Link Video: https://youtu.be/a9ovT0NDHQY
Ngày 25/9, VOA dẫn tin từ một hãng tin quốc tế cho hay “Liên Hợp Quốc quan ngại việc Việt Nam bắt giữ chuyên gia năng lượng Ngô Thị Tố Nhiên”.
Theo hãng tin quốc tế, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR) bày tỏ quan ngại về việc chính quyền Việt Nam bắt giữ chuyên gia năng lượng xanh Ngô Thị Tố Nhiên, người từng cộng tác với các cơ quan của Liên Hợp Quốc và Hoa Kỳ, chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Joe Biden đến Hà Nội và ký các thỏa thuận kinh doanh và nhân quyền.
VOA dẫn lời ông Ravina Shamdasani, Người phát ngôn của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc, nói với hãng tin quốc tế trong một tuyên bố: “Chúng tôi đã biết về vụ bắt giữ này và đang theo dõi diễn biến với sự quan ngại”.
Hãng tin nói trên trong tuần trước đã trích dẫn một tổ chức nhân quyền The 88 Project và một nguồn tin cho biết, ngày 15/9, Công an Hà Nội đã bắt giữ bà Ngô Thị Tố Nhiên, Giám đốc Điều hành Sáng kiến Chuyển đổi Năng lượng Việt Nam (VIETSE), một tổ chức tư vấn độc lập tập trung vào chính sách năng lượng xanh.
Một bản tin trên VOA ngày 20/9 cho biết, vào thời điểm bị bắt giữ, bà Nhiên đang hợp tác với Văn phòng Việt Nam của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), để thực hiện Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng, một cam kết trị giá 15,5 tỷ đôla của nhóm G-7 và các nước khác nhằm giúp Việt Nam giảm sử dụng than.
VOA ngày 25/9 dẫn hồ sơ của bà Nhiên trên trang LinkedIn, theo đó, bà từng làm việc cho Ngân hàng Thế giới (WB), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Cơ quan Viện trợ Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (USAID).
Cơ quan Viện trợ Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ tại Việt Nam đã gửi email xác nhận với hãng tin quốc tế rằng, bà Nhiên “đã tham gia các sự kiện quốc tế và trong nước, bao gồm các cuộc tham vấn do UNDP tổ chức về chủ đề chuyển đổi năng lượng”.
Trong khi đó, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội chưa trả lời các yêu cầu bình luận của hãng tin quốc tế.
Theo VOA, trong hai năm qua, Việt Nam bắt giữ 5 nhà bảo vệ nhân quyền môi trường, với cáo buộc “trốn thuế”. Người phát ngôn của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc cho biết vào tháng 6, lưu ý rằng, các vụ bắt giữ này xảy ra trong khi Việt Nam đang đàm phán để nhận tài trợ quốc tế cho quá trình chuyển đổi năng lượng khỏi than đá, trong đó Việt Nam là quốc gia sử dụng than đá chính.
VOA cho biết, bà Nhiên rất kín đáo trước công chúng và được xem như là một chuyên gia, chứ không phải một nhà hoạt động về môi trường.
Chính phủ Việt Nam chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố công khai nào về việc bắt giữ bà Nhiên và không trả lời yêu cầu bình luận của hãng tin quốc tế. Báo chí trong nước cũng hoàn toàn im lặng về vụ bắt giữ này.
Liên quan đến hành vi vi phạm nhân quyền, VOA cho biết thêm, hôm 22/9, Việt Nam đã xử tử một người đàn ông tên Lê Văn Mạnh, người bị kết án tử hình vào tháng 7/2005, sau khi ông bị kết tội “giết người, hiếp dâm trẻ em và cướp tài sản”.
Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi tạm dừng việc xử tử ông Mạnh. Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), cho biết, ông Mạnh có bằng chứng ngoại phạm mạnh mẽ nhưng bị bỏ qua.
Mặt khác, thông tin của Nhà Trắng về chuyến thăm của Tổng thống Biden đến Việt Nam có hơn 2.600 từ, trong đó chỉ có 112 từ về nhân quyền. Nhà Trắng đề cập đến “tăng cường cam kết đối thoại có ý nghĩa” về việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền mà không nêu chi tiết. Nhiều tổ chức nhân quyền đã lên tiếng chỉ trích Tổng thống Biden vì cho rằng ông đã bỏ qua vấn đề nhân quyền khi nâng cấp quan hệ với Việt Nam.
Hiện Việt Nam đang giam giữ ít nhất 159 tù nhân chính trị và giam giữ 22 người khác, cùng với hàng trăm người bị cấm xuất cảnh vì lý do “an ninh”, mà thực chất là có liên quan đến chính trị.
Thu Phương
>>> Trung Quốc có thể khó chịu vì Việt Nam muốn mua vũ khí Mỹ
>>> Hỗn loạn và khó đoán định là văn hóa làm việc của VinFast
>>> Thứ mà Bộ Văn hóa thiếu nhất chính là văn hóa
>>> Chuyện nực cười về một “nhà nghiên cứu”
Ảnh hưởng của suy thoái kinh tế Trung Quốc đến các nền kinh tế châu Á