Việt Nam sửa luật để phù hợp yêu cầu dẫn độ, vì nhiều tội phạm bỏ trốn ra nước ngoài để né án tử hình

Link Video: https://youtu.be/owpLTLA0v0E

RFA Tiếng Việt ngày 7/10 có bài, “Bộ Công an: Nhiều tội phạm bỏ trốn ra nước ngoài để né án tử hình”.

Theo đó, nhiều người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng đã tìm cách bỏ trốn đến các quốc gia ở châu Âu để “” tử hình.

Đó là thông tin do đại diện Bộ Công an mới đây cho hay trên truyền thông nhà nước rằng, Bộ Tư pháp công bố hồ sơ thẩm định, đề nghị xây dựng Luật Dẫn độ do Bộ Công an xây dựng, trên cơ sở tách từ Luật tương trợ tư pháp 2007.

RFA dẫn báo Pháp Luật điện tử ngày 7/10 cho biết, theo Bộ Công an, xu thế chung của các quốc gia trên thế giới hiện nay là xây dựng riêng Luật dẫn độ, để thuận lợi cho việc áp dụng. Một số quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ… đều đã xây dựng và ban hành luật riêng về dẫn độ.

Liên Hợp Quốc cũng đã thông qua Luật mẫu về dẫn độ (năm 2004) để làm cơ sở cho các quốc gia tham khảo, xây dựng pháp luật trong nước. Ở cấp độ khu vực, ASEAN đã xây dựng Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự, và đang xây dựng Hiệp định về dẫn độ.

RFA cho biết, việc xây dựng Luật Dẫn độ sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc ký kết các Hiệp định dẫn độ giữa Việt Nam với nước ngoài; tăng cường hài hòa hóa và giảm bớt xung đột pháp luật Việt Nam với nước ngoài trong lĩnh vực này.

Bộ Công an đặt kỳ vọng và mong muốn điều này sẽ bảo đảm nội luật hóa và phù hợp hơn với các điều ước quốc tế có liên quan đến dẫn độ, mà Việt Nam là thành viên.

Theo RFA, trong tờ trình gửi Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Công an cho hay, pháp luật Việt Nam hiện có quy định hình phạt tử hình, và không hạn chế việc dẫn độ đối với người có thể sẽ bị kết án tử hình.

Tuy nhiên, một số hiệp định về dẫn độ giữa Việt Nam và các nước, nhất là các quốc gia châu Âu, có quy định, chỉ xem xét yêu cầu dẫn độ nếu Việt Nam cam kết không áp dụng án tử hình, hoặc tuyên tử hình nhưng sẽ không thi hành hình phạt tử hình, đối với người bị yêu cầu dẫn độ. Vì vậy, nếu không có cam kết về vấn đề này, việc dẫn độ sẽ bị từ chối.

Hình: Bài trên RFA

Từ thực tế trên, theo Bộ Công an, vấn đề cam kết không áp dụng án tử hình trong thực hiện tương trợ tư pháp hình sự là một vấn đề rất lớn, phức tạp, chưa được quy định trong Luật Tương trợ Tư pháp. Nhiều đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nắm bắt được xu hướng trên nên đã bỏ trốn đến các quốc gia này.

Vẫn theo RFA, Bộ Công an trong tờ trình đề xuất bổ sung quy định, Chủ tịch nước là người có thẩm quyền quyết định việc đưa ra cam kết không áp dụng hình phạt tử hình, hoặc tuyên hình phạt tử hình nhưng không thi hành hình phạt tử hình.

Bộ Công an cho biết, đã tiếp nhận và xử lý 38 yêu cầu dẫn độ do cơ quan có thẩm quyền của phía nước ngoài gửi đến; đã lập và chuyển 68 hồ sơ yêu cầu dẫn độ đến cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài. Trong đó có trường hợp bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn – cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty AIC và đồng phạm của bà này.

RFA cho biết thêm, có thông tin ban đầu cho biết bà đã trốn sang Nhật, nhưng cũng có tin cho rằng, bà đang ở Đức.

Tờ báo Taz của Đức hồi tháng 8/2023 có bài viết cho biết, bà Nhàn đang ở Đức và phía Việt Nam đã có yêu cầu Đức dẫn độ bà về nước, nhưng bị từ chối. Đồng thời, Chính phủ Đức đã cảnh báo Hà Nội không được có động thái bắt cóc bà Nhàn trên đất Đức. Bởi năm 2017, an ninh Việt Nam từng sang Berlin bắt cóc Trịnh Xuân Thanh về nước, dù lúc đó, ông Thanh đang xin tị nạn chính trị tại Đức.

Minh Vũ

>>> Các dự án dầu khí kéo dài khiến nhà đầu tư muốn rút vốn

>>> Xuất khẩu lao động gia tăng từ đầu năm đến nay

>>> Ai tin ông Võ Văn Thưởng?

>>> Bồi thường cho người bị bắt oan 43 năm trước tại Bình Thuận

Công nhân Công ty Viet Glory đình công kéo dài