Dự kiến, từ ngày 23 đến ngày 25/10, Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Ninh sẽ đem vụ án AIC của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn ra xét xử công khai. Cho đến nay, Bộ Công an vẫn chưa bắt được bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Nếu từ nay tới khi xét xử vẫn chưa bắt được, thì phiên tòa sẽ xét xử vắng mặt nhân vật chính – Nguyễn Thị Thanh Nhàn.
Để phục vụ cho vụ án này, ông Tô Lâm đã tóm hai cựu thuộc cấp của bà Nhàn tại AIC, dù họ đã trốn ra nước ngoài. Đó là ông Đỗ Văn Sơn – cựu Kế toán trưởng của AIC – được ông Tô Ân Xô thông báo vào ngày 4/7 là đã “đầu thú”. Tuy nhiên, theo nguồn tin riêng của chúng tôi thì ông Sơn bị bắt tại Dubai, bởi sự bắt tay giữa Công an Việt Nam và Cảnh sát Dubai.
Ngoài ông Đỗ Văn Sơn thì còn có bà Nguyễn Thị Thu Phương – Trưởng bộ phận Thư ký Tài chính của Công ty AIC – cũng được ông Tô Ân Xô thông báo ngày 28/8 là đã “ra đầu thú”. Tuy nhiên, nguồn tin riêng của chúng tôi cho biết, bà này từ Nhật trở về và bị bắt. Bà Phương đã bị bắt gần một tháng trước khi ông Tô Ân Xô thông báo với truyền thông.
Trường hợp ông Đỗ Văn Sơn bị bắt, là sự hợp tác an ninh giữa hai nước, còn trường hợp bà Nguyễn Thị Thu Phương được cho là do “vận động” gia đình. Trong 2 nhân vật này thì ông Đỗ Văn Sơn quan trọng hơn, bởi trong công ty, ông là nhân vật quan trọng thứ nhì. Trong một công ty, sau CEO (giám đốc điều hành) chính là CFO (giám đốc tài chính).
Qua cách mà Tô Lâm “câu cá”, thì rõ ràng, cá càng “gộc” càng khó câu. Với ông Đỗ Văn Sơn thì không thể dùng cách tác động vào gia đình, nên ông Tô Lâm phải vất vả làm việc với các nước khác. May mà Tô Lâm chưa làm gì mất lòng chính quyền Dubai, nên chuyện hợp tác diễn ra dễ dàng hơn. Còn trường hợp của Nguyễn Thị Thu Phương, có lẽ bà này còn “non cơ” nên mới dễ bị dụ vào bẫy và bị tóm.
Con cá Nguyễn Thị Thanh Nhàn thì còn “gộc” hơn cả Đỗ Văn Sơn. Bà Nhàn chơi ở tầng cấp khác. Bà có mối làm ăn lớn với Bộ Quốc phòng Việt Nam, bà có mối quan hệ trên cả tình bạn với đương kim Thủ tướng và đương kim Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng. Bà là con cờ mà 2 bên muốn dùng để triệt hạ nhau. Cho nên, việc bắt Nguyễn Thị Thanh Nhàn hoàn toàn không dễ như bắt hai nhân vật kia. Bà Nhàn tính toán rất kỹ đường lùi nên rất khó bắt.
Hiện nay, báo Taz đã cho biết, bà Nhàn đang ở Đức. Vậy tại sao bà Nhàn lại chọn Đức – nơi từng diễn ra một vụ bắt cóc do ông Tô Lâm dàn dựng – để ẩn náu? Đây là chọn lựa có tính toán, bởi “vết chàm” mà ông Tô Lâm để lại với phía Đức, sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh là không thể tẩy xóa. Nó chính là tấm khiên để bảo vệ bà. Việc phía Việt Nam đề nghị dẫn độ bà và bị phía Đức từ chối, là minh chứng rõ ràng nhất.
Nói không ngoa rằng, chính sự thiếu suy nghĩ của Tô Lâm ngày hôm qua, đã bảo vệ bà Nhàn hôm nay. Ngoài ra, thông tin riêng còn cho biết, bà Nhàn đã chuẩn bị quốc tịch Cyprus từ trước. Hiện giờ bà Nhàn đã là công dân một quốc gia thuộc khối EU, bắt bà Nhàn tại EU không phải là chuyện dễ.
Với “cá gộc” dám vờn kẻ săn mồi như bà Nhàn, mà kêu gọi đầu thú thì vô nghĩa. Vì thế, cho tới nay, ngoài việc lên truyền thông kêu gọi bà Nhàn về đầu thú, thì ông Tô Lâm chưa có cách nào hay hơn. Chỉ một người phụ nữ nhỏ bé nhưng lại làm cho cả phe Tổng – Huệ – Tô phải đầu hàng, ít nhất là đến thời điểm này.
Nếu phiên tòa sắp tới mà vẫn không bắt được bà Nhàn, thì có lẽ, phe Tổng – Huệ – Tô chỉ còn cách trút giận lên bản án dành cho bà Nhàn. Nhưng dù có tuyên cho bà bao nhiêu năm tù, mà bản thân bà được bảo vệ tốt ở nước ngoài, thì bản án cũng vô nghĩa.
Bà Nhàn cũng ý thức rằng, vai trò của bà trên cán cân quyền lực giữa các phe cánh lớn như thế, nếu để lọt vào tay Tô Lâm thì rất nguy hiểm, không thể nói trước được điều gì cả. Con cờ trên bàn cờ chính trị đôi khi không thể giải quyết bằng luật pháp, nó còn có cách giải quyết khác.
Ý Nhi – thoibao.de