Giá đừng có những người quá tham lam

Link Video: https://youtu.be/n1nPlj6Cwd0

Ngày 29/7, BBC Tiếng Việt có bài “Vụ chuyến bay giải cứu: “Tôi mong không bao giờ có những bản án tương tự’” của tác giả Thương Lê.

Tác giả cũng là một người bay từ nước ngoài về Việt Nam trong thời dịch bệnh, và trong lòng có những vướng mắc chưa được giải đáp. Vì bản án mà trong hồ sơ không có thông tin, tài liệu về những người đã mua vé của các chuyến bay combo, chuyến bay giải cứu.

Điều đó đồng nghĩa là, tác giả và khoảng 200,000 hành khách đã trả giá cao trong thời điểm dịch bệnh khó khăn trên 772 chuyến bay hồi hương, sẽ tiếp tục mờ tịt về việc có được bồi thường hay không.

Tác giả kể lại những ký ức về một “chuyến bay giải cứu” cách đây hơn hai năm, khi tác giả cùng hơn 250 người Việt Nam nằm trong danh sách lên chuyến bay hồi hương từ Bangkok về Đà Nẵng, sau khi đăng ký và thanh toán thành công với một công ty du lịch, được Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan thông qua, vào sáng 6/4/2021.

Tác giả cho biết, đứng xếp hàng làm thủ tục có cô hoa hậu sang Thái đi thi rồi kẹt lại, có anh nhân viên văn phòng nghỉ việc không có thu nhập mấy tháng, có cô sinh viên đã tốt nghiệp muốn về xin việc… Và có gần 100 người mãn hạn tù muốn trở về nước. Họ xếp thành một hàng riêng để làm thủ tục cuối cùng, không ít người trong đó có giấy tờ không hợp lệ, mà họ hay gọi là hộ chiếu chết.

Để hồi hương, mỗi người phải trả 28 triệu đồng cho vé máy bay và 14 ngày cách ly trong phòng đôi khách sạn tại Đà Nẵng, ai muốn ở một mình một phòng thì đóng thêm 8 triệu, tiền di chuyển đến Bangkok và xét nghiệm Covid tự lo.

Giá vé một chiều từ Thái Lan về Việt Nam ngày thường rơi vào khoảng trên dưới 2 triệu đồng, nhưng ai cũng cố gắng xoay sở đóng đủ số tiền cao hơn mười mấy lần để về nước. Bị kẹt lại đồng nghĩa với việc tốn thêm một vài tháng tiền nhà và sinh hoạt phí tại Thái Lan và mòn mỏi chờ thông báo từ Đại sứ quán.

Tác giả dẫn lời một cô gái đi cùng, cho biết: “Xót lòng quá chị ơi, em làm cả năm không để được 28 triệu, phải kêu gia đình gửi tiền sang.”

Khách sạn ba sao mà tác giả ở trong hai tuần, cung cấp wifi “có cũng như không”. Từ sáng đến tối là những âm thanh chát chúa từ những công trình đang xây dựng dọc bờ biển Đà Nẵng, và những tràng cười khả ố hay những câu nói đùa thô tục phát ra từ những cậu trai trong đoàn cách ly ở khách sạn đối diện bên đường.

Hình: Bài trên BBC

Tác giả cũng ghi lại những cảm xúc của Đặng Nhật Ánh, người đã cùng con gái nhỏ lên chuyến bay từ Washington về Việt Nam vào tháng 7/2020.

Tôi nhớ đó là thời điểm những chuyến bay giải cứu đầu tiên từ Mỹ về Việt Nam. Để mua được vé, tôi phải trình bày với Lãnh sự Việt Nam tại Mỹ lý do vì sao cần về Việt Nam. Tôi đã liên lạc với họ nhiều lần bằng email và điện thoại, cũng như chờ đợi khoảng gần một tháng để tới lượt mình. Các chuyến bay đầu tiên có thể họ ưu tiên những người có bệnh nền, già yếu, trẻ em không có người thân…”, Nhật Ánh cho biết.

Nhật Ánh nói thêm, thời điểm đó, thông tin rất mờ mịt, tuy không có thông tin chính thức nào là cấm nhập cảnh Việt Nam. Nhưng thực tế là không về được, vì các hãng hàng không không thể bay đến các sân bay Việt Nam.

Có lẽ cũng như tôi, phần lớn người Việt Nam lúc đó đều nghĩ rằng, các chuyến bay giải cứu này là miễn phí. Nhưng tôi thấy, đúng hơn đó là các chuyến bay hồi hương, chở người Việt về quê mà thôi. Những chuyến bay này xuất hiện là vì nước ta thời điểm đó cấm nhập cảnh, kể cả với người Việt từ mọi nơi trên thế giới, điều mà tôi thấy rằng, chỉ đôi ba quốc gia có chính sách này thôi”, Nhật Ánh nói.

Giá vé cho hai mẹ con Nhật Ánh là 6.000 USD, bay một chiều từ Washington về Nội Bài, xe đưa về nơi cách ly là một cơ sở quân đội, 14 ngày ăn ở (phòng có máy lạnh).

Mức giá đó, thời điểm đó, tôi thấy khá cao so với khoảng chỉ hơn 1.000 đô la Mỹ là khứ hồi thông thường.”

Tôi không biết với những người khác ở các chuyến bay khác, nhưng có người cách ly cùng tôi nói rằng, đã trả 8.000 USD/ người, vì họ có gửi nhờ vả cơ quan Lãnh sự”.

Tôi thật lòng rất biết ơn họ. Tôi nhớ và thương những anh bộ đội mỗi ngày nuôi chúng tôi ăn uống cách ly 3 bữa, rất nhiệt tình và chu đáo”.

Nhật Ánh thấy tiếc cho một câu chuyện đẹp, tiếc cho những nỗ lực của rất nhiều con người trong đợt dịch.

Nhật Ánh mong một bản án thể hiện thượng tôn pháp luật, công bằng.

Và tôi mong không bao giờ có những bản án tương tự ở đất nước mình!” cô nói.

Ý Nhi

>>> Võ Kim Cự vận động thành lập hiệp hội sâm.

>>> Vụ chuyến bay giải cứu: Nuôi án và chạy án trong ngành công an.

>>> Vụ “chuyến bay giải cứu”: Người dân nên tập hợp lại để yêu cầu bồi thường

>>> Bắc thang lên hỏi ông trời, đút tiền quan chức có đòi được không?

Đám “cò ăn đêm” thành thói trong hệ thống công quyền