Ngày 5/8 vừa qua, Bộ Công an thông báo là đã bắt Nguyễn Cao Trí vì chiếm đoạt 40 triệu USD của bà Trương Mỹ Lan. Điều đáng nói là, ngày 15/1/2023 ông Trí đã bị bắt, nhưng Bộ Công an vẫn không thông báo chính thức. Vì thế mà, trong suốt một thời gian dài, khoảng 7 tháng, báo chí trong nước đưa tin, ông Nguyễn Cao Trí “mất tích”, khiến nhiều người cho rằng ông này đang bỏ trốn.
Việc công bố thông tin bắt ông Nguyễn Cao Trí ngay sau khi bắt, là công việc đơn giản, tại sao Bộ Công an không làm? Việc bắt người giam hơn nửa năm mới công bố, là việc làm xem thường quy trình tố tụng, xem thường pháp luật. Giai đoạn này, nếu ít người biết, hoặc thậm chí không ai biết ông Trí bị bắt, thì việc bảo vệ quyền lợi cho ông Trí không được bảo đảm, ví dụ không được thuê luật sư bào chữa, hoặc việc giám sát quy trình tố tụng không được tôn trọng. Trong 7 tháng này, vì không mấy ai biết, bên công an rất dễ dàng sử dụng các thủ đoạn bức cung nhục hình đối với bị can.
Chuyện Công an ngày càng lộng hành, phi pháp, không phải mới diễn ra gần đây, mà đã có từ rất lâu. Chuyện Công an bắt người, cho côn đồ đánh trọng thương những người bất đồng chính kiến, là chuyện lâu nay họ đã làm. Có vẻ như, công an hành động theo phương châm “những gì không dùng được luật pháp thì dùng luật rừng”, chứ chẳng phải “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” gì cả.
Đất nước này cường quốc của khẩu hiệu. Họ tung ra đủ thứ khẩu hiệu, nhưng họ không thực hiện nếu không có lợi cho Đảng. Đất nước và nhân dân bị Đảng Cộng sản đặt sau Đảng. Mỗi khi Chủ tịch nước đọc diễn văn chúc Tết, thì lại hô to “Toàn Đảng, toàn dân, và toàn quân ta…”, cho dù là đời Chủ tịch nào cũng vậy. Đảng phải đứng trên nhân dân mới được.
Công an được dựng lên là để “bảo vệ chế độ đến cùng”, với khẩu hiệu “Công an Nhân dân chỉ biết còn Đảng, còn mình”, chứ chẳng phải “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” đâu.
Luật pháp ở nước này được tạo ra là để Đảng dùng làm công cụ trị dân, với những người dân không làm gì sai luật pháp, mà Đảng vẫn muốn trừng trị, thì điều tất yếu là phải dẫm lên luật pháp mà thôi.
Bắt cóc là phạm pháp, vậy mà Bộ Công an lại dùng ngân sách bí mật để nuôi một lực lượng hùng hậu, trà trộn vào cộng đồng người Việt ở hải ngoại để thám thính, dò la và chỉ điểm. Đã gọi là chấp pháp, mà lại có chủ trương phạm pháp, thì dù bí mật hay công khai, thì lực lượng đấy không xứng đáng được gọi là “lực lượng chấp pháp”.
Với những người bất đồng chính kiến (mà chính quyền Cộng sản gọi là “thành phần phản động”), thì công an không dùng luật, là chuyện đã quen thuộc bao lâu nay. Tuy nhiên, giờ đây Bộ Công an lại xem thường quy trình tố tụng đối với những bị can bình thường, không phải giới bất đồng chính kiến, thì có thể nói, lực lượng dưới tay ông Tô Lâm ngày càng lộng hành rồi.
Hiện nay, cái ác của Công an không được ngăn chặn, bởi theo thông tin chúng tôi có được, thì hệ thống báo chí quốc doanh được chỉ định là luôn phải bảo vệ công an. Công an cho dù làm bất cứ điều gì sai, thì báo chí luôn phải có nhiệm vụ che đậy. Đây là một chủ trương vô cùng nguy hiểm, chính điều đó đã dung túng cho thói vô pháp vô thiên của ngành công an.
Năm 2015, báo chí còn đưa tin rằng, trong 3 năm, có tới 226 người chết trong trại tạm giam, tạm giữ tại các đồn công an. Tuy nhiên, sau đó thì những con số như thế này đã biến mất khỏi mặt báo.
Nếu báo chí lên tiếng, công an còn có thể có chùn tay, nhưng khi báo chí được chỉ đạo phải che giấu, thì sự lộng hành của công an sẽ leo thang không có điểm dừng. Cho nên, ai lỡ bị công an bắt, thì xem như đã rơi vào đầm lầy, vào hang hùm miệng cọp, chứ không được ai bảo vệ.
Thu Phương – (Tổng hợp)