Link Video: https://youtu.be/slto9CikNB4
Ngày 30/9, RFA Tiếng Việt loan tin, “Bộ Công an Việt Nam thông báo tìm bị hại trong vụ Vạn Thịnh Phát”.
Theo đó, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu thuộc Bộ Công an Việt Nam, vào chiều ngày 30/9 cho biết, đang phát thông báo tìm những ai là bị hại trong vụ án lừa đảo Vạn Thịnh Phát và các tổ chức, đơn vị liên quan.
RFA dẫn tin từ Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, cho biết, theo kết quả điều tra từ năm 2018 đến năm 2020, những người có liên quan tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông, Công ty Cổ phần Đầu tư Quang Thuận, Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương Mại thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sunny World, và các tổ chức khác, đã gian dối, làm trái quy định của pháp luật, khi tạo lập 25 gói trái phiếu và 20 mã số hiệu với tổng trị giá 30.000 tỷ đồng, để bán cho các trái chủ, huy động tiền và chiếm đoạt.
Theo Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, những trái chủ đang sở hữu những mã trái phiếu do bốn công ty vừa nêu, là bị hại trong vụ án này.
Bộ Công an đề nghị, người bị hại còn dư nợ trái phiếu của 25 gói trái phiếu và 20 mã số hiệu liên quan, đến cơ quan cảnh sát điều tra thuộc công an các tỉnh, thành phố, cung cấp thông tin, tài liệu, hợp đồng liên quan, để được xem xét, giải quyết, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp. RFA cho hay.
Theo RFA, vào ngày 7/10/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) thuộc Bộ Công an, ra quyết định khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan.
Đồng thời, C03 ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với bà Trương Mỹ Lan và ba bị can đồng phạm, về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trong số các bị can có bà Nguyễn Phương Hồng – Trợ lý Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
RFA nhắc đến sự việc ông Nguyễn Tiến Thành – Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt, thành viên Hội đồng Quản trị độc lập tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB), đột ngột qua đời do “đột quỵ“, cũng trong ngày 7/10/2022, là ngày bà Trương Mỹ Lan bị bắt.
Ông Nguyễn Tiến Thành là chồng của bà Tống Thị Thanh Hoàng – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
RFA cũng đề cập đến cái chết của bà Nguyễn Phương Hồng, 39 tuổi, Trợ lý của bà Trương Mỹ Lan. Bà Hồng qua đời vào rạng sáng 9/10, trong khi đang bị bắt tạm giam, nguyên nhân không được tiết lộ.
Sự việc càng kỳ lạ hơn khi báo chí Nhà nước ngày 10/10 đăng tải thông tin này, tuy nhiên, sau đó lặng lẽ gỡ bài mà không có bất kỳ lời đính chính nào.
Một sự kiện khác của được RFA nhắc tới, đó là, ngày 12/10/2022, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn SCB đã phải lên tiếng trên trang chủ, khẳng định, hai ông Lưu Quốc Thắng – Trưởng Ban Kiểm soát SCB – và ông Diệp Bảo Châu – Phó Tổng Giám đốc SCB – “vẫn đang điều hành công việc hằng ngày của Ngân hàng“, chứ không qua đời như tin đồn.
Vụ khủng hoảng trái phiếu An Đông có liên quan đến Ngân hàng SCB, xảy ra sau khi bà Trương Mỹ Lan bị bắt, ảnh hưởng đến khoảng 100.000 người. Người dân tố họ bị Ngân hàng SCB lừa, bán trái phiếu dưới vỏ bọc “tiết kiệm linh hoạt”. Đa số nạn nhân là người cao tuổi, với khoản tiền dành dụm, tích cóp cả đời, được để dưỡng già, để chăm sóc sức khỏe khi ốm đau bệnh tật, hoặc là khoản dành dụm của gia đình để lo cho con cái ăn học…
Ý Nhi
>>> Khi học sinh trở thành con tin của nhà giáo thổ phỉ
>>> Dù thua lỗ, VinFast vẫn lên kế hoạch mở thêm nhà máy ở Ấn Độ và Indonesia
>>> Việt Nam vẫn thường xuyên cử cán bộ sang đào tạo ở Trung Quốc từ nhiều năm qua
“Ngoại giao cây tre” bôi bẩn hình ảnh hiên ngang của cây tre