Link Video: https://youtu.be/zx95h89jttg
Ngày 29/8, RFA Tiếng Việt loan tin “Livestream chửi Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Minh Sơn bị tuyên sáu năm tù”.
RFA cho biết, ông Nguyễn Minh Sơn (60 tuổi), một người thường sử dụng mạng xã hội Facebook để lên tiếng về nhiều vấn đề chính trị – xã hội ở Việt Nam, đã bị Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội kết án sáu năm tù giam về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.
Phiên toà chỉ kéo dài vài giờ đồng hồ trong buổi sáng ngày 29/9, tại trụ sở Tòa án ở quận Hoàng Mai.
RFA dẫn lời Luật sư Ngô Anh Tuấn, người bào chữa cho ông Sơn, nói sau khi trở về từ phiên toà:
“Ông Sơn khai nhận toàn bộ các hành vi của mình, khai nhận các hành vi mà ông đã thực hiện và ông nói rằng là ông ấy có sai. Người ta cáo buộc có đúng một cái clip thôi, cái clip ông ấy quay trực tiếp và phát tán trên mạng. Việc tàng trữ tài liệu người ta không truy cứu.”
Theo luật sư Tuấn, ông Sơn bị kết tội vì một video phát trực tiếp (live stream) trên trang Facebook cá nhân, bên ngoài phiên tòa xử nhà báo công dân Lê Trọng Hùng vào cuối năm 2021. Khi đó, ông Sơn trong tình trạng say rượu, buông lời chửi bới Cộng sản và ông Hồ Chí Minh.
Luật sư Tuấn cho biết, ông tìm cách giảm nhẹ cho thân chủ, bằng cách đề nghị xét xử theo cáo buộc khác, nhưng Hội đồng Xét xử không đồng ý.
“Tôi phân tích, đánh giá, và cho rằng là hành vi này có thể bị xử phạt ở một hình thức khác phù hợp hơn, có thể là (phạt) hành chính.
Cái vấn đề như này, người ta có thể cân nhắc ở một tội danh khác, như làm nhục người khác, hay là tội 331 (Điều 331 – lợi dụng quyền tự do dân chủ), hoàn toàn có thể làm được.”
Luật sư Tuấn cho rằng, bản án sáu năm tù giam đối với thân chủ của mình là vô cùng nặng nề, so với hành vi đã thực hiện.
RFA cho hay, trong lời nói cuối cùng, ông Nguyễn Minh Sơn xin lỗi, bày tỏ sự ân hận và mong được giảm nhẹ hình phạt. Luật sư không rõ ông Sơn có kháng cáo bản án hay không.
Bà Nguyễn Thị Phước, vợ của ông Sơn, cho RFA biết, bà không được vào phòng xử án. Mãi cho đến gần trưa, bà mới được nhân viên bảo vệ cho vào, nhưng khi đó phiên tòa đã kết thúc và bà chỉ nhìn thấy chồng mình khi bị cảnh sát tư pháp dẫn giải rời khỏi phòng xử án.
RFA cho biết thêm, ông Sơn tham gia nhiều cuộc biểu tình ở Hà Nội trong giai đoạn 2011 – 2018, để phản đối hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông, phản đối chính quyền Hà Nội chặt phá cây cổ thụ ở trung tâm thành phố, và một số vấn đề khác. Ông cũng nêu quan điểm về tình hình xã hội Việt Nam trên trang cá nhân.
Tuy nhiên, RFA dẫn lời những người bạn của ông cho biết, ông Sơn không phải là cây viết có tiếng tăm và có tầm ảnh hưởng lên người khác. Do vậy, việc ông bị bắt giữ theo Điều 117 làm nhiều người bất ngờ.
Ông bị bắt vào ngày 28/9/2022. Công an khám xét nhà và tịch thu một số tài liệu, sách vở cùng với máy tính của ông.
Điều 117 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi từ Điều 88 Bộ luật Hình sự 1999 của Việt Nam, là một trong 3 điều luật mơ hồ, vô lý của Bộ luật Hình sự. Đây là điều luật được đặt ra để chụp mũ và đàn áp những người bất đồng chính kiến. Một số nhà hoạt động hiện đang bị giam giữ vì điều luật này, có thể kể đến như:
Nhà báo Phạm Đoan Trang bị bắt tháng 10/2020, bị kết án 9 năm tù.
Các nhà hoạt động Dương Nội: Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư và Nguyễn Thị Tâm, cùng bị bắt ngày 24/6/2020.
Các nhà văn, nhà báo thuộc Hội nhà báo Độc lập: Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn, bị bắt năm 2019.
Thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh ở Nghệ An, bị bắt năm 2019.
Hoàng Anh
>>> Cổ phiếu VFS lao dốc, kết thúc một giấc mơ hoang đường
>>> Lạm thu trong trường học dưới vỏ bọc “tự nguyện” – một gánh nặng cho phụ huynh học sinh
>>> Tòa án Việt Nam bất chấp oan sai vì sợ thiếu người làm việc?
Những gì sẽ diễn ra trong Hội nghị Trung ương 8 của Đảng…