Ngày 25/7, tờ báo Dân Trí có bài viết “71 cán bộ, giáo viên ở Hà Nội xin giảm án cho ông Chử Xuân Dũng”.
Bài báo cho biết rằng, 71 cán bộ, giáo viên thuộc trường Trung học Phổ thông Lê Lợi (quận Hà Đông, Hà Nội), đã viết đơn bày tỏ mong muốn Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm xem xét, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, cho bị cáo Chử Xuân Dũng.
Trong vụ án “chuyến bay giải cứu”, cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng, bị cáo buộc nhận hối lộ 2 tỷ đồng, trong quá trình duyệt cách ly người Việt Nam từ nước ngoài về nước.
Trong đơn, 71 giáo viên và cán bộ trường này cho biết, khi còn làm Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, ông Chử Xuân Dũng đã dành nhiều tâm huyết, giúp nhà trường xây dựng thành công mô hình Trung học Phổ thông công lập, đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 vào cuối năm 2020. Trong quá trình công tác, ông Dũng luôn là người thầy có tâm đức trong sáng, có phẩm chất, bản lĩnh chính trị vững vàng, và đạt được nhiều thành tích.
Ông Chử Xuân Dũng năm nay 50 tuổi, quê ở xã Vân Nội, huyện Đông Anh, Hà Nội. Quá trình tiến thân của ông này rất lạ lùng, từ vị trí Hiệu trưởng trường Trung học Phổ thông Chu Văn An, Hà Nội, vào năm 2014, mà bước lên chức Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, chỉ trong vòng 4 năm. Đây là câu hỏi to tướng về trường hợp bổ nhiệm thần tốc này.
Từ vị trí hiệu trưởng một trường Trung học Phổ thông, ông Chử Xuân Dũng lên làm Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội 2 năm. Sau đó thêm 2 năm nữa giữ ghế Giám đốc Sở này, rồi bước lên ghế Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố. Đây là dấu hiệu bất thường của việc bổ nhiệm, ông Nguyễn Phú Trọng cần cho thanh tra, kiểm tra công tác bổ nhiệm này của thành phố Hà Nội.
Ông Chử Xuân Dũng tham gia vào tập đoàn hút máu dân trong vụ chuyến bay giải cứu, đây là tội ác chứ không phải là sai phạm thông thường. Ông này cần bị luật pháp trừng trị thích đáng, đấy là điều cần thiết.
Việc 71 giáo viên viết tâm thư xin tha cho tội phạm, là hành động thiếu ý thức về tinh thần thượng tôn pháp luật. Trong tâm thư, các vị này trưng ra công lao của ông Chử Xuân Dũng, là thực hiện mô hình đạt chuẩn này chuẩn kia. Nói đơn giản là, những giáo viên này muốn ông Chử Xuân Dũng được “lấy công chuộc tội”. Vậy thì, thử hỏi, ý thức về tinh thần thượng tôn pháp luật ở đâu?
Pháp luật nghiêm minh là, có công thì thưởng, có tội thì trừng trị, không được đem công bù tội. Nếu một nhà nước mà cho phép đem công bù tội, như vậy, cứ hễ một người có công lớn với nhà nước, thì anh ta được phép giết người sao? Bởi lấy công bù tội thì anh sẽ thoát án tử.
Hình thức lấy công chuộc tội là cách mà chế độ phong kiến áp dụng. Đấy không phải là luật pháp bao dung, mà là bao che cho tội phạm thì đúng hơn. Công ra công, tội ra tội, không được bù trừ, điều này thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật. Có như thế thì những kẻ có quyền mới không ỷ quyền, những kẻ có công mới không ỷ công mà làm bừa.
Ông Chử Xuân Dũng từng là Hiệu trưởng, vì thế, gia đình ông mới có thể vận động giáo viên viết tâm thư gửi tòa. Tuy nhiên, đến giáo viên cũng hùa theo hành động này, thì chẳng khác nào, họ tiếp tay cho ông Chử Xuân Dũng mua bán công lý. Trong trường hợp này, ông Chử Xuân Dũng không phải dùng tiền để mua án, mà là dùng công lao để mua. Công lao tương đương với tiền chạy án, chẳng khác gì nhau. 71 giáo viên là những người mang công lao của ông Dũng đi mua án cho ông.
Nền giáo dục Xã hội Chủ nghĩa đã tạo ra những con người ngây ngô như thế, thì thử hỏi, nền giáo dục này đi về đâu? Những người này dạy cho học trò của họ những giá trị gì đây?
Thu Phương – (Tổng hợp)
Link tham khảo: