Ngày 28/8, ông Tô Ân Xô, Trung tướng, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết, bị can Nguyễn Thị Thu Phương, Trưởng bộ phận Thư ký Tài chính Công ty AIC, đã về nước đầu thú. Bà Phương là bị can liên quan đến vụ án xảy ra tại Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh. Bộ Công an cho biết, người này đầu thú tại Cục Cảnh sát Kinh tế (C03) Bộ Công an. Đây là người thứ hai mà Công an Cộng sản thông báo là đã “ra đầu thú”, sau trường hợp Đỗ Văn Sơn (45 tuổi), cựu Kế toán trưởng Công ty AIC. Ông Sơn được thông báo là đã ra “đầu thú” hồi đầu tháng 7.
Một khi tội phạm đã bỏ trốn, thì không có chuyện về nước đầu thú, mà chỉ có thể là bắt cóc, hoặc bắt tay với nước ngoài một cách không chính thức để trao đổi. Thậm chí, kể cả hợp tác với xã hội đen của nước sở tại, đặt hàng họ bắt người, dẫn đi qua biên giới. Trường hợp ông Đỗ Văn Sơn thì được xác định là do phía Dubai chuyển giao. Tuy nhiên, theo nguồn tin riêng cung cấp cho chúng tôi, thì Nguyễn Thị Thu Phương đã từ Nhật trở về, và bị bắt. Lệnh tạm giam số 5915/LGT-VKSTC-V3 ban hành ngày 28/7 vừa qua, do Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ký.
Bà Phương bị bắt và sau đó Cơ quan Điều tra mới ban hành lệnh đình nã ngày 1/8. Được biết lệnh đình nã là lệnh hủy lệnh truy nã trước đó. Lệnh đình nã được ban ra sau khi công an đã bắt được người. Thông tin riêng cho biết, bà Phương bị bắt, chứ không “đầu thú”.
Công an Cộng sản là như thế, họ bắt người trước, sau đó, họ mất một thời gian khá dài để dựng kịch bản, tiếp theo là công khai trên báo chí theo kịch bản. Trường hợp bà Nguyễn Thị Thu Phương, phía công an mất đến 1 tháng để dựng kịch bản đầu thú.
Rất có thể, bà Nguyễn Thị Thu Phương trốn ở Nhật, bị áp lực, hoặc từ phía Nhật, hoặc từ gia đình. Vận động gia đình kêu gọi đầu thú, là cách mà lính Tô Lâm hay dùng. Nói là “vận động” cho sang, chứ thực chất, đấy là “biện pháp” của công an. Họ vừa thuyết phục, vừa đe dọa và cả lừa dối người nhà với mục đích miễn sao được việc cho họ. Không ít người đã sập bẫy.
Đầu thú chẳng qua là vở kịch của Bộ Công an dựng lên mà thôi. Bởi vụ án Nguyễn Thị Thanh Nhàn, bề ngoài là vụ án kinh tế, nhưng thực chất, nó là vụ án liên quan đến đấu đá ở thượng tầng chính trị. Những người dính vào vụ án này mà đã bỏ trốn, họ ý thức được rằng, nếu bị bắt, thì có khi tính mạng của họ sẽ không an toàn, nếu họ giữ thông tin mà bên nào đó cần phải ra tay để bịt.
Hồi tháng 4, ông Tô Lâm có chuyến đi Nhật bàn về hợp tác an ninh, thì sau đó, bà Nguyễn Thị Thu Phương từ Nhật Bản về nước, và bị bắt. Không biết có áp lực nào từ phía chính quyền Nhật Bản với tội phạm lẩn trốn từ Việt Nam hay không. Tuy nhiên, việc bà Phương tự ý về để chấp nhận bị lính Tô Lâm bắt, mà không có áp lực gì từ phía Nhật Bản, hay từ gia đình, thì thật là khó tin.
Ông Tô Lâm được xem là đã thành công trong vấn đề hợp tác với nước khác, để họ cho dẫn độ người bị truy nã. Tuy nhiên, với quốc gia đã có ác cảm với Công an Cộng sản Việt Nam, thì việc ký kết hợp tác an ninh là vấn đề nan giải. Được biết, bà Nguyễn Thị Thu Phương không phải là nhân vật quan trọng trong vụ AIC Quảng Ninh. Việc bắt bà Phương, chẳng qua là do không bắt được cá mập Nguyễn Thị Thanh Nhàn, nên ông Tô Lâm cho bắt “tép riu” để cầu may, khai thác được gì có giá trị.
Hiện nay, ông Tô Lâm đang bị mắc kẹt trong chính bãi thối của mình thải ra. Có ý kiến cho rằng, nếu ông Tô không hành xử kiểu mafia trong vụ án Trịnh Xuân Thanh, thì có thể, việc hợp tác an ninh sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, ông Tô Lâm là tướng võ biền, hữu dũng vô mưu, nên không tính xa được, ông không kiên nhẫn, từ từ hợp tác phía Đức, mà ông vội vàng bắt cóc người để lấy thành tích. Chính hành động thiếu suy nghĩ này đã dẫn ông Tô Lâm đến con đường bế tắc, trong nỗ lực dẫn độ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn là nhân vật quan trọng hơn Trịnh Xuân Thanh rất nhiều, cho nên không bắt được bà Nhàn, thì xem như là thất bại lớn của ông Tô Lâm và ông Tổng Bí thư. Việc ông Tổng dùng tướng võ biền thì thế nào ông cũng gặp khó, cái khó do chính ông võ biền gây ra.