Link Video: https://youtu.be/bvY3wlQaIe4
RFA Tiếng Việt ngày 10/10 cho hay “Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang bỏ trốn lại được kêu gọi ra đầu thú”.
Theo đó, Bộ Công an Việt Nam, vào ngày 10/10, đã phát đi thông báo kêu gọi đầu thú đối với bà Chủ tịch Công ty Cổ phần Tiến Bộ Quốc tế (AIC) Nguyễn Thị Thanh Nhàn và những người bỏ trốn khác, trong vụ án xảy ra tại Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh.
Thông báo của Bộ Công an Việt Nam nêu rõ, vào ngày 23/10, Tòa án tỉnh Quảng Ninh sẽ đưa vụ án vừa nêu ra xét xử. Tuy nhiên, bốn bị can trong vụ án hiện đang bỏ trốn và bị truy nã. Bốn người gồm: bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc AIC; ông Nguyễn Hồng Sơn – Phó Tổng Giám đốc AIC; bà Trương Thị Xuân Long – Trưởng Ban Quản lý Dự án 3 của AIC; và bà Nguyễn Thị Tích – Tổng Giám đốc Công ty Mopha.
Theo RFA, bốn người này bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
RFA cho biết, theo hồ sơ vụ án được báo Nhà nước trích dẫn, bà Nguyễn thị Thanh Nhàn chủ mưu mọi hoạt động đấu thầu của AIC, chỉ đạo lập các quy định, quy chế phân cấp, phân quyền cho các phó tổng giám đốc, trưởng các ban, với một quy trình thống nhất các khâu từ chuẩn bị phê duyệt dự án, đấu thầu, thực hiện hợp đồng, nghiệm thu. Bà này còn sử dụng các công ty do chính bà thành lập, các công ty có quan hệ phụ thuộc và đối tác để tham gia dự thầu cho AIC.
Trong vụ này, AIC trúng bốn gói thầu và Công ty Mopha trúng hai gói thầu mua sắm trang thiết bị cho Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, với tổng số tiền hơn 232 tỷ đồng; gây thiệt hại cho nhà nước hơn 50 tỷ đồng.
RFA cho biết thêm, vụ này xảy ra khi đương kim Thủ tướng Phạm Minh Chính là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh.
Trước đó, vẫn theo RFA, vào cuối năm 2022, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị tòa Hà Nội tuyên 30 năm tù, với cáo buộc là chủ mưu vụ án vi phạm quy định đấu thầu, đưa – nhận hối lộ xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.
Giữa tháng 4 vừa qua, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn tiếp tục bị Bộ Công an khởi tố trong vụ án mua sắm trang thiết bị cho Trung tâm Công nghệ Sinh học thành phố Hồ Chí Minh.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn trốn khỏi Việt Nam từ ngay trước khi vụ án đầu tiên liên quan đến bà bị công an khởi tố.
RFA nhắc lại việc mạng báo Taz của Đức hồi đầu tháng 8 loan tin, bà Nhàn đang ở Đức và phía Hà Nội có yêu cầu Berlin dẫn độ bà này về Việt Nam. Tuy vậy, yêu cầu này đã bị từ chối, và theo Taz, Chính phủ Berlin cảnh báo Hà Nội không được có động thái bắt cóc bà này trên đất Đức.
RFA nhắc lại vụ bê bối của mật vụ Việt Nam, khi bắt cóc quan chức dầu khí Trịnh Xuân Thanh tại Berlin, rồi đưa về Hà Nội, dù lúc đó ông này đang xin tỵ nạn chính trị tại Đức, xảy ra vào năm 2017.
Vụ này khiến quan hệ giữa Đức và Việt Nam xấu đi trong một thời gian dài, trước khi được khôi phục trở lại.
RFA cũng nhắc lại quyết tâm bắt bằng được bà Nhàn, khi Phó Ban Nội chính Trung ương về phòng, chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Văn Yên tuyên bố vào ngày 16/8 vừa qua:
“Khi anh mới là đối tượng truy nã thôi, chưa có bản án thì rất khó khăn trong hợp tác quốc tế, nhưng khi bản án tuyên có hiệu lực thì anh là tội phạm, nhất là tội phạm liên quan đến tham nhũng, kinh tế thì thế giới này không có nước nào dung tha.”
Vẫn theo RFA, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn từng làm trung gian cho các thương vụ mua bán vũ khí giữa Việt Nam và các nhóm quốc phòng phương Tây; trong đó có thương vụ mua bán một vệ tinh quân sự cho Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Israel (IAI) hồi năm 2018.
Xuân Hưng
>>> Hot trend ẩm thực mới của giới trẻ – bánh đồng xu
>>> Nạn nhân trái phiếu SCB mong sớm nhận lại tiền và đề nghị truy tố SCB
>>> Bà Nguyễn Phương Hằng không kháng cáo
>>> Việt Nam cần đột phá để tự cường và đủ sức đối phó Trung Quốc
Quy hoạch cán bộ khóa XIV, có loại được thành phần cơ hội, phe nhóm?