Việc thực hiện đúng quy trình tố tụng trong các vụ án, là điều kiện tiên quyết để hạn chế sự tùy tiện của người cầm cân nảy mực, của cán cân công lý. Bất kỳ một sự tùy tiện nào đều có thể đưa đến việc làm sai lệch bản án. Người phạm tội nhẹ lại bị ghép thành tội nặng, người phạm trọng tội lại được ưu ái ban cho hình phạt nhẹ, thậm chí là tạo ra rất nhiều oan sai. Chính vì thế mới có chuyện, một thanh niên ăn cắp một con vịt về nhậu, thì bị ghép án đến 7 năm tù, nhưng Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước làm thất thoát 15.000 tỷ đồng, lại được hưởng án treo.
Oan sai đến từ nhiều nguyên nhân, có thể do nghiệp vụ yếu và áp lực thành tích, cũng có thể do họ cố ý hàm oan để kiếm chác. Nói chung, oan sai mang đến sự dễ dàng cho cơ quan điều tra. Nếu nghiệp vụ kém mà muốn có thành tích cao, thì cứ việc bức cung nhục hình, cứ vi phạm quy trình tố tụng hình sự để kết thúc sớm vụ án, nhằm lấy thành tích mà lên lon, lên chức.
Việc vi phạm quy trình tố tụng là cơ hội để cho kẻ bất tài tạo lập thành tích, là cơ hội để kẻ bất lương kiếm chác. Khi đã nhận tiền chạy án, thì bằng cách này hay cách khác, người ta phải vi phạm quy trình tố tụng hình sự, để lái bản án theo ý muốn, hay nói đúng hơn là lái bản án theo đồng tiền mà nó được mua. Cho nên, ở Việt Nam, nơi mà thị trường chạy án đã trở nên phổ biến, mà bảo các cơ quan tố tụng thực hiện đúng quy trình tố tụng, là điều không thể. Nếu thực hiện đúng quy trình, thì làm sao có thể nhận tiền chạy án và bóp méo bản án như ý muốn được?
Ở các nước dân chủ, người ta phân chia quyền lực điều tra, truy tố, xét xử cho các cơ quan nhà nước khác nhau, để kiểm chứng, kiểm tra lẫn nhau, nhằm hạn chế oan sai. Tuy nhiên, khi mô hình này được thực hiện bởi Đảng Cộng sản, thì các nhánh này lại thông đồng với nhau, để buôn bán bất kỳ bản án nào. Cho nên, việc chạy án ở Việt Nam, không chỉ chạy ở một trong 3 cơ quan tố tụng, mà phải chạy cả 3. Nghĩa là các bị cáo phải tốn rất nhiều tiền để chạy giảm án.
Công lý được hiểu là cơ quan tố tụng kết án đúng người đúng tội, và quan trọng hơn là việc tố tụng phải đúng quy trình. Có thể nói, tố tụng đúng quy trình chỉ nhằm hạn chế oan sai, chứ không thể loại bỏ hoàn toàn oan sai. Tuy nhiên, một khi đã vi phạm quy trình tố tụng, thì chắc chắn, hoặc là bỏ lọt tội phạm, hoặc là kết án oan. Nếu cố gắng bảo vệ công lý, thì quan tòa, cơ quan tố tụng, viện kiểm sát… kiếm ăn như thế nào đây? Cho nên, nói đến từ công lý thì nó như là điều không tưởng ở xã hội này.
Quy trình tố tụng được ví như hàng rào, bên trong hàng rào đó là công lý. Án oan sai được ví như những tên trộm, tên cướp vậy. Nếu nhà bạn có tường cao hào sâu bảo vệ, thì trộm cướp ít đột nhập, còn khi bạn phá bỏ hàng rào, thì nhà bạn dễ dàng bị đột nhập. Không tuân theo quy trình tố tụng thì không có công lý nào cả.
Một khi cơ quan tố tụng mở cửa cho đồng tiền rót vào, thì ngành tư pháp Việt Nam sẽ vì cái gì? Không thể vì công lý nữa, mà chỉ còn vì đồng tiền. Chỉ có người giàu mới đủ tiền để tưới vào cả 3 cơ quan tố tụng, gồm tòa án, cơ quan điều tra và cơ quan công tố. Một khi những cơ quan này được nuôi sống bằng tiền bẩn, thì nó ngày một trở nên bất nhân. Việc một thanh niên bị kết án 7 năm tù vì ăn cắp một con vịt, là có nguyên nhân của nó. Cơ quan tố tụng luôn muốn áp một mức phạt thật nặng, để khiến đương sự phải bán nhà bán đất mà chạy án. Tuy nhiên, vì người ta quá nghèo, không đào đâu ra tiền, nên tòa giữ luôn mức án nặng trên, coi như để làm gương cho kẻ khác. Đấy không phải là tội ác, không phải là bất nhân, thì đấy là gì?
“Xã hội Chủ nghĩa” là cụm từ mang đến nỗi kinh hoàng cho người dân. Thể chế chính trị này là thể chế phản dân rất rõ ràng. Nền tư pháp được mọc ra từ thể chế này, thì cũng là nền tư pháp phản dân mà thôi.
Thu Phương – (Tổng hợp)