Trong một xã hội mà cán bộ nhà nước “ăn không chừa một thứ gì của dân”, như cựu Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan từng tuyên bố, thì bản tin “Một cán bộ xã ở Hải Dương bị khởi tố vì chiếm đoạt tiền thờ cúng liệt sĩ”, đăng trên báo Dân Trí ngày 24/9, cũng chẳng có gì lạ.
Báo Dân Trí cho biết, “Công an huyện Thanh Miện (Hải Dương) vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trương Văn Đạt, cán bộ công chức của xã Lam Sơn, về tội tham ô tài sản”. Theo đó, Trương Văn Đạt nhận hơn 186 triệu đồng tiền trợ cấp thờ cúng liệt sĩ, nhưng Đạt đã chiếm đoạt hơn 172 triệu đồng.
“Theo quy định, người thờ cúng liệt sĩ được nhận tiền hỗ trợ 1,4 triệu đồng/năm/liệt sĩ. Số tiền 186 triệu kể trên sẽ được cấp phát cho những người đang thờ cúng 133 liệt sĩ của xã Lam Sơn theo quy định. Nhận tiền về, nhưng Đạt không cấp phát hết, mà chỉ chi trả cho 10 người với số tiền 14 triệu đồng. Do nợ nần và khó khăn, Đạt nảy sinh ý định chiếm đoạt số tiền còn lại, bằng cách giả mạo chữ viết, chữ ký của 118 người thờ cúng 123 liệt sĩ, lập hồ sơ quyết toán nộp cho cơ quan quản lý của huyện Thanh Miện, để chiếm đoạt tổng số tiền hơn 172 triệu đồng.”
Trên mạng xã hội đã chia sẻ rộng rãi các ý kiến bày tỏ sự bức xúc trước sự việc này. Có nhiều ý kiến cho rằng, đến cơm cúng của liệt sĩ, cán bộ cũng không tha. Mỉa mai hơn, có người còn đay nghiến, “đến đồ cúng của người chết mà chúng nó cũng ăn chặn, thì không còn gì để nói, đạo đức cán bộ đã xuống đến đáy rồi”. Có ý kiến còn nói rằng, tiền phối giống bò ở Đắk Lắk chúng nó còn ăn, thì việc “ăn chặn cơm cúng” của liệt sĩ có gì phải làm ầm ỹ.
Câu chuyện “ăn chặn cơm cúng” của liệt sĩ vừa kể, đã khiến người ta liên tưởng đến câu chuyện “Đến mộ liệt sĩ cũng giả để ăn tiền”, xảy ra ở Bắc Kạn trước đây. Đài Tiếng nói Việt Nam ngày 3/12/2019 cho biết:
“Sở Lao động – Thương binh – Xã hội tỉnh Bắc Kạn đã tiến hành khai quật 13 ngôi mộ liệt sĩ, với sự chứng kiến của thân nhân được mời đến lấy mẫu để so sánh, giám định ADN, thể theo yêu cầu của người nhà. Kết quả, Ủy ban Nhân dân địa phương đã xác nhận về 13 mộ liệt sĩ ở Bắc Kạn không có hài cốt, không cả tiểu sành là vật dụng tùy táng bắt buộc, mà chỉ có những túi nylon đựng đất đá.”
“Đây là 13 liệt sĩ, còn được gọi là chiến sĩ thanh niên xung phong, hy sinh khi đang thi hành nhiệm vụ trong tai nạn vỡ đập tại hồ Tân Minh, xã Thanh Vận, Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn hồi năm 1968. Cuối cùng, sau 3 lần qui tập nhưng không thể xác định danh tính, nên cuối cùng hài cốt 13 chiến sĩ thanh niên xung phong đó được đưa về chôn tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Bắc Kạn.”
Đây là thông tin gây sốc, không chỉ đối với gia đình mà còn đối với nhiều người Việt Nam trong và ngoài nước. Các cựu chiến binh từ Việt Nam đã giải thích với thoibao.de với điều kiện ẩn danh rằng, thân nhân các liệt sĩ đưa ra yêu cầu phải giám định AND, để xác định đúng đấy là xương cốt của thân nhân họ, chứ không phải người khác. Bởi trong chiến tranh, cũng như việc quy tập hài cốt, sự lẫn lộn là điều dễ hiểu. Nhưng rõ ràng không có hài cốt mà họ cứ xây mộ giả lên để lấy kinh phí, dứt khoát, đó là tiêu cực, là vụ lợi chứ không có lý do nào khác.
Đó là lý do khiến công luận nghi ngờ rằng, những nơi chôn cất hay cải táng liệt sĩ tại các địa phương trên cả nước, thì những câu chuyện tương tự chuyện 13 ngôi mộ không hài cốt ở Bắc Kạn, là tình trạng phổ biến.
Theo dư luận, trách nhiệm có thể thuộc về bên Thương binh Xã hội, hoặc Phòng Chính sách, hay Cục Chính sách của Bộ Quốc phòng. Thực ra, việc gian dối này là có hệ thống. Vì gian dối đã xảy ra ngay từ đầu, từ khâu làm hồ sơ liệt sĩ, dù không có hài cốt. Nếu cho tổng kiểm tra trên toàn quốc, thì còn rất nhiều. Những cán bộ chịu trách nhiệm biết là không có hài cốt, nhưng vẫn cứ lên danh sách để lấy tiền, hay còn gọi là dự án khống, lấy tiền từ ngân sách để chia nhau bỏ túi.
Hiện nay, cán bộ, đảng viên trong bộ máy nhà nước đều là những kẻ ăn tạp, không bỏ qua bất cứ thứ gì. Không tìm được hài cốt liệt sĩ nhưng họ vẫn báo cáo là tìm được, để người ta “ăn” cả mộ phần liệt sĩ giả, là một điều hết sức táng tận lương tâm./.
Trà My – Thoibao.de