trong vụ án này đều vô tội, vì không ai trong số đó bị bắt quả tang đưa và nhận tiền?
Theo tác giả, số tiền Viện Kiểm sát đưa ra có căn cứ để luận tội, chỉ là một phần nhỏ so với thực tế số tiền mà đám cẩu quan đã trấn lột của các nạn nhân trong cả đợt dịch. Tình trạng tham nhũng đã ngày một ranh ma xảo quyệt, như trong một canh bạc có tên là “vận số quan trường”.
Trong một nhà nước dân chủ pháp quyền, không chỉ bị can, luật sư, mà ai cũng có quyền tham gia bào chữa trực tiếp hoặc gián tiếp, nhưng phải tôn trọng pháp luật. Tương tác đa chiều làm cho Tòa cân nhắc, để ra bản án khách quan, công minh, chứ không phải diễn trò múa rối, hoặc làm cho cán cân công lý trở nên méo mó, lệch lạc.
Riêng với bị cáo Phạm Trung Kiên, tác giả nhận xét, tội nhận hối lộ phải là tội của người có chức vụ, quyền hạn, ông Kiên chỉ là Thư ký của Thứ trưởng, tức người thừa hành mệnh lệnh từ Đỗ Xuân Tuyên, có phải là “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” không?
Theo tác giả, khỏi cãi ông Kiên có chức vụ, quyền hạn hay không! Rõ ràng là có. Trong hệ thống thần thánh, yêu quái, dù là vật nuôi của thần thánh cũng có quyền tác oai tác quái! Tội nhận hối lộ áp cho Phạm Trung Kiên là xác đáng, đúng người, đúng tội.
Nhưng, tác giả phân tích, điều luật sư nói, thư ký chỉ thừa hành mệnh lệnh của lãnh đạo là có lý. Hiển nhiên, lãnh đạo trực tiếp của Phạm Trung Kiên là Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên. Trường hợp này, tác giả đề nghị trả hồ sơ vụ án, cho cơ quan điều tra làm rõ: Số tiền hơn 46 tỷ đồng Phạm Trung Kiên nhận hối lộ, là do Phạm Trung Kiên tác oai tác quái để cản trở các chuyến bay, hay do Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên chỉ đạo?
Nếu Đỗ Xuân Tuyên chỉ đạo thì xử lý nghiêm khắc Đỗ Xuân Tuyên và giảm án cho Phạm Trung Kiên. Nếu Đỗ Xuân Tuyên không chỉ đạo, thì Đỗ Xuân Tuyên cũng phải liên đới trách nhiệm, vì đã nuôi yêu quái làm hại đồng bào.
Lâu nay tòa xử các vụ án tham nhũng, vì bỏ lọt người, lọt tội, quá nhiều, nên mới có chuyện một bị cáo nói toạc giữa công đường, rằng mình bị vận đen, tức xui xẻo thôi!
Tác giả đồng tình với Viện Kiểm sát khi cho rằng, hành vi của Phạm Trung Kiên và đồng bọn ở năm bộ ngành mắc tội to hơn, là phản bội Đảng, phản bội nhân dân, phá hỏng công cuộc chống dịch và giải cứu nhân đạo của của Đảng và Nhà nước; đặc biệt phẫn nộ trước lời bào chữa vô cảm, trái pháp luật và luân thường đạo lý của các luật sư, trước nỗi đau, mất mát to lớn của đồng bào.
Ý Nhi
>>> Chuyện ông chủ tịch Tỉnh nhận hơn 1000 cuộc gọi
>>> RSF lên án Hà Nội buộc tội Đường Văn Thái điều 117.
>>> Vụ “chuyến bay giải cứu”: Đặc quyền trong khi xử án
>>> Hoàng Văn Hưng sẽ bị kết tội như thế nào?
Đảng và Chính phủ phải xin lỗi dân, đó là điều tất yếu