Bắc thang lên hỏi ông trời, đút tiền quan chức có đòi được không?

Vụ án chuyến bay giải cứu đã kết thúc mà không có một đồng nào được hoàn trả lại cho người bị hại, mặc dù theo thông báo, đã có 120 tỷ và 1,85 triệu đô la đã được nộp lại cho cơ quan xét xử, để “khắc phục hậu quả”.

Nhưng cụm từ “khắc phục hậu quả” này, chỉ là cách mà chính quyền Cộng sản tiếm danh. Phiên tòa này hoàn toàn không màng tới người bị hại, tiền “khắc phục” đó trở thành tiền của nhà nước. Tiền móc từ túi dân, thì dân phải là người cần được khắc phục, chứ tại sao lại “khắc phục” cho nhà nước?

Trong suốt hơn 10 ngày xử án, cả báo chí và mạng xã hội đều nêu ra vấn đề quyền lợi của người bị hại, và cách giải quyết cho họ như thế nào? Đây là quyền lợi chính đáng của người dân, tại sao nhà nước lại phớt lờ? Phải thu gom tiền lại để trả cho người bị hại chứ?

Quyền lợi của người bị hại thì sao?

Ngày 29/7, tờ báo Người Lao Động có bài viết “Vụ “Chuyến bay giải cứu”: Người mua vé máy bay làm gì để đòi quyền lợi?” Bài này cũng đề cập đến giai đoạn 2 của vụ án, tuy nhiên, trong giai đoạn 2 ấy cũng không có đề cập gì đến vấn đề đền bù thiệt hại cho nạn nhân. Người dân vẫn luôn là đối tượng bị gạt ra bên lề.

Được biết, Hội đồng Xét xử vụ án chuyến bay giải cứu đã phán rằng, “Đối với quyền lợi của khách hàng đã mua vé máy bay của các doanh nghiệp thực hiện các chuyến bay combo, chuyến bay giải cứu, bản án sơ thẩm cho rằng, hồ sơ vụ án không có thông tin về những người mua vé. Bên cạnh đó, cũng không có thông tin về chi phí của các khách hàng đã mua vé. Trong đó, chi phí đưa công dân về nước, bao gồm vé máy bay, cách ly y tế và các chi phí khác. Bản án sơ thẩm khẳng định, không có cơ sở giải quyết nội dung trên”.

Như vậy, Hội đồng Xét xử đã đổ lỗi tại lý do là “hồ sơ vụ án không có thông tin về những người mua vé”.
Vậy, câu hỏi đặt ra là, ai lập hồ sơ vụ án? Có phải là công an điều tra không? Nếu là công an, tại sao lại gạt người bị hại ra khỏi hồ sơ? Rõ ràng việc lập lại danh sách khách hàng không khó, các hãng bay đều có lưu danh sách này, và việc lấy lại thông tin về các khoản chi phí cũng không khó. Hội đồng Xét xử đang đẩy trách nhiệm cho bên công an, còn công an thì chẳng cần đếm xỉa gì đến vấn đề này. Với thói quen làm việc như ông trời, tự cho mình có quyền ra luật, thì khi công an không đưa người bị hại vào hồ sơ, người dân có thể làm được gì với họ?

 

Hội đồng Xét xử đổ lỗi tại “hồ sơ vụ án không có thông tin về những người mua vé”

Cuối bài báo cho biết “Hội đồng Xét xử dành quyền khởi kiện cho các cá nhân, tổ chức, yêu cầu doanh nghiệp bán vé chuyến bay giải quyết quyền lợi của mình theo đúng quy định của pháp luật”. Như vậy, Hội đồng Xét xử lại đẩy trái banh về chân những nạn nhân.

Được biết, từ tháng 6 năm ngoái, chính ông Tô Ân Xô đã nói trước báo chí rằng, vụ chuyến bay giải cứu có khoảng 2.000 chuyến và mỗi chuyến thu lời bất chính khoảng 2 tỷ đồng. Ước tính, trong vụ này, các doanh nghiệp thực hiện chuyến bay đã lấy của nạn nhân khoảng 4.000 tỷ đồng. Số doanh nghiệp trấn lột nạn nhân “giải cứu” thì chắc chắn Bộ Công an đã nắm rõ, nhưng tại sao Bộ Công an không lập hồ sơ điều tra về số tiền ăn chặn này của các doanh nghiệp?

Đây là hành động cố ý ém đi số liệu điều tra của Bộ Công an. Câu hỏi đặt ra là tại sao?

Theo tìn hiểu của chúng tôi thì Bộ Công an cắt phần điều tra này ra khỏi hồ sơ truy tố, để bảo toàn số tiền mà nhóm doanh nghiệp hút máu này đã hút được. Nguyên nhân là Bộ Công an, Viện Kiểm sát và Tòa án đang gặm nhấm số tiền này. Những doanh nghiệp lấy tiền hút máu được để chạy án, và họ chạy để Bộ Công an cắt bỏ phần thu thập chứng cứ về các chuyến bay. Nói đơn giản là các doanh nghiệp họ chạy để cơ quan tố tụng không moi hết phần tiền mà họ đã hút của nạn nhân.

Bề ngoài thì tòa nói “đạo lý”, nhưng bên trong là cả Hội đồng Xét xử và Cơ quan Điều tra đang nhận tiền, để bảo đảm số tiền đó nằm lại trong túi kẻ hút máu. Đó là sự thật, từ bên trong cho biết như thế.

Thu Phương(Tổng hợp)

Link tham khảo:

https://nld.com.vn/phap-luat/vu-chuyen-bay-giai-cuu-nguoi-mua-ve-may-bay-lam-gi-de-doi-quyen-loi-20230729144455459.htm