Link Video: https://youtu.be/zKLT3kWqP0I
Theo thông tin từ RFA ngày 28/7, Toà án Nhân dân TP Hà Nội vừa xét xử và tuyên án xong trong vụ án “chuyến bay giải cứu”.
Theo đó, với 12 ngày thẩm vấn và tranh luận và 6 ngày nghị án, chiều 28-7, Toà án Nhân dân TP Hà Nội đã tuyên án 54 bị cáo trong vụ án tham nhũng liên quan đến các chuyến bay giải cứu công dân thời đại dịch COVID-19. Các mức án bao gồm từ án ít nhất là 15 tháng tù treo cho đến tù chung thân, trong đó ông Phạm Trung Kiên – cựu Thư ký thứ trưởng Y tế – thoát án tử hình theo đề nghị của Viện Kiểm sát và chỉ phải chịu mức án chung thân.
Theo RFA, trong số 54 bị cáo, có 23 cựu quan chức bị cáo buộc nhận hối lộ, 21 người là lãnh đạo các doanh nghiệp bị cáo buộc đưa hối lộ để được cấp phép chuyến bay giải cứu. Những người còn lại bị cáo buộc môi giới hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Số tiền nhận hối lộ của các quan chức Chính phủ trong vụ án này được xác định lên đến 175 tỷ đồng (tương đương hơn bảy triệu đô la).
Những mức án gây chú ý trong vụ án này bao gồm: cựu Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng – lãnh án 16 năm tù; cựu Thư ký thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Trung Kiên – mức án tù chung thân, cựu Cục trưởng Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan và cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng cùng án chung thân; cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn lĩnh năm năm tù về tội “Môi giới hối lộ”.
Các bị cáo là chủ doanh nghiệp bị kết tội “Đưa hối lộ” bị phạt từ 15 tháng tù cho hưởng án treo đến 11 năm tù giam, đa số đều nhẹ hơn mức phạt VKS đề nghị.
Ngoài ra, 21 bị cáo nhận hối lộ mỗi người phải nộp phạt 100 triệu đồng sung công quỹ nhà nước.
Cũng theo RFA, liên quan đến quyền lợi của những người dân đã phải bỏ nhiều tiền mua vé để được về nước trên các chuyến bay giải cứu, hội đồng xét xử cho rằng không có cơ sở để xem xét, giải quyết tại vụ án này.
Nguyên nhân được nêu là hồ sơ vụ án không có tài liệu; cũng không có thông tin về chi phí của các khách hàng đã mua. Chẳng hạn, chi phí đưa công dân về nước bao gồm vé máy bay, chi phí cách ly y tế và các chi phí hợp lý khác của doanh nghiệp, chi phí cho các đại lý bán vé và các khâu trung gian khác.
Báo Nhà nước trích kết luận của tòa là “dành cho các công dân đã mua vé quyền yêu cầu doanh nghiệp giải quyết quyền lợi cho mình theo quy định pháp luật.”
RFA dẫn bình luận từ Luật sư Ngô Anh Tuấn và Tiến sĩ Nguyễn Quang A, bình luận sau phiên toà.
Luật sư Ngô Anh Tuấn bình luận về các bản án cho rằng, đối với một số quan chức khác thì mức án khá thấp, và nêu ví dụ về trường hợp của ông Chử Xuân Dũng – cựu phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, người bị tuyên án ba năm tù giam vì nhận hối lộ 2 tỷ đồng khi duyệt và ký chủ trương cho doanh nghiệp được đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về cách ly tại Hà Nội.
Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu, phản biện chính sách độc lập (IDS) thì cho rằng, nền tư pháp của Việt Nam còn có những sự bất cập hết sức nghiêm trọng.
Ông A nói: “Người ta không trọng chứng, người ta chỉ dựa vào một phán xét của một cơ quan hay một người nào đấy nói rằng ‘cái này là phạm tội’
Nếu thực sự ở một nền tư pháp độc lập, phải ‘trọng chứng hơn là trọng cung’ và trong trường hợp của Hoàng Văn Hưng, tòa sẽ phải tuyên ông Hưng là ‘vô tội’ hoặc trả lại hồ sơ, để điều tra tiếp, để tìm ra bằng chứng thật là ông ấy đã nhận số tiền hối lộ mà người của ông Tuấn đưa cho.”
Ông Nguyễn Quang A cũng nhấn mạnh, muốn chống tham nhũng, cần phải có quản trị tốt, cộng với lương công chức ‘tử tế’, tư pháp độc lập hay nói cách khác là cần nền pháp trị với tinh thần và nguyên tắc ‘không ai, cơ quan, cá nhân nào được đứng trên luật pháp’, phải có minh bạch, báo chí độc lập và xã hội dân sự lành mạnh.
Minh Vũ
>>> “Hỉ nộ ái ố” trong phiên toà chuyến bay giải cứu.
>>> Những bình luận xung quanh án chung thân của Hoàng Văn Hưng
>>> Nạn nhân buôn người ở Việt Nam
>>> Nạn nhân “giải cứu” không được hoàn tiền vì tòa “không có thông tin về chi phí” của hành khách
Chùa Ba Vàng: Thu tiền công đức hơn 4,16 tỷ đồng, chi hết cho từ thiện