Link Video: https://youtu.be/6SOjy4T0jeg
Ngày 8/8, trên Facebook cá nhân của nhà thơ Thái Hạo có bài “Vô tội và Ân xá” bình về vụ án Nguyễn Văn Chưởng.
Tác giả dẫn một cách nói mà gặp trên nhiều trang Facebook trong mấy ngày qua, đó là: “Tôi không khẳng định rằng Nguyễn Văn Chưởng vô tội, tuy nhiên do còn những vấn đề ABC nên tôi cho rằng, cần hoãn thi hành án tử…”.
Và tác giả thấy nó không ổn.
Bởi Điều 13 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định như sau:
“Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.”
“Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội là không có tội”.
Tác giả nhận xét, “có tội” hay “vô tội”, đó là các thuật ngữ pháp lý, chứ không phải cảm quan cá nhân; muốn khẳng định hay kết luận một người là có tội hay không, là phải dựa vào định nghĩa trên.
Tác giả nêu giả thiết, sau một năm nữa, các cơ quan tố tụng đã “chứng minh theo trình tự, thủ tục” được rằng, Nguyễn Văn Chưởng giết người, thì khi đó Chưởng mới bị coi là có tội. Còn bây giờ, với một bản án còn đầy mâu thuẫn, khuất tất, vi phạm nghiêm trọng trình tự tố tụng, chưa xem xét đầy đủ và khách quan chứng cứ buộc tội, thì phải khẳng định rằng, Chưởng vô tội, và đây là một vụ án oan (đến thời điểm này).
Tác giả tiếp tục đề cập đến khái niệm thứ hai: Ân xá.
Và tác giả dẫn Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê, cho biết: “Ân xá hay ân giảm là [quyết định của cơ quan quyền lực nhà nước tối cao, hoặc của nguyên thủ quốc gia] miễn hoặc giảm hình phạt PHẠM NHÂN đã có biểu hiện hối cải nhân dịp lễ lớn”.
Tác giả cho biết thêm, Luật Đặc xá 2018 cũng có định nghĩa tương tự.
Như vậy, tác giả cho rằng, chỉ gọi là ân xá, ân giảm, hoặc đặc xá đối với phạm nhân, tức người đã có tội. Với người bị nhận một bản án còn đầy mâu thuẫn, khuất tất, có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng trình tự tố tụng, chưa xem xét đầy đủ và khách quan chứng cứ buộc tội, thì yêu cầu đúng đắn là điều tra lại, xét xử lại, chứ không phải xin ân xá.
Mà theo Bộ luật Hình sự năm 2015, thì thẩm quyền này thuộc về Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao kiến nghị, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao đề nghị. Khi có các yêu cầu, kiến nghị, đề nghị này, thì bắt buộc Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định trước đó.
Tác giả hiểu rằng, ai cũng vì thương và lo cho Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải và tất cả những người đã bị kết án nhưng có dấu hiệu oan sai. Tuy nhiên, tốt nhất vẫn nên thực hiện trên tinh thần “thượng tôn pháp luật”, chứ không phải xin xỏ.
Tác giả nhớ đến cô giáo Lê Thị Dung, khi được đề nghị, “nhận đi, rồi sẽ được về”, cô đã dứt khoát từ chối, thà chết trong tù chứ không đánh mất sự tôn nghiêm.
Tác giả tiếp tục đặt giả thiết, nếu Nguyễn Văn Chưởng được “ân xá” mà trở về, chắc tác giả cũng như mọi người, sẽ vui mừng đến vỡ òa. Nhưng lẩn khuất đâu đó trong nội tâm, sẽ luôn day dứt một nỗi bẽ bàng khôn tả, vì sự sống thiêng liêng cao quý của con người đã được ban phát một cách tội nghiệp.
Tác giả đề xuất, luật đã có, dấu hiệu oan sai thì quá nhiều, vậy lúc này, Chủ tịch nước bằng quyền hạn của mình, hãy ký quyết định hoãn thi hành án; và sau đó các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ cần căn cứ từ Điều 404 đến 412 Bộ luật Hình sự 2015, là có thể cứu được các tử tù đang có nguy cơ chết oan.
Theo tác giả, việc làm cần thiết và đúng đắn này, vừa giúp thể hiện được tinh thần thượng tôn pháp luật, vừa giữ được sự tôn nghiêm cho tất cả.
Quang Minh
>>> “Báo chí Cách mạng” chiến đấu hết mình vì Đảng, nhưng im lặng trước việc tử hình oan
>>> Đức từ chối tất cả đơn xin dẫn độ về Việt Nam, sau vụ Trịnh Xuân Thanh
>>> Tình trạng “tiêu chuẩn kép” trong ngành tư pháp Việt Nam
>>> Hết “lùa gà” giờ Hoài Linh lại bẫy chim
Dưới chế độ độc tài, e rằng số phận Nguyễn Văn Chưởng đã an bài trong tuyệt vọng