Ngày 13/9, phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí cho biết, “Vụ Việt Á đã đưa ra xét xử, vụ AIC đã xét xử một vài nơi, tới đây truy tố, xét xử tiếp. Vậy vụ “chuyến bay giải cứu” đã xử rồi, giai đoạn 2 có làm không, làm như thế nào cũng là một vấn đề”.
Đại án chuyến bay giải cứu không phải là vụ tham nhũng lớn nhất ở Việt Nam về mặt tiền bạc, nhưng nó có liên quan đến các quan chức thuộc năm bộ ngành khác nhau. Gần 200,000 công dân Việt Nam từ 62 quốc gia khác nhau đã trở về nước, thông qua khoảng 2,000 chuyến bay do Chính phủ Việt Nam tổ chức, trong giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch, vào các năm 2020 – 2021.
Hội đồng Xét xử phiên tòa “chuyến bay giải cứu”, ngày 28/7, đã kết án: bốn quan chức nhận án chung thân, 45 quan chức khác và các doanh nhân chịu án tù từ 16 tháng đến 20 năm. Viện Kiểm sát đã đề xuất án tử hình đối với một quan chức, nhưng tòa án đã nhân nhượng, chỉ kết án chung thân.
Trong số các bị cáo, có 21 người bị cáo buộc “nhận hối lộ”, 24 người bị cáo buộc “đưa hối lộ”, và số còn lại bị cạo buộc lạm dụng chức vụ, quyền hạn, môi giới hối lộ hoặc giả mạo trong công tác.
Sau khi kết thúc phiên xét xử sơ thẩm vụ án “chuyến bay giải cứu”, dư luận xã hội có chung một nhận xét là, kết quả xét xử chưa thỏa đáng, còn bỏ lọt tội phạm và chưa xử đến nơi, đến chốn, xét xử sơ thẩm chỉ mang tính chất ví dụ, tượng trưng.
Đặc biệt, tòa mới chỉ xem xét xử lý số tiền đưa – nhận hối lộ ở mức trên dưới 200 tỷ đồng. Đây là con số quá nhỏ, so với trước đó, Người phát ngôn Bộ Công an, Trung tướng Tô Ân Xô, đã nhiều lần khẳng định với báo giới rằng, số tiền trong vụ “chuyến bay giải cứu” lên tới 4.000 tỷ VNĐ. Cụ thể, có trên 2.000 chuyến bay giải cứu, mỗi chuyến bay lãi bình quân 2 tỷ VNĐ, thì số tiền phi pháp, số tiền trục lợi được cỡ trên 4.000 – 5.000 tỷ VNĐ. Tại sao các cơ quan tư pháp không làm đến nơi, đến chốn, để làm rõ số tiền còn lại đã chảy vào túi những ai, để còn có hướng thu hồi?
Trong vụ “chuyến bay giải cứu”, giới quan sát đã chỉ ra rằng, lẽ ra, trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải là then chốt, cần phải truy cụ thể. Bởi cơ quan thu lợi nhiều nhất, chắc chắn là Bộ Giao thông Vận tải.
Và tương tự, đơn vị chịu trách nhiệm về mặt pháp lý là Văn phòng Chính phủ. Cơ quan này đã lợi dụng chủ trương “chuyến bay giải cứu”, miễn phí 100% do ngân sách nhà nước đài thọ, để sửa thành chuyến bay giải cứu kết hợp (combo), có thu phí để trục lợi. Do đó, Bộ Giao thông Vận tải và Văn phòng Chính phủ là hai cơ quan vi phạm trầm trọng nhất. Nhưng không hiểu, lý do gì mà hai cơ quan này chỉ bị xử lý quá nhẹ.
Tương tự với Bộ Công an, chỉ có ba quan chức cấp cao của Bộ Công an Việt Nam bị kết tội. Con số này nhỏ một cách vô lý so với tầm ảnh hưởng của Bộ này. Cơ quan Điều tra của Bộ Công an chỉ tập trung vào bị cáo Vũ Anh Tuấn, cựu cán bộ Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, và có vẻ muốn dừng lại ở đó.
Những điều này cho thấy, vụ “chuyến bay giải cứu” xử chưa đúng người, đúng tội, chưa đúng pháp luật.
Vậy mà, không hiểu vì lý do gì, Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao Lê Minh Trí lại lấp lửng rằng, “Vậy, vụ “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2 có làm không, làm như thế nào cũng là một vấn đề”. Trong khi, về mặt pháp lý, với trách nhiệm là người đứng đầu cơ quan công tố, ông Trí phải tự quyết định theo thẩm quyền.
Vậy tại sao ông còn phải hỏi “giai đoạn 2 có làm không, làm như thế nào?” Ông hỏi vậy thì người dân biết đi hỏi ai? Đó là lý do vì sao, dư luận nghi ngờ, ông Lê Minh Trí sẽ không làm tiếp. Điều đó có nghĩa là, ông Lê Minh Trí buông tay bỏ mặc vụ án này.
Phải chăng, lãnh đạo các cơ quan tư pháp, mà cụ thể là trong nội bộ ban lãnh đạo ngành kiểm sát, đã có dấu hiệu “thoái thác trách nhiệm”?
Nghĩa là, về trách nhiệm, theo luật định, thì họ phải làm sáng tỏ vụ án, nhưng họ không làm. Như thế là họ từ bỏ trách nhiệm của họ.
Và điều đó liên quan gì đến chủ trương của ông Lê Minh Trí, đề xuất việc cân nhắc tăng phạt tiền, giảm phạt tù với cán bộ phạm tội, để phân hóa, tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả, giảm nhẹ tội cho người vi phạm, để làm tốt hơn thu hồi tài sản? ./.
Trà My – Thoibao.de